Dầu Tiếng tổ chức tọa đàm về truyền thống TNXP

Đăng lúc: 18-07-2018 4:05 Chiều - Đã xem: 41 lượt xem In bài viết

          Nhân kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng huyện Dầu Tiếng (13/3/1975-13/3/2018), 68 năm Ngày truyền thống Lực lượng TNXP (15/7/1950 – 15/7/2018) và 71 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2018), ngày 10/7/2018 Huyện hội Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã  phối hợp với Huyện đoàn tổ chức tọa đàm về lịch sử chiến thắng Dầu Tiếng và truyền thống TNXP Bình Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

             Dự tọa đàm có đại diện Thường trực Huyện ủy – Ủy ban nhân dân huyện Dầu Tiếng, các cựu chiến binh Tiểu đoàn Phú Lợi trong chiến dịch giải phóng Dầu Tiếng ngày 13/3/1975, cựu TNXP là những nhân chứng lịch sử năm xưa cùng với hơn 100 đại biểu là đoàn viên thanh niên,

          Tỉnh Bình Dương có “Khu tưởng niệm và Đền TNXP” để tưởng nhớ đến hơn ba ngàn liệt sĩ bộ đội, hàng trăm liệt sĩ TNXP và đồng bào đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường “Tam giác sắt[i]” – Huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương ngày nay. Trước khi tọa đàm các đại biểu đã đến dâng hương “Khu tưởng niệm và Đền TNXP”. Các đại biểu rất xúc động đứng trang nghiêm trước Đền thờ làm lễ Dâng Hương và như thầm nói với lòng mình: “Thưa anh linh các anh hùng liệt sĩ TNXP, với lòng biết ơn sâu sắc trong những năm qua lãnh đạo Tỉnh, huyện, các cơ quan chức năng đã làm hết sức mình trong việc giử gìn, phụng thờ, hương khói Khu tưởng niệm và đền thờ TNXP trang nhiêm, ấm áp Hội Cựu TNXP cũng đã làm hết sức mình trong việc tìm kiếm, truy tập hài cốt, mồ mã các anh hùng liệt sĩ TNXP về với đất mẹ, về Đền thờ thiêng liêng. Hôm nay một lần nữa tự đáy lòng mình chúng tôi mãi mãi ghi nhớ và biết ơn sự hy sinh xương máu, tuổi xuân, tính mạng của các anh các chị để cho Tổ quốc ta được độc lập, tự do, nhân dân ta và chúng tôi hôm nay được hưởng hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Các anh hùng liệt sĩ TNXP mãi mãi là tượng đài bất tử trong lòng các thế hệ trẻ Việt Nam! Xin các anh các chị hãy yên nghỉ nơi đây. Bên cạnh các đồng chí luôn luôn có chúng tôi, có đồng bào, đồng chí của quê hương Dầu Tiếng, Bình Dương anh hùng.”

    Ông Huỳnh Minh Nghĩa, Ông Nghuyễn văn Tự cùng là cựu binh Tiểu đoàn Phú Lợi kể lại diễn biến các trận đánh trong chiến dịch bao vây, tấn công địch tiến tới giải phóng hoàn toàn huyện Dầu Tiếng ngay từ đầu tháng 3 năm 1975, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cánh quân tiến công giải phóng Sài Gòn tháng 4 năm 1975.

      Bà Vũ Thanh Phương người cán bộ TNXP năm xưa nói về vai trò TNXP, đặc biệt là nữ TNXP chịu đựng biết bao khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh trên chiến trường “Tam giác săt”, bom cày đạn xới tùng phút từng giờ, sự hy sinh, mất mát của TNXP ngày ấy là không gì bù đắp được. Bà xúc động nghẹn ngào nói cho đến nay có liệt sĩ TNXP vẫn chưa tìm được hài cốt đưa về đất mẹ, về đền thờ TNXP.

      Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Dầu Tiếng kể về sự hy sinh mất mát của TNXP, của đồng bào, đồng chí trong chiến tranh mà ông không thể nào quên được. Ông xúc động nói với các cháu đoàn viên thanh niên, những người chủ của tương lai đất nước hãy ghi nhớ ý nghĩa, giá trị của lịch sử, sự hy sinh to lớn của cha anh để hun đúc lòng tự hào, ý chí và truyền thống kiên cường năm xưa, ra sức học tập, lao động, làm việc, vững chắc tay súng bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước ta ngày càng giàu đẹp hơn như Bác Hồ và các thế hệ cha anh hằng mong ước.

     Kết thúc buổi tọa đàm những mái đầu tóc đã bạc và những mái đầu xanh hôm nay quấn quít bên nhau trong niềm tự hào về quá khứ anh hùng hòa huyện với hiện tại đầy niềm tin vào tương lai tươi sáng của Bình Dương và của non sông gấm vóc Việt Nam./.

Trần Chí Cường


[i] Tên “Tam giác sắt” đã trở nên quen thuộc với nhiều người trong trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược trước đây. Nhưng cũng không ít người chưa có dịp dù chỉ một lần đến nơi này. Ngày nay, nhiều người hiểu “Tam giác sắt” rất khác nhau. Có người cho rằng “Tam giác sắt” là vùng Tây Nam Bến Cát, cũng có người cho rằng nó bao gồm phần đất Tây Nam Bến Cát – Dầu Tiếng – Long Nguyên. Rộng hơn nữa, có người cho rằng nó kéo dài từ Long Nguyên (Bến Cát) – Trảng Bàng (Tây Ninh) và Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh). Tất cả đều đúng, vì địa danh “Tam giác sắt” cùng phát triển theo bước phát triển của cuộc chiến tranh. Duy chỉ có một điều ít ai nghĩ tới là nguồn gốc ban đầu của “Tam giác sắt” lại chính là địa bàn của 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An (3 xã Tây Nam của huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương).