Nguyễn Tri Ân dũng sĩ phá bom nổ chậm

Đăng lúc: 16-09-2017 11:09 Sáng - Đã xem: 46 lượt xem In bài viết

Nguyễn Tri Ân sinh năm 1945 tại miền quê Sơn Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh trong một gia đình nông dân có 7 người con. Trong 5 người con trai thì có tới 4 anh em đi bộ đội thời chống Mỹ và Nguyễn Tri Ân tham gia lực lượng TNXP. Nguyễn Tri Ân tình nguyện đi thanh niên xung phong ngày 02/07/1965 đến tháng 12 năm 1974. Sau năm 1974, anh được chuyển đi học và công tác.

Thấm nhuần nhiệm vụ của TNXP là: “Sản xuất, chiến đấu, học tập, rèn luyện và xây dựng cuộc sống”, Nguyễn Tri Ân gia nhập lực lượng TNXP ở C553, tổng đội 55P18 Hà Tĩnh. Lúc đầu bốc vác gạo ở thị trấn Hương Khê, bến đò Trúc Hà Tĩnh. Lúc đầu chưa quen cứ 2 người khiêng 1 bao 50kg từ dưới thuyền lên do bờ sông dốc cao năng suất thấp, anh học hỏi lái thuyền, nhờ họ hướng dẫn cách cõng vác sau cổ, khổ luyện mãi rồi cũng quen dần. Anh cùng anh em chuyên vác mỗi người 1 bao. Anh thường xuyên vác các loại 50 và 70, 80kg từ thuyền lên bến dốc cao, còn ở đường bằng anh thường xuyên vác 100kg từ xe vào kho hoặc khi lên xe ô tô hàng đêm vượt khoán bao 1,5 lần.

Trong sản xuất khai thác đá thời kỳ đó chưa có máy móc khoan lỗ, anh sáng tạo chọn vị trí thích hợp để đục lỗ mìn nổ phá đá, chọn đúng gân thớ dọc của tảng đá để tạ đập, đá dễ vỡ nhanh chóng và thường xuyên anh đạt năng suất 160% định mức.

Thời gian địch đánh phá giao thông ác liệt, anh tham gia san lấp hố bom, mở đường xế, đường tránh, đường mới cùng đơn vị như ở cầu Na, cầu Trung, cầu Họ dọc tuyến đường 1A vùng Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cùng đường 15A Đồng Lộc, Khe Giao tuyến vào Quảng Bình. Thời kỳ địch tập trung ném bom đánh phá ác liệt nhất là năm 1968. Đầu năm 1968, đơn vị đảm nhiệm đảm bảo giao thông tuyến đường 15A, phía Nam Ngã ba Đồng Lộc, có cầu Ngầm Động Trăm, cầu ngầm Khe út, Ngã ba Khe Dao đó là những điểm địch tập trung đánh phá ném bom chốt chặn, đặc biệt là trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc. Ngày đêm khói bom mù mịt, nhưng thanh niên xung phong vẫn “Tiếng hát át tiếng bom” luôn đảm bảo thông đường cho từng đoàn xe nối nhau ra trận.

Đầu năm 1968, anh cùng 2 đồng đội tình nguyện vào tổ rà phá bom của đơn vị và được tập huấn 3 ngày. Anh được giao nhiệm vụ là tổ trưởng cùng đồng đội học cách rà phá bom do Tỉnh đội hướng dẫn.

Trong công tác, anh thường xuyên không quản ngày đêm mưa gió, hiểm nguy, luôn gương mẫu đi đầu và chỉ huy anh em trong tổ trực đếm bom, trinh sát, cắm tiêu và rà phá từ trường nổ chậm, đảm bảo cho đơn vị kịp thời lấp hố bom thông xe thông tuyến như ở phía Nam Ngã ba Đồng Lộc, cầu Ngầm sông Khe út, Ngã ba Khe Giao thuộc đường 15A.

Nói đến bom nổ chậm gồm 2 loại chủ yếu thì 1 loại là chuyên nổ chậm, do cấu tạo bầu axit axêtôn trong đầu nổ lắp ở đuôi bom khi bom thả tác động dập đầu axit ăn mòn vòng đệm nịt giữ bi kẽ hở 2 thớt của đầu nổ, vòng đệm hỏng không còn giữ, bi trầy ra chỗ rỗng làm 2 thớt đầu nổ dập đập vào nhau do kim hỏa châm hạt nổ làm bom nổ, loại này nó đào sâu và phá lớn. Còn loại nguy hiểm hơn đó là từ trường nổ chậm.

Bom từ trường nổ chậm nổ bằng hai cách, trong đó nó tự nổ chậm bất thường theo thời gian do đầu nổ điện cấu tạo có chế bộ phận chứa axit axêtôn, nó nổ mau hay lâu là do nồng độ axit đậm đặc hay loãng. Khi bom thả, dập bầu axit vỡ, ăn mòn dây đồng làm thay đổi điện trở làm kim đồng hồ quay chập điện và nổ bom. Nguy hiểm hơn là nó nổ bằng cách cảm ứng từ, khi có từ thông thay đổi do sắt thép, nam châm đi qua gần là làm từ thông đầu nổ điện thay đổi dẫn đến cảm ứng từ kim đồng hồ điện quay chập điện nổ bom. Loại bom này vừa đào sâu phá đường vừa sát thương nguy hiểm, cũng do nó tự hủy bất thường nên khi tổ chức rà phá loại bom này, thương vong và cả cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào. Vậy mà anh cùng đồng đội ngày đêm thường trực, rà phá bom với tinh thần “Tất cả vì miền Nam phía trước, vì thống nhất nước nhà”.

Trong quan sát cắm tiêu bom, quy luật của máy bay thường thả bom phá làm tan hoang trọng điểm cầu, ngầm, đường xế, làm đứt đường và những hố bom bùn lầy nước sâu khe suối là nó tiếp tục thả bom từ trường nổ chậm xuống, khi trinh sát cắm tiêu phải mò mẫm khó phát hiện do nhiều quả ngập sâu dưới nước khó tìm thấy, anh đã tìm cách lấy cây sào dài chọc chọc theo mật độ dày đến khi nghe thấy đầu sào cộc cộc vào cánh bom là tìm được vị trí quả bom để cắm tiêu chính xác và khi rà phá bom được an toàn trong vùng trọng điểm khốc liệt ấy, anh và đồng đội lại reo vui trong niềm hân hoan vô bờ bến.

Anh còn nhớ mãi kỷ niệm lần đầu tiên 3 anh em trong tổ đi rà phá ở Ngã ba Khe Giao. Khi đó có 72 quả bom từ trường nổ chậm, trong đó có một số quả sát đường ô tô thông xe, khi phân công người rải dây, người buộc nam châm đầu dây, khi kéo rà thỏi nam châm cách quả bom 5m thì bị vướng mắc vào gốc cây kéo mãi không được, vào gỡ thì nguy hiểm, anh em đều lo lắng và cả sợ hãi. Anh đã tự nguyện rón rén bò trường vào gỡ nhẹ được thỏi nam châm và ra khỏi được vùng nguy hiểm một cách an toàn, anh em càng tự tin tiếp tục rà phá tiếp được 4 quả, tối đó đơn vị đi lấp hố bom thông xe an toàn. Rút kinh nghiệm về sau, khi hết nam châm anh cùng đồng đội dùng thùng phi xăng hỏng chặt thành mảnh cuốn theo kiểu hình chóp nón, đục lỗ đầu chóp buộc dây khi kéo rà bom không bị vướng mắc vào đất đá, hoặc buộc miếng vải đỏ vào thỏi nam châm khi rà bom nổ bay rơi dễ tìm thấy.

Nguy hiểm hơn là rà phá bom ban đêm do máy bay ném bom lúc chập tối. Như một ngày tháng 6 năm 1968, trời sắp tối, sau khi ném bom phá tại đường ngầm cầu Khe út đường 15A Đồng Lộc, Khe Giao, máy bay giặc ném tiếp 8 quả bom từ trường nổ chậm, trong đó có 3 quả găm trên đường qua ngầm. Khi cắm tiêu xong thì trời tối. Anh kẹp buộc giấy loại màu trắng lên đầu cọc cắm bom ban đêm để dễ thấy. Khi rà, Tâm rải dây vòng qua bom, còn anh kéo dây đến cách 15m thì bom tự hủy, Tâm bị thương phải gọi đơn vị khiêng đi cấp cứu, chỉ còn lại hai người là anh và Viện. Viện tỏ ra hoang mang. Anh rất lo lắng vì nếu không phá được bom thì tắc đường không thông xe được. Anh đã động viên Viện và nhận phần rải dây, buộc nam châm rà nhưng chỉ nổ được 1 quả còn 1 quả rà mãi, kéo nam châm thay đổi hướng, thay đổi tốc độ, kéo nam châm nhanh, chậm để kích thích thay đổi, từ thông nó vẫn không nổ. Anh nghĩ ra cách dùng một thỏi bộc phá 0,2kg tra dây kíp đốt lửa đầu dây cháy chậm thả cho lọt vào ống chong chóng làm nổ bay cụm chóng cho lòi lỗ đất đầu đít quả bom và móc bới đất, đặt 4kg thuốc bộc phá vào đốt dây đặt vào cho nổ đít bom và hỏng đầu nổ để bom hết tác dụng nổ nhưng may thay bộc phá nổ làm nổ bom luôn và đơn vị lấp hố bom thông xe được nhanh chóng an toàn.

Còn những quả bom nổ chậm ở ca đường, vẫn thông xe được an toàn, bởi vì nếu bom tự nổ bất thường mà khoảng cách 15m thì mảnh bom đất đá bay lên hình phễu không bị sát thương, chỉ có đất đá, mảnh bom rơi, thương vong sẽ hạn chế.

Anh không thể nào quên những lần nguy nan như tháng 8 năm 1968, phá bom ở ngầm đường vòng xế cầu Khe út, đường 15A phía Nam Ngã ba Đồng Lộc… Đây là một trọng điểm ác liệt, cầu bị bom đánh hỏng chỉ đi đường vòng, có ngầm, sông suối sâu, có quả bom nổ chậm nằm sâu dưới chân ngầm tràn lại ở hố bom cũ nước sâu 2m. Tổ 4 người chia 2 nhóm tiến hành rà phá thì 1 quả bom tự nổ bất thường làm Viện – trong tổ rà phá bom, bị thương phải đưa đi cấp cứu. Anh và 2 đồng đội còn lại phải tiếp tục rà phá 6 quả, trong đó 5 quả nằm trên đường, còn 1 quả nằm sát chân ngầm tràn của đường vòng ngập sâu dưới mặt nước 1,5m. Trong lúc đất đá rơi làm dập ngón tay trái, anh bị thương phải băng tay, anh em còn lại hoang mang, lo lắng, nhưng không thể để tắc xe, anh hăng hái, tự nguyện rà phá quả nằm sâu dưới nước, nhưng rà phá nhiều lần nó vẫn không nổ, anh vẫn mò mẫm để phá bằng được, vì đầu giờ tối đơn vị mới lấp được hố bom thông xe. Trong tình cảnh nguy nan và cấp bách ấy, anh đã nghĩ ra cách dùng 200g, tức 1 thỏi thuốc bộc phá dèo, tra dây kíp cho vào giữa ruột lõi thuốc với 1,5m dây cháy chậm châm lửa và lặn ngụp xuống nước mò mẫm, cho thỏi thuốc lọt vào ống chong chóng của bom, khi bộc phá nổ sẽ làm bay cụm chong chóng ra khỏi đuôi quả bom. Tiếp đó, anh lặn xuống bới đất một hố sát đuôi bên phải quả bom và gói 4kg thuốc mìn bộc phá, tra dây kíp và châm lửa rồi lại lặn xuống mò mẫm đặt bộc phá vào lỗ hố và kết quả bộc phá nổ, đồng thời bom cũng nổ ngay.

Mặc dù tay đau nhức, anh vẫn không nề hà tiếp tục cùng 2 đồng đội còn lại rà hết số bom nổ chậm, kịp thời để đơn vị lấp hố bom san đường cho thông xe nhanh chóng an toàn.

Trong rà phá bom, một vấn đề không thể thiếu đó là hầm ẩn nấp. Máy bay ném bom cày đi xới lại tan hoang trống trải nên lúc rà phá không có nơi ẩn nấp sẽ rất nguy hiểm. Anh đã nghĩ cách lấy một khúc gỗ dài 0,8m đục lỗ làm 4 chân cao 0,8m, dùng 2 hoặc 3 tấm ván dày 0,05m dài 2m, khi rà phá bom mang vác theo khi đến vị trí, chỉ cần đặt chân ghế và bắc kết ván lại kê lên ghế và một đầu đặt xuống mặt đất là triển khai rà phá bom được ngay. Khi kéo nam châm rà phá bom, người ẩn nấp phía dưới ván đất đá mảnh bom có rơi đúng đều an toàn và cơ động nhanh chóng kịp thời.

Trong thời gian phá bom, anh đã trực tiếp cùng đồng đội cắm tiêu rà phá và vô hiệu hóa 545 quả bom nổ chậm và từ trường nổ chậm. Riêng anh, tự rà phá được 202 quả bom nổ chậm. Ban ngày tuy trực tiếp cắm tiêu hoặc rà phá bom nhưng hàng đêm anh vẫn tham gia lấp hố bom cùng đơn vị, các trọng điểm anh phục trách đều an toàn tuyệt đối.

Một lần vào tháng 7 năm 1968, khi lên đỉnh núi trực bom, trời mới mờ sáng 2 chiếc máy bay đã lao đến ném bom xuống đường ngầm tràn Khe út, bom nổ, đường vòng cầu bị trúng bom làm tắc đường.

Lúc này, 13 chiếc ô tô chưa kịp vượt qua trọng điểm. Trước tình hình nguy cấp ấy, anh chạy vào hầm lấy cuốc xẻng cùng lái xe đào bới bạt bờ hố bom san đường và đoàn xe đã kịp thời vượt qua trọng điểm chạy vào các lùm cây dọc khe suối ngụy trang an toàn.

Trong cứu người và tài sản như vụ sáng ngày 24/6/1968 khi trời mờ sáng máy bay ném bom bắn phá chỗ đơn vị đóng quân ở xóm trại tiểu cách cầu Khe út trọng điểm khoảng 500m, thuộc xã Mỹ Lộc – Can Lộc làm nhà dân bốc cháy. Từng tốp máy bay thay nhau quần lượn ném bom bắn phá làm gần như cả xóm bốc cháy tan hoang từ 6 giờ sáng đến 10 giờ trưa. Đi trực bom nhưng anh lao về cùng một số ít đồng đội và dân cứu chuyển số nạn nhân bị thương, bị sập hầm, bị cháy, bị chết khỏi vùng khói lửa bom đạn. Anh bị sức ép của bom vùi lấp nhưng vẫn gắng gượng cùng đồng đội lao vào cứu chữa trong lúc máy bay còn thay nhau quần lượn bắn phá ném bom, hàng loạt nhà dân cả xóm bốc cháy tan hoang. Trong trận bom này, đơn vị bị thương gần 50 người chưa kể dân làng, anh bị sức ép của bom choáng, mệt vẫn tham gia chuyển 20 người bị bom giặc sát hại.

Anh hùng Nguyễn Tri Ân đến nay đã tròn 70 tuổi đời và 46 năm tuổi Đảng vẫn say mê cống hiến. Từ năm 2004 đến năm 2014, ông là ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu TNXP Việt Nam, từ 2006 – 2013 là ủy viên BCH Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh và từ năm 2014 đến nay là ủy viên BCH Mặt trận Tổ quốc xã Hưng Lộc, thành phố Vinh.

Nguyễn Tri Ân đã được trao tặng nhiều danh hiệu và nhiều phần thưởng cao quý: 7 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua (1966 – 1972); Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều Bằng, giấy khen và đặc biệt là một bằng tuyên dương Anh hùng ngày 07/06/1972.

Chúc cho người anh hùng mãi vui, khỏe và phát huy truyền thống, phẩm chất của TNXP Việt Nam./.

Nguyễn Hương Mai
(Viết theo bản thành tích của Anh hùng Nguyễn Tri Ân)

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2015