CÂU CHUYỆN BÊN LỀ VỚI THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT

Đăng lúc: 25-11-2022 10:02 Sáng - Đã xem: 118 lượt xem In bài viết

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, (không dùng từ “cố” Thủ tướng, vì trong tâm trí tôi, ông vẫn còn sống mãi) tôi xin chép lại một vài mẫu chuyện nhỏ, nhưng thể hiện sự quan tâm và tấm lòng vì dân, vì nước của Thủ tướng.

 Câu chuyện thứ nhất: BÊN LỀ HỘI NGHỊ

 Năm 1995 – khi đó là Thư ký Tòa soạn Báo Ảnh Đất Mũi, tôi và phóng viên Đỗ Mai được Ban biên tập phân công dự hội nghị cán bộ lãnh đạo chủ chốt các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long Chính phủ tổ chức tại TP Cần Thơ, với sự chủ trì của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Tác giả phỏng vấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt bên lề hội nghị năm 1995. Ảnh Đỗ Mai

 Tại hội nghị, sau khi nghe đại diện lãnh đạo các tỉnnh thành báo cáo. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển và lưu ý một số vấn đề trọng tâm, trong đó nổi cộm và trăn trở nhất là tại sao khu vực Đồng bằng sông Cửu Long  được mệnh danh là vựa lúa của cả nước mà đời sống của người dân còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn; nhiều trẻ em thất học, bỏ học; tình trạng giao thông đi lại cách trở, khó khăn; tình trạng cầu “khỉ”, cầu “tõm” còn khá phổ biến…

 Ngỡ những vấn đề nan giải không theo Thủ tướng ra bên lề hội nghị trong những phút giải lao ngắn ngũi. Nào ngờ, trong khi khoan thai thưởng thức cà phê đen không đường, Thủ tướng nửa đùa nửa thật với mấy vị bí thư, chủ tịch đang đứng trò chuyện. Đại ý: Các cậu đừng nghĩ vấn đề cầu “khỉ”, cầu tạm nói rồi cho qua. Nếu sau này kiểm tra mà mọi chuyện vẫn không thay đổi thì các cậu không xong với tôi đâu đấy!

 Câu nói của Thủ tướng khiến mấy vị bí thư, chủ tịch lúng túng, chưa biết trả lời ra sao. Để “giải vây” cho mấy vị lãnh đạo tỉnh, thành. Tôi hỏi vui: Chú Sáu[1] ơi, nếu xoá cầu tạm, cầu “khỉ” thì làm sao còn “quê hương là cầu tre nhỏ” nữa chú?

 Và từ câu “liều mạng” đó, tôi có dịp giới thiệu mình làm ở Báo ảnh Đất Mũi và xin được phỏng vấn nhanh Thủ tướng là làm sao để kinh tế – xã hội tỉnh Minh Hải[2] phát triển xứng tầm với tiềm năng của một tỉnh có “ rừng vàng, biển bạc” ruộng đất phì nhiêu…

 Câu chuyện thứ hai: XIN CŨNG PHẢI CÓ TẦM

 Sau khi cuộc họp kết thúc, Thủ tướng “vi hành” về Minh Hải. Nơi đây, trong cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Thủ tướng chăm chú lắng nghe lãnh đạo tỉnh và một số ngành báo cáo về thành tích đạt được và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, trong đó có những kiến nghị đến Chính phủ…

 Trong phần phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh những vấn đề nào trong phạm vi quyền hạn, khả năng của tỉnh thì tỉnh cần phải triển khai thực hiện ngay; những vấn đề nào ngoài khả năng, quyền hạn cần đến Chính phủ thì Chính phủ sẽ vào cuộc… Trong không khí cởi mở, chân thành, nhiều kiến nghị mang tầm phát triển của một tỉnh còn nhiều khó khăn trên mọi mặt đời sống – xã hội được gửi đến Chính phủ…Sẽ không có gì đáng nói, bởi ngoài các kiến nghị “đủ tầm” đó còn có một kiến nghị xem ra cũng có cái tâm là vì sức khoẻ của người dân, nhưng cái tầm thì…

 Chuyện là vầy, vào thời điểm đó việc chăm sóc sức khoẻ và khám chữa bệnh cho người dân của tỉnh gặp nhiều khó khăn do thiếu vật tư, thiết bị y tế… Để khắc phục tình trạng khó khăn đó nên một cán bộ ngành y tế tỉnh kiến nghị Chính phủ cấp cho ngành khoảng 5- 6 tỷ để nâng cấp bệnh viện và mua máy móc hiện đại khám bệnh cho dân… Sau khi phát biểu kiến nghị của vị này kết thúc. Thủ tướng nói, đại ý: đã là kiến nghị đến Chính phủ, đến Trung ương phải là những vấn đề lớn mang tầm chiến lược, tác động đến sự phát triển của một vùng đất, một địa phương… còn 5-6 tỷ thì trích ngân sách của tỉnh ra mà làm…

 Chuyện xảy ra cũng đã lâu và Thủ tướng cũng đã đi xa, nhắc lại chuyện này không có ý chỉ trích hay phê phán ai, chỉ muốn nói một điều: đã kiến nghị, đã xin… thì coi đối tượng đó như thế nào, cái tầm của đối tượng đó ra sao…

 Thế mới nói: Muốn kiến nghị hay xin gì gì đó cũng phải biết cách, phải đáng và phải đúng tầm!

Cựu TNXP, nhà báo, nhạc sỹ Lê Việt Quân

 

[1] Cách gọi thân mật của người miền Tây dành cho Thủ tướng

[2] Nay là Bạc Liêu- Cà Mau