Sống mãi huyền thoại Đại đội 915

Đăng lúc: 13-06-2023 9:34 Sáng - Đã xem: 86 lượt xem In bài viết

Trong trận chiến cuối cùng với cuộc tập kích bằng “pháo đài bay” B-52 suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972 của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, chúng ta đã chiến thắng vang dội: Bắn hạ 34 “pháo đài bay” B-52 (trong đó, tỉnh Bắc Thái bắn rơi 2 máy bay B-52, 1 máy bay F111), 5 máy bay F111, 42 máy bay chiến thuật, buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris. Trong hàng trăm câu chuyện về tinh thần chiến đấu, sự hy sinh của quân và dân ta, có câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của 60 đội viên Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, chiều tối ngày Noel 24/12/1972 khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng quân sự tại ga Lưu Xá…

        

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học, THCS 915 Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) tham quan Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (ở phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên). Ảnh: T.L

Sự kiện bi tráng đó có những lúc bị bụi thời gian làm lu mờ. Nhưng nhờ quyết tâm của một số đồng chí cựu TNXP và sự ủng hộ của nhân dân, sau 37 năm, công trạng của Đại đội 915 và các liệt sĩ đã được ghi nhận vào năm 2009… 

I – Họ đã chiến đấu và hy sinh như thế

Với Bắc Thái và cả miền Bắc, đến năm 1972, việc tránh và đánh trả máy bay đủ loại của Mỹ không còn gì xa lạ. Riêng với “pháo đài bay” B-52 thì quân và dân ta chưa từng “thử lửa”. Thời điểm đó, cảng Hải Phòng bị đế quốc Mỹ phong toả bằng ngư lôi, ga Lưu Xá của Thái Nguyên trở thành cảng trên cạn. Hàng hoá của các nước xã hội chủ nghĩa vận chuyển bằng tàu hoả đến ga Kép (Bắc Giang) thì chuyển về ga Lưu Xá rồi chuyển đi chiến trường bằng tàu hoặc ô tô. Đường bộ thì ô tô chuyển hàng từ Hữu Nghị quan về theo đường 1B rồi đi tiếp. Các cảng cạn Thái Nguyên “phình” ra cực lớn, trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ.

Trong trận chiến 12 ngày đêm năm 1972, đánh trả máy bay có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương; bốc dỡ hàng, sửa chữa cầu đường có lực lượng TNXP làm chủ lực… Những năm tháng ấy, nhiệm vụ của Bắc Thái rất nặng nề. Ngoài các cảng cạn, còn phải bảo vệ Khu công nghiệp Gang thép và hàng trăm nhà máy, xí nghiệp, trường đào tạo… những cơ sở vật chất ban đầu của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Việc lần tìm tư liệu của sự kiện 915 dồn dập vào những năm đầu thế kỷ XXI, trong đó có vai trò của đồng chí Nghiêm Xuân Đạo, lãnh đạo – đồng thời là nhân chứng; đồng chí Hà Nhân Thăng, Chủ tịch Hội TNXP và bác Dương Hồng Nguyên. Sổ ghi chép tư liệu của tôi ngày 7/10/2003 ghi: Cuộc họp ngày hôm nay, các bác đã cơ bản thống nhất những nội dung chính về Đại đội 915, tiếp tục thực hiện việc đi tìm nhân chứng đề nghị chính sách cho 7 TNXP sống sót; chuẩn bị bước 1 hồ sơ xin truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 915… Đề nghị Báo Thái Nguyên và Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tiếp tục viết bài khẳng định công trạng của 915, kể cả cá nhân các đội viên…

Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái là điểm đến của đông đảo du khách. Ảnh: T.L

…Đội TNXP 91 Bắc Thái được thành lập vào mùa Hè năm 1966, có hơn 600 đội viên, gồm 4 đại đội trực thuộc là 911, 912, 913, 914 do đồng chí Nghiêm Xuân Đạo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Thái, làm Đội trưởng. Đại đội 915 thành lập thêm vào tháng 6/1972 gồm những người trẻ, tuổi đời hầu hết khoảng 17-18, phần lớn trong số họ là người dân tộc Tày, Dao được phân công bảo đảm giao thông dọc Quốc lộ 1B từ cầu Gia Bẩy đi Đình Cả, tiếp giáp Lạng Sơn. Sau đó, Đại đội 915 được phân công thêm nhiệm vụ bảo đảm giao thông tuyến đường 16A vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ từ Lạng Sơn qua Bắc Giang, qua Trại Cau, Chùa Hang rồi hàng hoá mới đi tiếp về các tỉnh phía Nam.

Không quân Mỹ phát hiện con đường bí mật này nên liên tục oanh tạc hòng vô hiệu hoá tuyến đường. Mùa hè năm 1972, Mỹ dùng cả B-52 đánh phá, có lần Đại đội trúng bom, đội viên Hoàng Thị Cát hy sinh khi mới tròn 20 tuổi; 8 đội viên khác bị thương, không thể tiếp tục “bám” đường: Lương Thị Phương,Trần Văn Vọng, Lương Thị Hồi, Nguyễn Thị Ly, Cà Thị Phương, Nguyễn Thị La, Lê Thị Thảo, Lê Thị Đoàn.

Liên tục ba ngày, 14 đến 16/9/1972, máy bay Mỹ liên tục rải thảm 450 quả bom các loại, làm 47 người chết và hơn 50 người bị thương, trong số đó hầu hết là các TNXP liên tục có mặt trên đường, san lấp hố bom, kịp thời thông xe.

Ngày 25/9/1972, máy bay Mỹ ném 50 quả bom phá và bom phát quang xuống Kho dự trữ xăng, dầu Hoá Trung (Đồng Hỷ) làm 3 bể chứa 70 tấn xăng dầu bốc cháy dữ dội, TNXP Đại đội 915 dũng cảm lao vào dập lửa, cứu được 350 tấn xăng dầu còn lại. Tháng 10 và 11, Mỹ ném hơn 100 quả bom xuống đường 1B, 16A và các kho xăng, dầu, nhà máy, gây tổn thất nặng nề cho ta… Có thể nói rằng, ngay sau khi thành lập, Đại đội 915 đã phải gồng mình với bom đạn khốc liệt. Tuy nhiên, theo các nhân chứng và tài liệu thì Đại đội 915 không để đứt tuyến, ách tắc giao thông trong bất cứ giờ, ngày nào, cho dù suốt ngày đêm từng đoàn xe chở nặng hàng hoá nối đuôi nhau ra trận…

Từ ngày 18 đến 30/12/1972, đế quốc Mỹ mở một cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 bắn phá Thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng, Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố khác tại miền Bắc. Thời điểm này, phần lớn người dân TP. Thái Nguyên đã đi sơ tán. Bám trụ lại thành phố có 3 lực lượng chính: bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương làm nhiệm vụ chiến đấu; lực lượng TNXP làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng hóa, sửa chữa cầu đường.

Chiến dịch dội bom của Mỹ nhằm 4 mục tiêu lớn: Một là, ngăn chặn tối đa việc vận chuyển người, vũ khí, khí tài, lương thực và các hàng hóa, vật chất từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam. Thứ hai, phong tỏa, cô lập miền Bắc, ngăn cản và cắt đứt viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa (chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc) vào miền Bắc Việt Nam; phá hủy tiềm lực kinh tế quốc phòng ở miền Bắc. Thứ ba, gây tác động tâm lý đến người dân Việt Nam, qua đó tác động đến tâm lý của các nhà lãnh đạo Việt Nam, tạo điều kiện cho phái đoàn của Hoa Kỳ gây sức ép với đoàn đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị Paris nhằm tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh có lợi cho Mỹ. Và thứ tư là khẳng định lòng tin rằng Hoa Kỳ không “bỏ rơi” chính quyền Sài Gòn.

Để đạt được 4 mục tiêu này, đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng không quân hùng hậu, bao gồm 4 liên đoàn không quân chiến lược B-52; 1 liên đội máy bay F111; 5 liên đoàn không quân chiến thuật F-4 và A-7; 2 liên đội trinh sát và tác chiến điện tử SR-71, EB-66, EC-121, F-105; 2 liên đoàn tiếp dầu KC-135; 6 tàu sân bay; 135 tàu tuần dương, khu trục và tàu nổi khác. Tổng cộng có 741 chiếc B-52 rải thảm và 729 phi vụ đã thực hiện xong. Có 15.237 tấn bom đạn đã được ném xuống miền Bắc Việt Nam.

Bên cạnh đó, các máy bay chiến thuật cũng đã ném xuống 5.000 tấn bom đạn. Con số thống kê sau chiến dịch cho thấy, nếu tính số lượng bom trong một ngày thì có thể bằng các cuộc ném bom xuống nước Đức cuối Chiến tranh thế giới thứ II. Đồng thời, nếu xét khu vực hạn chế đường kính 100km quanh Hà Nội thì chưa bao giờ có nhiều bom được ném xuống một khu vực trong thời gian hạn chế như vậy. Điều đó cho thấy Mỹ đã huy động sức mạnh quân sự, rải thảm bằng cả pháo đài bay B-52 xuống miền Bắc hòng đè bẹp ý chí người dân Việt Nam.

Thái Nguyên thời điểm đó phải gồng mình trước các đợt ném bom dữ dội và cũng tại thời điểm đó, ga Lưu Xá còn lưu giữ 2 vạn tấn hàng quân sự. Từ Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Thái tập trung mọi lực lượng, phương tiện để giải toả hàng hoá tại các vùng trọng điểm.

Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Bắc Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Hành chỉnh tỉnh Bắc Thái Doanh Hằng triển khai ngay theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ… Đại đội 915 được giao cử 60 đội viên, Đại đội 912 cử 40 tham gia chiến dịch. Từ tờ mờ sáng 24/12/1972, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Triệu Đức Việt, 66 đội viên 915 tức tốc đến ga Lưu Xá thực thi nhiệm vụ, mặc cho hiểm nguy cận kề, hàng trăm tấn hàng trong kho bãi được TNXP bốc lên ô tô chuyển đến nơi an toàn.

Cảm động thay, những TNXP Nguyễn Thị Ly, Nguyễn Thị La, Lê Thị Thảo, Nguyễn Thị Phương dù vết thương chưa lành trong trận bom ngày 13-9 vẫn xung phong đi làm nhiệm vụ… Cả một ngày lao động vất vả, hơn 5 giờ tối, hàng chỉ còn 40 tấn, trong điều kiện đó, Đội phó Nguyễn Thế Cường cùng cả đội dự định nghỉ vài chục phút, ăn cơm tại chỗ, không dời kho, khẩn trương giải toả nốt 40 tấn hàng cho yên tâm, nghỉ ngơi tối Noel. Không ngờ, toàn đội chưa kịp bưng bát cơm ăn thì 34 máy bay B-52 cùng 40 máy bay cường kích ồ ạt lao tới, trút 700 quả bom xuống TP. Thái Nguyên. Bom rơi trúng hầm, 60 đội viên 915 cùng 2 nhân viên thủ kho Lưu Xá hy sinh, 8 người bị thương… Sự hy sinh anh dũng của 60 cán bộ, đội viên Đại đội 915 là tổn thất lớn nhất ở mặt trận hậu phương của lực lượng TNXP trong kháng chiến chống Mỹ…

…Lại có thêm một Điện Biên Phủ nữa, nhưng là Điện Biên Phủ trên không. Rồi những năm tháng hàn gắn vết thương chiến tranh, thực thi Hiệp định Paris, ngày toàn thắng 30/4/1975, đến những năm tháng đời sống vô cùng khó khăn, chống giặc phía Bắc, phía Tây Nam. Tiếp đó là thời kỳ đổi mới… 7 đội viên Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915 còn sống sót trở về quê hương. Đội 91 chấm dứt hoạt động năm 1975, 60 liệt sĩ yên nghỉ nơi nghĩa trang. Sự kiện bi tráng của Đại đội 915 có những lúc như bị người đời quên lãng. Dư luận xã hội, truyền thông cũng ít biết và nhắc nhớ. Các cuộc gặp gỡ, kỷ niệm, gặp mặt truyền thống của chính lực lượng TNXP trên toàn quốc cũng dường như không nhắc đến…

II – Chuyện về những người ở lại

Hoạt động của TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái. (Ảnh tư liệu)

Hôm 11/11/2022, tôi tới thăm nhà bác Hà Nhân Thăng, người có cái tên gắn chặt với Đại đội TNXP 915 một thời. Ngoài 90 tuổi nhưng sức bác còn vượng, đầu óc mẫn tiệp, chỉ có tai hơi kém. Ngót 15 năm, hai bác cháu mới lại gặp nhau, nhớ hết, mừng lắm! Ký ức từ đâu lại trở về. Tôi xin phép bác Thăng một lần này thôi được nhắc nhớ và nói về công lao của các bác trên phương tiện thông tin đại chúng…

…Đầu những năm 2000, khi đó, tôi là Tổng Biên tập tờ báo Đảng tỉnh Thái Nguyên, thường xuyên tiếp một cựu TNXP thời chống Pháp, tuổi ngoại lục tuần nhưng khoẻ mạnh, lanh lợi. Đó là bác Hà Nhân Thăng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh. Khi đương chức, bác Thăng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, với chiếc xe đạp cà tàng luôn trên đường và rất trọng báo chí.

Trong cuốn sổ công tác đề ngày 7/11/2003, tôi viết: “Làm việc với bác Thăng, lần này, bác quyết tâm hơn. Bác bảo sau khi tìm hiểu, thấy rằng, tất cả đều bẵng đi theo năm tháng, chưa có cơ quan, tổ chức nào vào cuộc thực sự. Tất cả còn lại là một miếu thờ do địa phương và cựu TNXP Nguyễn Thị Cải xây dựng vào năm 1996, tại chính nơi có địa đạo. Về khách quan, Đội 91 và các đơn vị trực thuộc giải thể năm 1975, từ đó không một cơ quan, tổ chức nào đảm nhận thu thập tài liệu, đề nghị tôn vinh…”.

Lúc ấy, bác Thăng có lần phát biểu: Chúng tôi cũng biết thời gian lùi xa hơn một phần ba thế kỷ, công việc tìm lại là không dễ dàng. Thân nhân người hy sinh ở nhiều nơi, những người sống sót ở đâu? Liên lạc thế nào? Nhưng không làm thì thế hệ chúng tôi mắc nợ với đồng đội, với quê hương lớn lắm…

Với quyết tâm như thế, từ mùa Hè năm 2003, bác Hà Nhân Thăng cùng bác Dương Hồng Nguyên (bác Nguyên có vai trò nhân chứng quan trọng vì có 3 năm công tác ở Đội 91) bắt đầu khởi động hành trình làm sáng tỏ sự hy sinh anh dũng của 60 TNXP Đại đội 915 do bom Mỹ tại khu vực ga Lưu Xá.

Lúc đầu, việc tiếp cận của các bác rất khó. Hầu hết những người được hỏi đều nói 915 đã hy sinh hết… Từng là TNXP từ Chiến dịch Biên Giới năm 1950, bác Thăng hiểu cấp đại đội thường là 100 người và đặt câu hỏi để có hướng tìm… Sau đó, các bác tìm gặp chỉ huy Đội 91, bác Nghiêm Xuân Đạo, rồi từ bác Đạo lần tìm được Đại đội phó Đại đội 915 Tống Văn Minh.

Thì ra 915 có 102 người, ngày hôm đó, cấp trên yêu cầu cử 60, sau có thêm 6 đồng chí xung phong nên con số là 66. 36 đội viên còn lại ứng trực tại tuyến đường 16A đang đảm nhiệm. Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường chỉ huy bốc dỡ hàng hoá tại ga Lưu Xá đã cùng đồng đội làm việc hết mình với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến” và đã hy sinh anh dũng…

…Bác Hà Nhân Thăng vốn người Tày, quê ở xã Thanh Mai, huyện Bạch Thông, cùng tỉnh Bắc Thái, vậy mà những cuộc lặn lội về các vùng rẻo cao ở Chợ Đồn, Chợ Rã, Bạch Thông (Bắc Kạn); Định Hoá, Đại Từ, Phổ Yên (Thái Nguyên) tìm nhân chứng cũng chẳng dễ dàng… Trong cuộc họp ngày 18/12/2003 (theo sổ tay P.V), bác Thăng báo cáo thế này: “Có gia đình kỷ vật duy nhất là tấm di ảnh đen trắng treo trên tường; có nhà ngay cả tấm di ảnh cũng không. Điều mừng là những người sống sót cơ bản tìm được, họ đều nghèo, bệnh tật…”

Các nhân chứng thăm lại ga Lưu Xá, nơi 60 TNXP Đại đội 915 đã anh dũng hy sinh trong đêm Noel 24/12/1972. (Ảnh tư liệu)

Chúng tôi đã xuống Hà Nội gặp ông Lê Quảng, năm 1972, là Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh, ông bảo: Sự thật thì những người con ngã xuống vì đất nước như thế đã là anh hùng trong lòng dân rồi. Nay anh em làm công việc tri ân là rất đáng trân trọng.”

Bác Thăng tiếp tục đạp xe lần tìm, đến gặp nhiều vị lãnh đạo trực tiếp của các ngành liên quan thời bấy giờ để củng cố tư liệu. Thoáng cái đã 5 năm trôi qua, 1.800 ngày lần tìm, ghi chép, hội thảo, so sánh trôi đi… Đến năm 2007, các bác đã tập hợp xong tư liệu và làm báo cáo gửi Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Nguyên và được chấp thuận; Hội TNXP trình cấp Trung ương đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) cho Đại đội 915 và Công nhận Di tích lịch sử cách mạng cho nơi tưởng niệm… 

Ngày 24/12/2009, Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại đội 915, được tổ chức ngay tại nơi 60 TNXP hy sinh cách đó 37 năm, diễn ra vô cùng trang trọng và cảm động. Buổi Lễ có mặt 5 trong số 7 TNXP may mắn còn sống sót trong trận mưa bom của đế quốc Mỹ trong đêm Noel 24/12/1972. Gặp lại nhau ở mảnh đất thấm đẫm máu xương của đồng đội và của chính bản thân mình, họ mừng mừng, tủi tủi…

Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND của Nhà nước phong tặng Đại đội 915. (Ảnh tư liệu)

Những năm tháng qua, sự lan toả nhanh chóng và đậm nét về chiến công của Đại đội 915 một phần nhờ báo chí. Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng phim tài liệu “Không thể nào quên”; các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân đều đưa nhiều phóng sự. Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên sản xuất phim tài liệu “Noel mầu lửa”, chương trình sử thi “Khúc tráng ca Lưu Xá”. Giáo sư Vũ Khiêu viết “Chuông tưởng niệm TNXP thuộc Đại đội 915”; đồng chí lãnh đạo tỉnh Phạm Xuân Đương sáng tác bài thơ Vinh quang hồn dân tộc được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phổ nhạc nghe rung động lòng người…

10 năm trước, nhân 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi làm phim ký sự “Noel mầu lửa”. Khi đó, tôi có chuyến công tác sang Mỹ và thực hiện một cuộc phỏng vấn. Đoạn phỏng vấn như sau: Tại thành phố San-Francisco, trong một quán cà phê, tôi gặp được một người đàn bà Mỹ chính gốc (gặp người Mỹ thì nhiều nhưng chính gốc thì không nhiều). Bà ấy nói tên là Rô-Nan. Ở Mỹ hay còn gọi là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (xin nhấn mạnh là Hợp chúng quốc chứ không phải Hợp chủng quốc), ai sinh ra trên đất ấy từ 3 đời có thể gọi là chính gốc được…

Ông Trần Văn Đức làm thông dịch viên cho đoàn chúng tôi nói với bà Rô-Nan là tôi có ý định phỏng vấn ghi hình. Thoạt đầu, bà lưỡng lự, sau chúng tôi phải nói rằng chúng tôi muốn biết tâm tư tình cảm của bà ấy (lúc này gần kề Noel), bà đồng ý ngay:

 Ở Mỹ, những người công dân bình thường như bà thì một năm có mấy ngày quan trọng? Tôi hỏi bà Rô-Nan.

– Hai ngày – Bà Rô-Nan nói. Ngày 1 tháng 1 đầu năm và ngày Thiên Chúa giáng sinh (24-12) – ngày Noel. Ngày Noel thiêng liêng hơn. Ngày ấy người dân Mỹ được nghỉ việc đi lễ Chúa.

 – Vì sao vậy? Tôi hỏi.

– Ngày sinh của Đức Chúa Giê su – Chúa linh thiêng của muôn người. Ngày ấy chúng tôi nghỉ ngơi, cầu nguyện cho Chúa, sám hối trước Chúa và cầu nguyện cho mình, mọi chúng sinh thái bình, thịnh vượng. Tâm trạng con người nhẹ nhàng, thân thiện. Một ngày không ai có thể làm gì ngoài điều thiện. Người Mỹ kính chúa và yêu nước Mỹ của mình bằng việc làm từ thiện. Ngày ấy, ai làm việc sai trái thì có lỗi với Chúa, phải bị Chúa trị tội.

– Vậy à? Thế bà có biết ngày ấy (ngày Giáng sinh) năm 1972, cách đây hơn 4 thập niên, chính người Mỹ đã cho máy bay B-52 ném bom hòng xóa sổ Việt Nam, xóa sổ một dân tộc? Đã có hàng nghìn người hy sinh vì bom đạn. Họ không từ cả đêm Noel!

 – Có! Hồi còn trẻ, tôi cũng đã biết việc ấy, đã xuống đường tại thành phố San-Francisco này để biểu tình chống nhà cầm quyền làm điều tán ác. Thật đáng tiếc! Thật đáng tiếc!

Tự dưng tôi thấy nóng bừng ở mặt. Bà Rô-Nan thì nói đáng tiếc, còn tôi, tôi thấy như có lửa cháy, bom rơi, như có tiếng gầm xé của máy bay và những tiếng kêu thất thanh, ai oán. Bầu trời San-Francisco trong xanh. Noel xứ này thường có màu xanh da trời, còn quê tôi, năm ấy một Noel màu lửa…

Theo baothainguyen.vn