Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh mãi mãi là đứa con tin yêu của Thành phố

Đăng lúc: 08-03-2018 2:56 Chiều - Đã xem: 133 lượt xem In bài viết

THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VẪN MÃI LÀ ĐỨA CON TIN YÊU CỦA THÀNH PHỐ.

Những ai đã mang màu áo TNXP không bao giờ quên kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời, đó là ngày ra quân 26.03.1976. Hơn một vạn thanh niên thành phố trong đội ngũ chỉnh tề đã tập hợp tại sân vận động Thống Nhất trong không khí hào hùng, tự tin và phấn khởi làm lễ xuất quân. Đồng chí Phạm Chánh Trực – Bí thư Thành đoàn – đã phất cao lá cờ Đoàn có dòng chữ “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” do đồng chí Võ Văn Kiệt (lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh) trao trong lễ xuất quân.

Hàng vạn thanh niên Tổng đội TNXP Thành đoàn với 15 liên đội đã tiến thẳng ra các vùng ngoại thành, đào kinh, khai hoang, phục hóa quyết tâm “phải rửa được nhục đói nghèo”. Tổng đội TNXP Kinh tế mới với 14 liên đội tiến về các vùng chiến khu xưa từ Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh… khai hoang xây dựng các khu kinh tế mới đón đồng bào thành phố lên lập nghiệp.

          Chúng ta không thể nào quên hoàn cảnh của thành phố những ngày mới giải phóng. Trước thực tế của một thành phố lớn có hàng trăm ngàn thanh niên thất nghiệp, hàng triệu gia đình do chiến tranh đã tập trung về thành phố, phải sắp xếp lại, phải ổn định trật tự đó là những công việc phải làm ngay. Thanh niên xung phong lúc bấy giờ là lực lượng tiền phong, thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ thành phố đề ra, ngoài công tác khai hoang phục hóa, TNXP đã trở thành trường đại học lớn, giáo dục và đào tạo một thế hệ thanh niên mới được mang tên “Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”.

          Chúng ta có thể cộng được các con số, đếm được các sự kiện nhưng không thể tính được giá trị tinh thần dũng cảm, hy sinh vì đất nước của các anh chị TNXP. Có nhiều thanh niên lúc đó lựa chọn ở lại thành phố để tiếp tục học hành, nhưng các bạn TNXP đã mạnh dạn thoát ly gia đình, lên rừng, xuống biển, họ lấy sức trẻ và lòng nhiệt quyết tiếp tục tô đậm thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc. Hòa bình không được bao lâu thì biên giới Tây Nam lại có chiến tranh, TNXP lại tiếp tục tiến về biên giới để phục vụ chiến đấu, hàng trăm TNXP đã ngã xuống trên chiến trường, họ đã cùng với bộ đội tiếp tục gìn giữ sự bình yên của tổ quốc.

          Bốn mươi hai năm đã trôi qua, Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh đã gắn bó với công cuộc xây dựng thành phố. Từ những ngày đầu sau giải phóng đất nước còn khó khăn, TNXP đã đi hầu hết các địa bàn từ Nam Tây nguyên, miền Đông đến miền Tây nam bộ. Những nơi TNXP đến khai hoang phục hóa đều là những vùng đất phèn chua nước đọng, là những nơi bom cày đạn xới, không ít những chàng trai cô gái TNXP đã ngã xuống vì bom mìn còn sót lại và những cơn sốt rét ác tính không từ bỏ một ai khi đến với vùng núi rừng hoang dã. Nơi nào khó khăn nhất là có mặt TNXP. Những bữa cơm độn khoai mì ăn vội hay những chén bo bo thay cơm vẫn không làm nản lòng nhục chí lớp trẻ thành phố quyết tâm cống hiến đời mình cho đất nước giàu đẹp hơn.

Nơi nào có mặt TNXP đều rộn vang tiếng cười sau những giờ lao động, giá trị cái đẹp ẩn chứa trong những chiếc áo bạc trắng mồ hôi, dưới những làn da sạm nắng, với trình độ lao động phổ thông, trang thiết bị thô sơ, những công trình của TNXP trong giai đoạn đầu tuy giá trị kinh tế không lớn nhưng nó đã mở ra những tiền đề cho giai đoạn phát triển khoa học kỹ thuật về sau và cái được lớn nhất của phong trào TNXP là con người, một tập thể lớn, một ngôi trường lớn đã đào tạo một thế hệ thanh niên mới, những con người mới với tinh thần biết dấn thân, biết hy sinh vì đại cuộc.

Nếu tính từ năm 1950 khi Bác Hồ thành lập Đoàn TNXP Trung ương trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì TNXP Việt Nam đã tròn 68 tuổi. Nhìn lại quá trình công tác, chiến đấu và trưởng thành của các thế hệ TNXP từ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ xây dựng, không ai có thể quên được sự hy sinh to lớn và cao cả mà các thế hệ TNXP Việt Nam đã cống hiến cho đất nước. Trong lịch sử quân sự của thế giới chỉ có Việt Nam là có tổ chức TNXP phục vụ chiến đấu trên chiến trường với nhiều nhiệm vụ nguy hiểm và phức tạp như tải đạn, tải thương, vận chuyển lương thực, làm cầu, làm đường, phá bom, quản lý kho lương thực cho bộ đội. Sự hy sinh của TNXP trên chiến trường cũng như bộ đội và trong những tình huống bắt buộc TNXP vẫn ôm súng chiến đấu với kẻ thù như lực lượng vũ trang.

Từ ngày đất nước hòa bình thống nhất, trong vấn đề chính sách chế độ đối với TNXP vẫn còn nhiều bất cập. TNXP không phải là lực lượng vũ trang, chỉ là dân công hỏa tuyến nên việc đãi ngộ vẫn chưa thỏa đáng. Tuy nhiên năm 2014 sau 39 năm hòa bình, Hội Cựu TNXP Việt nam được thành lập, sau đó các tổ chức hội ở các tỉnh và thành phố được thành lập và hiện nay tổ chức Hội Cựu TNXP đã triển khai được ở các cấp Quận (Huyện), phường (xã) trên cả nước. Thông qua Hội Cựu TNXP đã có nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa, hàng chục ngàn căn nhà nghĩa tình đồng đội được xây dựng, TNXP giúp nhau làm kinh tế, giúp đỡ những hoàn cảnh neo đơn, thăm viếng khi đau ốm, khi có tang ma và qua tổ chức Hội, các anh chị cựu TNXP thường xuyên gặp nhau, động viên nhau trong cuộc sống, tổ chức các phong trào thi đua văn nghệ, cắm hoa, nấu ăn tạo nên một khí thế sôi nổi cho cựu TNXP có niềm vui trong cuộc sống. Hội cựu TNXP đề ra khẩu hiệu “Khi trẻ xung phong, về già gương mẫu”, rất nhiều anh chị cựu TNXP tham gia các phong trào an ninh, trật tự tại địa phương và có nhiều tấm gương cựu TNXP làm kinh tế giỏi.

Nhìn lại một chặng đường lịch sử, TNXP Việt Nam xứng đáng là những người con anh hùng của tổ quốc. Riêng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh với tuổi đời 42 năm, hiện nay các anh chị TNXP vẫn tiếp tục đóng góp sức mình cho sự phát triển của thành phố. TNXP thành phố HCM được Thành Ủy, UBND Thành phố giao rất nhiều trọng trách, nhất là trong công tác xã hội giúp đỡ cho số thanh niên nghiện ma túy chữa bệnh và trở lại cộng đồng. Với tinh thần vượt khó, kiên định, Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần nhỏ công sức của mình cho sự phát triển của thành phố thân yêu./.

Dương Kim Kết