Ông tên Phạm Quốc Hoạt (ảnh dưới), 65 tuổi, là cựu TNXP, cựu chiến binh, ở thôn Đồng Tỉnh, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên.
Quê gốc ông Hoạt ở Hải Phòng. Cụ nội là thầy đồ, tới dạy học rồi lập nghiệp ở đất Nghĩa Trụ – xưa đây là vùng Kinh Bắc – nổi tiếng nghề trồng lúa, nhuộm thâm.
Ông Hoạt đã bước sang tuổi 65, lên chức ông nội, ông ngoại hàng chục năm nay rồi nhưng trông vẫn trẻ trung lắm, khuôn mặt vẫn vương nhiều nét thư sinh thời tuổi trẻ hơn là một lão nông chi điền.
Nhớ lại những năm chiến tranh khốc liệt, một thời đạn bom, ông Hoạt trầm ngâm… Năm 18 tuổi, ông xếp sách vở tham gia TNXP chống Mỹ cứu nước. Bước chân tuổi thanh xuân từng qua đường 15A (Thanh Hóa – Quảng Trị), sau này thuộc đường Trường Sơn huyền thoại. Những năm ấy, đường tầu hỏa mới chỉ sửa được từ Hà Nội đến ga Vinh, nhưng máy bay bắn phá ác liệt lắm nên ít dùng chở quân. Đoàn xe chở đơn vị ông, từ Hưng Yên qua Hà Tây, Ninh Bình, rẽ lên miền Tây, theo Đường 15, qua bến phà Kiểu rồi quặt xuống Quốc lộ 1, vượt qua Hàm Rồng (Thanh Hóa), qua Vinh vượt phà Bến Thủy, qua Đồng Hới, vượt Long Đại vào sâu Quảng Bình, trụ lại Vĩnh Linh, tham gia phục vụ chiến đấu 81 ngày đêm máu lửa tại Thành Cổ. Những tên địa danh “ Bò Lăn”, “ Nam Gianh” “ Long Đại”, “ Lệ Thủy”, “ Hiền Ninh”, “ Quảng Trị “ , “ A Sầu A Lưới”; những cung đường mang con số như Đường 15A, Đường 9, Đường 14, Đường 16… còn in đậm trong trí nhớ, với những cảnh khốc liệt của chiến tranh. Còn nhớ, cuối năm 1972 đơn vị TNXP của ông vượt phà Long Đại sang xã Hiển Ninh (Quảng Ninh), qua cánh đồng trống trơn Đại Phong để tới Thượng Lâm (Thái Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình). Trên trời máy bay Mỹ liên tục quần thảo ném bom, bắn rốc két. Ngoài khơi, Hạm đội 7 của Mỹ câu pháo vào chặn đường. Bốn mươi ba chiến sĩ của đơn vị ông đã hy sinh… Năm 1973, đơn vị TNXP của ông được giao cho quân đội quản lý (mang số hiệu C1-D172 -E500 Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn).
Năm 1975, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ TNXP, ông Hoạt xuất ngũ, về tham gia lao động tại quê hương. Xum họp cùng gia đình chưa được bao lâu, thì năm 1979 ông lại tái ngũ, tham gia Quân tình nguyện chiến đấu ở Bắc Lào… Đến năm 1985, ông mới được phục viên, về xây dựng gia đình. Ông được hưởng chế độ bệnh binh. Trong nhiều niềm vui và tự hào, niềm tự hào lớn nhất của đời ông là được tham gia và được tặng thưởng: Kỷ niệm chương bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị; Huân chương chiến công làm nhiệm vụ Quốc tế; Huân chương chiến sĩ vẻ vang…
Trở về đời thường, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động nghĩa tình đồng đội và công tác Hội. Hiện nay, ông Hoạt là Ủy viên BCH Hội truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh tỉnh Hưng Yên; Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh huyện Văn Giang. Trong chuyến thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị, ông đã phát hiện và tham gia di chuyển hài cốt của liệt sỹ Doãn Văn Tắc từ Quảng Bình trở về quê mẹ Kim Động Hưng Yên. Hoàn thành được việc ấy, nỗi đau chiến tranh trong ông nguôi ngoai đi phần nào.
Trở về quê hương tham gia lao động sản xuất, người cựu TNXP, cựu chiến binh lại phải đương đầu với những khó khăn mới của thời bao cấp. Thiếu và đói triền miên… Đó là những năm tháng không thể nào quên, với các bài báo nóng bỏng tính thời sự “Những việc cần làm ngay”; lời kêu gọi “ Hãy tự cứu mình” của của tác giả NVL – Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh – như một mệnh lệnh chiến đấu mới. Khoán 10 (Vĩnh Phú) khi ấy như một làn gió mới, góp phần làm thay đổi cơ bản đời sống cư dân nông nghiệp trồng lúa nước… Nhà nước xóa bỏ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường. Đã bớt đi cái cảnh đói quay đói quẳt như trước, nhưng người dân vẫn chưa hết nghèo …
Phát huy truyền thống kiên cường, của người chiến sĩ TNXP và anh bộ đội cụ Hồ, ông Hoạt thao thức đêm thâu, tìm cách vượt khó, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giầu. Trước tiên ông tìm cách chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Ông đào ao thả cá, nuôi lợn, nuôi vịt. Bờ đất quanh ao, ông trồng cây ăn quả. Khi công việc làm ăn bắt đầu có hiệu quả thì vướng quy định từ địa phương “Phải giữ nguyên hiện trạng đất trồng, không được làm thay đổi diện mạo ban đầu các khu đất”; Quỹ tín dụng hạn chế cho ông vay vốn vì chưa tin tưởng : “Biết làm ăn có lãi hay không mà cho vay” … Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng ông Hoạt không chịu bỏ cuộc. Ông vay mượn tiền của người thân, ông vay thêm của đồng đội, đôi khi ông còn phải vay lãi nặng để kịp thời có tiền mua con giống, phát triển sản xuất. Vợ ông phàn nàn: “Trời ơi, chết mất thôi, vay lãi thế này lấy tiền đâu mà trả nợ”; “ Thôi ông ạ, tiền của nhà mình thêm với tiền trợ cấp bệnh binh của ông cũng đủ sống tạm rồi, ông đừng cố nữa”.
Tới năm 2012, Nghị quyết 02 của UBND tỉnh Hưng Yên cho phép dồn ruộng, đổi thửa đã thật sự làm thay đổi cuộc sống của gia đình ông Hoạt. Nhờ được dồn thửa, đổi ruộng, gia đình ông có được 14.100 mét vuông đất liền thổ. Người ta bỏ ruộng đi làm công ty. Đồng sâu ruộng trũng không ai muốn thâm canh, nhận khoán. Ông Hoạt nhận hết để thực hiện khát vọng lớn lao của mình.
Chuyện ông Hoạt theo mô hình V-A-C lập trang trại làm vườn – ao – chuồng phát triển trồng trọt, chăn nuôi như câu chuyện “Ngư ông dời núi”. Trời không phụ công sức của vợ chồng ông. Từ vùng đất chiêm khê mùa thối, khu đất của ông đã trở thành trang trại bề thế. Bờ ao, bờ hồ được ông đổ bê tông vững chắc. Dọc hai bên bờ hồ ông trồng nhãn đặc sản. Cái giống nhãn ưa nước bén đất lớn nhanh, mới mấy năm đã phủ xanh mặt hồ. Vườn bưởi ngon, ổi thơm xum xuê theo năm tháng, đẹp như một giấc mơ.
Hàng năm, ông thu về hàng trăm triệu tiền lãi từ gà, vịt, lợn, cá và từ nhãn, ổi, bưởi. Ông chịu khó học hỏi kinh nghệm trồng trọt, chăn nuôi từ bạn bè, từ sách vở. Đã mấy lần ông theo học lớp bồi dưỡng hướng dẫn nông dân làm giàu do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Ông còn học cách làm vườn trên Zalo, trên mạng intenet: “Mở máy vi tính, cứ gõ vào Google cái nội dung mình cần biết là “ nó” hiện lên thôi, hướng dẫn tỉ mỉ chi tiết lắm…”. Ông không chỉ đúc rút kinh nghiệm từ một nắng hai sương của bản thân còn học nhiều ở bạn bè.
Ông Hoạt hồ hởi: “Giống ổi nhà ông quả to, sạch và giòn thơm ngon lắm! Một năm hai lần thu hoạch. Cô con gái làm ở Hà Nội, thường mang lên cho mọi người thưởng thức. Mấy ông khách người Sinhgapo, người Đức rất thích, mỗi vụ đặt mua cả thùng lớn đem về nước làm quà”. Ông cười rất vui, tự hào vì ổi nhà ông “đã có thương hiệu, đã xuất ngoại” … Bưởi nhà ông có vị ngọt đặc trưng rất riêng, không thua kém bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng hay bưởi Phúc Trạch. Múi to, vỏ mỏng, tôm mọng, nước sánh vàng như mật ong. Nhãn nhà ông, khách Hà Nội đặt mua ngay từ khi cây đang hoa. Ông Hoạt không giấu bí quyết chăm sóc cây trồng và chăn nuôi. Nếu đất chua mặn thì nhất định phải “vệ sinh” cho đất theo thời vụ. Bón phân gì, bón như thế nào, khi nào bón gốc, khi nào bón lá… phải hợp lý. Ốc vặn trong ao hồ nhà ông nhiều vô kể. Đó là nguồn phân vô cơ bón bổ sung cho cây ổi, cây bưởi nên ổi, bưởi …. Vì thế mà cây quả nhà ông ngon thơm khác thường.
Sắp tới, ông Hoạt lại khăn gói về Vĩnh Bảo (Hải Phòng) học hỏi kỹ thuật nuôi cua đồng. Ông nghe nói nuôi cua đồng không khó lắm, mà năng suất lại cao, tiêu thụ cũng dễ …
Không chỉ chăm lo làm kinh tế gia đình, ông Hoạt còn rất tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Ông giúp đỡ tận tình, hỗ trợ các đồng đội phát triển trồng trọt, chăn nuôi như gia đình ông. Ông chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp giống và hỗ trợ cả vốn để họ vượt khó làm giầu.
Chiều nay thời tiết mát mẻ, theo con đường nhãn quý bao quanh trang trại ông Hoạt dẫn khách đi thăm khu vườn ao của mình… Năm tháng trôi qua nhanh, cây mỗi ngày mỗi lớn. Ông như thấy lòng mình trẻ lại, phơi phới niềm tin, thêm yêu quý cuộc sống. Sóng hồ nước gợn lăn tăn, đám hoa nhãn hoa bưởi bay xà xuống mặt hồ, mùi hương mùa xuân ngào ngạt. Hàng đàn cá ngoi lên đớp hoa tũng toẵng… Ông Hoạt khe khẽ hát: “Rất gần và rất xa… là những ngày thương nhớ …. Ta thắp lên ngọn lửa, từ trái tim, yêu thương…”
Đồng Tỉnh, tháng 2- 2018
Nguyễn Quang Tiến
Ban Phát triển kinh tế – Hội Cựu TNXP tỉnh Hưng Yên