Lần đầu tiên về quê lúa Thái Bình

Đăng lúc: 01-07-2019 1:30 Chiều - Đã xem: 137 lượt xem In bài viết

Những ngày cuối tháng 4 năm 2019, Đoàn Cựu TNXP huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước tổ chức về nguồn thắp hương nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, khu mộ mười cô gái hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc, khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ và một số danh lam thắng như Sa Pa (Lào Cai), động Thiên đường (Quảng Bình), chùa Bái Đính (Ninh Bình)…

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Nguyễn Đức Cảnh

   Trên đường trở vào, Đoàn vào viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi về huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Hội Cựu TNXP huyện Đồng Phú gần một nửa có đều quê hương Thái Bình; họ đi xây dựng vùng kinh tế mới ở tỉnh Sông Bé (Bình Phước) vào những thập niên 79, 80… Phần nhiều cựu TNXP trong đoàn có quê ở huyện Thái Thụy. Một đêm nghỉ lại tại thị trấn Diêm Điền, sáng đến dâng hương khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh[i],   và sau đó đến khu du lịch sinh thái Cồn Đen[ii]

   Tôi được đi nhiều nơi, nhưng với Thái Bình đây là lần đầu mới có dịp đến. Xe giường nằm chở 45 người đi vào đường nông thôn, ấn tượng đầu tiên ở Thái Thụy là màu xanh của lúa. Lúa đang kỳ làm đồng xanh ngăn ngắt, lúa trải rộng mênh mông như một nền thảm khổng lồ màu xanh lá mạ. Ở Thái Thụy, Thái Bình, có lẽ nông nghiệp chủ lực là những cánh đồng lúa bát ngát, vẫn giữ nét nguyên sơ của quê hương “5 tấn[iii]”, một thời trong đạn bom ác liệt. Khác với một số tỉnh bạn, đất ruộng đã đổi màu, phủ kín các công trình, công xưởng, những tòa nhà đồ sộ tiếp nối nhau, lấn ruộng, lấn đất nông nghiệp để kinh doanh, để sầm uất phố thị…

    Ở Thái Thụy, Thái Bình, những dãy phố, những con đường được các cấp lãnh đạo địa phương quan tâm phát triển, dựa trên các đề án quy hoạch phát triển hạ tầng nông thôn, phố thị đều mang tính khoa học, văn minh thời công nghệ tiên tiến. Tôi không thể nào lột tả hết những cảm xúc của mình khi viết về quê hương, vùng đất, con người ở đây. Có cái gì đó xao xuyến, rưng rưng, trân trọng và yêu thương dâng lên trong trái tim tôi.

    – Hơn hai tiếng đồng hồ, xe vẫn loay hoay trên những con đường nông thôn. Em thấy mênh mông toàn lúa…, lúa xanh đến nao lòng!

   Quay qua cô Đinh Thị Minh, trưởng đoàn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Đồng Phú, tôi khẽ nói.

   – Đúng thế em ạ. Quê chị vẫn tồn tại nhiều cánh đồng lúa lớn. Chỉ riêng ở Thái Bình thôi em. Bao la đồng lúa là nét riêng xưa và nay của quê hương Thái Bình…

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại khu du lịch sinh thái Cồn Đen

   Cô Đinh Thị Minh có khuôn mặt đôn hậu. Cô là người thường quan tâm đến đời sống, sức khỏe của từng hội viên. Trong chuyến về nguồn, cô Minh thường ít ăn. Tới bữa, cô lo lắng đi từng bàn xem hội viên mình ăn uống ra sao, có ngon miệng không? Những món thức ăn nào hợp với sức khỏe của đa số là thành viên lớn tuổi. Cô ở xã Quyết Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cô tham gia kháng chiến chống Mĩ, cứu nước từ khi 17 tuổi và đã có mặt trên Đường 20 Quyết Thắng trong những năm tháng máy bay Mĩ bắn phá dữ dội. Cô dành ưu ái cho số anh chị em quê Thái Thụy, Thái Bình ghé về quê nhà.

   Tại nhà nghỉ Ngọc Biên, thị trấn Diêm Điền, Đoàn giao lưu văn nghệ với các nghệ sĩ chèo thuộc Câu lạc bộ chèo thị trấn Diên Điền. Những lời ca, điệu múa của các cựu TNXP tuổi gần “xưa nay hiếm” luyến láy hòa nhịp cùng các nghệ sĩ chèo chuyên nghiệp… Ba nghệ sĩ chèo và dàn nhạc đến từ sớm, mang theo thùng kẹo kéo (đàn nhị). Kim Yến, thành viên trẻ nhất trong Đoàn ca chung cùng nghệ sĩ nam của Câu lạc bộ. Hai nghệ sĩ nữ có khuôn mặt xinh xinh, nước da trắng, đều mặc quần đen, áo bà ba màu tím hoa cà. Buổi giao lưu văn nghệ tuy đơn sơ nhưng đã thu hút số bà con gần đó đến thưởng thức. Cô Đinh Thị Minh ca bài “Dâng Đảng quang vinh” theo điệu chèo văn do chính cô sáng tác…   Một đêm ở thị trấn Diễm Điền thật ấm áp nghĩa tình, quê hương của những người con xa quê nay họp mặt vui vẻ, ca hát trên quê nhà. Chiều trước đêm giao lưu văn nghệ, chúng tôi tản bộ đi tham quan chợ thị trấn và dạo chơi trên bờ sông. Phía cửa sông có nhiều tàu cá neo đậu xen giữa những mảng lục bình dày đặc…

Sáng hôm sau, Đoàn đến khu du lịch sinh thái Cồn Đen. Hướng về phía biển, chúng tôi đón từng đợt gió thổi vào mơn man lồng ngực. Ai cũng hân hoan nói cười chào hỏi nhau khi gặp các đoàn khách du lịch cùng theo ra đi trên chiếc cầu cây – Cầu Biển Đông dài non ki-lô-mét. Biển, cát và sóng không bạc trắng, sâm sẫm một màu tro. Từng cơn sóng nhẹ gợn bạc mang một gam màu xám tro. Cồn Đen, đúng với nghĩa tên của nó mà xao xuyến du khách các nơi đổ về…

                                                     DUY HIẾN

ẤP CÂY ĐIỆP – XÃ TÂN PHƯỚC – ĐỒNG PHÚ – BÌNH PHƯỚC

 

 

 

 

 


[i] Nguyễn Đức Cảnh (2 tháng 2 năm 1908 – 31 tháng 7 năm 1932) là một nhà hoạt động cách mạng Việt Nam. Ông là Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng và là Tổng biên tập đầu tiên của báo Lao động. Ông là người làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình.

[ii] Năm 2010, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái cồn Đen với diện tích 1.150ha gồm toàn bộ khu vực cồn Đen và một phần diện tích nuôi trồng thủy sản thuộc xã Thái Đô. Theo đó, Cồn Đen được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái có bãi tắm biển, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí (sân thể thao, khu trượt nước), khu du lịch văn hóa tổng hợp, trung tâm mua sắm, hệ thống cây xanh…

[iii] Ðể xây dựng hậu phương vững chắc và chi viện cho miền Nam, năm 1966, Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình đã nỗ lực sản xuất, ghi bảng vàng năng suất 5 tấn thóc/ha, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.