Hà Nội lan tỏa phong trào “Gia đình Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế giỏi”

Đăng lúc: 31-03-2022 10:23 Sáng - Đã xem: 60 lượt xem In bài viết

Phát huy truyền thống TNXP anh hùng, các cấp Hội Cựu TNXP Hà Nội đã đẩy mạnh phong trào thực hiện mô hình: “Gia đình Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế giỏi”. Đến nay, Hà Nội đã có gần 2.500 hộ gia đình cựu TNXP tham gia phong trào, hình thành hơn 60 cụm kinh tế gia đình; qua đó giúp hơn 330 hộ thoát nghèo, gần 3.000 lao động có việc làm, thu nhập ổn định, hàng nghìn hộ vươn lên làm giàu.

Bà Dương Thị Vịn, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Hà Nội(khóa III) cho biết, từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình như: Hội Cựu TNXP xã Liên Trung, huyện Đan Phượng đã tập hợp các gia đình hội viên cùng nghề thành Cụm gia đình làm kinh tế. Các gia đình đã liên kết giúp nhau phát triển nghề nghiệp mở mang nhà xưởng, mua sắm máy móc để có sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu thị trường. Gia đình bà Nguyễn Thị Dậu và ông Nguyễn Sỹ Chính – đều là cựu TNXP – đã vay vốn ngân hàng để đầu tư mua hàng trăm héc ta rừng trồng cây keo làm nguyên liệu phục vụ cho cơ sở mình, tạo việc làm cho nhiều công nhân, với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng; doanh thu trừ chi phí còn được 3-4 tỷ đồng/năm. Các gia đình trong Cụm đều có mức sống cao hơn trước.

Mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao của Cựu TNXP Cấn Văn Khéo, xã Phú Kim (huyện Thạch Thất). Ảnh:NGUYỄN KHỔN

Ở xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ những năm trước đây là vùng đất bãi ven sông, luôn bị ngập nước, việc canh tác không thuận lợi, đời sống nhân dân khó khăn, vất vả. Song những năm gần đây không có nước ngập, thổ nhưỡng rất thích hợp với cây bưởi đã làm giàu cho địa phương. Hội Cựu TNXP xã có 14 gia đình đã đoàn kết giúp nhau làm kinh tế. Cho tới nay có 10 gia đình xây dựng nhà cao tầng kiên cố, 4 hộ có mức sống cao, bình quân quỹ nghĩa tình đồng đội cao nhất huyện. Đặc biệt có ông Nguyễn Văn Thông từ một hộ nghèo nay có doanh thu 1 tỷ đồng/năm.

 Cụm Tây Tựu – Bắc Từ Liêm chuyên trồng hoa, khi xưa là vùng đất trồng rau phục vụ cho Hà Nội. Gần đây do cơ chế thị trường, Tây Tựu đã mạnh dạn chuyển đổi trồng hoa hy vọng thu nhập cao hơn, Hội đã tập hợp các gia đình hội viên thành cụm mời chuyên gia hướng dẫn chuyên đề kỹ thuật nghề nghiệp, bởi đây là công việc mới mẻ khó khăn. Các thành viên luôn giúp đỡ nhau trao đổi kỹ thuật, kiên nhẫn học hỏi dần dần đã vững vàng, thu nhập cao hơn trồng rau nhiều lần và làng hoa Tây Tựu đã trở thành một thương hiệu của Thủ đô.

Cụm chăn nuôi huyện Thanh trì có 4 gia đình tham gia do ông Nguyễn Duy Ứng phụ trách với diện tích 3 hecta ao hồ thả cá, hàng nghìn m2 chuồng lợn, với sự tham gia của hàng trăm lao động. Mỗi năm cụm cung cấp 410 tấn cá, 420 tấn thịt lợn sạch theo tiêu chuẩn VietGap và các cây ăn quả trồng quanh ao, doanh thu đạt 43 tỷ đồng, lợi nhuận 3 tỷ đồng/năm, lương công nhân 6-7 triệu/tháng, đây là một mô hình VAC rất thành công.

Cụm chăn nuôi gia cầm xã Văn Khê, huyện Mê Linh gồm 7 gia đình tham gia do ông Lưu Xuân Động phụ trách với chuyên đề nuôi gia súc, gia cầm sạch cung cấp cho thị trường Hà Nội: gà, vịt, trứng chim cút. Các hộ trong cụm đã giúp đỡ, hỗ trợ nhau, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm sao cho bảo đảm năng suất cao, chất lượng tốt, đưa đời sống lên cao. Các hộ nuôi chim cút từ 2,5 – 5 vạn con để lấy trứng, trứng vào lò ấp thành trứng chim cút lộn được thị trường tiêu thụ nhanh, giá trị cao, thu nhập đạt 300 triệu đồng/năm.

Tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì có Cụm may mặc thời trang của bà Vũ Thị Thoa đã thu hút nhân công địa phương và con cháu cựu TNXP tham gia sản xuất, ngoài việc mở rộng nhà xưởng mua sắm máy móc công ty còn cho hội viên, con cháu hội viên vay vốn mua sắm máy khâu để trở thành công nhân công ty. Cụm luôn cải tiến kỹ thuật, mẫu mã sảm phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn tăng thu nhập cho các thành viên. Vốn đầu tư hiện nay trên 20 tỷ đồng, tình hình sản xuất của công ty ngày càng ổn định, phát triển.

Cụm mây tre đan xuất khẩu huyện Chương Mỹ là một cơ sở làm kinh tế khá vững vàng liên kết gia đình hội viên của 3 xã Tiên Phương, Phú Nghĩa, Thủy Xuân Tiên thành một Cụm sản xuất mây tre đan xuất khẩu, doanh thu 45 tỷ đồng/năm. Tiêu biểu như ông Nguyễn Danh Hùng đạt 20 tỷ đồng/năm; Vương Văn Cổ 15 tỷ đồng/năm; Nguyễn Chí Ơn 15 tỷ đồng/năm. Cơ sở sản xuất đã thu hút nhiều nhân công của địa phương với mức lương tháng từ 5 triệu đồng trở lên.

Huyện hội Thường Tín đã tập hợp các hộ sản xuất nông nghiệp của 2 xã Vân Tảo và Thư Phú. Trong đó chuyên trồng rau sạch như hành lá, hành tây, hành củ, bắp cải sấy khô cung cấp cho công ty xuất khẩu đi 14 nước, hàng năm xuất từ 100-150 tấn thu nhập cá nhân từ 5-10 triệu/tháng, giúp hàng chục hộ cựu TNXP khá giả, một số thoát nghèo.

Cụm cơ khí Phùng Xá, huyện Thạch Thất gồm 15 gia đình đã liên kết nhau thành một cụm. Đây là một làng nghề kim khí có từ lâu đời, sản phẩm thông dụng làm ra cung cấp cho Hà Nội. Hội Cựu TNXP xã đã quy tụ các gia đình hội viên cùng nghề nghiệp thành cụm gia đình kinh tế và vận động cụm phấn đấu trở thành cụm làm kinh tế giỏi để nâng cao doanh thu, đời sống. Họ đã giúp nhau đầu tư phát triển nhà xưởng, máy móc hiện đại để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho các công trình Nhà nước và dân dụng. Sản phẩm chính là sắt chữ U, V, I; mỗi cơ sở có diện tích vài trăm m2t, doanh thu bình quân 200 triệu đồng/năm; lương công nhận từ 5-7 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Đình Hào với 700m2 nhà xưởng, máy móc hiện đại, doanh thu đạt 15 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 3 tỷ đồng/năm và đóng thuế 2 tỷ đồng/năm…

Có thể nói mô hình cũng như phong trào “Gia đình Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế giỏi” của Hội Cựu TNXP Hà Nội đã mang lại hiệu quả thiết thực, lan tỏa trong cộng đồng. Chỉ tính riêng năm 2021, 130 hộ gia đình diện nghèo đã thoát nghèo; hàng trăm hộ gia đình cận nghèo, khó khăn đã vượt qua cận nghèo và ổn định cuộc sống. Từ phong trào làm kinh tế giỏi đã có nhiều Cụm các thành viên có thu nhập hàng năm từ 500 triệu đến 10 tỷ đồng, hỗ trợ hoạt động Hội hàng trăm triệu đồng. Các Cụm gia đình, các gia đình làm kinh tế giỏi được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình, quy chuẩn VietGap giúp cho hàng nghìn hội viên và con cháu có việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững.

VŨ VIẾT XÔ

Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh Hà Nội