Giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Đăng lúc: 26-06-2023 3:26 Chiều - Đã xem: 210 lượt xem In bài viết

Bác Trịnh Phương Đông năm nay tròn 78 tuổi, ở tổ dân phố Thanh Xuyên 4, phường Trung Thành, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Bác kể: sinh ra  ở xã Thái Ninh, huyện Thanh Ba, Phú Thọ,  tôi tham gia quân đội tháng 8/1967. Ngày 13/4/1970, trong một trận đánh ở A Bia, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, trên đường đưa đồng đội hy sinh về hậu cứ tôi bị thương. Khi tỉnh lại thấy mình đang nằm tại trạm cứu thương, chân bị băng bó. Sau một thời gian điều trị tôi được đưa ra viện quân y 91. Vì vết thương quá nặng các bác sỹ đã cắt chân trái, đi lại phải dùng nạng. Còn một chân tôi giấu người yêu, sợ người yêu mặc cảm, không yêu mình nữa. Nhưng cô Nhuần ( người yêu tôi) vẫn nhất mực yêu thương, tận tình chăm sóc tôi. Năm 1972 chúng tôi kết hôn, sống hạnh phúc, có 4 con trai, gái đầy đủ. Các cháu chăm ngoan, đã xây dựng gia đình riêng, kinh tế ngày một phát triển.

Ngày 9/ 11/2014 tôi rất vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch UBMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân đến về thăm và tặng quà nhân ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc[1]. Bác vào nhà bắt tay ân cần thăm hỏi mọi người và chúc ông Đông luôn mạnh khỏe “dù tàn nhưng không phế” cố gắng vươn lên cùng với xóm làng xây dựng tốt đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ngày 25/7/2019 tôi được về dự cuộc Gặp mặt tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 tại Hà Nội[2]. Tôi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quà và Bằng khen của Thủ tướng chính phủ.

Ông Trịnh Phương Đông (mặc áo trắng đứng thứ 5 từ phải sang) đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Tự hào và vinh dự được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tôi càng cố gắng hơn nữa, phát huy phẩm chất người lính cụ Hồ, vượt lên khó khăn động viên gia đình góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hai bác sống trong với ngôi nhà 2 tầng kiên cố với diện tích 250m2 ngay mặt phố; bán hàng tạp hóa tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống. Gia đình bác luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, hiến đất hiến công xây dựng nông thôn mới. Hàng ngày bác vẫn thường xuyên đi bộ, có con cháu đi cùng; tham gia hội họp, góp ý xây dựng cho tập thể nhiều ý kiến bổ ích. Hàng năm gia đình bác luôn là gia đình văn hóa tiêu biểu, được mọi người yêu mến và giúp đỡ.

 Nguyễn Viết Nhật 

 Hội viên HVHNT TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên


[1] Năm 1986 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 – ngày Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất để làm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.  Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

[2] Do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội tổ chức. Đến dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.