Lá thư còn mãi

Đăng lúc: 12-09-2018 8:50 Sáng - Đã xem: 101 lượt xem In bài viết

Tôi cùng các bạn trong tiểu đội vừa lấp xong mấy hố bom giải phóng mặt đường đưa Tiểu đoàn xe 781, Tiểu đoàn xe 52 qua trọng điểm Cua chữ A… Đứng giữa một vùng đất đỏ, bom cày, đạn xới (gần 10km đường) không có lấy một bóng cây; dưới ánh trăng cuối tháng sáng mờ nhìn xuống dòng sông Lê, tự nhiên tôi nhớ con sông Đáy quê mình vô chừng… Những ngày gần Tết, bến sông quê tôi đông đúc làm sao: Mẹ tôi, chị tôi và các cô thôn nữ trong làng ra sông gánh nước, rửa lá dong, vo gạo nếp… Mùi thơm của bánh crưng Tết như từ dòng nước bốc lên thơm tho, hấp dẫn… Tôi ngồi khỏa chân xuống nước, ngắm nhìn dòng người hối hả qua chiếc cầu phao… Bỗng có tiếng gọi to làm cắt ngang nỗi nhớ của tôi.

– Thêm ơi, Thêm đâu? Cô có thư đây này!

– Thư của em hở bác?

Thêm mừng dỡ bổ nhào chạy tới đón nhận phong thư từ tay bác Tần (Đại đội phó phụ trách đời sống của đơn vị theo xe của Binh trạm 14 về Hà Hội nhận nhu yếu phẩm và hàng Tết vào). Tôi thấy bác Tần nói nhỏ với Thêm điều gì đó.

Trong ánh sáng của rừng đêm, Thêm hơi lúng túng, rồi áp lá thư vào ngực mình như để cảm nhận một điều gì thiêng liêng lắm. Lúc này đã hơn 2 giờ sáng, chúng tôi lại tiếp tục công việc: Người lát đá, đại tu mặt đường, người ngụy trang đường… Thêm vui hẳn lên, tôi nắm lấy tay Thêm như hiểu thấu ý tôi Thêm nói nhỏ với tôi qua hơi thở: “Thư của Thắng”.

Thắng và Thêm bằng tuổi nhau, tôi ít hơn họ 1 tuổi nên chúng tôi coi nhau như bạn bè. Thắng thông minh, năng động sáng tạo và rất khéo vận động quần chúng. Từ chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi” đến nhiệm vụ bảo đảm giao thông Thắng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Tiểu đội trưởng tiểu đội mìn, B trưởng B4C5, chính trị viên B2C6… Nơi nào phong trào yếu Thắng đều được cán bộ đại đội bổ sung tới đó. Mùa khô năm 1965-1966 Thắng đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Tổng đội, về dự Đại hội anh Hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Hà Nội- được ngồi cạnh Bác và thay mặt C5 đội 25 TNXP báo cáo tình hình tuyến đường với Bác. Sau hội nghị Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc toàn quốc Thắng khước từ không ở lại miền Bắc đi học trung cấp mà trở lại Đường 20 Quyết Thắng.

Tháng 7 năm 1967 do yêu cầu nhiệm vụ chiến trường, tôi, Thêm và một số chị em nữ TNXP được chuyển sang quân đội làm nhiệm vụ ở binh trạm vận tải. Chúng tôi ở xa Thắng gần 100km, xa nhau họ chỉ gửi nhớ gửi thương theo những chuyến xe đi, về, và những bài thơ xuân qua tờ báo Tết của Binh trạm 14.

Sau Mậu Thân 1968 thua đau ở chiến trường miền Nam giặc Mỹ huy động lực lượng không quân với nhiều loại máy bay hiện đại: F4, OV10, B52 rải thảm, trút xuống đủ loại bom đánh phá các tuyến chi viện cửa khẩu. Đường 20 Quyết Thắng trở thành điểm nóng của chúng (cụm trọng điểm ATP[i] trở thành tam giác lửa). Với khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm” “Quyết tử cho Cua chữ A quyết thông”. Những tên núi, tên suối, tên sông: Aky, Krong, U bò, Cua chữ A, ngầm Ta-Lê, đèo Pu-La-Nhích đã trở thành máu thịt trong mỗi cán bộ, đội viên TNXP Hà Nam. Họ đã đội mưa bom bão đạn, giữ vững mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Ngày 29/10/1968 trước hai ngày giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, Thắng đã anh dùng hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi đời, 2 tuổi Đảng trong khi làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường giữa hai đợt bom B52 rải thảm (lúc này Thắng đang chờ về Bắc để đi học ở Nga 7 năm).

Thêm đã nén đau thương, dấu kín sự mất mát của mình lao vào công tác, tôi thấy người Thêm gầy rạc hai mắt đen và sâu thẳm. Trong 5 năm trời (từ 1968-1972) Thêm được kết nạp vào Đảng, đảm nhiệm là chính trị viên đại đội nữ, trợ lý tổ chức Ban chính trị Binh trạm 14 Đoàn 559, chị được nhiều cán bộ, chiến sỹ và đồng đội quý mến, tin yếu xứng đáng với danh hiệu chiến sỹ thi đua, dũng sỹ vận tải mà Đoàn 559 trao tặng.

Chiến tranh đã cướp đi mối tình đầu và rất nhiều, rất nhiều tình yêu đôi lứa của thanh niên thời đó. Con đường Trường Sơn đã đi vào huyền thoại. Ở nó, đã chứa đựng một mối tình chỉ mới cảm nhận qua ý thức đạo đức cách mạng, tư tưởng tiến công bằng những điều ước rất hiển nhiên giản dị song cao đẹp thể hiện đầy đủ sự hi sinh vươn tới, cùng với sự khát cao, hy vọng của Thắng và của tuổi trẻ: 4 điều ước trong lá thư tết cách đây 48 năm gửi cho Thêm khi chuẩn bị vào lại chiến trường thì sẽ còn mãi với bạn tôi xin phép Thắng tôi được ghi vào trang viết này: Phấn đấu trở thành Đảng viên- Trở thành anh bộ đội cụ Hồ- Trở thành họa sĩ- Đón Thêm về làm vợ.

Năm 1969 khi được nghỉ phép về Bắc, Thêm đã trở thành con của hai cụ thân sinh ra Thắng, là em gái của hai bà chị gái, là chị của 3 đứa em (2 trai 1 gái) được họ hàng nội, ngoại của Thắng ở Hà Nam, Hà Đông công nhận là con cháu trong họ. Những ngày Tết, ngày thương binh liệt sỹ, những ngày gặp mặt chiến sĩ Trường Sơn hàng năm, những ngày bố mẹ ốm đau Thêm thường về với Bố mẹ, rồi ra mộ thắp hương cho Thắng. Nước mắt vẫn rơi xuống, thấm vào lòng đất nơi Thắng hồi hương như cách đây 46 năm. Thêm theo xe đi gần 100km đường thắp hương vĩnh biệt tại nấm mồ nơi anh nằm xuống bên này biên giới Việt Lào.

Tết Ất Mùi năm 2015. 38 năm trước Thêm đã là vợ của một người lính, nay đã là bà nội, bà ngoại của 5 đứa cháu trai gái, đang là Chủ tịch Hội cấp Huyện. Thêm nói với tôi: “Mình đã làm rất nhiều việc, hoàn thành ở mọi cương vị Đảng giao, đoàn thể giao cho song mình vẫn có lỗi với Thắng với đồng đội nhiều lắmmình hứa với Thắng với các anh, các chị đã ngã xuống mình sẽ làm nhiều việc tốt hơn nữa để giúp đỡ hội viên TNXP vươn lên xóa đói, nghèo, góp phần xây dựng quê hương mình, không còn người đói, người nghèo… thôn xóm bình yên hạnh phúc….”

 

 Tạ Thị Hoán Chủ tịch

Hội Cựu TNXP huyện Kim Bảng

 

 


[i] Cụm trọng điểm A-T-P là tên gọi tắt của cua Chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích nằm trên trục đường 20 Quyết Thắng