Truông Bồn – một địa danh tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, – là một khu vực đồi núi đèo dốc, có nhiều thung lũng dài chừng 5km, có tuyến đường chiến lược 15A xuyên qua. Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng: là nơi có các kho chu chuyển hàng hóa quân sự và là “yết hầu” nối các huyết mạch giao thông: mốc số 0 Đường mòn Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A, đường 7, đường 34 – tuyến vận chuyển hàng hóa qua Nghệ An vào Ngã ba Đồng Lộc. Vì vậy, Truông Bồn đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Chỉ trong vòng 4 tháng, từ tháng 6 đến tháng 10/1968, địch đã sử dụng hàng trăm lượt máy bay, ném xuống Truông Bồn hơn 2.692 quả bom, bắn hàng trăm quả tên lửa, làm cháy hàng trăm ô tô, xe pháo của ta, làm hơn 200 cán bộ, chiến sĩ TNXP và bộ đội phòng không, công binh bị thương vong trong khi làm nhiệm vụ.
Phối cảnh Khu di tích
Với tinh thần “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”, “Sống anh dũng bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, Đại đội 317 thuộc Đội TNXP N300 Nghệ An và bộ đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở Truông Bồn. Trong bảng vàng thành tích của Đại đội TNXP 317 Anh hùng, có sự đóng góp đặc biệt xuất sắc của tập thể 14 đội viên TNXP Tiểu đội 2 đã hy sinh anh dũng đúng ngày đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom (31/10/1968) và trước ngày tám người được phép rời đơn vị đi học. Chiến công của họ đã làm nên khúc tráng ca Truông Bồn bất tử, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang anh hùng của Lực lượng TNXL Nghệ An.
Đài tưởng niệm
Ngày 23-9-2008, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã có Quyết định số 1304/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể 14 chiến sĩ TNXP (13 nữ, 1 nam) thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP Nghệ An, đã có 13 người anh dũng hy sinh ngày 31/10/1968.
Ngày 19-4-2010, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1591/QĐ.UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Cùng với tỉnh Nghệ An, Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo Khu di tích.
Tháp chuông
Khu di tích lịch sử Truông Bồn, được xây dựng và tôn tạo trên tổng diện tích 21,7ha, gồm các khu chức năng chính: Khu mộ, nhà che mộ 13 anh hùng liệt sĩ TNXP 110m2; nhà tưởng niệm 1.240 anh hùng liệt sĩ rộng 290m2; phục hồi 3 hố bom gần khu mộ, tháp chuông, nhà trưng bày truyền thống; hồ điều hòa cảnh quan – môi trường; sân lễ hội (khu vực quảng trường) rộng 11.300m2; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ…
Ngày 12-1-1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin đã có Quyết định số 51-QĐ/BT công nhận Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.
Theo Thanh niên xung phong Việt Nam anh hùng (tập 1: Xứng danh anh hùng), Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2017