5 năm thực hiện phong trào “Cựu thanh niên xung phong giúp nhau làm kinh tế giỏi – vì nghĩa tình đồng đội” của Quảng Trị

Đăng lúc: 24-11-2019 9:27 Chiều - Đã xem: 99 lượt xem In bài viết
 

Thanh niên xung phong Quảng Trị tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc có gần 15 ngàn đội viên.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ qua các thời kỳ, phần lớn trở về địa phương tham gia rà phá bom mìn, hàn gắn vết thương chiến tranh, sản xuất xây dựng đời sống ở các vùng nông thôn. Không ít trong số họ đã mang theo di chứng nặng nề của chiến tranh: Bị thương, bị sức ép bom mìn, nhiễm chất độc hóa học nên đau ốm thường xuyên; một bộ phận nữ TNXP đã cống hiến cả tuổi xuân của mình ở chiến trường, không được làm vợ, làm mẹ.  

Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Trị là ngôi nhà chung tập hợp ý chí nguyện vọng của gần 5 ngàn hội viên sinh hoạt ở 65 tổ chức cơ sở Hội.  Khi thành lập Hội số lượng hội viên nhà cửa tạm bợ, dột nát hộ nghèo, cận nghèo chiếm 60%. Một trong những công tác trọng tâm Tỉnh hội đề ra là đẩy mạnh hoạt động nghĩa tình đồng đội, nhằm khơi dậy và khai thác mọi tiềm năng nguồn lực hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Những năm qua, phong trào thi đua “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế giỏi – Vì nghĩa tình đồng đội” được Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam phát động. Đây là một phong trào có rất nhiều ý nghĩa, nhằm vận động cựu TNXP tiếp tục phát huy truyền thống TNXP, đóng góp sức lực, trí tuệ, kinh nghiệm tham gia thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giúp nhau xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng.

Ngày 28 tháng 12 năm 2011, Ban Thường vụ Hội Cựu TNXP tỉnh đã có kế hoạch triển khai phong trào “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế giỏi để thoát nghèo – Vì nghĩa tình đồng đội”, vận động toàn thể hội viên quyết tâm vượt khó vươn lên để thoát nghèo, giúp đỡ con cháu lao động sản xuất, làm kinh tế để làm giàu chính đáng, đóng góp cho xã hộigiúp đỡ các cựu TNXP nghèo thoát nghèo, tích cực đóng góp cho việc phát triển kinh tế của địa phương, cho hoạt động nghĩa tình đồng đội.

Kết thúc nhiệm kỳ II (2015):

  • Đã có 80% hội viên cựu TNXP còn sức lao động trong toàn tỉnh đã hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua có ý nghĩa này.
  • Vận động được các tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ kinh phí làm lại nhà cửa, trợ cấp hàng tháng cho những cựu TNXP đơn thân, ốm đau thương binh…không còn sức lao động lo được cuộc sống gia đình.
  • Xây dựng các cụm TNXP làm kinh tế giỏi trên từng lĩnh vực, hàng năm có tổ chức sơ kết, khen thưởng động viên, nhân rộng các mô hình cựu TNXP làm kinh tế giỏi, có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của địa phương, và hoạt động nghĩa tình đồng đội.
  • Lựa chọn ra những điển hình đáp ứng đủ cả 3 tiêu chí: Làm ăn có lãi, nộp thuế cho nhà nước đầy đủ, đóng góp tích cực cho hoạt động nghĩa tình đồng đội để làm “Tác nhân kích thích” nhân rộng điển hình. Các hoạt động được gắn chặt với các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới… ở địa phương, tạo được những hiệu ứng tích cực.
  • Tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm “Cựu TNXP vượt khó, thoát nghèo, làm kinh tế giỏi”, vận động hội viên nhất là hội viên làm kinh tế giỏi đóng góp hỗ trợ kinh nghiệm làm ăn, cho vay vốn không có lãi hoặc lãi thấp trợ giúp cho hội viên nghèo làm kinh tế.

Để hoạt động này thực sự có hiệu quả, thì phải tuyên truyền sâu rộng mà còn phải tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm về cách làm, huy động vốn, tổ chức sản xuất, phòng chống dịch bệnh, tiêu thụ hàng hóa….

 Tỉnh hội đã chỉ đạo hướng dẫn các Huyện hội tổ chức học tập rút kinh nghiệm ngay tại các mô hình kinh tế, theo các vùng. Qua đó đánh giá tình hình thực tế ở mỗi địa phương để kịp thời rút kinh nghiệm, nhân điển hình, tiến tới thành lập các câu lạc bộ cựu TNXP làm kinh tế với mục tiêu chính là phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương trong đó có con em cựu TNXP, hỗ trợ vốn, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật… cho các hộ gia đình cựu TNXP khó khăn để từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tiêu biểu cho cách làm có hiệu quả là các Huyện hội: Vĩnh Linh, Gio Linh.

– Các cấp hội đã chủ động phối hợp với Mặt trận, LĐTB&XH, Ngân hàng chính sách xã hội các cấp tạo điều kiện cho các cựu TNXP được vay vốn với lãi xuất ưu đãi theo công văn số 759/LĐTBXH-VL ngày 19.3.2012 của Bộ LĐTB&XH. Ngoài việc xác nhận các thủ tục cần thiết theo quy định, các cấp hội còn đứng ra giới thiệu, bảo lãnh cho hội viên được vay vốn theo quy định. Những năm qua các hội viên đã vay trên 8 tỷ đồng, trong đó vay của các ngân hàng là trên 6 tỷ đồng số còn lại là vay từ đồng đội, người thân… Nhờ số tiền vay được đã giúp các hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và con em cựu TNXP

 Hoạt động “Làm kinh tế giỏi – vì nghĩa tình đồng đội” được phát động mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, thiết thực đã khơi dậy tình cảm đồng đội, thu hút hội viên, các tổ chức và đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia qua đó đã xuất hiện nhiều cá nhân và tổ chức Hội điển hình trong phong trào thi đua. Nhiều hội viên năng động, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển trồng trọt, chăn nuôi có quy mô và giá trị lớn, nhân rộng mô hình kinh tế trang trại, mở rộng kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đời sống và vươn lên làm giàu chính đáng.

Từ 30 mô hình cựu TNXP làm kinh tế giỏi (năm 2014) đến nay toàn tỉnh đã có trên 80 mô hình cựu TNXP làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 300 lao động, nhiều hộ sản xuất kinh doanh thu lợi nhuận từ 100-600 triệu/năm, đóng góp hỗ trợ cho người nghèo hàng trăm triệu đồng. Phong trào “nuôi heo đất” thực hành tiết kiệm, xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội được hội viên hưởng ứng, đến nay quỹ nghĩa tình đồng đội của các cơ sở Hội trong tỉnh thu hút gần 2 tỷ đồng, các tổ chức hội đã thực hiện tốt việc giúp nhau làm kinh tế xóa đói giảm nghèo.

 Các mô hình làm kinh tế tập trung ở các ngành nghề chính là: Xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng; đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản; trang trại, chăn nuôi… Tiêu biểu như các đồng chí:

– Hoàng Văn Nam, hội viên cựu TNXP thị trấn Cam Lộ, vay mượn kinh phí thành lập Công ty cổ phần xây dựng số 5 với số vốn ban đầu 1,2 tỷ đồng, đến nay số vốn đầu tư lên đến 24 tỷ đồng tạo việc làm cho 80 lao động;

– Nguyễn Khắc Cận, hội viên cựu TNXP xã Vĩnh Thủy huyện Vĩnh Linh đã xung phong lên vùng đất gò đồi Tây Vĩnh Linh để phát triển kinh tế trang trại được UBND xã cấp cho 35 ha đất. Đồng chí đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế tổng hợp thu hút 20 lao động thường xuyên tổng thu nhập 1,3 tỷ đồng/năm thu lãi hàng năm 600 triệu đồng;

– Doanh nghiệp tư nhân Lê Viết Quỳ hội viên cựu TNXP xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong kinh doanh vật liệu xây dựng với số vốn trên 1,8 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động ở địa phương với mức lương 6 triệu đồng/ người/tháng, hàng năm nộp thuế đầy đủ

– Đồng chí Lê Thị Dĩu hội viên cựu TNXP thị trấn Cửa Tùng, mạnh dạn vay vốn mua 1 chiếc thuyền để trực tiếp thu mua cá trên biển, lò hấp sấy cá chế biến hải sản, tạo việc làm cho 15 lao động có thu nhập ổn định, lãi hàng năm 200-300 triệu đồng;

– Nguyễn Thị Xiêm hội viên Hội Cựu TNXP thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh thu mua chế biến hải sản đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất nước mắn truyền thống trên 700 triệu đồng, hàng năm đầu tư thêm 500 triệu đồng để thu mua hải sản, thu hút 10 lao động, lãi trên 300 triệu đồng/ năm.

– Nguyễn Đăng Ánh, hội viên cựu TNXP xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, vay vốn đầu tư nuôi gần 2.000 con gà/ năm, trồng lúa, trồng màu, trồng rừng, nuôi cá nước ngọt thu lãi hàng năm trên 150 triệu đồng…

Các cựu TNXP làm kinh tế giỏi đã đóng góp hàng trăm triệu đồng vào hoạt động “Nghĩa tình đồng đội – đền ơn đáp nghĩa”. 11 hội viên hộ nghèo già yếu không còn sức lao động ngoài hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo QĐ 40/CP, còn được nhận trợ cấp của các đơn vị tài trợ thêm 300.000 – 500.000 đ/tháng, góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Đàn bê giống Quỹ Thiên Tâm bàn giao cho cựu TNXP Quảng Trị chăn nuôi phát triển kinh tế

 Bên cạnh sự nổ lực phấn đấu của hội viên từ năm 2014 đến nay các cấp Hội trong tỉnh đã vận động sự đóng góp của hội viên, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tổng số tiền và hiện vật trị giá 18,203 tỷ đồng: Đã tổ chức trao tặng 161 căn nhà cho cựu TNXP khó khăn về nhà ở trị giá 7,065 tỷ đồng; Tặng 3104 xuất trợ cấp khó khăn (Sổ tiết kiệm, quà bằng hiện vật, tiền, bê giống) với tổng số tiền 11,138 tỷ đồng. Đặc biệt là thực hiện chương trình hỗ trợ vay 500 con bê giống sinh sản Quỹ Thiện Tâm cho hội viên cựu TNXP hộ nghèo, cận nghèo khó khăn chăn nuôi phát triển kinh tế. Qua 4 năm thực hiện đàn bê giống đã sinh sản thêm 385 con, đủ điều kiện đã bàn giao cho hộ kế tiếp 199 con, giúp cho nhiều cựu TNXP nghèo phát triển kinh tế nhanh xóa nghèo bền vững.

 Qua 5 năm thực hiện tuy còn gặp rất nhiều khó khăn về huy động vốn, xác định nghành nghề, tổ chức sản xuất, chăn nuôi… nhưng nhờ có sự chỉ đạo, chủ động của các cấp Hội; sự tích cực năng động, quyết tâm vượt khó của hội viên nên phong trào đã thu được kết quả khá tốt góp phần giảm hộ nghèo đạt 64% (từ 257 hộ nghèo nhiệm kỳ II xuống 164 hộ nghèo và 81 hộ cận nghèo/2018) từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp tích cực vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xóa đói giảm nghèo, phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương…

Lê Thị Hồng Loan

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Trị