6 liệt sĩ TNXP Phú Yên thời chống Pháp đã có địa chỉ tìm kiếm

Đăng lúc: 23-05-2018 9:29 Sáng - Đã xem: 249 lượt xem In bài viết

 

Ngày 10/6/2016 Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Gia Lai Trần Văn Bình gửi cho Hội Cựu TNXP tỉnh Phú Yên “Danh sách 6 liệt sĩ TNXP Phú Yên hy sinh tại chiến trường Đăk Pơ[i]”. Suốt gần 2 năm truy tìm địa chỉ xã, phường, huyện và gia đình thân nhân của 6 liệt sĩ trên nhưng không có kết quả.

Lãnh đạo Hội Cựu TNXP các tỉnh Gia Lai, Phú Yên-huyện Đăkpơ trước tượng đài chiến thắng Đăkpơ.

 Vừa qua, trong những ngày đầu tháng 5, lãnh đạo Hội Cựu TNXP tỉnh Gia Lai nhiệt tình đưa Thường trực Hội Cựu TNXP Phú Yên về thăm Hội Cựu TNXP huyện Đăk Pơ, thăm “Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Đăk Pơ”, Tượng đài chiến thắng Đăk Pơ. Đoàn đã được lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Đăk Pơ tiếp và cung cấp danh sách chi tiết: 147 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 96[ii]; 50 liệt sĩ TNXP và du kích ở 5 tỉnh: Đà Nẵng 01; Quãng Nam 13; Quảng Ngãi 26; Bình Định 04 ; Phú Yên 06.

Trên tấm bia ghi danh sách liệt sỹ hy sinh trong trận Đăk Pơ có ghi lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đánh và tiêu diệt gọn binh đoàn cơ động 100 thuộc loại mạnh nhất của lực lượng viễn chinh Pháp ở Triều Tiên mới về. Đây là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng với hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch, bồi thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề. Chúng ta tự hào với chiến thắng đã giành được, lại càng thương tiếc các anh hùng liệt sỹ, càng biết ơn sự hy sinh đóng góp của đồng bào để có được ngày nay…

Danh sách liệt sĩ TNXP Phú Yên hy sinh tại trận Đăk Pơ tháng 6/1954

TT

HỌ VÀ TÊN

 

NĂM SINH

 

QUÊ QUÁN

1

Lê Hội

1931

An Thạch, Tuy An, Phú Yên

2

Nguyễn Công

1933

An Xuân, Tuy An, Phú Yên

3

Mai Văn Bình

1931

Hòa Hội, Tuy Hòa, Phú Yên

4

Huỳnh Đãng

1932

Hai Riêng, Sông Hinh, Phú Yên

5

Trần Anh

1933

Hòa Thịnh, Tây Hòa, Phú Yên

6

Mai Đình Xanh

1931

Ea.Ly, Sông Hinh, Phú Yên

 

Để xác định người có công theo Quyết định số 1237[iii], Tỉnh hội Phú Yên sẽ cùng với Sở LĐTB&XH, Tỉnh đoàn, Ủy ban nhân dân các xã, huyện có liệt sĩ tìm kiếm hài cốt, thân nhân của liệt sĩ, tiến hành các thủ tục cần thiết để đề nghị Bộ LĐ – TB&XH công nhận 6 liệt sĩ có tên trong danh sách ghi trên “Bảng vàng Đài chiến thắng Đăk Pơ”.

Tỉnh hội Phú Yên chân thành cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của Hội Cựu TNXP tỉnh Gia Lai, Hội Cựu TNXP huyện Đăk Pơ và Ủy ban nhân dân huyện Đăk Pơ đã tận tình giúp đỡ.

                                                              Cao Văn Thử
Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Phú Yên

[i] Trận Đắk Pơ hay còn có tên là trận cây số 15, trận đánh đèo Mang Yang là trận đánh diễn ra tại khu vực cầu Đắk Pơ, đèo Mang Yang, An Khê, Gia Lai ngày 24 tháng 6 năm 1954 giữa quân đội Pháp và Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây là trận đánh lớn cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954 của Việt Nam và cũng là chiến thắng lớn nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên chiến trường Liên khu 5. Binh đoàn cơ động 100 bị tổn thất 85% xe cộ, 100% pháo binh và 68% trang bị thông tin, 50% súng trường và súng máy bị tịch thu. Đại tá Barrou và nhiều sĩ quan, binh sĩ bị bắt làm tù binh. Tổng thiệt hại của phía Pháp là gần 2.000, trong đó có 500 chết.

[ii] Trung đoàn 96 được thành lập ngày 6-3-1946, ban đầu gồm những đơn vị Nam tiến sau ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945) hợp thành. Trong suốt chiều dài hơn 70 năm truyền thống, Trung đoàn 96 đã lập được nhiều chiến công. Nổi bật nhất là chiến thắng Đak Pơ ngày 24-6-1954, đánh tan Binh đoàn Cơ động 100 của thực dân Pháp. Đây được ví như chiến thắng “Điện Biên Phủ” thứ 2 ở chiến trường Bắc Tây Nguyên

[iii] Quyết định số 1237/2013/QĐ ngày 27/7/2013 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.