Suy ngẫm về căn bệnh tham vọng quyền lực và tham nhũng chức quyền

Đăng lúc: 20-09-2017 8:37 Sáng - Đã xem: 65 lượt xem In bài viết

Ngày 4/8/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quy định số 90-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị, quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Đồng chí Nguyễn Anh Liên trong buổi gặp mặt thân mật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cựu thanh niên xung phong (TNXP), Ðoàn Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam cùng các TNXP, thân nhân TNXP vừa được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 26/8/2014

 Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Trong những tiêu chuẩn này, có một yêu cầu đối với cán bộ cao cấp là “Tuyệt đối không tham vọng quyền lực”. Nhiều đảng viên cao tuổi hả hê cho rằng, yêu cầu này của Bộ Chính trị đã đánh trúng “huyệt” để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải “vừa hồng vừa chuyên”; tháo ngòi nổ cho nỗi bức xúc lâu nay về nạn quan tham “hành dân” và nhũng nhiễu nhân dân. Bởi tác hại của lòng tham khi được quyền lực tiếp sức trở thành nỗi nhức nhối kéo dài suốt nhiều chục năm. Từ lãng phí, quan liêu tới tham ô, hối lộ, lợi ích nhóm, cố ý làm trái quy định pháp luật rồi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái tư tưởng – chính trị… đều có bóng dáng của loại “vi rút” tham vọng quyền lực tung hoành. Vậy, tham vọng quyền lực bắt nguồn từ đâu? Làm sao nhận diện được hành vi tham vọng quyền lực để xử lý. Và làm sao để ngăn chặn căn bệnh này không lây lan?

Con người sinh ra, ai cũng có ham muốn, hy vọng đạt được những điều tốt đẹp hơn. Song, con người là sự kết hợp tổng hòa của giá trị riêng và chung, cả tích cực và chưa tích cực. Vì thế “ham muốn” trong mỗi con người cũng đan xen cả hai mặt. Khi ham muốn hướng tới giá trị chung của cả cộng đồng, ham muốn những điều tốt đẹp với một sức thôi thúc mạnh mẽ thì đó là sự ham muốn chính đáng, đồng nghĩa với khát vọng. Ngược lại, nếu ham muốn chỉ hướng về mục đích bất chính cho bản thân thì trở thành “tham vọng”. Mà, đối với một bộ phận cán bộ của Đảng cầm quyền, khi cấp độ tâm trạng ham muốn lên đến đỉnh, thì không gì bằng “tham vọng quyền lực”. Khác với những cán bộ chân chính, quan niệm làm cán bộ là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đương nhiên, phục vụ được nhiều thì quyền lợi bản thân cũng sẽ được hưởng thụ xứng đáng, còn quyền lực là thuộc về nhân dân; nhưng họ, thì làm cán bộ nhằm để có quyền lực trong tay, nhất là cán bộ cấp càng cao, quyền càng lớn thì sẽ chiếm đoạt càng nhiều và càng được mọi thứ.

Quyền lực có hai yếu tố cấu thành: Thực quyền và Thế quyền. Thực quyền thuộc nội lực, là khả năng bản thân gồm học vấn, phương pháp tư duy, nhân cách đạo đức, bề dày kinh nghiệm… Thế quyền thuộc ngoại lực, là chức vụ quyền hạn được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao. Thực quyền và thế quyền có quan hệ biện chứng. Có thực quyền mới giao thế quyền, thực quyền đến đâu, giao thế quyền đến đấy. Có thực quyền mà không được giao thế quyền thì thực quyền không có điều kiện để phát huy. Không có thực quyền mà giao thế quyền là đồng nghĩa với phá hoại. Người không có thực quyền mà tìm cách “chạy – mua” thế quyền thì không còn dừng lại ở bệnh tham vọng quyền lực mà đã chuyển sang căn bệnh “tham nhũng quyền lực” và sức phá hoại trở thành hủy hoại. Những người có lòng tham vọng quyền lực và đã có hành vi tham nhũng chức quyền thì không trừ bất cứ một thủ đoạn nào để tham nhũng – chiếm đoạt những thứ họ thèm muốn.

Từ đây, muốn nhận diện được nạn tham nhũng quyền lực thì cơ quan quản lý cán bộ và cơ quan kiểm tra – giám sát của Đảng, Nhà nước phải dựa vào dân, tập trung vạch trần những hành vi diễn ra phía sau của thủ đoạn mua – bán thế quyền, mua – bán quyền lực. Trong xã hội ta, chức vụ quyền hạn của cán bộ là phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định, chứ không thuộc hàng hóa, nên không có sự bán – mua. Vì vậy, nếu người không có thực quyền mà mua được chức quyền thì không chỉ người mua mà cả người bán cũng đều vi phạm pháp luật. Do đó, công tác kiểm tra, thanh tra của Đảng, Nhà nước nếu làm riêng đối với cán bộ và xử lý cá nhân cán bộ sai phạm, thì đó chỉ mới là kiểm tra, thanh tra ở phần ngọn, còn kiểm tra, thanh tra cả công tác tổ chức – cán bộ và xử lý cán bộ cơ quan làm công tác tổ chức – cán bộ có sai phạm mới là kiểm tra – thanh tra tận gốc, mới nhận diện được đích thực nạn tham nhũng chức quyền, ngăn chặn được nạn tham vọng quyền lực. Và cũng từ đó, muốn chống triệt để nạn tham vọng quyền lực và cắt bỏ được cái u bướu tham nhũng chức quyền, không để di căn thì phương thuốc có hiệu lực và hiệu quả cao nhất là “phải nhốt quyền lực vào trong cái lồng sắt của pháp luật”./.

Nguyễn Anh Liên

Nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam