Người con gái quê hương “Trung dũng, kiên cường toàn dân đánh giặc”

Đăng lúc: 07-09-2017 8:57 Sáng - Đã xem: 42 lượt xem In bài viết

Những ngày đầu năm 1967, từ vùng giải phóng thuộc xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, có 4 người con gái tuổi mười sáu đôi mươi hưởng ứng phong trào 5 xung phong do Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng (NDCM) Việt Nam phát động, tình nguyện lên đường tham gia vào cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc Mỹ, giải phóng miền Nam.

Một trong số những người con gái đó là Nguyễn Thị Bé, chị sinh năm 1953, đã ba lần trốn gia đình ra đi nhưng không thành, đây là lần thứ tư chị mới được toại nguyện (khi tham gia TNXP chị khai sinh năm 1951 để đủ tuổi đơn vị nhận).

Được giao liên dẫn đường, chị băng qua những cánh đồng ngập nước, vượt qua bao nhiêu đồn bốt địch đến vùng giải phóng Thạch Lợi, Lương Hòa, sau đó tiếp tục lên vùng căn cứ cách mạng tại Lò Gò, Tân Biên thuộc tỉnh Tây Ninh. Ngày 9 tháng 01 năm 1967, một ngày đáng nhớ đối với chị Bé (khi lên chiến khu chị được tổ chức đặt tên lại là Nguyễn Thị Hoàng Anh), chị được phân công vào đội 198 (C198) thuộc liên đội 9, Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam (GPMN).

Trong suốt những năm tham gia hoạt động cách mạng, dù gặp nhiều khó khăn gian khổ nhưng chị luôn gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ, hết lòng vì đồng đội, giành phần khó khăn về mình. Chị luôn lấy nhiệm vụ làm vui để giúp vơi đi nỗi nhớ nhà. Trong quyển sổ tay của mình, Hoàng Anh ghi dòng chữ: “Xa quê hương nhớ mẹ hiền, khi nào hết giặc, con về thăm quê”. Trong tình cảm lứa đôi, có lần một anh bộ đội ngỏ ý thì Hoàng Anh đáp lại: “Khi nào hết giặc mới tính chuyện xây dựng gia đình“. Những lúc đóng quân bên bờ suối, hay bên những cánh rừng miền Đông, chị giúp anh em giặt giũ quần áo, đi hái rau rừng cho nhà bếp đơn vị.

Năm 1969, lực lượng TNXP GPMN tổ chức lễ tang Bác Hồ và phát động đợt thi đua: “Biến đau thương thành hành động – lập công dâng Bác“, Hoàng Anh tự thêu vào mũ, áo mình khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, quân Mỹ phong tỏa nhiều vùng, đánh phá dữ dội hòng ngăn chặn không để lực lượng ta thâm nhập đánh vào các cơ quan trọng yếu của chúng. Đội 198 – Liên đội 9 TNXP GPMN nhận nhiệm vụ khẩn cấp bằng mọi cách vận chuyển vũ khí đạn được cho một đơn vị quân giải phóng nằm sâu trong lòng địch (núi Bà Đen – Tây Ninh) đang bị bao vây. Hoàng Anh được lệnh rút theo đơn vị nhưng chị kiên quyết xin ở lại cùng đồng đội chiến đấu. Súng hết đạn, chỉ còn một trái lựu đạn (xin của bộ đội lúc hành quân), bọn Mỹ xông tới bắt sống đồng đội của Hoàng Anh, chị bình tĩnh rút quả lựu đạn chờ bọn Mỹ đến. Hai tên lính Mỹ xông vào bắt sống chị, chị chống trả quyết liệt. Thấy vậy, hai tên lính Mỹ khác lao vào tiếp sức thì Hoàng Anh nghiêng người buông quả lựu đạn nổ tung, 4 tên lính Mỹ chết tại chỗ. Hoàng Anh hi sinh một cách anh dũng, trên chiếc nón tai bèo dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được chị thêu đã thấm đỏ máu đào của chị.

Chị xứng đáng là người con của quê hương Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, một tấm gương tận tụy hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong suốt 3 năm phục vụ chiến đấu và chiến đấu trong lực lượng TNXP GPMN, Hoàng Anh đạt các danh hiệu: Chiến sĩ thi đua, Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ quyết thắng, Kiện tướng thồ…

Ngày 23 tháng 2 năm 2010, với những công lao cống hiến đó, chị vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau bao năm an nghỉ tại nghĩa trang quốc gia Đồi 82, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, vào ngày 26/7/2010, hài cốt của chị đã được đồng đội và tuổi trẻ Long An đưa về an táng ở nghĩa trang liệt sĩ tỉnh nhà./.

Phương Nam

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015