Lê Thị Thu Hạnh kiên cường, dũng cảm, hết lòng chăm sóc thương binh

Đăng lúc: 17-09-2017 9:20 Sáng - Đã xem: 54 lượt xem In bài viết

Anh hùng Lê Thị Thu Hạnh (tức Hảnh) dân tộc Kinh sinh năm 1951, tại miền quê Phong Chương, Phong Điền, Thừa Thiên. Khi được tuyên dương anh hùng chị là đảng viên, thượng sĩ, y sĩ thuộc đội Điều trị 82 Cục Hậu cần Quân khu Trị Thiên.

Năm 14 tuổi (1965), cố bé Thu Hạnh hoạt động cơ sở ở địa phương, liên lạc, nắm tình hình địch chốt chặn, lùng sục, báo cáo cho cán bộ, du kích để có kế hoạch đối phó.

Tháng 7 năm 1966, khi vừa tròn 15 tuổi, Thu Hạnh gia nhập lực lượng TNXP thuộc Đại đội hành lang tỉnh Thừa Thiên làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí, cáng tải thương rồi làm y tá. Đến chiến dịch Mậu Thân, đơn vị Thu Hạnh đổi phiên hiệu thành C4 K200 quân khu Trị Thiên. Gần 3 năm Thu Hạnh cùng đơn vị tham gia chuyển vũ khí từ chiến khu về vùng tạm chiếm, cáng thương binh, liệt sĩ, giải quyết các công tác hậu chiến hoặc chuyển lương thực, thực phẩm từ vùng tạm chiếm về chiến khu. Trên đường đi, đêm phải luồn lách qua đồn bốt, điểm phục kích, bom pháo địch. Ngày thì canh chừng máy bay “rà chụp”. Không ngại gian khổ, bom đạn, ác liệt. Tuy tuổi nhỏ, sức yếu nhưng Thu Hạnh luôn đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch. Ngoài ra còn đảm nhiệm công việc của y tá phục vụ đơn vị, phục vụ thương binh theo mọi yêu cầu.

Tháng 5 năm 1968, Thu Hạnh công tác tại đội Điều trị 82, đội phẫu tiền phương K200 Quân khu Trị Thiên. Nhiệm vụ y tá phòng mổ ở chiến trường vất vả vô cùng, hết phục vụ phòng mổ lại tranh thủ giặt bông băng, hấp sấy tiệt trùng dụng cụ, vừa phải chăm sóc thương binh, có khi trong khói bom và tiếng súng rền, có khi phải di chuyển để đảm bảo an toàn và bí mật. Thu Hạnh nhiều ngày làm việc tới 15 – 16 giờ liền, có khi thức suốt cả đêm ngồi cho thương binh tựa ngủ, Thu Hạnh thường xung phong nhận những thương binh nặng nhất. Trong 4 năm liền cô chăm sóc chu đáo gần 300 thương binh nặng và tiêm hơn 4 vạn mũi an toàn. Những thương binh nặng hằng ngày đau đớn vì vết thương hành hạ, dù vất vả bao nhiêu Thu Hạnh vẫn ân cần chăm sóc không hề phàn nàn. Người thương binh nào cũng nhận ở Thu Hạnh tình thương yêu kính phục. Tháng 6 năm 1972, Thu Hạnh được đi học lớp đào tạo y sĩ, chịu khó học hỏi, kiên trì vượt mọi khó khăn để vươn lên trong học tập, Thu Hạnh đã tốt nghiệp y sĩ loại giỏi. Lê Thị Thu Hạnh không chỉ chịu khó, nhẫn nại trong công việc mà còn luôn gần gũi giúp đỡ chị em trong đội, luôn nâng cao chuyên môn cũng như rèn luyện đạo đức lối sống. Tấm lòng cao cả của Lê Thị Thu Hạnh được anh chị em trong đơn vị, thương bệnh binh mến phục.

Trong 10 năm lăn lộn, gắn bó với Đội điều trị 82, Lê Thị Thu Hạnh được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba; bốn lần được bầu là Chiến sĩ thi đua; 2 lần là Dũng sĩ Quyết thắng; 12 bằng khen. Đặc biệt, ngày 15 tháng 1 năm 1976 chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân vì “Đã lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi cuối cùng”. (Theo Lệnh số 01/LCT ngày 15 tháng 1 năm 1976, vào sổ vàng ngày 15 tháng 1 năm 1976) do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng ký.

Năm 1982, chị được đi học lớp đào tạo bác sĩ tại trường Y dược Huế.

Năm 1991, Lê Thị Thu Hạnh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bác sĩ Lê Thị Thu Hạnh thanh thản về nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá.

Từ năm 2006 đến nay, người nữ anh hùng ấy lại mê mải trên mỗi nẻo đường, cùng đồng đội đi tìm đồng đội và chăm lo cho những mảnh đời nghèo khó, cô đơn với vai trò của Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thừa Thiên Huế. Chúc cho chị mãi là người thổi bùng ngọn lửa truyền thống của TNXP.

Nguyễn Hương Mai

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2015