Bác Hồ Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam

Đăng lúc: 12-06-2018 8:57 Sáng - Đã xem: 76 lượt xem In bài viết

 

Năm 1911, rời bến cảng nhà Rồng Bác Hồ của chúng ta đã bôn ba khắp năm châu, bốn biển và đã làm đủ mọi việc để sinh sống. Trong những năm tháng ấy đã để lại cho Bác một kho tàng kiến thức vô giá, cũng những năm tháng ấy Bác đã viết báo lên án chế độ hà khắc của thực dân ở các nước thuộc địa. Đặc biệt tháng 6 năm 1919 với bản yêu sách tám điểm đòi quyền tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nam trong hội nghị Vécxây[i]:

Trong khi chờ đợi nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý‎ tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự do thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thực sự, nhân dân An Nam trước kia, nay là xứ Đông-Pháp, xin trình bày với các quí chính phủ đồng minh nói chung và với chính phủ Pháp đáng kính nói riêng những yêu sách nhỏ sau đây:

1- Ân xá tất cả chính trị phạm người bản xứ.

2- Cải cách nền công l‎ý Đông Dương bằng cách ban cho người bản xứ cũng được hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người châu Âu, bãi bỏ hoàn toàn và triệt để các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam.

3- Quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận.

4- Quyền tự do lập hội và hội họp.

5- Quyền tự do xuất ngoại và đi du lịch nước ngoài.

6- Quyền tự do giáo dục và thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ.

7- Thay chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật.

8- Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu ra tại nghị viện Pháp để giúp cho nghị viện biết được nguyện vọng của người bản xứ”.

Ngày 21 tháng 6 năm 1925[ii], báo Thanh Niên ra số đầu tiên. Bác vừa là Tổng biên tập, vừa là phóng viên, viết rất nhiều tin bài cho tờ báo. Báo Thanh niên xuất bản đượpc 88 số đã góp phần quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị tư tưởng, tổ chức để tiến tới thành lập Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930. Cùng với việc thành lập tờ báo Thanh niên, Bác Hồ còn sáng lập ba tờ báo cách mạng khác:

– Công nông tại Quảng Châu-Trung quốc năm 1926

– Lính kách mệnh tại Quảng Châu, tháng 2 năm1927

– Việt Nam Độc Lập tại Việt Bắc ngày 1-8-1941.

 Ngoài việc sáng lập báo, Bác còn góp phần quyết định vào việc thống nhất và đổi tên cho một vài tờ báo cách mạng của Việt kiều ở nước ngoài là Lao Động và Thủy thủ ở Pháp năm 1946, tờ Đồng thanh thành tờ Thân ái ở Thái lan năm 1928. Bác đã khởi xướng mở lớp cán bộ viết báo đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng tại chiến khu Việt Bắc năm 1949. Bác đã gửi thư căn dặn học viên lớp học: “…có thể ví dụ rằng: 3 tháng này các bạn đã học cửu chương. Còn muốn giỏi các phép tính thì phải học nữa, phải học mãi. Học ở đâu? Học với ai? Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng. Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công”. Đã ngót bảy mươi năm trôi qua, song những lời dạy của Bác vẫn là kim chỉ nam cho những người làm báo Việt Nam phấn đấu và thực hiện.

Từ khi báo Nhân Dân, cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Bác đã viết hàng nghìn bài báo với nhiều thể loại và bằng nhiều bút danh khác nhau. Mỗi bài báo của Bác là một bài học sâu sắc cho cán bộ và nhân dân ta học tập. Gần sáu chục năm hoạt động cách mạng, Bác đã viết hơn hai nghìn bài báo bằng bảy thứ tiếng với nhiều bút danh khác nhau. Bác là một nhà báo vô sản vĩ đại, là người Thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Bác đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và vì thế Bác luôn coi hoạt động báo chí là hoạt động cách mạng. những bài báo của Bác giản dị, mọi người đọc dễ hiểu nhưng sắc bén, có tính thuyết phục cao.

Gần thế kỷ qua – kể từ khi tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta ra đời (21/6/1925) đến nay, báo chí nước nhà đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc về nhiều mặt, cả loại hình, số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức… Nhưng những lời căn dặn của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị và luôn mang tính thời sự.  Ngày nay đất nước đã và đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển, báo chí là một mặt trận và đây là mặt trận không tiếng súng. những người làm báo là những chiến sỹ trên mặt trận ấy. Vì vậy mà những người làm báo ngày nay còn phải học nữa, học mãi như lời Bác đã dạy, đem tiếng nói của mình góp một phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước giầu mạnh./.

Bùi văn Hoằng

Hà Bình-Hà Trung-Thanh Hoá


[i] Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc năm 1918. Ngày 28 tháng 6 năm 1919, các nước thắng trận và bại trận đã họp Hội nghị tại Versailles, Pháp, để ký kết các hòa ước chính thức, cũng như phân chia các quyền lợi cho các nước thắng trận.

[ii] Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam mới giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Do ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5.2.1985 lấy ngày 21.6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí