70 năm lời thơ bác hồ dạy thanh niên xung phong vẫn vang vọng suốt cuộc đời tôi

Đăng lúc: 07-03-2021 10:34 Sáng - Đã xem: 147 lượt xem In bài viết

 Sau 5 năm tham gia công tác cách mạng tại địa phương, từ một học sinh lên 10 tuổi, tôi được thầy giáo Võ Trung Thành[i] giao nhiệm vụ liên lạc cho cán bộ Việt Minh đang phối hợp với các chiến sĩ Đội Du kích Ba Tơ về phục kích tiêu diệt quân Nhật đồn trú tại cửa biển Sa Huỳnh, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, giành chính quyền về tay nhân dân ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Rồi trở thành chiến sĩ du kích thiếu niên, trực Đài quan sát Núi Dâu, cảnh giới tàu thủy giặc Pháp ngay ngày đầu toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946.

Tháng 6/1952, tôi được đồng chí Bùi Tấn Linh – Bí thư Khu đoàn Thanh niên Cứu quốc Khu 5 – đi dự Hội nghị tại Chiến khu Việt Bắc về vui mừng thông báo sự kiện đặc biệt: Ngày 15/7/1950 tại Núi Hồng, Đại Từ, Thái Nguyên, lực lượng TNXP Việt Nam đã ra đời theo chủ trương sáng lập của Bác Hồ và ngày 28/3/1951 trên đường đi công tác, Bác đã đến thăm đơn vị TNXP 312 đang làm nhiệm vụ tại khu vực cầu Nà Cù, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn và  đọc tặng 4 câu thơ lịch sử:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

Lời thơ của Bác đã thôi thúc tuổi trẻ chúng tôi thoát ly gia đình lên đường gia nhập lực lượng TNXP phục vụ Chiến dịch Bắc Tây Nguyên[ii] chia lửa với chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết thúc thắng lợi chiến dịch, tôi được đề bạt vượt cấp từ Trung đội phó lên Đại đội trưởng, từ Bí thư Chi đoàn lên làm cán bộ Đoàn Tổng đội TNXP Khu 5. Và 3 chiến sĩ TNXP Tổng đội 204 chúng tôi: Nguyễn Hứa, Nguyễn Tửu, Nguyễn Lào, tức Nguyễn Anh Liên đều vừa tròn 20 tuổi, được bầu là Chiến sĩ Thi đua Quân khu 5 và được cử tham gia Đoàn đại biểu Anh hùng chiến sĩ thi đua miền Nam đi chuyến tàu đầu tiên từ cảng Quy Nhơn tập kết ra Bắc để kịp dự lễ mừng Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ từ Chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội.

Ảnh internet  

Suốt đêm 31/12/1954, tại Nhà khách Chính phủ, ruột gan chúng tôi nôn nao không sao ngủ được, mong trời mau sáng để được đi gặp Bác. Lúc mới bốn giờ sáng, chúng tôi đã đóng bộ quân phục mới, ngực gắn huân chương, chờ ô tô đưa ra Quảng trường Ba Đình dự lễ. Đúng 7h sáng ngày 01/01/1955 chúng tôi cùng Đoàn đại biểu miền Nam đứng trên Lễ đài B, phía dưới bên trái Lễ đài A độ 10 mét. Cả quảng trường vỗ tay và hô vang như sấm: Hồ Chủ Tịch muôn năm, muôn năm… khi thấy Bác Hồ, bác Tôn và lãnh đạo cấp cao bước ra lễ đài.

Ảnh internet  

Suốt buổi sáng, cuộc mít tinh, diễu binh, diễu hành của hàng vạn bộ đội vừa từ các mặt trận về cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô với nhiều hình thức đặc sắc mà lần đầu tiên trong đời chúng tôi thấy được, nhưng chúng tôi chỉ xem chốc lát, còn giành thời gian quay về khán đài A để nhìn thật rõ, thật lâu Bác Hồ. Nhiều lúc mắt tôi nhòa đi vì đây là một hạnh phúc lớn nhất của đời mình. Trong khi đó ở miền Nam nhiều người thân yêu ruột thịt, nhiều đồng chí, đồng bào ngày đêm ngóng trông về miền Bắc với ước mơ cháy bỏng là được gặp Bác Hồ. Chiều tối hôm đó, chúng tôi còn được một vinh dự và hạnh phúc lớn gấp bội là được vào Phủ Chủ tịch dự bữa cơm thân mật do Bác Hồ, Bác Tôn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chiêu đãi Đoàn đại biểu miền Nam.

Ảnh internet  

Gần một tiếng đồng hồ, Bác tới từng bàn, ân cần thăm hỏi động viên không sót một đại biểu nào. Ba chúng tôi vô cùng xúc động khi Bác đến đứng trước mặt và trìu mến hỏi: Các cháu TNXP thuộc đơn vị nào, đã chiến đấu lập công bao nhiêu trận, được tặng thưởng Huân chương gì…? Tôi đứng lên run run thưa Bác: Dạ, chúng cháu đều thuộc Tổng đội 204 Liên khu 5, phục vụ Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, được tặng thưởng Huân chương Chiến công và Huân chương Lao động, được vinh dự kết nạp vào Đảng đúng ngày Chiến dịch toàn thắng. Bác nở nụ cười âu yếm: Tốt, tốt… Thanh niên ta có phẩm chất cao đẹp là tinh thần xung phong. Xung phong làm những việc khó, việc mới, xung phong đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi nhân dân cần, Tổ quốc kêu gọi. Xung phong phục vụ kháng chiến cứu nước cho đến ngày thắng lợi. Kháng chiến thành công thì tiếp tục xung phong kiến quốc và bảo vệ Tổ quốc…

Bác quay nhìn khắp lượt tất cả các đại biểu và nói những lời động viên, biểu dương: Hôm nay tại đây chỉ có 3 cháu TNXP nhưng là đại diện cho cả hàng chục triệu thanh niên yêu nước mang trong mình phẩm chất TNXP – Xung phong hành động cách mạng, xung phong học tập, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng vừa hồng vừa chuyên, xung phong phục vụ nhiệm vụ cách mạng trước mắt và cả mục tiêu cách mạng lâu dài về sau. Nhân dịp này, Bác tặng các cháu chiếc Huy hiệu của Bác để Bác cháu ta cùng tiếp tục xung phong! Tất cả chúng tôi òa lên xúc động và trong lòng tràn ngập niềm hạnh phúc lớn lao.

Lời Bác chỉ dạy chúng tôi hôm đó ngắn gọn nhưng ý nghĩa bốn tiếng Thanh Niên Xung phong được trực tiếp nghe từ lời của Bác, chúng tôi càng ngẫm càng sâu, thời gian càng lâu càng thấm vào máu thịt, đã trở thành nguồn năng lượng và chất dinh dưỡng nuôi sống tinh thần khí phách “Quyết chí ắt làm nên” để các thế hệ TNXP xông pha trên các trận tuyến của cách mạng cực kỳ gian truân, khốc liệt nhưng cũng vô cùng vẻ vang. Lời chỉ dạy của Bác như ngọn đèn pha soi sáng cho tuổi trẻ chúng tôi xông lên trên các chiến trường chống Mỹ, cứu nước, thống nhất đất nước, rồi cùng toàn Đảng, toàn Quân, toàn Dân bước vào giai đoạn vừa tập trung phát triển đất nước, vừa quyết liệt chống bọn giặc nội xâm, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt cho đến tận hôm nay, khi sắp bước vào độ tuổi 90, nhưng trong lòng chúng tôi vẫn luôn sáng mãi phẩm chất TNXP, vẫn khát khao được trao truyền lời Bác Hồ dạy cho lớp lớp cháu con để thế hệ trẻ càng thêm vững vàng tiếp bước các bậc cha anh, đưa sự nghiệp cách mạng vẻ vang do Đảng và Bác Hồ khởi xướng, lãnh đạo đến thắng lợi hoàn toàn./.

   Nguyễn Anh Liên

Nguyên Thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

 

 


[i] Võ Trung Thành (1924 – 1982): Bí danh (Năm Vinh), sinh ngày 14 tháng 10 năm 1924, tại thôn Thuỷ Thạch, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1953, đồng chí được điều động lên Tây Nguyên giữ nhiều chức vụ. Tháng 5-1969, Thường vụ Khu ủy V quyết định điều động đồng chí vào làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982) đồng chí được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí mất ngày 12-7-1982 tại Hà Nội.

[ii] Chiến dịch bắc Tây Nguyên (26/1/1954 – 17/2/1954) là một thắng lợi lớn của quân và dân ta trong chiến cục Đông – Xuân. Giải phóng địa bàn chiến lược bắc Tây Nguyên rộng 16.000km2 với 20 vạn dân, bảo vệ vùng tự do Phú Yên – Bình Định. Buộc quân địch phải ngừng tiến công ở Phú Yên điều những đơn vị ở đó và một số đơn vị cơ động khác tăng cường cho thị xã Plây Cu và một số cứ điểm ở nam Tây Nguyên. Lực lượng cơ động của địch tiếp tục bị phân tán.