Nguyễn Thị Nậy người chị cả trên đèo Đá Đẽo

Đăng lúc: 05-09-2017 9:14 Chiều - Đã xem: 57 lượt xem In bài viết

Chị Nguyễn Thị Nậy quê ở xã Quảng Long, Quảng Trạch, Quảng Bình. Năm ngoái, khi chúng tôi đến thăm, chị đã nằm liệt giường. Những vết thương cũ hành hạ chị đến cuối đời, và chị đã ra đi khi chưa kịp đón nhận danh hiệu cao quý của Chủ tịch nước trao tặng. Đồng đội đã kể lại những mẩu chuyện về hành động dũng cảm của chị trên đường 15A. Họ phong cho chị nhiều cái tên, mới nghe đã thấy can trường: “Đại bàng Trường Sơn”, “Bí thư chi bộ thép”, rồi “Chị cả trên đèo Đá Đẽo”. Danh hiệu nào cũng hay, cũng xứng đáng, cũng đúng với cương vị của một người chị, người đại đội trưởng và bí thư chi bộ của đơn vị thép.

Năm 1965, cả nước sục sôi lên đường đánh Mỹ. Chị Nậy đang có chồng ở chiến trường B nên mấy lần nộp đơn vào “Ba sẵn sàng”, chị vẫn không được đi. Lên xã “đấu tranh” mãi, cuối cùng chị cũng được lên đường vào mặt trận. Nguyện vọng của chị là vừa phục vụ chiến đấu, vừa phấn đấu rèn luyện để trở thành đảng viên cộng sản. Tuyến đường 15A ở miền tây Quảng Bình, đúng là nơi “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” của tuổi trẻ. Đơn vị C732 đảm bảo mạch máu giao thông ở cung đường Chà Nòi – Khe Rinh, bao gồm cả đèo Đá Đẽo. Không thể kể xiết sự khốc liệt của một tuyến đường đã nằm trong tầm ngắm của không quân Mỹ. Đoạn đường do đơn vị phụ trách có nhiều đèo dốc, núi cao, vực sâu, chỉ cần một loạt bom nổ là tắc đường, vậy mà địch đánh cả ngày lẫn đêm. Mặc cho địch liên tục oanh tạc, các anh chị TNXP của P31 luôn bám trụ để thông xe trong mọi tình huống.

Mới vào chiến trường, được cử làm tiểu đội trưởng, chị Nậy đã cùng anh chị em đi đầu trong san lấp đường và phá bom. Vốn sáng dạ và dũng cảm nên sau một tuần được hướng dẫn, chị đã tự phá được 10 quả bom nổ chậm. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chị cũng bình tĩnh làm chủ tình hình, chủ động giải quyết nhanh mọi công việc. Ngày 12/7/1967, trong khi ban chỉ huy đi vắng, máy bay địch oanh tạc vào đơn vị, có nhiều người hi sinh và bị thương. Một mình chị đã chỉ huy toàn đơn vị lo chữa cháy và cấp cứu thương binh. Mặc cho bom đang còn nổ, chị vẫn lao đến những căn hầm bị sập, dùng tay đào bới cứu được nhiều người bị mắc kẹt. Với sự phấn đấu không ngừng, sau đó không lâu, chị được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tại mặt trận, trước Đảng kỳ chị xúc động trào nước mắt, hứa sẽ phấn đấu suốt đời vì sự nghiệp cách mạng, hi sinh không tiếc máu xương.

Trọng điểm đèo Đá Đẽo ngày càng nóng bỏng, không lúc nào ngớt tiếng máy bay. Kẻ thù nham hiểm đã thả xuống đây rất nhiều loại bom. Tháng 3/1968, một đoàn xe chở hàng qua đèo bị đánh trúng đội hình. Xe bị lật, hàng bốc cháy, đạn nổ đì đùng, cả Đại đội 732 nhanh chóng xông ra cứu người, cứu hàng. Chị Nậy vừa chỉ huy đơn vị, vừa băng qua lửa, cứu được 3 ô tô và gần chục tấn hàng đang có nguy cơ bị nổ. Phát hiện thấy đồng chí lái xe bị thương nặng, chị đã cõng anh chạy một mạch về hầm để băng bó. Rất nhiều lần, với sức khỏe phi thường và tác phong nhanh nhẹn, chị được mọi người kính nể và suy tôn là “Đại bàng Trường Sơn”. Sau trận đánh này, chị được đề bạt làm đại đội phó rồi đại đội trưởng chỉ trong một thời gian ngắn. Nhiệm vụ càng nặng nề, trách nhiệm càng cao, chị vừa làm người chỉ huy, vừa trực tiếp cầm cuốc xẻng lao động trên mặt đường, tham gia phá bom như những chiến sỹ khác.

Khi hai đại đội 732 và 736 sáp nhập thành một đơn vị, chị Nậy giữ chức Đại đội trưởng đồng thời là Bí thư chi bộ. Không quân Mỹ lại đánh phá với cường độ cao hơn, đèo Đá Đẽo bị hư hỏng nặng, xe quân sự bị ùn tắc cả hai phía đèo. Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ thông đường đòi hỏi rất cấp bách. Đảng ủy Công trường 15 nêu quyết tâm: Bằng bất cứ giá nào, dù phải hi sinh cũng phải thông đường trong thời gian sớm nhất!

Với một khối lượng đất đá khổng lồ trên đoạn đường dài, bom nổ chậm lẫn trong đất, cây cối ngổn ngang, nhưng không thể bó tay, chị Nậy vừa động viên, xác định tư tưởng cho anh chị em yên tâm, vừa đề nghị cấp trên hỗ trợ cơ giới. Khi đơn vị thành lập các đội cảm tử để phá bom và san đường, chị Nậy vừa lãnh đạo chung, vừa phụ trách một đội cảm tử. Cả ngày đêm bám trụ ngay trên đèo, chị chỉ huy luôn cả hai chiếc máy ủi C100 san lấp hố bom 24/24 giờ. Như con thoi trên đèo cao, khi cầm cờ xi nhan cho xe qua, khi chị cùng đồng đội căng sức lăn bom nổ chậm xuống vực sâu. Hơn mười ngày liền ăn lương khô và cơm nắm để làm việc, ai cũng khâm phục người chỉ huy có ý chí và sức khỏe kỳ lạ. Nhiều người không biết, chị đã cố gắng rất nhiều để chịu đựng, để vươn lên chiến thắng kẻ thù, khi chị đã biết tin anh Khắc, chồng chị đã bị thương ở chiến trường.

Ngày cuối cùng chuẩn bị thông đường, nhiều tốp máy bay trở lại oanh kích. Đoạn đường vừa sửa xong lại bị hất tung lên, anh chị em lại xông ra san lấp. Chiếc máy ủi C100 bị văng xuống hố bom, lái máy hi sinh, chị Nậy bị bom vùi, dập nát chân trái. Máu chảy đầm đìa, chị Nậy bảo y tá chặt đứt chân để băng bó. Không có thuốc gây tê, chị cắn răng chịu đau đớn để quân y cưa chân. Mặc dù mới băng bó xong, nhưng chị Nậy vẫn cương quyết không rời trận địa khi đường chưa thông. Trước khi buộc phải về trạm phẫu, chị còn dặn anh em cố gắng thông đường nhanh để xe vô chiến trường. Tấm gương của người đại đội trưởng gan dạ đã động viên toàn đơn vị dốc sức trên đoạn đường còn lại. Hai ngày sau đó, đèo Đá Đẽo thông xe trong niềm vui của mọi người. Tuy có mất mát đau thương nhưng nhiệm vụ đã hoàn thành, từng đoàn xe vượt đèo cả ngày lẫn đêm. Trong chiến dịch này, hình ảnh của nữ Bí thư chi bộ thép in đậm mãi trong ký ức của nhiều cựu TNXP trên tuyến đường 15A. Những đồng chí lái xe qua cung đường này rất khâm phục người chỉ huy luôn thường trực trong những tình huống nóng bỏng nhất. Được cấp trên tin tưởng, đồng đội mến phục, chị Nậy là điển hình của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên con đường ra trận.

Sau một thời gian ra Bắc điều dưỡng, chị Nậy được lắp chân giả và gặp lại chồng tại Trạm lắp tay chân giả ở Hà Nội. Niềm vui sum họp gia đình, tuy họ là hai thương binh nặng, người mất chân phải, người cụt tay trái nhưng còn may mắn hơn những người đã nằm lại chiến trường. Đất nước thống nhất, hai vợ chồng trở về quê hương cùng bà con xây dựng cuộc sống mới. Giữa năm 2012, tin vui đến với quê hương Quảng Long và Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình: Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho đồng chí Nguyễn Thị Nậy. Mặc dù chị không còn sống để đón nhận danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng, nhưng đã từ lâu, chị đã là người Anh hùng trong lòng đồng đội ở tuyến đường 15A huyền thoại./.

 

Xuân Vui

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015