Ngầm Long Đại những ngày cam go ấy

Đăng lúc: 24-01-2018 9:14 Sáng - Đã xem: 45 lượt xem In bài viết

 Sau đợt oanh tạc có tính hủy diệt trên đường 10 Trường Sơn hồi tháng 5 năm 1970, máy bay Mĩ lại thay đổi chiến thuật đánh phá. Chúng dùng máy bay trinh sát OV-10, L-19 thường xuyên bay dọc tuyến, rải cây thu phát, bom tai hồng và những ống hình lục lăng bên trong chứa thứ bột trắng trắng xuống mặt đường, 2 bên bìa rừng đường 10 Trường Sơn, thỉnh thoảng lại bắn mấy quả pháo khói điểm cho bầy quạ Mĩ đến ném bom tọa độ.

Nhưng đến đầu tháng 5/1972 đột nhiên máy bay Mĩ đánh trở lại liên tục cả ngày lẫn đêm trên toàn tuyến, nhất là trọng điểm ngầm Long Đại tại K28 đường 10. Chỉ hai trận đánh đêm bằng B52 thôi thì rừng 2 đầu ngầm bị bom cày lên xới lại trụi trơ không còn một nhành cây ngọn cỏ. Những căn hầm chữ A[i], đơn vị bố trí ken dầy phía Taluy âm hai bên đầu ngầm cũng bị bom cày lên hoặc hư hỏng nặng.

Đơn vị TNXP C440[ii] chúng tôi đóng quân tại K28 + 700 đi sâu vào phía nam đường chừng hơn một cây số. Mấy hôm nay chúng đánh rát quá nên các đơn vị xe họ cũng chuyển sang chạy đêm. Đơn vị tôi cũng tránh giờ cao điểm nên tổ chức cho các Tiểu đội ra tuyến từ chiều muộn đến thông đêm. Mấy đồng chí đã cầm quyết định ra quân từ cuối tháng tư mà hằng đêm vẫn phải cùng đơn vị đi san lấp hố bom, lát đá hộc cứu ngầm Long Đại. Mọi người được phân công theo từng bộ phận, tốp san lấp hố bom, tốp giải phóng đất đá taluy sạt, tốp ngâm mình chèn lại đá hộc trong rọ thép dưới ngầm bị xô dồn do sức ép của bom. Còn lại thì đi tu sửa hầm hào và làm mới thêm hầm chữ A để bảo toàn lực lượng bám trụ lâu dài.

Nhớ có một tối vào giữa tháng 5/1972, đơn vị đang mải miết tập trung san lấp hố bom do máy bay Mĩ đánh đầu giờ chiều, cách phía nam ngầm Long Đại chừng 100 mét. Thình lình một tốp máy bay, bay rẹt qua trọng điểm ngầm Long Đại tung ra 4 quả pháo sáng. Rồi khi nghe thấy tiếng động cơ máy bay vòng trở lại, tất cả mọi người chỉ kịp lao vào các căn hầm. Một loạt đạn 20 ly nổ đanh tai và những ánh chớp sáng lòe từ hai trận địa pháo 14ly5 của Bộ đội ta đan chéo nhau trên núi, như quyết tâm đánh trả quyết liệt tốp máy bay Mĩ. Sau vài phút lặng im là từng loạt tiếng nổ liên hoàn của mấy trăm quả bom bi con nổ giòn ở bên phía Bắc ngầm. Một lúc sau thấy im tiếng máy bay, không ai bảo ai mọi người cùng nhào ra khỏi hầm. Tiếng báo cáo của các tiểu đội cho biết là không ai làm sao cả. Mọi người lại tiếp tục công việc dưới ánh sáng đèn dù đang là là hạ xuống cánh rừng bên kia đầu núi. Niềm vui bỗng vỡ òa khi có 2 tiếng súng báo thông đường, đó là khi chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi lại tản ra đứng bên lề đường làm cọc tiêu tạm. Mọi người cùng vẫy vẫy tay theo những đoàn xe rung rinh lá ngụy trang nối nhau nhấn ga ra tiền tuyến. Hình như họ đã quên đi vất vả mệt nhọc, quên đi những phút giây nguy hiểm, nhiều cô gái hứng lên cùng hát vang mãi bài ca “Cô gái mở đường”, … mặc bom rơi pháo sáng mịt mùng… và cứ thế… cứ thế… .         

 Hai ngày sau đó không thấy máy bay oanh tạc khu vực này nữa. Thủ trưởng Cự cho trực ban tìm tôi lên lán đại đội, anh giao nhiệm vụ cho tôi ngay chiều nay đi cùng các đồng chí có quyết định ra quân lên Công trường Bộ liên hệ đổi phiếu gạo và thanh toán tiền ra quân cho họ. Khi về mang thư và công văn của đơn vị còn tồn lại trên Công trường Bộ mấy tuần qua. Cơm trưa xong, do các đồng đội được ra quân hối đi sớm, vì vậy mới chưa đến 12 giờ chúng tôi men theo lối mòn đã đi ra đến tuyến. Đang định chở xe Ben chở đá để đi nhờ thì có một chiếc Zil157 từ chiến trường đi ra. Chắc mấy hôm nay tuyến phía trước máy bay Mĩ không uy hiếp nên lái xe mới dám chạy xe vào giờ này. Xe dừng lại cho bọn tôi quá giang. Chúng tôi lên xe và không quên kéo thêm mấy cành cây để ngụy trang. Xe vừa chạy vượt qua ngầm Long Đại chừng 200 mét thì từ trên thùng xe chúng tôi nhìn thấy chiếc OV-10 từ xa đang tới. Một đồng chí đứng bám vào giàn mướp vội đập mạnh vào nóc cabin báo cho lái xe là có máy bay trinh sát. Lái xe nhanh chóng cho xe áp sát vào taluy dương và bảo chúng tôi nhảy ra tìm hầm trú ẩn. Chiếc OV-10 bay qua rồi vòng lại bắn xuống bờ Bắc ngầm một quả pháo khói rồi bay thẳng. Không đầy 3 phút sau 2 chiếc máy bay đến ném 4 quả bom nhưng đều nổ trên taluy dương gần ngầm. Ngồi ở cửa hầm tôi nhô đầu ra thì thấy 2 chiếc máy bay đã vòng lại chắc để kiểm tra rồi chúc xuống rẹt một loạt đạn 20 ly. Tôi vừa kịp ngồi xuống thì đã nghe tiếng đạn nổ chát chúa trên mặt đường.

Một lúc sau không nghe thấy tiếng máy bay nữa, chúng tôi và đồng chí lái xe hú hồn cùng bò ra khỏi hầm. Không ai việc gì nhưng chiếc Zil 157 thì gặp chuyện. Hai bánh xe bên trái cầu giữa và cầu sau trúng mảnh đạn bị xẹp lốp. Lái xe và tôi đi kiểm tra một lượt xung quanh xe, thùng xăng, két nước không việc gì rồi lái xe cười bảo chúng tôi cứ yên tâm đi. Tôi còn đang phân vân thì đồng chí lái xe bảo kéo tuy ô[iii] lắp vào van của hai lốp bị thủng rồi  nhảy lên xe nổ máy. Chừng 3 phút bánh xe cũng đã căng hơi, anh bảo chúng tôi lên xe và vừa chạy vừa bơm. Thì ra loại xe Zil 157 ba cầu này hay thật, vừa có tời để tự cứu mình lại còn vừa chạy vừa bơm cho lốp xe khi bị xì hơi hoặc non hơi. Khoảng gần 2 giờ chiều chúng tôi cũng đến được K21, lái xe cho chúng tôi xuống để rẽ vào Công trường Bộ. Chúng tôi xuống xe chưa kịp tạm biệt thì lái xe đã nhấn ga chạy tiếp. Thì ra ở K22 và K21 này trưa nay cũng bị máy bay oanh tạc, người thì không biết có ai bị sao không nhưng bốn con bò ở khu tăng gia của BT16 đã trúng bom chết hết.

 Chúng tôi vào Công trường Bộ gặp được anh Lê Ngọc Hoàn[iv], tôi đưa thư giới thiệu của Đại đội trưởng Cự. Xem xong anh Hoàn chỉ cho tôi đưa các đồng chí được ra quân tới Phòng Tài vụ thanh toán tiền ra quân, tiền đi đường và đổi mỗi người 20 kg phiếu lương thực (vì ở Trường Sơn chúng tôi đi công tác được giao dịch bằng phiếu lương thực nội bộ mỗi phiếu trị giá 250g, giờ phải đổi sang phiếu Mậu dịch quốc doanh phiếu có hoa văn hai mặt, mỗi phiếu trị giá 225g lương thực). Xong xuôi tôi qua Phòng hành chính lấy công văn, thư từ của đơn vị rồi cùng bốn đồng đội trở ra tuyến chờ xe đi tiếp. Còn tôi đi nhở xe Ben chở đá về mỏ đá K25. Nơi đây có một trung đội của đơn vị C440 làm nhiệm vụ khai thác đá, chờ ở đó để đi cùng xe Ben chở đá về ngầm Long Đại. Thế rồi mấy ngày sau đó máy bay Mĩ lại bắt đầu đánh bom tọa độ. Cho đến tối 19/5/1972 thì nơi đóng quân của đơn vị chúng tôi cũng bị B52 đánh sát qua lán của 2 tiểu đội nhưng chỉ có 9 đồng đội bị thương do sức ép của một quả bom nổ gần hầm.

Đúng là trong chiến tranh bom đạn nó tránh mình chứ mình không thể tránh được bom đạn. Thế là nơi đóng quân của đơn vị tôi lại bị lộ do bom Mĩ phát quang, ngay hôm sau đơn vị tôi lại phải di chuyển đến một khu rừng khác để đóng quân. Lại phải mắc võng mấy ngày để đào hầm, làm nhà hầm nửa chìm nửa nổi để kiên trì “sống bám cầu bám đường” với quyết tâm “máu TNXP C440 có thể đổ nhưng ngầm Long Đại không thể tắc”. Và cứ thế chúng tôi bám trụ đến giữa tháng 12/1972 thì được lệnh ra T30 điều dưỡng. Trên đường đi ra lại có một đồng đội hy sinh do bị trúng bom lúc 19 giờ ngày 18/12/1972 tại ngã ba Hoàn Lão. Đó là Đại đội phó kiêm Bí thư đoàn Hoàng Thị Mỷ quê thôn Đồng Hàn, xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

 Đúng là:

                   … Có một thời, ngầm Long Đại như một túi bom

                   Ép ép, Bê năm hai! Đánh hoài không chán

                   Rừng hai đầu ngầm trụi trơ cày lên xới lại

                   Cái tên “Long Đầu” gọi thay Long Đại từ đây…..

                  

           Và: … Những đêm, ngầm Long Đại trúng đậm bom

                   Ngầm sửa vội để xe ta mau ra mặt trận

                   Hàng chục “O Xung Phong” lại đứng làm tiêu

                   “Cọc tiêu cười giòn”, vẫy sang trái, sang phải, vượt lên….

                                        Hà Đỗ Tú. DĐ: 0169.452.8950.

                     Hội viên Hội VHNTTS; CTV Bản tin Cựu TNXPVN.

[i] Hầm chữ A, là một sáng kiến của Quân đội nhân dân Triều Tiên sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ (1950-1953). Trong kháng chiến chống Mỹ, khi Mỹ đưa cuộc chiến tranh lên tới đỉnh cao ở miền Nam và đánh phá miền Bắc Việt Nam, hầm chữ A được quân và dân Việt Nam cải tiến, sử dụng trên khắp hai miền Nam Bắc. Hầm chữ A có tác dụng chống các loại bom, pháo, đạn và trở thành hầm ẩn nấp an toàn khi địch đánh phá,

[ii] Phiên hiệu đơn vị sau khi sáp nhập C441 vào C442 hồi đầu tháng 3/1972)

[iii] Dây tuy ô, hay còn gọi là ống dầu thủy lực, được thiết kế để truyền dẫn dầu thủy lực giữa các thiết bị, chi tiết máy và dụng cụ thủy lực. Ống tuy ô thường có độ mềm dẻo (dù rất hạn chế) và có nhiều lớp gia cường vững chắc

[iv] Đội trưởng TNXP 39 thuộc Binh trạm 16, sau là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (1997 – 2002)