Trần Đức Hè – “khắc tinh” của bom nổ chậm

Đăng lúc: 07-09-2017 1:39 Chiều - Đã xem: 88 lượt xem In bài viết

Trần Đức Hè sinh năm 1947, trong một gia đình bần nông ở xã Phù Hoá, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hoàn cảnh gia đình anh vô cùng khó khăn, cha mất sớm, mẹ anh thường xuyên đau yếu. Anh vừa đi học, vừa tham gia sản xuất trong Hợp tác xã. Chàng thanh niên Trần Đức Hè không những chăm chỉ, hay lam hay làm mà còn rất tích cực tham gia mọi công tác ở địa phương; anh là một đoàn viên ưu tú, xông xáo, tích cực trong hoạt động Đoàn, Đội.

Năm 1965 hưởng ứng phong trào “5 xung phong” do Trung ương Đoàn phát động, thanh niên cả nước sôi nổi, hăng hái tham gia. Vì Trần Đức Hè là con trai một trong gia đình, mẹ già thường xuyên đau yếu mà chị gái lại lấy chồng xa, hoàn cảnh khó khăn nên địa phương đã không ghi tên anh vào danh sách; nhưng là một thanh niên yêu nước, ý thức được trách nhiệm của mình khi Tổ quốc lâm nguy, tháng 5/1965, Trần Đức Hè quyết tâm gia nhập vào Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước ngay đợt đầu tiên. Trần Đức Hè được biên chế vào đơn vị C759 của huyện Tuyên Hoá và được điều động lên phục vụ đảm bảo giao thông ở tuyến đường 12A, thuộc Đội TNXP 75 – Công trường 12A Quảng Bình. Đường 12A khi đó là tuyến đường độc đạo của cả nước chi viện cho miền Nam, con đường này nổi tiếng khốc liệt, thường xuyên bị quân Mỹ tập trung đánh phá, ném bom hết sức ác liệt, là “túi bom” của máy bay Mỹ. Đơn vị C759 phụ trách thông đường từ La Trọng đến Bãi Dinh dài 12 km.

Anh Trần Đức Hè khi ở đường 12A.

Những ngày đầu Trần Đức Hè và đồng đội gặp muôn vàn khó khăn, lại phải đối mặt với bệnh tật, sốt rét. Trần Đức Hè hiểu rằng công việc tải hàng của mình vô cùng quan trọng, phải cung cấp đủ và kịp thời vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm thì bộ đội ta mới chiến đấu được với quân thù. Vì thế, bất chấp gian nguy, Trần Đức Hè luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ tải hàng chiến lược. Anh là hạt nhân, nòng cốt lôi cuốn đồng đội dũng cảm làm nhiệm vụ thông đường. Trần Đức Hè là người có tinh thần trách nhiệm cao, dũng cảm trong chiến đấu, mẫu mực trong sinh hoạt, được mọi người nể trọng và thương yêu, đơn vị C759 luôn lấy tấm gương đồng chí để giáo dục trong đơn vị.

Những ngày sau đó, quân địch tập trung đánh phá, liên tiếp ném bom vào cung đường C759 mà Trần Đức Hè phụ trách, chúng thả bom phá đường gây khó khăn cho quân ta trong việc đảm bảo giao thông. Bom địch thả ngày càng dày và không theo quy luật. Trước tình tình cấp bách và để đối phó với âm mưu của quân địch, Trần Đức Hè đã xung phong đảm nhận công tác trinh sát phá bom nổ chậm. Vốn là người ham học hỏi, lại sáng dạ, nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí công binh nên rất nhanh, từ bỡ ngỡ đến quen dần, Trần Đức Hè đã có nhiều sáng tạo trong công tác trinh sát, cũng như cách xử lý, phá bom nổ chậm. Sau một thời gian học cách phá bom, Trần Đức Hè đã thành thạo phá bom, anh thao tác nhanh và có kỹ thuật.

Là chiến sỹ TNXP gan dạ, kiên cường, khi tiếng máy bay địch vừa ngớt, bom vẫn còn nổ ùng oàng, Trần Đức Hè với mảnh vải dù xanh, cầm cờ đỏ và que tre đã đứng giữa mặt đường khói bom mù mịt để cắm tiêu tìm vị trí bom nổ chậm và nghiên cứu, tìm hiểu xem đó là loại bom gì. Anh lập được chiến công đầu tiên vào ngày 15/9/1965. Hôm đó máy bay địch thả 50 quả bom nổ chậm, trong đó có nhiều quả nằm trên mặt đường, không do dự, Trần Đức Hè một mình lăn 2 quả bom tạ xuống suối cho tự nổ, để không ảnh hưởng đến tuyến đường. Sau đó, anh tiếp tục làm cho 5 quả khác trở thành “bom câm”. Anh được Đảng uỷ Công trường 12A, Đội TNXP 759 tổ chức mừng công và được cử đi trao đổi kinh nghiệm trinh sát và đánh bom nổ chậm trên toàn tuyến. Tuyến đường 12A đầy bom đạn, nhưng nơi nào có bom cũng đều thấy bóng dáng anh. Với tinh thần không khuất phục trước khó khăn, Trần Đức Hè luôn kiên trì tìm cách phá bằng được bom, mọi người trong đơn vị gọi anh là “khắc tinh” của bom nổ chậm.

Ngày 22/02/1966, máy bay địch đánh vào đoàn xe tại ngầm I Leng – Hà Nông, xe hàng cháy, nằm la liệt trên mặt đường, quân ta tổn thất rất lớn về người và xe hàng. Chúng thả hàng trăm quả bom nổ chậm xuống nhằm ngăn chặn lực lượng của ta cứu xe, thông đường. Sau khi Trần Đức Hè đi kiểm tra cắm tiêu các vị trí có bom nổ chậm, phát hiện có những quả nằm cồng kềnh bên taluy đường, anh đã dũng cảm cùng với đội cảm tử lăn 10 quả bom xuống suối, rồi vô hiệu hóa những quả còn lại, để không ảnh hưởng đến đường và khu vực xe cháy, đảm bảo an toàn cho đơn vị ra cứu xe, cứu hàng, cấp cứu thương binh, chôn cất mai táng bộ đội, lái xe hy sinh. Trần Đức Hè đã không quản mệt nhọc vừa phá bom vừa xông vào cứu hàng, cõng thương binh ra nơi an toàn để cấp cứu, cả người anh bê bết máu của đồng đội.

Hơn 1 tháng trời, từ ngày 18/5 đến ngày 03/7/1966, máy bay địch liên tục đánh phá cây số 21 (nay gọi là Đồi 37). Quân Mỹ quyết hạ quả đồi xuống suối để làm dâng nước cao lên, làm đường lầy lội, gây khó khăn cho quân ta trong việc di chuyển và tải hàng. Đến ngày 3/7, những loạt bom dội liên tiếp đã làm cho một vạt đồi đổ ập xuống đúng nơi TNXP và bộ đội công binh đang sửa đường. Trong trận này, đơn vị 759 thương vong gần 80% quân số. Nhiều người bị vùi lấp, bị thương và cũng có nhiều chiến sỹ hy sinh. Số bị thương được đưa đi cấp cứu, điều trị. Bản thân Trần Đức Hè cũng bị thương, nhưng anh một mực xin ở lại tự băng bó lấy vết thương, anh nói với đồng đội: “Vết thương của tôi không thấm gì, trong lúc đồng đội người thì chết, người thì đất lấp dày hàng mét, nỡ lòng nào tôi đi điều trị lo cho bản thân mình”. Chưa nói dứt lời, mặc cho vết thương đang sưng tấy, Trần Đức Hè lao vào trận cùng đồng đội hì hục đào bới suốt cả ngày đêm để cứu những chiến sỹ bị bom vùi. Với tinh thần sẵn sàng xả thân vì đồng đội, đức tính kiên cường, không ngại gian khó, Trần Đức Hè đã cứu sống được đồng chí Sâm và đồng chí Hoà từ trong đất đá. Sau nhiều giờ đào đất đá quá sức, máu ở vết thương ra nhiều nên anh đã bị ngất, đồng đội lập tức đưa anh đi cấp cứu.

Sau trận bom ấy, cùng quá trình phấn đấu và có nhiều hành động dũng cảm,  Trần Đức Hè đã được kết nạp vào Đảng tại mặt trận Đường 12A, khi anh vừa tròn 19 tuổi. Trần Đức Hè là tấm gương tiêu biểu xuất sắc, là một nhân tố sáng ngời của Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng, được mọi người kính phục, toàn tuyến 12A luôn lấy anh làm tấm gương cho lực lượng TNXP học tập.

Trần Đức Hè đang chuẩn bị phá bom nổ chậm.

Năm 1967, đơn vị 759 được điều động về đóng chốt tại tuyến đường Ba Trại, thuộc Đội 119 – Công trường Quyết Thắng, đây là một trọng điểm ác liệt. Đây là con đường có tính sáng tạo, “đi tắt” nối phà Gianh với các tuyến miền Tây để chuyển hàng vào Nam, ở đây đêm nào cũng pháo sáng trắng trời, bom rơi không ngớt. Quân Mỹ biết con đường này là huyết mạch quan trọng, chúng tập trung đánh phá bến phà Gianh và Ba Trại, thả bom từ trường, bom nổ chậm. ở đâu có bom nổ chậm là ở đó có Trần Đức Hè. Bất chấp hiểm nguy, ngày ngày với cây súng trên vai, Trần Đức Hè phụ trách trinh sát, phá bom ở đường Ba Trại và cả khu vực Nam phà Gianh. Anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, không bao giờ để một sai sót nhỏ gây tổn thất cho đồng đội.

Trong tháng 9, tháng 10 năm 1967, quân Mỹ tăng cường thả bom đánh phá, mỗi lần chúng thả hàng trăm quả bom nổ chậm, vượt qua nguy hiểm, Trần Đức Hè cùng đồng đội vẫn miệt mài, cần mẫn phá từng quả bom để đảm bảo giao thông được thông suốt.

Ngày 12/02/1968, máy bay địch đánh dứt điểm đoạn Km 3 cùng với ngã ba Ngân Sơn, phá 500m đường, làm con đường bị tắc nhiều chỗ. Chúng thả rất nhiều bom nổ chậm, bom hẹn giờ, trong đó có 13 quả chưa nổ gây tắc nghẽn hoàn toàn các tuyến vận tải của ta. Lệnh của Đảng uỷ Công trường và Đội 119: “Phải thành lập ngay đội quyết tử phá bom nổ chậm, kịp thời huy động lực lượng cả Đội ra đảm bảo giao thông, trong 1 ngày đêm là phải thông xe, không thể chần chừ và không được phép để tắc đường đến ngày thứ hai, xe hàng dồn lại dễ bị tổn thất”.

Đội phá bom nổ chậm được thành lập gồm 11 đồng chí, trong đó có 6 đồng chí là đảng viên và 5 đồng chí là đối tượng Đảng, mang trên mình nhiệm vụ quan trọng: rà, phá những quả bom chưa nổ để đơn vị nhanh chóng thông tuyến. Trận quyết chiến này cam go hơn bởi địch thả xuống một số bom lạ, mật độ dày đặc, dễ nổ dây chuyền. Không những thế, có nhiều quả bom nằm lẫn trong đất đá và ở sâu dưới nền đường, rất khó phán đoán giờ nổ. Đồng chí Trần Đức Hè – kiện tướng phá bom nổ chậm – là con át chủ bài của trận quyết chiến này. Lễ truy điệu sống được tổ chức, đồng chí Trần Đức Hè thay mặt đội quyết tử hứa danh dự: “Chúng tôi xin hứa: Dù có hy sinh đến tính mạng, chúng tôi sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, máu chúng tôi có thể đổ, nhưng đường Ba Trại mãi mãi không bao giờ tắc”.

Đội quyết tử chuẩn bị tư thế vào trận, tất cả mọi người không cầm được nước mắt. Lệnh lên đường. Những chiến sĩ cảm tử ấy vẫy chào và xông vào trận, ai cũng xung phong xin vào đánh trước, nhưng Trần Đức Hè nói: “Đồng chí nào cũng sẽ đến lượt, để tạo thắng lợi ban đầu, rút kinh nghiệm cho các đợt đánh sau, tôi sẽ vào đánh trước, vì tôi là người đến trinh sát tận nơi, biết rõ vị trí từng quả bom, nên tôi thao tác nhanh hơn các đồng chí”. Được đồng chí Đại đội trưởng đồng ý, tay cầm tre, tay ôm bọc phá, bước qua ngổn ngang đất đá và mảnh bom, Trần Đức Hè nhanh chóng gài bộc phá, một lúc giải quyết một lúc 4 quả nguy hiểm nhất nằm ngay sát đường. Từ thắng lợi trận đầu của Trần Đức Hè, các chiến sỹ khác đúc rút kinh nghiệm đánh tiếp lần thứ 2 an toàn được 6 quả. Trong những quả còn lại, có 3 quả nằm ở vị trí hiểm yếu, đánh xong là có thể cho đơn vị vào đảm bảo giao thông đoạn đường 200m an toàn. Trần Đức Hè đề xuất chiến thuật đánh 1 quả gây chấn động kéo theo nổ dây chuyền 2 quả bên cạnh và chính anh tình nguyện đảm nhận nhiệm vụ quan trọng này một mình. Đào hơn mười phút, do quả bom này chui quá sâu, một mình anh dồn sức đào, đồng chí C Trưởng thấy anh có vẻ mệt nên cử đồng chí Hồ Văn Niệm vào tiếp sức. Sau khi đào đến đuôi quả bom, Trần Đức Hè ép bộc phá vào bom, cho đất vào nén chặt, châm lửa vào dây cháy chậm, anh và đồng chí Niệm vừa quay người để chạy về hầm thì bỗng một tiếng rồi cả 3 tiếng nổ vang lên, quả bom phát nổ và liền đó 2 quả bên cạnh nổ theo. Đất đá bay rào rào, khói đen trùm trận địa, những cây thông chao đảo,  trong ánh chớp lạnh lùng, thân thể Trần Đức Hè và Hồ Văn Niệm đã hòa vào đất đá của con đường Ba Trại đầy máu lửa. Cả đơn vị lao đến hiện trường, chỉ thấy ba hố bom khét lẹt, không tìm thấy dấu vết của Trần Đức Hè và Hồ Văn Niệm, hai anh đã bị bom đẩy xa hơn 100m. Mặc dù tỏa đi tìm xung quanh, nhưng đồng đội của Trần Đức Hè chỉ nhặt được một phần thi thể.

Đường đã thông, nhiệm vụ đã hoàn thành, nhưng đơn vị C759 đã mãi mãi mất đi 2 người đồng đội, Trần Đức Hè và Hồ Văn Niệm đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ. Trần Đức Hè – kiện tướng phá được 36 quả bom nổ chậm và lăn hàng trăm quả khác xuống vực, xuống sông suối để thông đường đã nằm lại Ba Trại để nâng bánh cho nhiều chuyến xe qua. Sự hy sinh của Trần Đức Hè và Hồ Văn Niệm là ngọn lửa sống thổi bùng lên lòng căm thù giặc, toàn đơn vị biến đau thương thành hành động, với khẩu hiệu: “Quyết trả thù cho các đồng chí, quyết bám sát mặt đường, ngày đêm đảm bảo giao thông thông suốt”, nhờ đó tuyến Ba Trại những năm tháng về sau không bao giờ tắc.

Trần Đức Hè là chiến sỹ TNXP mẫu mực, chịu thương chịu khó, không quản ngại gian lao, dũng cảm mưu trí, đã vào sinh ra tử trên 2 tuyến giao thông ác liệt (đường 12A và Ba Trại). Anh liên tục lập nhiều chiến công, là ngọn đuốc toả sáng, là dũng sỹ phá bom nổ chậm của đơn vị C759. Sự ra đi của anh là một tổn thất quá lớn, để lại cho đồng đội một niềm tiếc thương vô hạn.

Sau khi đồng chí Trần Đức Hè hy sinh, Ban Chấp hành Đảng uỷ Công trường Quyết Thắng đã quyết định bổ sung đồng chí vào Chi uỷ danh dự và Ban Chấp hành Đội đã đề bạt đồng chí là C Phó danh dự C759 – đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Đơn vị C759 đã cùng địa phương quê hương Trần Đức Hè tổ chức Lễ truy điệu cho anh tại quê nhà. Người con trai duy nhất của mẹ Trần Thị Loan ở Phù Hóa đã mãi mãi không trở về. Ngày ngày mẹ vẫn ngóng trông, nhìn về Ba Trại, nơi có những đồi thông và ngày đêm lửa cháy… Nhiều đồng chí đã xin được làm con của mẹ để chăm sóc, giúp đỡ mẹ thay cho Trần Đức Hè.

Ghi nhận sự cống hiến và thành tích đặc biệt xuất sắc của Trần Đức Hè, Nhà nước đã truy tặng anh Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Lao động hạng Hai. Đặc biệt, ngày 8/1/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Trần Đức Hè./.

Lê Trúc Vy
(Theo báo cáo thành tích Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình gửi)

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015