Cựu TNXP Bình Phước đẩy mạnh phong trào làm kinh tế giỏi, chung tay xây dựng nông thôn mới

Đăng lúc: 26-04-2023 8:47 Sáng - Đã xem: 140 lượt xem In bài viết

Trải qua 17 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay, Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Phước có 2.352 hội viên sinh hoạt tại 79 tổ chức cơ sở hội ở 11 hội cấp huyện. Qua nhiều năm thực hiện và đẩy mạnh phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi, chung tay xây dựng nông thôn mới, Hội đã giúp cho nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Từ khi thành lập đến nay, các cấp Hội trong toàn tỉnh luôn đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm khơi dậy và phát huy tinh thần, ý chí, nghị lực TNXP, dám nghĩ, dám làm, vượt khó vươn lên, không cam chịu đói nghèo; đồng thời tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, các nguồn vốn vay ưu đãi, nguồn lực của cựu TNXP có điều kiện, cùng với nguồn vận động tài trợ của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, xây dựng các nguồn quỹ nghĩa tình đồng đội, giúp cựu TNXP thi đua lao động sản xuất và phát triển kinh tế.

Đến nay, nhiều cựu TNXP đã vươn lên thoát nghèo bền vững, nhiều hội viên trở thành những người làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ; chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng được nâng cao khi xuất hiện nhiều hộ có thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng, đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động. Tính đến thời điểm hiện tại, có 83 hộ gia đình cựu TNXP  có mức thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm và 562 hộ có mức thu nhập từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm.

Nhiều hội viên trở thành những người làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực. Từ phải qua trái, từ trên xuống dưới là các hội viên: Hoàng Thị Chương (Lộc Ninh) với mô hình trồng cây cao su), Lại Thị Hường (Lộc Ninh) với mô hình kinh doanh nhà nghỉ, Nguyễn Thị Thanh Tơ (Hớn Quản) với mô hình nuôi gà lạnh, Hứa Văn Lương (Bù Đốp) với mô hình nuôi dê, Phạm Văn Minh (Chơn Thành) với mô hình nuôi baba và cá, Nguyễn Thị Lĩnh (Hớn Quản) với mô hình trồng tiêu

Với tinh thần tương thân, tương ái, cùng nhau nỗ lực, phấn đấu, Hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cho hội viên như: vận động thành lập các nguồn quỹ giúp nhau làm kinh tế bằng các hình thức nuôi heo đất với số tiền 282.068.000 đồng, hũ gạo tình thương góp được 6.000 kg gạo, phong trào 5+1 (5 hộ gia đình khá giúp đỡ 1 hộ gia đình khó khăn); đặc biệt vận động những hội viên có điều kiện kinh tế hỗ trợ, nhận đỡ đầu cho những hội viên khó khăn. Trong đó tiêu biểu có các cựu TNXP: bà Lê Thị Hồng Tiến (thị xã Phước Long) đã cho hội viên vay 500.000.000đ làm vốn kinh doanh, sản xuất; bà Đinh Thị Nguyệt (thị xã Phước Long) giúp đỡ 60.000.000đ cho hội viên vay không lấy lãi; ông Nguyễn Hữu Tho (xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú) cho 4 hội viên vay 200.000.000đ trong 2 năm không lấy lãi; ông Hồ Xuân Thủ (huyện Hớn Quản) cho 4 hội viên vay 40.000.000đ để mua bò sinh sản; ông Phan Minh Liên (thị xã Bình Long) cho hội viên vay 100.000.000đ không lấy lãi, làm vốn sản xuất; ông Dương Duy Trì (huyện Phú Riềng) hỗ trợ cá giống và vốn cho 2 hội viên; ông Phạm Xuân Trường (huyện Bù Đốp) cho 3 hội viên vay 10.000.000đ và 7 con dê sinh sản… Hội đã có gần 800 hội viên khó khăn được hỗ trợ 500.000 cây giống cao su, tiêu, 350.000 cây điều giống cao sản…, các hoạt động này đã giúp nhiều hội viên vượt lên khó khăn và ổn định cuộc sống.

Nhiều hội viên được hỗ trợ cây giống để phát triển kinh tế

Đặc biệt những năm gần đây, khi kinh tế bị đình trệ bởi dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên phạm vi cả nước, cầu nối giữa Hội với các hội viên lại càng chặt chẽ. Các cấp Hội đã chủ động giúp đỡ những cựu TNXP chịu ảnh hưởng nặng nề trong dịch bệnh khắc phục hoàn cảnh, vực dậy kinh tế thông qua nguồn quỹ phòng chống dịch Covid-19 hàng chục triệu đồng, giúp hội viên thăm khám, chữa bệnh và vượt qua khó khăn.

Các cấp Hội chủ động giúp đỡ cựu TNXP vượt qua giai đoạn  khó khăn để vực dậy kinh tế sau đại dịch Covid-19

Bằng nhiều giải pháp các cấp Hội đã huy động được 4.180.600.000đ, kịp thời cho 774 hộ khó khăn vay với lãi suất thấp; giúp đỡ 579 lượt hội viên vay gần 12 tỷ đồng từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Những hoạt động trong phong trào “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế giỏi” đã góp phần giảm dần tỷ lệ hộ nghèo trong Hội qua các năm.

Các hội cấp huyện đã chủ động thành lập các câu lạc bộ, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi dựa trên đặc điểm tự nhiên và kinh tế của địa phương như: thành lập câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ phát triển kinh tế cây điều (Phú Riềng); mô hình trồng cây ăn trái, mô hình nuôi heo nái (Chơn Thành) số vốn lên đến hàng trăm triệu đồng; Bù Gia Mập còn tạo điều kiện hỗ trợ 89 hội viên và gia đình tham gia chương trình tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, 04 hội viên tham gia chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh…

Các cấp Hội cũng chủ động phối hợp với các cấp, các ngành và nhân dân tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới: hàng trăm cây xanh được trồng mới, hàng ngàn mét vuông đất được hiến để làm đường, hàng chục kilômét đường được bê tông hóa, rải đá và dọn dẹp vệ sinh, phát quang, hàng trăm hội viên có internet sử dụng, 100% hội viên có hệ thống điện đảm bảo an toàn; hội viên Bù Đốp, Phú Riềng, Lộc Ninh, Đồng Phú, Chơn Thành còn giúp nhau hàng ngàn ngày công.

Chủ tịch Tỉnh hội Bình Phước Trần Văn Vang khẳng định: Phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi, chung tay xây dựng nông thôn mới” trong những năm qua đã gắn bó chặt chẽ với các ngành, các cấp, trên nhiều lĩnh vực; giáo dục cho hội viên, đoàn viên, thanh thiếu niên về truyền thống của lực lượng TNXP, luôn hăng hái xung phong đi đầu trong công cuộc đổi mới đất nước của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh./.

Thùy Trang

Văn phòng Tỉnh hội Bình Phước