Truyền thống Thanh niên xung phong tỉnh Thái Nguyên: 70 năm cống hiến và trưởng thành

Đăng lúc: 07-06-2020 3:26 Chiều - Đã xem: 174 lượt xem In bài viết

 Báo cáo tham luận tại Hội nghị Giao lưu “Truyền thống 70 năm (15/7/1950-15/7/2020 TNXP Chiến khu Việt Bắc, cống hiến và trưởng thành ngày 05/6/2020” do đồng chí Lê Huy Lanh (ảnh) – Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên – trình bày.

 Kính thưa các quí vị đại biểu-khách quí, thưa đồng chí, đồng đội

 Ngày 07 tháng 02 năm 1950, tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên diễn ra Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc lần thứ nhất. Đại hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng về xây dựng tổ chức Đoàn và vận động thanh niên đóng vai trò xung kích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân, với khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Pháp xâm lược”.

 Tháng 5 năm 1950, tỉnh Thái Nguyên thành lập một số Đội “Xung phong công tác” gồm hàng trăm đoàn viên, thanh niên làm nhiệm vụ sửa đường, mở đường từ Thái Nguyên đến biên giới Việt-Trung theo Chỉ thị của Trung ương Đảng gửi Liên khu Ủy Việt Bắc.

 Thực hiện Chỉ thị của Bác Hồ, ngày 15 tháng 7 năm 1950, tại đồi Gò Thờ dưới chân núi Hồng thuộc xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Đảng Đoàn Thanh vận Trung ương tổ chức thành lập, ra mắt Đội TNXP  công tác Trung ương. Đội gồm 225 đội viên, trong đó đoàn viên thanh niên của tỉnh Thái Nguyên thuộc các huyện Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên chiếm gần 50%. Đầu tháng 8/1950 Đội nhận lệnh đi phục vụ chiến dịch Biên giới, đã lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương.

 Noi gương những người con của Thái Nguyên trong đội hình Đội TNXP công tác Trung ương, Đội “Xung phong công tác” của các huyện hăng hái làm nhiệm vụ tu sửa, bảo vệ cầu đường. Tính đến hết tháng 12 năm 1950, đã có gần 5.000 người tham gia đào, đắp hàng ngàn khối đất đá để sửa đường, làm mới hàng trăm cầu cống lớn nhỏ phục vụ kháng chiến. Các tuyến đường: Quốc lộ số 3 (Thái Nguyên – Cao Bằng), Đường 1B (Thái Nguyên – Lạng Sơn), Đường 13A (Thái Nguyên-Tuyên Quang) luôn được thông suốt phục vụ cho xe vận chuyển lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng từ hậu phương ra tiền tuyến.

 Tháng 02 năm 1951, Tỉnh đoàn Thái Nguyên ra Nghị quyết, mỗi Huyện đoàn thành lập một Liên phân đội TNXP công tác, biên chế từ 50 đến 80 đội viên. Cũng trong dịp này, Thái nguyên được giao tuyển bổ sung 700 đội viên TNXP vào lực lượng TNXP công tác Trung ương. Các đội viên nhận nhiệm vụ mới đều hăng hái lên đường trong đội hình các đơn vị TNXP Trung ương, phục vụ các chiến dịch Biên Giới, Trung Du, Đường 18, Tây Bắc, Thượng Lào.

 Tiếp tục thực hiện chủ trương của Tỉnh đoàn về việc xây dựng lực lượng TNXP của các địa phương làm nhiệm vụ giao thông vận tải, sửa chữa đường, cầu, phà, tháng 02 năm 1951 huyện Phú Lương thành lập Liên phân đội TNXP công tác của huyện, gồm hơn 90 đoàn viên thanh niên; cũng thời gian này, Liên phân đội TNXP của huyện Đồng Hỷ được thành lập, gồm 41 đội viên.

 Năm 1952, giặc Pháp huy động nhiều máy bay tập trung đánh phá liên tục và ác liệt hơn các tuyến đường, các công xưởng, kho tàng, bến bãi trên đất Thái Nguyên. Để đối phó với tình hình địch đánh phá, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh tiếp tục huy động dân công và TNXP tham gia trên mặt trận giao thông. Tháng 4 năm 1952, các huyện trong tỉnh tiếp tục thành lập các Đội “Xung phong mở đường”, mỗi Đội có từ 50 đến 200 người tham gia. Nhờ có lực lượng TNXP làm tốt nhiệm vụ phục vụ giao thông tại chỗ, giao thông trên các tuyến đường của tỉnh luôn được thông suốt, phục vụ đắc lực, kịp thời cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

 Đầu năm 1953, theo yêu cầu của Trung ương, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã hoàn thành tuyển chọn cung cấp hàng trăm cán bộ đoàn viên và thanh niên có thành phần bần cố nông cho Trung ương Đoàn để thành lập Đội TNXP 36-Đoàn XP làm nhiệm vụ phục vụ ATK Định Hóa (Thái Nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang). Cũng trong thời gian này, thực hiện Quyết định của Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn đã thành lập hai Đại đội TNXP chủ lực là 211 của Huyện đoàn Đồng Hỷ và 212 của Huyện đoàn Đại Từ làm nhiệm vụ cơ động đảm bảo giao thông ở những nơi trọng điểm. Do yêu cầu công việc, đầu năm 1954 Tỉnh đoàn tiếp tục thành lập Đại đội 213. Những đơn vị này được Tỉnh đoàn quản lý, tổ chức, Ty Giao thông chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật.

 Cuối năm 1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Các đơn vị TNXP phục vụ thắng lợi chiến dịch Tây Bắc đều được nhận lệnh tiếp tục phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tham gia trong đội hình các Đội TNXP 34 và 40 phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, tuổi trẻ tỉnh Thái Nguyên đã có mặt phục vụ chiến đấu và có 08 cán bộ đội viên hy sinh. Vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù, tuổi trẻ Thái Nguyên trong đội hình TNXP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu đảm bảo cho giao thông luôn thông suốt, góp phần cùng bộ đội, dân công, đồng bào các dân tộc Tây Bắc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

 Để khắc phục hậu quả chiến tranh chống Pháp trong khu vực thị xã Thái Nguyên, Tỉnh đoàn thành lập Liên phân đội TNXP thị xã gồm hai trung đội.

 Một vinh dự khác, tháng 8 năm 1954, hơn hai tháng sau chiến thắng lịch sử Điện biên Phủ, tại xã An Khánh, huyện Đại Từ, Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam, thành lập Đội TNXP  công tác tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Đội gồm hơn 300 đội viên thanh niên xung phong được tuyển chọn là học sinh cuối cấp III, có khả năng vận động quần chúng, đến từ 8 trường phổ thông trung học ở một số tỉnh miền Bắc, trong đó có hơn 50 học sinh trương Lương Ngọc Quyến, tỉnh Thái Nguyên.

 Sau ngày hòa bình lập lại, miền Bắc đi lên xây dựng Xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương lớn chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, hàng loạt công trình trọng điểm do lực lượng TNXP, trong đó có tuổi trẻ Thái Nguyên tham gia xây dựng: Lò cao số 1 Khu gang thép Thái Nguyên, Đội TNXP tháng 8 Thủ Đô xây dựng nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, Đội TNXP xây dựng đường sắt Đông Anh-Thái Nguyên…

 Đầu năm 1960, Trung ương Đảng quyết định mở tuyến đường chiến lược từ Hà Giang lên Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi địa đầu của Tổ quốc. Cùng với 5 tỉnh của Khu Việt Bắc và tỉnh Hải Dương, Nam Định, Tỉnh đoàn Thái Nguyên thành lập Đại đội 4 TNXP làm việc trong hai nhiệm kỳ, với tổng số 250 đội viên.

 Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Nam đã vùng lên đấu tranh chống đế quốc Mỹ và ngụy quyền, phong trào Đồng Khởi từ Bến Tre lan tỏa đến toàn miền. Hậu phương lớn – miền Bắc – đã chi viện trực tiếp cho Tiền tuyến lớn – miền Nam -bằng đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển, tạo nên thế và lực mới cho cuộc chiến tranh giải phóng. Ngày 05 tháng 8 năm 1964, Mỹ đã dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng không quân ra miền Bắc.

 Xuất phát từ yêu cầu rất khẩn trương và cấp bách của việc đảm bảo giao thông vận tải thời chiến chi viện cho chiến trường, ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 71/CT-CP, giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam tổ chức các Đội TNXP  chống Mỹ cứu nước phục vụ giao thông vận tải.

Ngày 26/11/1965, Thủ tướng Chính phủ kí ban hành Công văn số 3908/CN chuẩn y cho tỉnh Bắc Thái thành lập Đội TNXP  91 (Đội 91). Ngày 1/2/1966, Đội TNXP chống Mỹ cứu nước 91 Bắc Thái thành lập, gồm 614 cán bộ đội viên. Ngày 3/2/1966, toàn thể cán bộ, đội viên Đội 91 làm lễ xuất quân mở đường chiến lược, từ Thác Giềng trên Quốc lộ số 3 đến thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì dài 60 Km. Đường được hoàn thành sau 6 tháng 26 ngày thi công, góp phần quan trọng phục vụ dân sinh và quân sự. Tiếp đó, Đội TNXP 91 được giao và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng trận địa phòng không ở xã Thượng Đình, huyện Phú Bình; trận địa tên lửa ở xã Thịnh Đức, huyện Đồng Hỷ; trận địa ra đa, đào hầm, hào phòng không trên đỉnh Đèo Gió, huyện Ngân Sơn. Nhờ có đủ trận địa để cơ động triển khai chiến đấu, mà bộ đội phòng không của Bộ Quốc phòng và Quân khu Việt Bắc đã phối hợp, cùng với quân và dân trong tỉnh bắn rơi hàng chục máy bay phản lực Mĩ trên bầu trời Bắc Thái.

Trước tình hình giặc Mĩ leo thang cho máy bay đánh phá Thái Nguyên ngày càng ác liệt. Những trọng điểm do Đội TNXP 91 đảm nhận và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, như: Cầu Gia Bảy, phà Ngọc Lâm, ga Khúc Rồng, ga Hợp Tiến, cầu đường bộ, đường sắt Đa Phúc, cầu số 5 quốc lộ 3, đèo Gió, đèo Cao Bắc, xây dựng trận địa tên lửa tại khu vực Bệnh viện Khu Tự trị Việt Bắc – nay là Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên… và mở mới nhiều tuyến đường tránh trong tỉnh.

 Do yêu cầu xây dựng các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, ngày 03 tháng 11 năm 1966, tỉnh Bắc Thái thành lập Đội TNXP 92 theo mô hình Đội TNXP 91, với quân số 1.250 cán bộ đội viên làm thủy lợi trên các vùng miền của tỉnh, góp phần cho Bắc Thái “thóc không thiếu một cân” để cùng cả nước đánh Mỹ.

Ngày 31-3-1968, Mỹ đơn phương tuyên bố ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, cũng là lúc nhiệm kỳ I Đội TNXP 91 kết thúc. Với những thành tích xuất sắc phục vụ giao thông vận tải và tổ chức học tập nâng cao trình độ văn hoá cho các đội viên trong nhiệm kì năm 1966 – 1968, cán bộ, đội viên Đội 91 đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Ủy ban Hành chính tỉnh trao tặng 2 Cờ Thi đua và 15 Bằng khen, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn tặng 8 Bằng khen…

 Những năm 1969-1971, Đội TNXP 91 Bắc Thái duy trì khoảng hơn 600 cán bộ đội viên, làm nhiệm vụ sửa chữa, nâng cấp, làm mới một số tuyến đường trọng yếu, góp phần lưu thông hàng hóa trong tỉnh với tỉnh bạn, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến và sản xuất vật liệu và xây dựng cơ bản. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mĩ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Đội TNXP 91 đã tuyển chọn, động viên hai đợt hàng trăm cán bộ, đội viên sang quân đội trực tiếp chiến đấu ở chiến trường ba nước Đông Dương.

 Đúng như Đảng ta nhận định, trước sau đế quốc Mỹ cũng ném bom trở lại miền Bắc, trong đó có Bắc Thái ác liệt hơn. Ngày 06 tháng 4 năm 1972, Mỹ dùng không quân và hải quân mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc lần thứ hai trên qui mô lớn và thả thủy lôi phong tỏa  các cảng và cửa sông hòng làm tê liệt các cơ sở sản xuất, cắt đứt các tuyến đường viện trợ của hậu phương lớn – miền Bắc cho tiền tuyến lớn – miền Nam.

 Trước yêu cầu cấp bách trên mặt trận giao thông vận tải, Đội TNXP 91 được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt Quốc lộ 3 trên đất Bắc Thái; tuyến Quốc lộ 1B lên giáp Lạng Sơn; Đường 16A từ huyện Đồng Hỷ đi Trại Cau; thi công đường hầm địa đạo núi Cô Kê cho Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính, các Ban, ngành của tỉnh có nơi làm việc an toàn, kịp thời lãnh đạo kháng chiến, kinh tế-xã hội.

 Giữa năm 1972 Đội 91 được lệnh tuyển quân nhiệm kỳ 3 để bổ sung quân số và thành lập mới Đại đội 915, là đơn vị có đội viên chủ yếu gồm con em các dân tộc ở hai huyện Chợ Đồn, Chợ Rã.

 Mười hai ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 (từ ngày18 đến ngày 30), Mỹ quyết định mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, thành phố Hải Phòng, thành phố Thái Nguyên và một số thành phố khác trên miền Bắc. Tại ga Lưu Xá, thành phố Thái Nguyên, tối ngày 24 tháng 12, bom đạn Mỹ đã giết hại 60, làm bị thương 7 cán bộ đội viên TNXP Đội 91 Bắc Thái đang thực hiện nhiệm vụ giải tỏa hàng quân sự, trong đó Đại đội 915 có 59 đồng chí hy sinh cùng Đội phó Đội TNXP 91 Bắc Thái Nguyễn Thế Cường trực tiếp chỉ huy. Sau sự kiện 60 cán bộ, đội viên Đại đội 915 hy sinh, vào khoảng 9h15’ ngày 29 tháng 12 năm 1972, trong khi Đại đội TNXP 913 Đội 91 Bắc Thái đang sửa chữa mặt đường 16A từ huyện Đồng Hỷ đi Trại Cau, đoạn qua xóm Ao sen, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ thì một tốp máy bay F111 cánh cụp cánh xòe của giặc Mỹ bay thấp đánh lén, ném bom vào Đội hình Đại đội, phá hỏng 200m mặt đường, làm 5 cán bộ, đội viên hy sinh tại chỗ, 8 cán bộ đội viên bị thương, cùng nhiều cán bộ, đội viên bị sức ép.

Sự đóng góp của quân và dân Thái Nguyên – trong đó có phần đóng góp quan trọng của Lực lượng TNXP Đội 91, cùng với trận “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Hà Nội đã đánh bại âm mưu phong tỏa các cảng biển miền Bắc của đế quốc Mỹ trên mặt trận giao thông vận tải; buộc giới cầm quyền Mỹ phải kí kết Hiệp định Pari ngày 27/1/1973[i]

Đầu năm 1973, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban hành chính tỉnh giao, Ban Chỉ huy Đội TNXP 91 phối hợp với Ty Công an tuyển chọn 30 đội viên làm nhiệm vụ xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 19 tháng 4 năm 1973, các đội viên được tuyển chọn vinh dự lên đường nhận nhiệm vụ mới và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sau Hiệp định Pari được ký kết, một yêu cầu cấp bách trước mắt phải nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường tiềm lực về mọi mặt cùng cả nước chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ. Trên mặt trận này, thực hiện nhiệm vụ Tỉnh giao, cán bộ đội viên, Đội TNXP 91 Bắc Thái đã tích cực tham gia và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Để giải quyết những đòi hỏi cấp bách trong giao thông vận tải, ngày 29 tháng 7 năm 1973, tỉnh Bắc Thái thành lập các Đại đội TNXP 28A, 28B với 248 cán bộ đội viên là con em các dân tộc huyện Đại Từ.

Kết thúc các nhiệm kỳ TNXP, nhiều đội viên TNXP hoàn thành nhiệm vụ xin trở về tham gia xây dựng phát triển kinh tế -xã hội cùng với nhân dân địa phương, một số chuyển ngành, một số khác được cử đi học ở các trường dạy nghề, trường chuyên nghiệp Trung cấp, Đại học trong và ngoài nước.

Ở vị trí công tác nào, những năm qua, đặc biệt 15 năm (2005-2020) xây dựng Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên, các cựu cán bộ, đội viên TNXP 91 Bắc Thái vẫn luôn phát huy truyền thống, thành tích của Đội, của Đoàn cùng cựu TNXP các thế hệ, đơn vị khác trên địa bàn tích cực thi đua xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng Thái Nguyên ngày một giầu đẹp.

 Nhìn lại 15 năm qua (2005-2020), mặc dù phải hoạt động trong điều kiện có nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng được những nhiệm vụ cụ thể, hướng đi đúng đắn, sáng tạo, cùng sự quan tâm của cấp ủy Đảng, Chính quyền, của Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, sự phối hợp giúp đỡ của các Ban, Ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh, đã nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt những thành quả quan trọng:

 1.Phát huy vai trò nhân chứng lịch sử, chủ động đề xuất tham mưu với cấp Ủy đảng, Chính quyền thực hiện việc giải quyết chế độ chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo các Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg; số 290/2005/QĐ-TTg; số 120/2004/QĐ-TTg; số 170/2008/QĐ-TTg; số 40/2011/QĐ-TTg; số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả:

 – Từ khi có Ban liên lạc và thành lập Hội đến nay đã lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét được Chính phủ công nhận bổ sung là 15, trong tổng số 42 liệt sỹ TNXP của tỉnh; đã quy tập được 05 hài cốt liệt sỹ; được công nhận bổ sung 126 trong tổng số 170 thương binh TNXP của tỉnh theo Quyết định 104/1999/TTg, Nghị định 31, Thông tư liên tịch số 28/2013.

 – 235 cựu TNXP và con đẻ nhiễm chất độc da cam/dioxin được giải quyết hưởng chế đội.

 -3.028 cựu TNXP được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (không tính đối tượng thuộc diện bảo hiểm xã hội).

– Có 3.408 người được xét hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi của Thủ tướng Chính phủ theo các Quyết định 104/1999/QĐ-TTg, 40/2011/QĐ-TTg, 62/2011/QĐ-TTg.

– Hằng năm các cấp Hội làm tốt việc phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết chế độ mai táng phí cho cựu TNXP từ trần.

 -Các cấp hội phối hợp với Đoàn TNCSHCM cùng cấp lập hồ sơ, thẩm định và đề nghị, được TW Đoàn TNCSHCM xét tặng, xét tặng bổ sung kỷ niệm chương đến hết 2019 là 5002/5537, đạt 90,3% TNXP theo rà soát, thống kê trên địa bàn tháng 3 năm 2017.

 – Hội hoàn thành xuất sắc việc lập hồ sơ hỗ trợ chính quyền xét khen thưởng Đại đội 915 và Đại đội 913 có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến tranh chống Mỹ, được Chủ tịch nước ra quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội 915 và tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng ba cho Đại đội 913, đem lại niềm vinh quang cho Đảng bộ, nhân dân và tuổi trẻ hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Hiện nay Khu di tích 60 Liệt sĩ TNXP Đại đội 915 ở Gia Sàng đã được đầu tư xây dựng khang trang, to đẹp và được xếp hạng là Khu di tích Lịch sử Quốc gia 60 Liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các cựu TNXP và nhân dân.

 Hội còn lập hồ sơ đề nghị, được Tỉnh đoàn, Sở Giao thông Vận tải và các ngành chức năng nhất trí ủng hộ, được UBND tỉnh phê duyệt công nhận Đại đội 28A – 28B thanh niên bảo vệ xây dựng Tổ Quốc làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông thời chống Mỹ là đơn vị TNXP chống Mỹ cứu nước.

  1. Thực hiện phương châm nơi nào có cựu TNXP, nơi đó có hoạt động hội: Sau Đại hội nhiệm kỳ I(2005-2010) và Điều lệ Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên được UBND tỉnh phê duyệt và có hiệu lực, hơn 3 năm sau Hội đã tổ chức kết nạp 4.186 hội viên vào Hội, xây dựng 09 Hội cấp huyện và 165 Hội cơ sở.
  2. Hội không ngừng đẩy mạnh phong trào “Vì nghĩa tình đồng đội” động viên cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế xóa nghèo bền vững; tích cực vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ cựu TNXP hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống ổn định, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.
  3. Cuộc vận động “Cựu TNXP nguyện nêu gương sáng học tập, làm theo lời dạy và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được Hội triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Qua đó đã định hướng tư tưởng, hành động của cán bộ, hội viên, các tổ chức Hội trong các mặt công tác và phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp ủy, chính quyền tỉnh phát động, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

 5. Công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lịch sử truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP và kết quả hoạt động của Hội được tổ chức thường xuyên, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của Lực lượng TNXP Việt Nam. Hội phối hợp với Tỉnh đoàn biên soạn, tổ chức hội thảo hoàn chỉnh cuốn lịch sử TNXP tỉnh Thái Nguyên 1950-2016, được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép xuất bản phát hành năm 2018; Hội phát hành nội bộ cuốn sách “Khúc tráng ca bất tử” gồm nhiều bài viết của cựu TNXP trong tỉnh, phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống TNXP cho các thế hệ trẻ.

  1. Hội đã tăng cường mở rộng mối quan hệ, gắn bó với các cơ quan nhà nước, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ với Đoàn TNCSHCM, các tổ chức và cá nhân tiêu biểu, từ đó có được sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ công tác hội, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giáo dục truyền thống TNXP – truyền thống cách mạng – cho thế hệ trẻ.
  2. Hội Cựu TNXP đã thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Qua đó góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng và an ninh ở cơ sở. Đặc biệt dịp đầu năm 2020 cán bộ, hội viên cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực hưởng ứng lời kêu gọi phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách để hạn chế thấp nhất lây truyền bệnh, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và thể hiện lòng yêu nước bằng việc làm “Ở yên tại nhà” trong thời gian Chính phủ qui định giãn cách. Cũng trong dịp này, cựu TNXP toàn tỉnh đã ủng hộ 81.156.000 đ và 400 khẩu trang cho phòng chống dịch. Kết quả các hoạt động đã nâng cao, khẳng định được vị thế của Hội Cựu TNXP, được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao và khen thưởng:

 -Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba;

 -Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng 01 Bằng khen và 01 Cờ Thi đua xuất sắc;

 -Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng 01 Bằng khen;

 -Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam tặng thưởng 10 Cờ thi đua xuất sắc;

 -UBND tỉnh tặng thưởng 02 Cờ thi đua xuất sắc và nhiều Bằng khen.

Kính chúc các quí vị đại biểu, đồng chí, đồng đội sức khỏe, nhiều niềm vui, gia đình hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn.

Ảnh:  Đồng Sỹ Tiến 


[i] Hiệp định Paris về Việt Nam hoặc hiệp định Paris 1973 (ở miền Nam còn gọi là Hiệp định Ba Lê) là hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký kết tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973. Về mặt công khai thì đàm phán có 4 bên và nội dung chính thức của bản Hiệp định cơ bản dựa trên Tuyên bố 10 điểm ngày 08-05-1969 của phái đoàn Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, nhưng việc đàm phán để đạt được nội dung hiệp định lại chủ yếu được quyết định bởi các phiên họp kín giữa 2 đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ