Những ngôi mộ thanh niên xung phong trong Nghĩa trang liệt sĩ Chăn Nưa có phải là liệt sĩ?

Đăng lúc: 04-06-2019 10:38 Sáng - Đã xem: 164 lượt xem In bài viết

    Sau khi kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, nhiều đơn vị bộ đội, TNXP được về xuôi nghỉ ngơi, về phép…Tuy vậy, hơn 6.000 TNXP của Đội 34 và Đội 40 thuộc Đoàn TNXP trung ương, vừa hoàn thành nhiệm vụ tại chiến trường Điện Biên Phủ lại được giao nhiệm vụ hành quân ngược lên Lai Châu để mở gấp con đường chiến lược từ thị xã Lai Châu cũ (nay là thị xã Mường Lay) đi Pa Nậm Cúm (nay là cửa khẩu Ma Lù Thàng), huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (còn gọi là Công trường 111). Đây là tuyến đường chiến lược dự phòng, sẵn sàng tiếp nhận hàng hóa viện trợ từ Trung Quốc và các nước XHCN, phòng khi thực dân Pháp và can thiệp Mỹ vi phạm Hiệp định Giơ ne vơ, quay trở lại chiến trường Tây Bắc và Điện Biên Phủ.

Ngày 9/10/1954 tuyến đường Lai Châu – Ma Lù Thàng được khởi công, đi qua vùng núi non hiểm trở. Để khơi thông dòng Nậm Na, huyết mạch giao thông đường thủy quan trọng và là tuyến giao lưu độc nhất bao đời nay của các dân tộc vùng cao Tây Bắc, TNXP Đội 34 và Đội 40 đã dũng cảm ngâm mình dưới dòng nước dữ, đục đá, phá ghềnh, tạo luồng thông thoáng, an toàn cho thuyền bè đi lại, phục vụ thi công tuyến đường. Quá trình xây dựng con đường chiến lược này, trên một trăm cán bộ, đội viên TNXP đã hy sinh do đói ăn, thiếu thuốc men, bệnh tật, ta luy sạt lở, lật bè mảng, có đơn vị mất cả tiểu đội, có người chết do vết thương chiến tranh tái phát, bị hổ vồ, bị phỉ phục kích bắn chết…Nhưng với tinh thần quyết tâm cao độ, sau 21 tháng lao động khẩn trương, đến ngày 13/6/1956 các đơn vị TNXP đã hoàn thành tuyến đường dài 99 km trong điều kiện lao động thủ công hoàn toàn.

Trước khi rút về xuôi nhận nhiệm vụ mới, Ban chỉ huy công trường đã tổ chức tìm kiếm, cất bốc được 67 hài cốt TNXP về chôn cất tại ven con đường vừa mở tại xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ; đồng thời vẽ sơ đồ mộ chí và gửi thư thông báo về cho từng gia đình thân nhân TNXP đã hy sinh. Thế rồi thời gian trôi đi, 40 năm sau, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1994), Ban liên lạc cựu TNXP Điện Biên Phủ mới tổ chức được đoàn về thăm lại chiến trường xưa, viếng các đồng đội an nghỉ tại nghĩa trang TNXP Chăn Nưa.

Theo đề nghị của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày 19/5/2010 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có công văn số 1654/ BLĐTBXH công nhận nghĩa trang TNXP Chăn Nưa là NGHĨA TRANG LIỆT SĨ TNXP. Kể từ đó, nghĩa trang này được chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu đưa vào diện chăm sóc, tôn tạo, quản lý theo quy định chung. Năm 2012, nghĩa trang liệt sĩ TNXP Chăn Nưa được di dời lên chỗ cao hơn để phục vụ chặn dòng dâng nước công trình thủy điện Lai Châu. Từ đó đến nay, nghĩa trang được đầu tư xây dựng, tôn tạo khang trang, sạch đẹp. Hàng năm vào các ngày tết lễ, 27/7, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Đoàn thanh niên địa phương tổ chức dâng hương thắp nến tri ân. Vừa qua, thực hiện chủ trương của Nhà nước, các mộ liệt sĩ TNXP tại đây đã được chụp ảnh đưa lên trang thông tin điện tử của Bộ Lao động TBXH.

Điều đáng nói ở đây là trong tổng số 57 mộ có tên tuổi, quê quán, phần lớn được ghi trên bia là LIỆT SĨ, nhưng trên thực tế đến nay chỉ mới có 10 trường hợp được công nhận là liệt sĩ, 47 trường hợp còn lại chưa được công nhận, mặc dù họ cùng đơn vị, cùng làm một nhiệm vụ, cùng địa bàn, cùng thời gian và cùng chết do tai nạn, ốm đau như nhau.

Trước thực trạng đó, năm 2012 Trung ương Đoàn và Hội Cựu TNXP Việt Nam đã hướng dẫn các địa phương tổng hợp được 8 hồ sơ theo quy định hiện hành đề nghị Bộ Lao động TBXH xem xét công nhận. Trong đó có trường hợp của ông Nguyễn Bá Tạo, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội với hàng chục thủ tục giấy tờ gốc như: Thư của Ban chỉ huy Công trường 111 chia buồn với gia đình và sơ đồ mộ chí lập từ tháng 7/1957; giấy xác nhận của ông Nguyễn Đình Toản (hiện còn sống) thay mặt Ban chỉ huy Công trường 111 gửi cho gia đình ông Tạo ngày 08/7/1957; các giấy xác nhận của cán bộ Đội TNXP 34-40, của Hội Cựu TNXP Việt Nam; các giấy xác nhận của các tổ chức chính trị – xã hội, Hội đồng xét duyệt…của xã Yên Sở; giấy xác nhận của UBND xã Chăn Nưa về phần mộ của ông Tạo. Đặc biệt trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Yên Sở có ghi tên ông Nguyễn Bá Tạo trong danh sách các liệt sĩ của xã.

Trả lời công văn 1055/TWĐTN ngày 27/6/2012 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về đề nghị công nhận liệt sĩ cho 08 TNXP an táng tại nghĩa trang liệt sĩ TNXP Chăn Nưa, Cục Người có công Bộ Lao động TBXH đã có công văn số 884/NCC ngày 28/8/2012 yêu cầu “bổ sung sao y cuốn lịch sử Đảng bộ xã Yên Sở, trang danh sách liệt sĩ ghi tên ông Nguyễn Bá Tạo cần đóng dấu treo của Đảng ủy xã”, 7 trường hợp còn lại Cục trả lời không thuộc đối tượng công nhận liệt sĩ !?

Ông Nguyễn Tiến Năng 92 tuổi, cựu cán bộ Đội TNXP 34-40, nguyên Thư ký riêng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thắp hương trước mộ đồng đội là ông Nguyễn Bá Tạo tại NTLS TNXP Chăn Nưa tháng 4/2019 (ông Tạo được ghi trên bia là Liệt sĩ nhưng thực tế chưa được công nhận).

Sự việc bị lãng quên tới 5 năm sau đó. Đầu năm 2017, Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam tiếp tục hướng dẫn gia đình ông Nguyễn Bá Tạo hoàn thiện lại hồ sơ theo yêu cầu của Cục Người có công, sau đó gửi lại hồ sơ và công văn đề nghị Bộ Lao dộng TBXH xem xét giải quyết dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/2017). Tuy nhiên hơn một năm sau, ngày 24/9/2018 Cục Người mới có công mới có văn bản trả lời rằng: “Trường hợp ông Nguyễn Bá Tạo chết không phải do trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu theo Điểm b, Khoản 1, Điều 17 của Nghị định 31/CP/2013”; mà không căn cứ vào Điểm g, Khoản 1, Điều 17 của Nghị định 31 quy định đối tượng được công nhận là liệt sĩ là “Người chết do ốm đau, tai nạn trong khi làm nhiệm vụ tại các công trình phục vụ quốc phòng, an ninh và ở nơi có hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn”. Điều đáng nói ở đây là công văn trả lời lần này của Cục Người có công lại trái ngược hoàn toàn với yêu cầu của công văn 888/NCC ngày 28/8/2012 của Cục đã nêu trên, gây khó hiểu cho cả Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, gây thêm bức xúc cho gia đình liệt sĩ, khiến gia đình buộc phải gửi đơn đề nghị lên nhiều cấp lãnh đạo trung ương.

          Trước tinh hình trên, đầu tháng 4/2019, Hội Cựu TNXP Việt Nam, Trung ương Đoàn và đại diện Ban liên lạc cựu TNXP Đội 34-40 đã lập tổ công tác lên tỉnh Lai Châu để đề nghị tỉnh xác nhận con đường Lai Châu – Ma Lù Thàng là con đường chiến lược và thuộc địa bàn có hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn. Sau buổi làm việc, UBND tỉnh Lai Châu đã có văn bản gửi Hội Cựu TNXP và Trung ương Đoàn khẳng định con đường Lai Châu – Ma Lù Thàng do TNXP Đội 34-40 mở thời kỳ 1954-1956 là con đường mang ý nghĩa chiến lược phục vụ quốc phòng, an ninh và thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Không những thế, ngày nay con đường đó, tuy phần lớn chìm dưới dòng sông Nậm Na, đã được nắn chỉnh lên cao hơn nhưng vẫn là con đường phòng thủ biên giới, phục vụ quốc phòng, an ninh và vẫn thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành. Do đó tỉnh Lai Châu thống nhất đề nghị xem xét công nhận liệt sĩ cho những TNXP đã được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ TNXP Chăn Nưa.

        Thiết nghĩ sự việc đã rõ ràng, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam và chính quyền địa phương xã Yên Sở cùng gia đình thân nhân ông Nguyễn Bá Tạo đã làm hết sức mình để mong đem lại quyền lợi, danh dự cho người đã hy sinh cách đây 65 năm. Vấn đề còn lại thuộc trách nhiệm của Cục Người có công và Bộ Lao động TBXH, không những cho ông Nguyễn Bá Tạo mà còn cho cả những trường hợp TNXP khác đang an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ TNXP Chăn Nưa cách đây hơn nửa thế kỷ, sao cho “thấu tình đạt lý” như Bộ Trưởng Bộ Lao động TBXH Đào Ngọc Dung đã phát biểu nhân kỷ niệm 71 năm Ngày TBLS 27/7/2018. Nếu không, biển “Nghĩa trang liệt sĩ TNXP Chăn Nưa” và những bia mộ mà ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã khắc chữ “ Liệt sĩ” cho TNXP ở nghĩa trang đó có còn ý nghĩa không./.

           Nguyễn Việt Phát

                    Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến