Lòng nhân ái của một cặp vợ chồng thanh niên xung phong ở Bình Phước

Đăng lúc: 04-04-2018 9:01 Sáng - Đã xem: 31 lượt xem In bài viết

 

   Đầu năm 1977, từ huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, Đỗ Thị Cự và Phí Ngọc Trứ gia nhập đơn vị TNXP tiền trạm và có mặt tại 2 huyện Lộc Ninh – Phước Long (tỉnh Sông Bé cũ), với nhiệm vụ khai hoang, dựng doanh trại, làm nhà, trường học, trạm xá, để đưa dân vào xây dựng kinh tế mới.

  Ông Phí Ngọc Trứ kể lại: “Thời đó, đất nước còn khó khăn thiếu thốn mọi bề. Chúng tôi lương thực được cấp người 3kg gạo mỗi tháng. Anh em trong đơn vị phải ăn độn thêm sắn lát, măng rừng. Có nhiều bữa liên tục xào măng tươi ăn, dẫn đến anh em sức khỏe yếu, sốt rét nhiều”. Bà Đỗ Thị Cự xúc động kể tiếp lời chồng: “Đơn vị có hai chị em cùng tình nguyện đi TNXP một đợt. Những tháng đầu ăn sắn lát độn cơm. Vì quá thương em, nên người chị lựa cơm ra nhường cho em, còn mình thì chịu khó ăn sắn lát. Trước hành động ưu ái của chị, người em đã thấu hiểu được hoàn cảnh chung và sau đó mấy ngày chị kiên quyết chịu đựng để vượt qua khó khăn hiện tại”.

Bà Cự, ông Trứ cũng bị sốt rét mấy lần. Duy có một lần bà Cự sốt nặng, ông Trứ và một người khiêng đến bệnh xá Lộc Ninh xa gần 9km. Đường mấp mô làm võng xốc lên xốc xuống, bà Cự nước da vàng nhợt, kiệt sức, ông Trứ như đứt từng khúc ruột.

Chiến tranh kết thúc. Non sông thu về một mối. Những TNXP tiền trạm vẫn đổ máu, hy sinh vì bom mìn còn sót lại và quân Pôn Pốt vượt biên giới sát hại, cả những cơn sốt rét, sốt ác tính ập đến bất thường.

Chồng bác sỹ, vợ hộ sinh, trưởng thành từ Trường học lớn TNXP

Vợ chồng ông Trứ

Ông Trứ học xong cấp ba và thi vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Ra trường, ông Trứ tình nguyện đi TNXP cùng đơn vị với vợ mình là bà Cự bây giờ. Sau 3 năm, ông chuyển ngành học chuyên môn Y tế về làm Y sỹ ở bệnh viện tuyến huyện. Công tác phục vụ tại bệnh viện thời gian, ông Trứ tiếp tục học nâng cao trình độ chuyên môn và tốt nghiệp Đại học y khoa về làm bác sỹ ở bệnh viện Phước Bình (Sông Bé cũ). Năm 1980, ông Trứ đã là Bác sỹ và hiện nay là Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Phước Long.

Sau 3 năm hoàn thành nhiệm vụ TNXP, bà Cự theo nghiệp chồng học chuyên môn và làm nữ hộ sinh chuyên khoa sản. Hai ông bà đã nhiều lần theo đoàn khám bệnh từ thiện, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng xa. Không chỉ trên địa bàn thị xã Phước Long mà còn đến huyện Bù Gia Mập giáp tỉnh Đắc Nông. Ngoài khám bệnh, ông Trứ còn hướng dẫn, tư vấn cho đồng bào DTTS cách làm ăn trồng trọt, cách làm giàu từ canh tác vườn; có thiếu thốn thì ra đại lý thu mua nông sản của mình để mượn tiền, hay mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tuyệt đối không vay tiền của thương lái mua nông sản, sau ép giá, ảnh hưởng đến đời sống gia đình và con cái ăn học, thậm chí buộc cầm cố đất, bán điều non. Bà con DTTS được khám bệnh, cấp thuốc lại còn được ông Trứ, bà Cự tư vấn hướng dẫn cách làm ăn, cách phòng dịch bệnh. Nhiều người ra khám bệnh tại nhà, thấu hiểu hoàn cảnh họ, ông Trứ, bà Cự còn mạnh dạn cho họ mượn tiền. Thu mùa, họ tự giác đem tiền ra trả và hàm ơn hai ông bà. Trong số đó, có người ông bà còn chưa biết tên và nhà cửa, vườn tược họ ở đâu. Với ông Trứ, bà Cự, đức độ và phẩm chất ấy đã nung đắp từ những năm tháng TNXP đầy gian truân vất vả. Cậu con trai út theo nghiệp bố mẹ, anh là một bác sỹ quân y xung phong ra công tác ở quần đảo Trường Sa…

   Ông Đinh Trọng Vinh, Chủ tịch Hội cựu TNXP phường Long Thủy, thị xã Phước Long (Bình Phước), đưa tôi đến viết gương “Người tốt, việc tốt” cho Bản tin Cựu TNXP Việt Nam. Ông cho biết: “Cựu TNXP Phí Ngọc Trứ và Đỗ Thị Cự luôn tích cực trong phong trào hoạt động Hội. Hai ông bà cũng là hạt nhân xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ của Hội, đi đầu trong mọi đóng góp xây dựng quỹ và tích cực làm từ thiện”.

Ngoài tham gia bếp cơm tình thương giúp bệnh nhân nghèo, khó khăn tại bệnh viện thị xã Phước Long và gói bánh chưng tặng cựu TNXP đón tết, tặng bà con nghèo, khó khăn đang sinh sống tại phường và thị xã Phước Long ông bà còn tặng quà cho người cao tuổi diện khó khăn, nhận hỗ trợ tiền ăn, gạo cho 3 cụ lâm hoàn cảnh neo đơn và 3 bệnh nhân lâm căn bệnh hiểm nghèo, mỗi tháng gần 300 ngàn đồng mỗi người; giúp chăn, màn, áo quần cho đồng bào DTTS. Đặc biệt trên 10 năm nay, mỗi năm hai ông bà mua tặng 300kg gạo tặng cho người nghèo mùa giáp hạt. Ngoài ra, ông bà còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện khác của các hội, đoàn thể, cũng như Hội Chữ thập đỏ thị xã Phước Long và Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Phước tổ chức.

   Ghi nhận sự cống hiến, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã tặng bằng khen Tuyên dương ông Phí Ngọc Trứ, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Phước Long – một tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước. Ông Trứ còn được tặng kỷ niệm chương vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo của đất nước. Bà Đỗ Thị Cự cũng đã được các cấp Hội Cựu TNXP tặng nhiều giấy khen.

                                                       DUY HIẾN