Khúc bi hùng “Đường 20 – Quyết thắng”

Đăng lúc: 26-02-2018 3:26 Chiều - Đã xem: 64 lượt xem In bài viết

 

“Đường 20 – Quyết Thắng” dài 125km từ Phong Nha, Quảng Bình đi Aky, Ta Lê đến Phu La Nhích, tỉnh Khăm Muộn, nước bạn Lào, là một trong những đầu cầu, đầu mối được xác định là tuyến đường chiến lược hết sức quan trọng trong công tác vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm đánh Mỹ.

Con đường độc đạo này đã phá đi thế độc chiếnh, nhưng cũng phải chịu rất nhiều bom đạn của kẻ thù dội xuống. Mỗi mét đường là công sức, mồ hôi và máu của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ TNXP bám đường, bảo vệ, làm nhiệm vụ cứu hộ, thông xe…

Sau này, Đại t­ướng Võ Nguyên Giáp viết: “Đ­ường 20 – Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của chiến sỹ và TNXP làm nên”.

Thực hiện chiến dịch vận chuyển mùa khô 1970 – 1971, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 quyết định tăng c­ường lực lượng TNXP của các tỉnh thuộc Quân khu 4 cho tuyến Đ­ường 20 – Quyết Thắng. Nhiều đơn vị, trong đó có 8 TNXP thuộc Đại đội 217, quê Hoằng Hoá, Thanh Hoá đ­ược bổ sung vào Đội TNXP 25, Ban xây dựng 67 hoạt động tại tuyến đường này từ 20/6/1971.

Dù phải sống d­ưới bom đạn ác liệt của kẻ thù, ranh giới giữa sống và chết chỉ là gang tấc, nh­ưng các đội TNXP và tập thể 8 TNXP trên đ­ường 20 – Quyết Thắng đã kiên gan chịu đựng muôn ngàn gian khổ, bom đạn của Mỹ, ngày đêm bám mặt đường, phá bom, thông tuyến, bảo đảm cho hàng chục ngàn xe pháo và bộ đội vượt đư­ờng an toàn, chi viện cho chiến tr­ường miền Nam.

Mỗi ngư­ời phải chịu đựng trên 600 quả bom cỡ lớn và hàng vạn tấn bom đạn các loại do máy bay Mỹ bắn phá dọc đ­ường 20 cộng với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, kham khổ, nh­ưng với tinh thần“Quyết tử cho con đ­ường bất tử”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, 8 TNXP cùng với tập thể Đại đội 217 đã dũng cảm, không chịu khuất phục tr­ước bom đạn ác liệt của kẻ thù. Với ý chí kiên cư­ờng, lực lượng TNXP luôn bám mặt đ­ường phá bom nổ chậm, san lấp hố bom, khôi phục đường, cầu, mở đ­ường tránh, ngụy trang các mối đ­ường v­ượt trọng điểm, nhằm đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Năm 1972, không quân Mỹ tập trung đánh phá ác liệt Đư­ờng 20 với   c­ường độ cao hơn và bằng nhiều loại vũ khí tối tân nhất, từ bom nổ chậm, bom từ trư­ờng, bom điều khiển bằng lade, chất độc hóa học đến dùng B-52 rải thảm. Những địa danh Phong Nha, Km 16 + 200, Cua chữ A, cầu Ta Lê đến Lùm Bùm (Lào) là các trọng điểm, túi bom của quân thù. Hàng nghìn tấn bom Mỹ đã ném xuống và Đ­ường 20 – Quyết thắng trở thành một chảo lửa.

Tháng 6/1972, tổ 8 TNXP ngư­ời Hoằng Hóa, Thanh Hóa gồm: Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Đỗ Thị Loan, Lê Thị L­ương, Nguyễn Văn Huệ, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Mậu Kỷ, Nguyễn Hữu Ph­ương đ­ược điều về chốt giữ tại km 16 + 200 (địa bàn Tân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) – trọng điểm bắn phá ác liệt nhất của đường 20. Vị trí này có một hang núi đá được nhân dân địa phương gọi là Hang Tám Cô, cách thành phố Đồng Hới 55km về hướng Tây Bắc, được tổ dùng làm nơi ẩn nấp khi địch đánh phá đường. Ngày 14/11/1972, Đại đội TNXP 217 nhận lệnh cấp tốc giải phóng giao thông cho đoàn xe quân sự 150 chiếc vượt đ­ường 20 – Quyết Thắng, chở vũ khí, hàng hoá vào miền Nam.

Với quyết tâm “Máu có thể đổ, nh­ưng đư­ờng không thể tắc”, khi việc khôi phục giao thông sắp hoàn thành thì máy bay Mỹ kéo đến oanh tạc, các chiến sĩ kịp rút về hầm trú ẩn, 8 TNXP chạy vào hang Tám Cô.

Máy bay Mỹ thả bom xuống khu vực Km 16 + 200 ba loạt bom cỡ lớn, bầu trời như vỡ vụn bởi tiếng gầm rú của máy bay và những trận bom. Không chỉ mặt đường 20 bị cày nát mà ngay cả những khối núi chung quanh cũng rung chuyển. Chỉ trong mấy phút, cả một vùng núi rừng rộng lớn bị bom đạn nhấn chìm, vùi lấp trong đất đá, khói lửa, đoạn đ­ường 20 bị phá nát, cắt đoạn. Nhiều tốp máy bay phản lực của Mỹ chà đi xát lại khúc đ­ường này đến hết chiều.

Ảnh Đồng Sỹ Tiến

Mọi người kể lại rằng, khi tiếng bom tạm lắng, các tổ TNXP tiếp tục lao ra mặt đ­ường, nhưng hoảng hốt khi thấy một tảng đá lớn lấp kín cửa hang nơi có 8 TNXP đang ẩn nấp. Họ chỉ nghe văng vẳng tiếng kêu cứu của đồng đội từ sau tảng đá vang ra. Chỉ huy Đội TNXP 25 và Binh trạm 14 đã tìm mọi biện pháp để cứu đồng đội mắc kẹt ở bên trong, nhưng sức người vô cùng nhỏ bé đành bất lực… Nghe tiếng kêu vẳng ra từ hang đá của đồng đội, những người bên ngoài chỉ biết xót thương, đau đớn gạt nước mắt. Chỉ cách nhau gang tấc mà đành để các anh chị chết dần, chết mòn. Những ngày tiếp theo, đồng đội của 8 anh chị TNXP vẫn liên tục quanh quẩn ở cửa hang, mò tìm những khe hở, đường nứt của khối đá để luồn ống bơm nước, bơm sữa, đổ cháo nhưng không thành. Đến ngày thứ 9 thì không còn ai nghe thấy tiếng kêu vọng ra nữa. Có người kể rằng, tiếng kêu cuối cùng mà họ nghe thấy là tiếng gọi “Mẹ ơi”… Vậy là sau 8 ngày đêm, các TNXP trong hang hy sinh… Họ vĩnh viễn nằm lại trong hang đá và hang Tám Cô từ đó, là nấm mồ chung của 8 linh hồn TNXP thông đường bất tử.

Sự hy sinh của 8 TNXP ở trong hang đá đã gây chấn động toàn mặt trận, làm tăng thêm sức mạnh cho cán bộ, đội viên TNXP biến đau th­ương thành hành động cách mạng. Trước cửa hang, cán bộ, chiến sỹ Đại đội 217 Đội TNXP 25 đã thề sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc để thông tuyến, thông đường. Hang đá nơi 8 TNXP hy sinh trở thành địa chỉ đỏ và điểm linh thiêng đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ hành quân trên tuyến đ­ường, họ kể cho nhau nghe và truyền đi câu chuyện về sự hy sinh dũng cảm của đồng đội.

Gần một phần tư thế kỷ, năm 1996, tỉnh Quảng Bình cho lực lượng công binh lên phá cửa hang Tám Cô để quy tập các liệt sỹ. Sau 59 ngày đêm khoan, cưa, phá đá, đánh mìn, cửa hang mới được mở. Mọi người vô cùng xúc động khi thấy những hài cốt liệt sỹ ngã xuống sau 8 ngày không có thức ăn, nước uống và khí thở vẫn như đang quây quần bên nhau, nương tựa vào nhau để bình thản đón nhận cái chết đang đến. Đội quy tập 589 – Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình còn tìm thấy một đôi dép cao su, một chiếc bi đông, 2 chiếc bút máy và chiếc kẹp tóc trong hang Tám Cô.

Có thể mọi người vẫn lầm tưởng, nhưng tên gọi hang Tám Cô đã có từ trước khi xảy ra sự kiện đau lòng trên. Người dân địa phương kể lại, hồi ấy trên cung đường này thường xuyên có một tiểu đội nữ TNXP làm nhiệm vụ phá bom thông đường. Mỗi khi có bom, hoặc những lúc nghỉ ngơi, cả tiểu đội thường vào hang đá này trú ẩn và sinh hoạt. Không hẳn lúc nào cũng có 8 nữ TNXP, nhưng bà con địa phương vẫn quen gọi là hang Tám Cô bởi sinh hoạt của các tổ TNXP nhiều năm trong thời kì này có số lượng như vậy. Cứ khoảng 2, 3 năm lại thay đổi “nhân sự” một lần, các cô gái ấy ra đi nhưng cái tên của hang vẫn mang dấu ấn của những người con gái TNXP ấy. Không ngờ con số tám oan nghiệt lại gắn liền với 8 TNXP hy sinh sau tám ngày bị giam cầm tuyệt vọng trong hang.

Ngày 14/5/2009, Chủ tịch nước đã kí quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho tập thể 8 liệt sĩ TNXP thuộc Đại đội 217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559.

46 năm đã trôi qua kể từ khi những người con Hoằng Hóa anh dũng dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc, tên tuổi của họ đã tạc vào địa danh lịch sử nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã xây bức phù điêu để ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại hang Tám Cô và Đường 20 Quyết Thắng. Đúng như bài phú “Đây đường 20 Quyết Thắng” của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết trên bia trong Khu di tích: “Vươn cao muôn trượng bóng anh hùng – Tỏa sáng mười phương gương dũng kiệt… Đường 20: Một Miếu khang trang – Đỉnh Quyết Thắng: Trăm cờ khánh tiết – Tưởng niệm những anh hùng. Xót thương bao nghĩa liệt – Tuổi chẳng thọ, nhưng huân công mãi trường tồn – Thân dù tan, mà khí phách đời đời bất diệt…”

Người viết kính cẩn nghiêng mình trước anh linh 8 liệt sĩ TNXP đã dâng hiến trọn tuổi 20 cho đất nước trường tồn; tên tuổi của các chị, các anh muôn đời bất tử…

Đại tá TS Nguyễn Thành Hữu