Tâm sự của người thoát nạn năm ấy

Đăng lúc: 21-12-2017 10:15 Sáng - Đã xem: 48 lượt xem In bài viết

 

Đây là chuyện có thật xảy ra cách đây gần nửa thế kỷ năm tại K32+300 Đường 10 Trường Sơn.

             Giáp Tết năm ấy (Tết Canh Tuất 1970) đơn vị TNXP C442 Thái Bình chúng tôi được lệnh hành quân từ đường 22A Hà Tĩnh vào đường 10 Trường Sơn làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt từ K30 đến K38 thuộc sự quản lý của Binh trạm 16 và Đội TNXP N44.

            Đường 10 năm đó mới mở, còn là đường đất. Xe chạy trên đường phải là xe ba cầu như Zil 157. Còn xe hai cầu như Gaz 63 chở xăng dầu  phải quấn xích fi10 vào bánh xe cầu sau mới vượt qua được đường lầy, dốc bị xẻ thành rãnh mà chúng tôi thường gọi là 2 sông 3 núi. Sau Tết đơn vị tôi phối thuộc với đơn vị Bộ đội đường ống, khiêng ống để Bộ đội xăng dầu lắp đường ống chạy qua đoạn đơn vị tôi quản lý nối vào đường 18, đồng thời lát đá hộc, lát phên đan bằng cành cây chống lầy cho đoàn xe quân sự chở hàng vào ra an toàn. Ngoài công việc nâng cấp và bảo đảm giao thông liên tục cho cung đường được giao, đơn vị còn được Binh trạm 16 giao khai thác thêm 5 vạn tầu lá cọ bằng 1000 gùi (mỗi gùi 50 tầu lá nặng khoảng 40 đến 50 kg). Từ ngày 8 đến 15/4/1970 phải có đủ lá để chuyển cho Trạm đón tiếp Hiền Ninh làm lán trại đón quân từ chiến trường ra điều dưỡng. Khối lượng công việc trên được giao cho Trung đội 2 của tôi đảm nhiệm.  Trung đội 2 có 4 tiểu đội nên phân công thay đổi nhau, mỗi ngày 2 tiểu đội ra tuyến, 2 Tiểu đội đi lấy cọ. Để đảm bảo an toàn cho tuyến ống xăng dầu và an toàn cho nơi đơn vị đống quân chúng tôi phải khai thác xa đơn vị 2 đến 3 cây số.

           Hôm ấy là ngày Chủ nhật 12 tháng 4 năm 1970, Tiểu đội 7 chúng tôi gồm 13 đồng chí: Hà Đỗ Tú, Tạ Anh Chấp, Nguyễn Văn Bốn, Trần Văn Luận, Nguyễn Văn Phan, Phạm Văn Cầm, Ngô Sĩ  Hùng, Nguyễn Văn Quynh, Đinh Hồng Cẩm, Mai Văn Phiên, Nguyễn Văn Cộng, Đinh Văn Toại, Lê Công Khanh) và Tiểu đội 5 có 15 đồng chí: Bùi Thị Khuyến, Lưu Thị Bánh, Dương Thị Thái, Lương Thị Thắng, Nguyễn Thị Bé,  Hoàng Thị Miến, Vũ Thị Sáu, Lê Thị Côi, Phạm Thị Huyền, Đoàn Thị Nga, Lê Thị Ngọt,  Trần Thị Xoan, Nguyễn Thị Lương, Nguyễn Thị Thoa, Lê thị Hải được giao nhiệm vụ đi khai thác lá cọ. Con đường đến nơi khai thác là khu rừng phía nam đường 10 (đơn vị đóng quân phía bắc đường) từ đơn vị vào đó khoảng 3 km, phải đi qua một khe núi hẹp vách núi dốc đứng đầy song mây chằng chịt. Tại chỗ khe núi hẹp phình ra một khoảng trống do một quả bom tấn nổ trước đây trúng giữa lòng suối cạn khoét khe suối rộng chừng 5 – 6 mét. Hố bom đã được những trận mưa rừng đùn cát sỏi lấp chỉ còn sâu chừng một mét nước. Nhiều cây to hai người ôm bị quả bom này cưa đổ nằm chắn ngổn ngang bên suối, hoặc đổ gác qua khe suối trên đầu lối đi của chúng tôi. Từ hố bom ấy đi sâu vào khoảng một cây số, sườn núi trải thấp ra bằng bằng tới tận nhánh suối lớn hơn chảy về phía suối Long Đại. Tại đây xen lẫn cây rừng đại ngàn có những cây cọ vài trăm năm tuổi cao vút. Chúng tôi không thể trèo lấy lá cọ ở nhưng cây cao hàng mấy chục mét đó được mà phải tìm những cây cọ tầm thấp để khai thác không gây chú ý cho máy bay OV10 và L19 của Mĩ ngày đêm trinh sát truy tìm nơi lính ta đóng quân.

          Định mức quy định cho mỗi người là 2 gùi một công, nhưng trong thời gian phát động thi đua chúng tôi phấn đấu 200% tức là mỗi người chịu trách nhiệm khai thác 4 gùi một ngày. Khoảng 10 giờ hơn ngày hôm đó, hai Tiểu đội chúng tôi đang gùi chuyến thứ hai ra tuyến nơi tập kết hàng, giữa trưa nắng Trường Sơn như đổ lửa. Khi đi đến đoạn khe hẹp mọi người đã thấm mệt mồm mũi tranh nhau thở, trên vai 40 đến 50 kg hàng mà lại phải trèo qua những cây gỗ đổ chắn ngang nên không để ý chuyện gì đã xảy ra.  Tổ đi đầu gồm tôi, Hùng, Chấp, Bốn, Luận, tiếp theo là tổ của Cẩm, Khanh, Phan, Cộng, tiếp đến Cầm, Phan, Toại, Phiên, còn Quynh do bị rơi mất dao còn ở lại tìm nên về sau. Tiểu đội nữ của Khuyến đi sau cách chúng tôi chừng 300 mét. Đến đoạn có hố bom không hiểu sao chúng tôi thấy ngột ngạt đầu óc quay cuồng ong ong như tiếng ve kêu, nhìn người nào cũng như cười khanh khách. Những gùi hàng nặng kéo chúng tôi ngã xuống, và toàn bộ 5 người của tổ tôi đều bị hôn mê bất tỉnh. Trong hôn mê tôi còn nhớ có một người ăn mặc lịch sự ngồi trên chiếc xe đạp bóng nhoáng đạp vòng quanh môi của tôi, cứ mỗi một vòng lại hỏi tôi sao Chủ nhật lại còn nằm ở đây và rồi đột nhiên tôi thấy 3 vòng tròn bánh răng cưa từ trên cao sè sè hạ xuống như sắp cưa đứt đầu đồng đội Hùng, tôi nhớ là mình có hét lên hô đồng chí Hùng “lặn”, thế rồi tôi không còn nhớ gì nữa và bất tỉnh. Khoảng 1 giờ chiều tôi tỉnh dậy thì thấy mình bị cởi hết quần áo nằm bên các đồng đội cũng như tôi. Trong hơi thở của tôi vẫn còn mùi xăng nồng, tôi ú ớ hỏi có gì xảy ra vậy. Mọi người cho tôi biết là toàn bộ 2 tiểu đội đi gùi cọ của chúng tôi bị ngộ độc xăng ngất xỉu hết. Tôi láng máng nghe có người nói là còn thiếu cậu Hùng, tôi chợt nhớ trong lúc hôn mê tôi có hô Hùng lặn xuống hố bom để tránh 3 vòng răng cưa từ trên trời hạ xuống và bảo mọi người vào mò dưới hố bom.  Một lúc sau tôi thấy Đại đội trưởng Mai Văn Khải và giáo viên Lưu Đức Huyễn và 2 người bộ đội khiêng được Hùng ra. Toàn thân Hùng mềm nhũn, mọi người đổ xô lại nhưng không còn cứu được Hùng nữa. Nhiều đồng đội khóc nấc lên, không khí ảm đạm ngột ngạt vô cùng. Cả đoạn đường đông chật người và xe gồm đồng đội trong đơn vị và các đơn vị bạn và gần chục lái xe của Đội xe Trường Sơn thuộc Binh trạm 16. Nhiều người còn đang cùng 2 y tá của đơn vị hô hấp nhân tạo cho các đồng đội chưa tỉnh. Cũng may thời gian này trên toàn tuyến đường của Trường Sơn máy bay Mĩ chưa đánh phá trở lại. Còn tôi do được cứu ra đầu tiên nên tôi đã tỉnh táo hơn. Sau chừng 10 phút mọi cố gắng của đồng đội biết không cứu được cậu Hùng nữa, do Hùng bị uống quá nhiều xăng vào phổi. Mọi người còn lại được chăm sóc hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo cho những người đồng đội đã dần dần thở trở lại được. Những lái xe của Đội xe Trường Sơn bảo đồng đội đơn vị tôi dìu người bị nạn lên xe và chuyển ra Quân Y Viện 112 điều trị. Còn tôi thấy đã khỏe vả lại tôi đang ôn để thi hết cấp II (hệ 7/10) sắp tới nên xin điều trị tại đơn vị và cũng muốn được đi mai táng Hùng.

           Đêm hôm ấy trên đường mai táng Hùng tại nghĩa trang TNXP Vạn Ninh tôi được nghe đồng đội kể lại: khoảng 11 giờ trưa đồng đội Quynh sau khi tìm được dao quay xuống suối gặp ngay Tiểu đội 5 nằm gục cười như điên. Quynh còn ngửi thấy mùi xăng bèn vượt lên núi cắt rừng về báo cho đơn vị biết. Thấy kẻng báo động mọi người được báo cầm khăn ướt chạy theo Đại đội trưởng Khải đi cứu đồng đội. Mọi người vào tới đoạn khe núi hẹp chỗ hố bom thì thấy dòng xăng từ trên núi vẫn còn chảy xuống ngay nơi mấy đồng đội nam nằm. Trên mặt hố bom và mặt nước khe suối cạn xăng còn dầy khoảng hơn 10 cm. Theo phản xạ mấy đồng đội ùa vào kéo những người gặp nạn đầu tiên ra, nhưng được vài bước thi mọi người cũng không thở được vì hơi xăng đẩy lên chiếm hết không khí, mọi người đành phải bò quay trở ra. Do lối vào là con đường độc đạo, là khe hẹp, hai bên vách núi gần như dựng đứng dây leo chằng chịt. Tốp sau thay vào cũng không thở được nhiều người vào lại bị ngất tại chỗ. Cứ thế sau hàng chục phút đồng hồ lại thêm mấy chục người phải cấp cứu mà không cứu được nạn nhân nào. Đại đội trưởng Khải phải cho người ngăn các đoàn xe lại nhờ lái xe giúp đỡ và cho người về đơn vị gọi điện cho Đội 44 và Binh trạm 16 cho người đến hỗ trợ. Khoảng lúc sau gặp được đoàn xe của Đội xe Trường Sơn thuộc BT16, lái xe họ có mặt nạ phòng độc họ vào nơi nguy hiểm lần lượt vác từng đồng đội ra nơi an toàn và chuyển tiếp cho người của đơn vị chuyển các đồng đội ra ngoài đường. Những người gặp nạn được cứu ra người nào người ấy mềm nhũn da vàng nhợt đều có dấu hiệu ngưng thở vì vậy phải ba bốn người mới khiêng được một người bị nạn. Những người tham gia cứu nạn lập tức theo hướng dẫn của Y tá cởi quần áo người bị nạn và hô hấp nhân tạo, tiêm thuốc trợ tim, xoa bóp cơ thể bằng dầu Long não. Mọi người được cứu ra nằm la liệt trên lề đường, những giọt nước mắt đồng đội cứ trào ra trong thầm nặng. Thế rồi công sức của đồng đội cũng được đền đáp, từng người, từng người bị nạn cũng dần dần thở được trở lại. Y tá tiêm thêm trợ lực và cho các đồng đội pha sữa đổ từ từ cho từng người. Nghe đâu đơn vị Bộ đội đường ống nhận được thông báo của Binh trạm 16 nên đã ngừng vận hành bơm xăng đường ống chứ không thì cũng không thể cứu được mọi người. Hai tuần sau các đồng chí lái xe của Đội xe Trường Sơn chở hàng vào thông báo cho đơn vị biết là mọi người bị nạn hôm ấy cũng đã hồi phục. Một số còn yếu được chuyển ra Thanh Hóa điều dưỡng. Trong số những người lái xe giúp đơn vị TNXP C442 hôm ấy có Nguyễn Đình Trung quê Hà Bắc là người dũng cảm nhiệt tình nhất, sau hôm đó anh cũng phải nằm viện dài ngày.

            Đó là một ngày “Chủ Nhật đau buồn” của đơn vị TNXP C442. Người của N44, BT 16 đã rất vất để cứu sống được 27 đồng đội và hy sinh một đồng đội đó là Ngô Sĩ Hùng người thôn Hợp Đông, xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Hiện nay trong số 27 người được cứu thoát khỏi tử thần của ngày “Chủ Nhật đau buồn” ấy có 7 chị do sức khỏe yếu sống độc thân, 3 chị lấy chồng nhưng không có con, 3 anh chị đã mất do u vòng họng, u phổi, một số anh chị mang bệnh phế quản mãn. Trong những người tham gia cứu đồng đội năm ấy có Đại đội trưởng Mai Văn Khải, từ ngày ấy anh bị bệnh hen phế quản mãn. Sau ngày nghỉ hưu anh làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Nam, Uỷ viên BCH TW Hội Cựu TNXPVN khóa I và II. Anh mất tháng 6 năm 2016 do bệnh K gan.

            Là một trong những người được cứu trong ngày “Chủ Nhật đau buồn” ấy, tôi viết lên dòng tâm sự này để cảm ơn tập thể đơn vị TNXP C442 Binh Trạm 16. Nhất là các đồng chí của Đội xe Trường Sơn BT16 năm đó, đã không sợ hy sinh thân mình lao vào nơi nguy hiểm nhất cứu chúng tôi thoát khỏi lưỡi hái của tử thần mà cũng không để lại một dòng địa chỉ. Không biết các anh còn sống hay đã mất, thay mặt các đồng đội được cứu sống năm ấy tôi chân thành xin các anh tha thứ cho lời cảm ơn muộn màng này./.

 

                                                          Hà Đỗ Tú (0169.452.8950)
                                                      Hội viên Hội Văn hóa Nghệ thuật, CTV Bản tin Cựu TNXP Việt Nam