Tinh thần xung phong của thanh niên Bắc Ninh thời kháng chiến chống Pháp

Đăng lúc: 16-03-2021 2:21 Chiều - Đã xem: 111 lượt xem In bài viết

Bắc Ninh là vùng đất hiếu học và khoa bảng nổi tiếng cả nước. Nơi đây sản sinh nhiều nhân tài trên các mặt kinh tế, quân sự, ngoại giao qua nhiều triều đại khác nhau. Thời đại Hồ Chí Minh, Bắc Ninh cũng có những thanh niên trí thức sớm đến với chủ nghĩa Mác – Lê nin, trở thành những chiến sĩ cộng sản tiền bối đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp cách mạng như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo… Trong các cuộc kháng chiến, lớp lớp thanh niên Bắc Ninh lên đường ra mặt trận, hoặc làm nhiệm vụ chiến đấu, sản xuất ngay tại hậu phương. Đặc biệt, tinh thần xung phong của thanh niên Bắc Ninh đã có mặt ngay từ thời điểm đầu tiên xây dựng một đội ngũ cách mạng mới: Lực lượng TNXP.

Anh hùng Nguyễn Tiến Thụ và tuổi trẻ Bắc Ninh

Đầu năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp có bước phát triển mới, từ thế phòng ngự, cầm cự, quân dân ta chuyển sáng thế phản công. Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc tổ chức lực lượng TNXP. Bác Hồ xác định rõ mục đích của Đội TNXP: “Đội cốt giáo dục cho thanh niên tinh thần quyết tâm xung phong trong mọi việc, rèn luyện thành những thanh niên gương mẫu, những chiến sĩ thi đua để trở nên những cán bộ tốt sau này cho Đảng và Chính phủ[i]. Ngày 15/7/1950, Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên được thành lập tại núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 225 đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn trực tiếp làm Đội trưởng. Tỉnh Bắc Ninh có 30 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên ưu tú tham gia.

Sau đó các đội TNXP khác lần lượt ra đời làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển lương thực thực phẩm, cáng thương, tải đạn phục vụ chiến đấu và trực tiếp sát cánh cùng bộ đội chiến đấu, bảo vệ các cơ quan đầu não ở ATK trong chiến khu Việt Bắc. Bác Hồ luôn quan tâm theo dõi hoạt động của các đội TNXP. Ngày 28/3/1951 Bác Hồ đã đến thăm động viên Liên phân đội 312 đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù (thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn). Tại đây Bác Hồ đã tặng 4 câu thơ nổi tiếng: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Bài thơ là nguồn cổ vũ, động viên to lớn với biết bao thế hệ thanh niên vượt mọi gian khổ, hi sinh, làm nên những chiến công oanh liệt trong các cuộc chiến đấu và lao động xây dựng đất nước.

Tháng 10 năm 1950, Tỉnh đoàn Bắc Ninh tuyển chọn TNXP đợt 2 thuộc các huyện: Quế Dương, Võ Giàng, Gia Bình, Lang Tài  (nay là Lương Tài) và thị xã Bắc Ninh để thành lập Liên phân đội TNXP 307 Trần Phú, gồm 120 cán bộ, đội viên. Đơn vị có nhiệm vụ sửa cầu đường từ Mẹt về Đèo Cả, Giếng Ống và phục vụ chiến dịch Biên Giới. Cuối năm 1952, do yêu cầu phục vụ chiến trường, Liên phân đội TNXP 307 Trần Phú được bổ sung quân số từ 120 lên 160 đội viên, chia thành 9 phân đội. Tại hội nghị tổng kết mừng công năm 1952 Liên phân đội 307 Trần Phú được lựa chọn bầu 5 đồng chí tiêu biểu gồm: Đặng Thuật, Minh An, Nguyễn Trương, Công Ngoạn, Nguyễn Hành được bầu là chiến sỹ thi đua toàn Đội được đi dự hội nghị chiến sỹ thi đua toàn quốc. Tháng 12/1953 cả 5 đồng chí được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Theo quyết định của Trung ương Đoàn, ngày 28 tháng 8 năm 1951, Liên phân đội TNXP 302 Tô Hiệu được thành lập, gồm 300 cán bộ, đội viên thuộc các huyện: Yên Phong, Từ Sơn, Tiên Du, Quế Dương, Lang Tài, Gia Lâm… với nhiệm vụ bảo vệ giao thông từ Ngã ba Cò Nòi đi Điện Biên. Tiếp đó, 700 cán bộ, thanh niên ưu tú Bắc Ninh được điều động tham gia các Liên phân đội Lý Thường Kiệt, Hoàng Hoa Thám, Liên khu 3 phục vụ chiến dịch Quảng Hồng và chiến dịch Điện Biên.

Cuối năm 1953 lực lượng TNXP tuyển thêm, mang tên mới là Đoàn TNXP Trung ương (mật danh Đoàn XP). Các Liên phân đội của Bắc Ninh như: 307 Trần Phú, 302 Tô Hiệu, Lý Thường Kiệt, Hoàng Hoa Thám, Liên Khu 3 đều được biên chế vào Đoàn TNXP Trung ương để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đảng và Nhà nước đã giao cho các Đại đội TNXP Đoàn XP mở con đường 1B dài 140 km từ thị xã Thái Nguyên đến cửa khẩu Mục Nam Quan.

Đơn vị 302 Tô Hiệu tức Đại đội 406 thuộc Đoàn XP được lệnh vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, do đồng chí Nguyễn Minh Ca (quê Gia Lâm) là đại trưởng, với nhiệm vụ cùng bộ đội kéo pháo vào, kéo pháo ra và đảm bảo giao thông 29 km từ ngã ba Cò Nòi đến đèo Pha Đin, trọng điểm bị địch thường xuyên đánh phá. Trong chiến đấu và phục vụ chiến dịch nhiều đồng chí có cống hiến xuất sắc như: Anh hùng LLVTND Nguyễn Tiến Thụ (quê Nội Duệ, Tiên Du) chiến sĩ phá bom nổ chậm đầu tiên; Nguyễn Thị Thảo (quê huyện Quế Võ) bán đôi khuyên tai kỷ vật để cứu đói đồng đội; Phan Khắc Ý (quê Chi Hồ, Tân Chi, Tiên Du), Nguyễn Sĩ Tảo (quê Phù Đổng, Tiên Du) hi sinh ngay trên mặt đường vì bom và phá bom địch. Từ chiến dịch Biên Giới cho đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954), hưởng ứng chủ trương của Bác Hồ, tỉnh Bắc Ninh đã có 1.956 cán bộ, đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia lực lượng TNXP phục vụ các chiến dịch; hàng trăm cán bộ, đội viên TNXP đã trưởng thành, nhiều đồng chí trở thành lãnh đạo các cấp của Đảng, chính quyền và các đoàn thể; hơn 900 đồng chí được khen thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến của Đảng và Nhà nước; 1.200 cán bộ, đội viên trở thành đảng viên; Đại đội 406 (tiền thân là Đại đội 302 Tô Hiệu) thuộc Đội 40 đã đóng góp xứng đáng vào thành tích của Lực lượng TNXP ĐIện Biên Phủ được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân năm 2010; năm 2014 đồng chí Nguyễn Tiến Thụ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Thanh niên xung phong thực sự đã trở thành một trường học lớn của tuổi trẻ như lời Bác Hồ dạy. Lực lượng TNXP Bắc Ninh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1950- 1954) luôn tự hào với những cống hiến xuất sắc của mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Thế hệ TNXP trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là thế hệ mở đầu cho truyền thống vẻ vang của TNXP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thời bình, trở về với đời thường, các cựu TNXP tiếp tục phát huy truyền thống của lực lượng với phương châm hành động “Khi trẻ xung phong, về già gương mẫu. Thời chiến dũng cảm, thời bình cuộc sống mẫu mực”, xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Phạm Thuận Thành

Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh

 

 

 


[i] (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, trang 331-332)