Chuyện bên ngoài một bộ phim

Đăng lúc: 23-07-2021 9:23 Sáng - Đã xem: 46 lượt xem In bài viết

Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (12/8/1991- 12/8/2021) Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh làm phim tài liệu về sự trọn nghĩa vẹn tình của TNXP của tỉnh nhà. Theo yêu cầu của đoàn làm phim các cựu TNXP đã tổ chức lễ dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ TNXP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ở huyện Châu Đức.

Vì dịch Côvid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn huyện Châu Đức, chợ Kim Long bắt đầu phong tỏa, chỉ được phép tập trung không quá 10 người nên về dân hương có các đồng chí: Cao Hoàng Vũ, Phó Chủ tịch phụ trách Văn hóa Xã hội UBND huyện Châu Đức; Nguyễn Như Hải, Bùi Thế Ba là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Tỉnh hội; Lê Đức Trà, Lê Tuấn Nghiệp là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Huyện hội Châu Đức. Đứng trước bàn thờ của nhà bia tưởng niệm, đồng chí Nguyễn Như Hải xúc động nói: Hôm nay ngày 11/7/2021 chỉ còn 4 ngày nữa là kỹ niệm 71 năm ngày Truyền thống lực lượng TNXP của chúng ta. Thay mặt Hội Cựu TNXP tỉnh chúng tôi xin dâng nén hương thơm trước linh hồn các đồng đội đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đánh giặc cứu nước. Các anh chị đã không tiếc máu xương ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Chúng tôi là những người còn sống xin nguyện làm theo tấm gương của các anh chị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước giàu mạnh.

Ảnh: Nguyễn Thùy Trang

Các cháu trong đoàn làm phóng sự muốn các bác diễn lại cảnh ngồi nói chuyện trong rừng như những năm kháng chiến. Chúng tôi chọn góc vườn của anh Tắc gần nhà bia tưởng niệm trải tấm bạt ngồi tâm sự. Một cháu thành viên trong đoàn xin phép bác Bùi Thế Ba – Đại đội trưởng đầu tiên của C 1265 – kể lại quá tình thành lập đơn vị. Nhấp ngụm nước bác Ba bắt đầu câu chuyện: Cuối năm 1964 quân Mỹ và quân đội Sài Gòn bị đánh tan tác tại Bình Giã (Bình Phước) đánh dấu sự phá sản hoàn toàncủa cuộc chiến tranh đặc biệt[i]. Để lấy lại thế chủ động Mỹ đã tiến hành chiến tranh cục bộ[ii]: Đem máy bay, tàu chiến ra đánh phá các cơ sở kinh tế và ngăn chặn sự chi viện vào chiến trường miền Nam; ồ ạt đổ quân Mỹ và quân các nước chư hầu vào kết hợp với quân lực VNCH đánh phá lực lượng cách mạng. Cuộc chiến vô cùng ác liệt, Huyện ủy và Huyện đoàn Đức Thạnh quyết định thành lập một đơn vị TNXP tập trung luôn theo sát các đơn vị bộ đội khi chiến đấu với mục đích vận chuyển vũ khí đạn dược và sơ cứu tải thương binh về hậu cứ. Cuối năm 1965 đã vận động được 150 người lứa tuổi từ 17 đến 30 gia nhập đơn vị TNXP tập trung của tỉnh. Ngày 12/12/1965 đơn vị chọn ngọn đồi bên suối Xà Môn làm địa điểm đóng quân và làm lễ tuyên thệ. Đơn vị được đặt tên: Bình Giã chiến thắng. Sau này để nhớ ngày thành lập đơn vị vào tháng 12 nên gọi là C1265.

 Những ngày chiến đáu gian khổ trong đơn vị Bác Ba chỉ huy có những kỹ niệm nào đáng nhớ nhất kể lại cho chúng cháu nghe với?

Vẫn bằng giọng trầm trầm xúc động bác kể lại: Kỷ niệm đầu tiên không thể quên được, đó là khi thành lập đơn vị, có bà má Bảy người dân tộc Châu Ro khoảng trên 50 tuổi đem theo 1 chiếc nồi nhôm lên xin theo cùng đơn vị. Anh em trong đơn vị bảo: Má già rồi lên đây làm gì, giặc Mỹ đánh phá Má không chạy được đâu. Má nói vì căm thù thằng Mỹ tao đi theo tụi bây; không làm được gì tao ở nhà nấu cơm canh để tụi bay đỡ vất vả. Sau hai tháng tập huấn, rèn luyện đơn vị bắt đầu làm nhiệm vụ. Phát hiện nơi đóng quân, địch cho máy bay ném bom vào doanh trại, 4 người hy sinh: Mã Thị Thanh, Trần Thị Mai, Nguyễn Thị Bời và má Bảy. Các đồng hy sinh được an táng dưới chân đồi. Sau năm 1990 được đưa về an táng tại nghĩa trang tỉnh.

 Kỷ niệm thứ hai là khoảng tháng 4/1970, đơn vị đang đóng quân hai bên bờ suối tỉnh Đồng Nai thì được lệnh hành quân về Tổng đội. Chặng đường hành quân khá xa và đầy nguy hiểm vì có nhiều đồn bốt địch, nhất là phải vượt lộ 20 (con lộ từ ngã ba Dầu Giây lên Đà Lạt) thường có xe của bọn lính VNCH đi tuần. Tiểu đội 3 do chị Hồng B làm tổ trưởng có chị Tám Thúy đang nuôi con nhỏ khoảng 10 tháng tuổi. Chị vừa phải bế con vừa phải theo đơn vị hành quân trong đêm tố. Đặc biệt là cháu Liễu con chị rất yếu, thường giật mình khóc thét. Để vượt lộ an toàn đơn vị quyết định cho cháu uống thuốc ngủ và nếu cháu khóc thì phải bịt miệng lại khi vượt qua lộ 20. Nếu cháu mất thì cũng đành cắn răng chịu đựng. Lúc qua lộ 20 cháu ngấm thuốc ngủ nên thiếp đi, các cô chú vượt lộ an toàn. Hiện nay hai mẹ con cháu định cư ở tỉnh Long An.

 Đơn vị chúng tôi hoạt động trên rừng núi xa dân, đói cơm lạt muối. Năm 1969-1970 là chiến trường cửa ngõ khi Mỹ xuống thang, chúng chia cắt và bảo vệ khu vực này bằng mọi thứ bom đạn và biệt kích. Trước tình hình này đơn vị thực hiện 3 không “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Suốt hai năm C1265 tự giải quyết bao nhiêu khó khăn, phải chống chọi gay gắt với nạn đói, nạn rách. Mỗi người chỉ còn lại một bộ quần áo. Chị em mỗi lần tắm phải trốn vào rừng phơi quần áo hoặc tắm lên vắt kiệt rồi mặc quần áo ướt.

 Cán bộ chiến sỹ TNXP phải bám trụ địa bàn tự lực để nuôi quân. Trong thời điểm này đơn vị đói triền miên trong lúc địch vẫn tăng cường đánh phá ác liệt, chà đi, xát lại, biệt kích, máy bay B52 rải thảm, pháo cối 106,7 ly bắn cấp tập hàng trăm quả vào nơi đóng quân của ta. Hoạt động ở địa bàn vùng tam giác sắt, song đơn vị vẫn bám trụ ở chiến trường ác liệt này. Đói, rét cứ mãi đe dọa tính mạng của anh em, buộc đơn vị phải chuyển về cây số 125 lộ 20 hàng ngày nhờ rau muống Trà Cổ. Cũng có lúc phải ăn lá đu đủ, rau tàu bay, lá bươm bướm. Có những ngày đói quá không có gì ăn, anh nuôi thử nấu canh lá két húp thử, nếu êm bụng sẽ phổ biến cho anh em dùng. Nhưng tác dụng ngược lại, trong khi bọn biệt kích đánh phá dữ dội, một số anh chị em hy sinh, còn một số bị kiệt sức. Nạn đói kéo dài 18 tháng. Địch dùng máy bay đặt loa phóng thanh kêu gọi chiêu hồi để làm lung lạc ý chí chiến đấu của lực lượng TNXP. Nhưng kẻ thù đã thất bại, không ai chiêu hồi. Trong suốt 10 năm liên tục TNXP đã phục vụ chiến đấu, vượt qua những khó khăn gian khổ, ác liệt của chiến tranh, luôn đối mặt với đói khát, bệnh tật và kẻ thù. Là đội quân cơ động, đi trước về sau, hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau, vừa phục vụ chiến đấu, và trực tiếp chiến đấu, phương tiện chủ yếu là đôi chân, đôi vai, thường lấy đêm làm ngày, được chiến sỹ Giải phóng quân tặng cho TNXP là đội quân “Chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên”

 Hôm nay, chúng tôi – những cựu TNXP ngồi đây, những con người đã về với đời thường giữa đất nước bình yên và phát triển – vẫn không quên đồng đội, không quên các gia đình liệt sỹ TNXP. Với truyền thống “Đoàn kết thương yêu đồng đồng đội” Hội Cựu TNXP tỉnh vẫn còn canh cánh nghĩ về hai chiến sỹ TNXP đang nằm lại trên mảnh đất Cà Tum tỉnh Tây Ninh chưa tìm được mộ dù đã đi khảo sát nhiều lần. Tại đây Tỉnh hội đã tìm thấy hài cốt 3 liệt sỹ TNXP.

Mỗi một ký ức của chúng tôi luôn tự hào về quá khứ và luôn tri ân những đồng đội – những chiến sỹ TNXP từng chia sẻ cho nhau những nắm cơm, hạt muối, điếu thuốc lá – đã mãi mãi ra đi, đã cống hiến cho đất nước phồn vinh tươi đẹp như ngày hôm nay./.

Trần Phức


[i] Kế hoạch thực thi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam được công bố tháng 5 năm 1961, mang tên hai người soạn thảo là nhà kinh tế học Eugene Staley của Viện nghiên cứu Standford – đại học Stanford và Đại tướng Maxwell D. Taylor, chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam. Theo tiến độ, kế hoạch được triển khai trong 4 năm (1961-1965). Nội dung của nó là “bình định Miền Nam Việt Nam” trong vòng 18 tháng, từ đó đảm bảo cho quân đội Việt Nam Cộng hòa thế chủ động trên chiến trường Miền Nam.

[ii] Chiến tranh cục bộ là một chiến lược quân sự của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam (giai đoạn 1965-1967). Nội dung cơ bản của chiến lược này là tận dụng ưu thế hỏa lực, công nghệ và quân số của lực lượng viễn chinh Mỹ để đè bẹp Quân Giải phóng miền Nam, đồng thời điều động lực lượng không quân đánh phá miền Bắc, thiết lập ảnh hưởng lâu dài của Mỹ lên miền Nam Việt Nam thông qua chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đây được đánh giá là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến.