“Đồng chí Câu dáng người cao, khỏe, đầy đặn và rất nhanh nhẹn. Cô sinh năm 1945, là người con của đất Hoài Châu, Hoài Nhơn, Bình Định; nhập ngũ vào tháng 2/1968, là chị nuôi thuộc Đội 2, Tổng đội TNXP Thường trực tỉnh Bình Định”. Đó là những dòng kể còn rất rành mạch, chính xác về liệt sĩ Lê Thị Câu mà thương binh (2/4) Trần Đình Tạo – vị Đội trưởng năm xưa, và cũng là người trực tiếp dẫn đoàn tìm kiếm, quy tập hài cốt của cô về nơi yên nghỉ cuối cùng – tường thuật lại trong nỗi niềm thương nhớ, nghẹn ngào.
Chiếc xẻng được tìm thấy bên hài cốt của liệt sĩ Lê Thị Câu. Ảnh: Hội Cưu TNXP tỉnh Bình Định
Ông Trần Đình Tạo sinh năm 1943, quê quán ở Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định, nguyên Phụ trách Đơn vị Tây Sơn 2, và hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Định. Đơn vị Tây Sơn 2 lúc bấy giờ có khoảng 90 đến 120 chiến sĩ, đóng quân tại Cát Sơn, Phù Cát; nhiệm vụ của đội là phục vụ chiến đấu cho chiến trường Bình Định, các chiến sĩ của đội tham gia mở đường, vận chuyển lương thực thực phẩm, vũ khí đạn dược, vận chuyển thương binh, thu dọn chiến trường. Nhiệm vụ nào cũng khó khăn, vất vả, nhưng thương nhất vẫn là các chị nuôi. Gọi là “chị” để cho thêm phần yêu thương và quí trọng, chứ các chị nuôi hầu hết đều rất trẻ, như chị nuôi Lê Thị Câu nhập ngũ cũng mới vừa 23 tuổi.
Không sao kể hết những nỗi truân chuyên của một chị nuôi thời chiến, thời đó một đội có 3 cấp dưỡng, như vậy một chị nuôi phải lo cơm nước cho đến gần 30 chiến sĩ. Chị phải lo quản lý từng hạt gạo, hột muối, cho đến củi đốt, nước non, rau củ, cá mặn. Để nấu nướng an toàn, không để khói bay cao vì sợ máy bay địch phát hiện, chị phải chẻ củi ra thành từng thẻ nhỏ; hằng ngày tìm hái từng cọng rau rừng, đào mót từng củ mì, củ mài, lo cho sức khỏe của đồng đội, mò từng con cua, bắt từng con cá, bổ sung thêm chất cho những bữa ăn đạm bạc giữa chốn núi rừng. 4 giờ sáng, mà có khi là 3 giờ 30 phút sáng, chị nuôi đã phải dậy, thu dọn xoong chảo, nổi lửa nấu cơm, vắt cơm thành từng vắt phân phát cho từng đồng đội. Khi nào chị cũng lo cho các chiến sĩ ăn trước, còn khẩu phần của mình là phần cơm thừa cạo dưới đáy nồi. Khổ nhất là những lúc hành quân, cõng trên lưng các chị là lỉnh kỉnh đồ bếp, xoong nồi, bát đĩa,… Thấy vậy thôi, chứ đối với các chị, những đồ lỉnh kỉnh này còn quý hơn cả sinh mệnh.
Gia đình và đồng đội thắp hương kính viếng người con, người em, người đồng đội của mình. Ảnh: Hội TNXP tỉnh Bình Định
Những đợt hành quân gian nan không làm lung lay ý chí của chị Câu, ngặt nỗi cơn sốt rét rừng đã đeo bám chị. Tháng 7/1970 chị Câu bị sốt rét rừng, mái tóc đen nhánh của chị trở nên lưa thưa đầy những chấy, rận, và chính tay người đội trưởng đã cạo trọc đi mái tóc ấy để tránh chấy rận; người con gái khỏe mạnh giờ trở nên khẳng khiu, khô khốc, chỉ còn da bọc xương. Chị nhập viện điều trị tại Bệnh xá Ban Giao vận Bình Định ở xã miền núi Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh. Và ngày chị ra đi, không còn được phục vụ cho tổ quốc nữa là ngày 18/8/1970, biệt kích đánh vào Bệnh xá, ném bom xuống dưới hầm bệnh nhân nơi chị Câu đang trú ẩn. Chị hy sinh!
Nghĩa tình đồng đội nặng sâu, năm 2015, đoàn công tác của Tỉnh hội do đồng chí Trần Đình Tạo phụ trách đã nhiều lần xuyên rừng, lội suối, tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Lê Thị Câu. Và đến lần thứ 9 – ngày 25/7/2018 – hài cốt của chị Câu cũng đã được tìm thấy cùng với chiếc xẻng cá nhân và chai dầu gió xanh mà đồng chí Trần Đình Tạo đã tặng chị Câu khi còn ở bệnh xá. Xúc động dâng lên nghẹn ngào, gia đình và đồng đội vỡ òa thương nhớ, quy tập hài cốt, tổ chức Lễ truy điệu và đưa hài cốt chị về quê hương an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Châu, Hoài Nhơn, Bình Định.
Chiếc xẻng (Kim loại; dài: 26cm, rộng: 15,5cm).
Chiếc xẻng này được Ban Giao vận tỉnh giao cho từng chiến sĩ, là vật dụng cá nhân dùng để đào hầm công sự, đào đường,… phục vụ cho kháng chiến.
Nhân cuộc trò chuyện, tìm hiểu về những kỷ vật kháng chiến được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, ông Trần Đình Tạo đã trao tặng lại chiếc xẻng của Đội TNXP – kỷ vật đã ở bên liệt sĩ Lê Thị Câu trong những giây phút hy sinh thiêng liêng. Chiếc xẻng giờ đây đã bị hoen rỉ toàn bộ, nhưng Bảo tàng tỉnh Bình Định đã trân quý lưu giữ để nhớ và tự hào về một chiến sĩ TNXP – chị nuôi Lê Thị Câu với sức trẻ, lòng dũng cảm và khát vọng cống hiến tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc.
Nguyễn Thị Thanh Trà
Bảo tàng tỉnh Bình Định