Giỏi cả việc Hội và làm kinh tế gia đình

Đăng lúc: 04-10-2017 1:43 Chiều - Đã xem: 46 lượt xem In bài viết

 

 Đó là ông Dương Duy Trì, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Ông Trì là gương điển hình trong công tác lãnh đạo, vừa làm kinh tế gia đình giỏi và giàu lòng nhân ái. Ông được Chủ tịch nước tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì. Kỷ niệm chương TNXP, Kỷ niệm chương “Quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào”; Bằng khen Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh…

Cựu TNXP Dương Duy Trì bên sản phẩm hạt điều nhặt cuối mùa.

Những năm tháng trên đất bạn Lào…

Năm 1970, rời xã Nga Trung, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ông Trì gia nhập TNXP rồi làm công nhân cầu đường thuộc đơn vị K2C- Đoàn 217, sau đó đơn vị ông chuyển qua quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào… Ông Trì nhớ nhất những tháng ngày sống, làm việc trên đất bạn là vào năm 1973. Lúc đó đang mùa mưa, đất đường sụp xuệ nước, gạo thì có mà thực phẩm thì không. Đóng quân ở hang Pu Ke của tỉnh Sầm Nưa, hàng tuần không có thức ăn. Mưa lớn liên tục nhiều ngày, xe chở hàng từ Việt Nam không qua được. Thức ăn “chủ lực” là cơm cháy nấu với lá me đất và muối ròng rã gần nửa tháng trời. Có bữa anh nuôi mở bọc cá khô ra thấy toàn dòi, do vận chuyển nhiều ngày gói bọc không kỹ bị mưa thấm ẩm ướt. Đường biên giới thời đó đất lụp sụp ổ voi, ổ gà, đi rất vất vả.

Khi đang làm ở tỉnh Thanh Hóa, đơn vị ông nhận nhiệm vụ mới qua giúp nước bạn Lào xây dựng các công trình cầu đường, các đập ngầm thủy lợi. Những chiếc xe ba cầu D157 hồi đó chở đơn vị ông ì ạch bò ba ngày liền mới đến đất Lào. Nên việc vận chuyển thực phẩm như cá khô, thịt heo… bị hư hỏng bốc mùi là chuyện thường. Vậy mà kho nấu lên lính vẫn “chén” ngon lành chẳng hề chê chút nào. Ông Trì cười vui vẻ kể lại.

 Năm 1973, ông Trì làm A trưởng, phụ trách công tác Đoàn. Đến năm 1978, ông Trì về nước và sát nhập vào Sư đoàn 300, làm 10 công trình đựng phụ tùng máy bay ở sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa). Cuối năm 1978, khi đã có con trai đầu lòng, ông lại xung phong qua Lào làm đập ngầm tại tỉnh Xiêng Khoảng, cách thị xã Phôn Xa Vẳn[i]  khoảng 30km. Xong, đơn vị ông lại tiếp tục lên xây dựng thị xã Sầm Nưa. Trên đất nước Lào, đơn vị ông đi đến đâu đều tham gia rà phá bom mìn…

Giúp đỡ đồng đội, cưu mang người nghèo…

Về đời thường, khi đã vào xây dựng kinh tế gia đình ở tỉnh Bình Phước, ông Trì gặp lại đồng đội cũ. Ông xúc động trước hoàn cảnh của đồng chí mình quá nghèo. Đó là trường hợp của ông Đỗ Văn Tiên, sống trong căn nhà sụp xuệ, lại hay ốm đau, nên sau mỗi vụ điều ông Trì giúp đỡ 4 – 5 triệu đồng. Ông còn vận động hội viên đóng góp được 15 triệu đồng sửa lại căn nhà cho vợ chồng ông Tiên. Ngoài ra ông còn giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh nghèo từ quê khác đến lập nghiệp, trên nhiều hình thức như: cho mượn vốn chăn nuôi, cho mượn đất trồng hoa màu. Khi có đất làm vườn rồi, ông giúp vốn chăm sóc và không tính lãi. Có người hoàn cảnh khó khăn quá, ông tặng vật dụng dùng trong gia đình, mua tặng xe đạp làm phương tiện đi lại, hỗ trợ sửa nhà, lương thực, thậm chí còn đem chó, gà đến cho như một đứa con ra ở riêng…

Trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, tập thể cán bộ, hội viên cựu TNXP đều tích cực đóng góp hưởng ứng và nhắc nhở con cháu thực hiện nghĩa vụ. Trên 90% các tuyến đường bê tông trong xã đều có sự đóng góp nhiệt tình của cán bộ, hội viên cựu TNXP xã, trong đó có tính năng nỗ, tích cực vận động hội viên hưởng ứng và trách nhiệm nghĩa vụ đóng góp đi đầu của ông Dương Duy Trì.

    “Từ năm 2012-2017, Đảng bộ xã Bình Sơn luôn đạt trong sạch vững mạnh. Năm 2012, Bình Sơn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua cho Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Bình Sơn. Năm 2017, kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, Bình Sơn lại vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc… Phải khẳng định rằng, trong các thành tích ấy đều có phần đóng góp tích cực, nhiệt huyết của tập thể cán bộ, hội viên Hội Cựu TNXP xã nhà…” – Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Sơn Nguyễn Thành Phi cho biết.

    Ông Đỗ Văn Các – Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Phú Riềng cho biết: “Ông Trì là gương điển hình làm kinh tế giỏi, có phong cách đạo đức tốt, trong sáng, gương mẫu tiên phong trong công tác lãnh đạo, đoàn kết gắn bó tương thân, tương ái giúp đỡ đồng đội, cộng đồng và đi đầu thực hiện nghĩa vụ đóng góp xây dựng địa phương…”.

Tuy đã bước qua tuổi 64, ông Trì luôn “miệng nói tay làm”, việc gì cũng lưu loát, hiệu quả. Cán bộ và nhân dân xã Bình Sơn và thôn Sơn Hà 2 còn biết ông giỏi trong làm vườn. Chỉ 1,7 ha điều, năm 2016 ông thu trên 7 tấn. Năm nay điều thất do thời tiết mưa trái mùa dài ngày. Vậy mà vườn điều của nhà ông vẫn đạt trên 4 tấn, bù lại giá hạt điều thô gần 45 ngàn đồng/kg đầu mùa. Cuối mùa, vườn điều các chủ khác đã hết. Riêng vườn điều ông vẫn còn nhặt đem phơi dồn lại được mấy bao… Kỹ thuật chăm sóc điều đạt năng suất cao, ông Trì đều phổ biến cho bà con làm theo như: tỉa cành, tạo tán sao cho thích hợp, dùng thuốc phòng chống bệnh, thuốc dưỡng bông, dưỡng trái, cách un khói đuổi muỗi, bọ xít, bón phân.

                                                        DUY HIẾN  

   

[i] Phonsavan (tiếng Lào: ໂພນສະຫວັນ), còn đọc là Phôn Xa Vẳn, là một huyện (muang) của Lào, dân số 57.000 người, và là tỉnh lỵ tỉnh Xiengkhuang.Trung tâm của huyện được xây vào thập niên 1970 do tỉnh lỵ cũ của Xiengkhuang bị phá hủy nặng nề do cuộc chiến giữa quân đội Pathet Lào và lực lượng chống cộng người Lào do Hoa Kỳ hỗ trợ. Địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của huyện này là Cánh đồng Chum gần bên với những cái chum đá nặng từ 600 kg đến 1 tấn.