Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam “Dũng cảm, lập công xuất sắc”

Đăng lúc: 10-07-2019 3:50 Chiều - Đã xem: 160 lượt xem In bài viết

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam  Vũ Trọng Kim tại Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950- 15/7/2019) tại Mộc Châu, Sơn La ngày 9/7/2019). Đầu đề do Ban biên tập đặt

     Thưa các vị đại biểu và toàn thể các đồng chí!

Hôm nay chúng ta tụ họp về đây, tổ chức kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống của Lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/2019). Thay mặt Đoàn Chủ tịch BCHTW Hội Cựu TNXP Việt Nam, tôi xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các cụ, các bác, các đồng chí, đồng đội lời chúc sức khỏe và lời chào mừng nồng nhiệt nhất!

Ngày 15/7/1950, Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên được thành lập, là tiền thân Lực lượng TNXP Việt Nam ngày nay. Từ ban đầu chỉ có 225 đội viên, qua các cuộc kháng chiên, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã phát triển lên tới hơn 50 vạn người.

TNXP thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược đã tập trung phục vụ các chiến trường, các chiến dịch lớn như: Biên giới, Tây Bắc, Việt Bắc, Trung du, Hoà Bình, Bình Trị Thiên, Liên Khu V, Miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ. Điển hình là các Đội TNXP ở miền Tây Bắc:

– Đội 34, Đội 40 có 16.000 quân, làm nhiệm vụ trên Mặt trận Điện Biên Phủ. Các đồng chí đã mở hàng trăm kilômét đường, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, quân trang, cáng tải thương binh, tử sỹ, rà phá hàng 100 quả bom mìn, cứu 10 xe đạn đại bác của ta khi bị địch đánh phá. Đã có 8.000 TNXP chuyển sang quân đội khi chiến trường diễn ra ác liệt. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng TNXP đã được Bác tặng cờ thi đua mang dòng chữ “Dũng cảm, lập công xuất sắc”; được đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp  khen ngợi và cho rằng: Trong chiến dịch, nếu không có lực lượng TNXP thì bộ đội cũng gặp rất nhiều khó khăn, tôi luôn coi TNXP như bộ đội. Lực lượng TNXP Điện Biên Phủ và 4 chiến sỹ đã được Đảng và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hôm nay vẫn còn đồng chí Nguyễn TiếnThụ, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng sống có mặt tại đây với chúng ta.

Chủ tịch Vũ Trọng Kim đọc lời tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích Ngã ba Cò Nòi

 – Tại Ngã ba Cò Nòi, cửa ngõ vào Điện Biên Phủ, nơi đã diễn ra những trận đánh ác liệt giữa ta và thực dân Pháp đã có hơn 300 cán bộ, chiến sỹ TNXP và một lực lượng lớn của đoàn quân Tây tiến hy sinh. Ngày nay Cò Nòi đã trở thành Di tích lịch sử quốc gia. Hôm nay chúng ta về đây kỷ niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ, đây chính là về nguồn, về với đồng đội, đồng chí đã hy sinh anh dũng trong những ngày tháng đầu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

– Đội TNXP 36 với 2.500 đội viên đã được Bác và Trung ương tin tưởng giao cho trọng trách bảo vệ Bác, TW Đảng và Chính phủ tại An toàn khu Việt Bắc (ATK). Làm nhiệm vụ tham gia bảo vệ, đào hầm hào trú ẩn, xây dựng và đảm bảo hệ thống thông tin, liên lạc, làm nhà ở cho Bác và các đồng chí lãnh đạo, xây dựng hệ thống giao thông đặc biệt ở ATK. Vận chuyển lương thực, thực phẩm về An toàn khu. Sau này đội quân đã được về tham gia tiếp quản Thủ đô Hà Nội năm 1954. Đội TNXP 36 và đồng chí Đội trưởng Tạ Quang Chiến – một trong 8 người được Bác đặt bí danh “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi” – được trực tiếp phục vụ Bác Hồ. .

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim
cùng Phó Bi thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Đắc Quỳnh (giữa)
và Phó Chủ tịch UBND huyên Mai Sơn Vũ Tiến Đĩnh dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Cò Nòi

Không một việc gì, không một khó khăn nào mà không thể vượt qua. Ngày 28/3/1951, một lần đến thăm Liên phân đội 312, Đội TNXP công tác Trung ương đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, Bác đã tặng Lực lượng TNXP 4 câu thơ: “Không có việc gì khó/ chỉ sợ lòng không bền/ đào núi và lấp biển/ quyết chí ắt làm nên”.

TNXP thời kỳ chống Pháp, từ Bắc chí Nam, đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập thành tích to lớn trên các chiến trường, góp phần vào sứ mạng lịch sử giải phóng Miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Trong cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, TNXP vẫn là lực lượng nòng cốt góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, thanh niên hai miền Nam Băc thi đua trên mọi mặt trận. Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam[i] đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”[ii]; Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Miền Nam đã phát động phong trào “Năm xung phong”[iii] để cùng nhau thi đua đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Cuối năm 1964, đầu năm 1965, trước sự suy sụp nghiêm trọng của chính quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ đã trực tiếp đổ quân vào Miền Nam Việt Nam. Chuyển từ “Chiến tranh đặc biệt”[iv] sang “Chiến tranh cục bộ”[v]. Chúng mở rộng chiến tranh ra Miền Bắc, mang bom đánh phá các mục tiêu quan trọng về kinh tế, xã hội, tiềm lực quân sự của ta, hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn Miền Bắc cho chiến trường Miền Nam.Thực hiện Chỉ thị số 71/TTg-CN ngày 21/6/1965 của Thủ tướng Chính phủ, đã có 14 vạn nam nữ TNXP gia nhập 170 Đội và 50 Đại đội, sẵn sàng lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Các đại biểu chuẩn bị dâng hươn ở Di tích Quốc gia Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52)

 Chiến tranh càng ác liệt, lực lượng TNXP ngày càng đông. Từ 1965-1975 đã có 271.000 cán bộ, chiến sỹ TNXP trên khắp các chiến trường để phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu, tháo gỡ bom mìn, cáng tải thương binh, liệt sĩ; vận chuyển vũ khí, đạn dược, hậu cần; đặc biệt là mở đường chiến lược, đảm bảo giao thông, vừa phục vụ vận tải hậu cần cho chiến trường Miền Nam, vừa góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ.

22 vạn cán bộ chiến sỹ TNXP của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Lâm nghiệp và các địa phương đã có mặt trên các chiến trường để giữ vững mạch máu giao thông. TNXP Ban 67 đã cùng với Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) mở đường Trường Sơn lịch sử, phục vụ cho các chiến dịch vận tải, đảm bảo cho sự thắng lợi của chiến trường Miền Nam, đưa đến thắng lợi hoàn toàn mùa xuân năm 1975. Mới đây, ngày 21/4/2019, tại Đà Nẵng, chúng ta đã tổ chức kỷ niệm 60 năm lực lượng TNXP tham gia mở đường Trường Sơn thắng lợi. Nhân đây, tôi xin nhắc lại những chiến công vẻ vang ấy:

Đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh, chúng ta đã huy động 46.000 TNXP làm nhiệm vụ ở tất cả 5 tuyến trục dọc, 21 tuyến trục ngang, điển hình là các tuyến: Đường 12, Đường 15A, Đường 15B, Đường 20 Quyết Thắng, Đường 10, đường Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn… Các trọng điểm như Đồng Lộc, Khe Ve, Bãi Dinh, Cổng Trời – Mụ Dạ, 050, đèo Đá Đẽo, các bến phà Xuân Sơn, Long Đại, Quán Hầu và hàng trăm trọng điểm khác. Tại Đường 20 – Quyết Thắng, các trọng điểm như cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhic… trận chiến 350 ngày đêm đánh phá, địch đã đánh 969 trận B52 rải thảm, 2.000 trận máy bay ném bom cường kích với 300.000 quả bom các loại, nhưng vẫn không khuất phục được chúng ta.

Ở Miền Nam, ngày 20/4/1965 đơn vị TNXP giải phóng đầu tiên được thành lập. Bước đầu có 108 cán bộ, đội viên, sau phát triển lên gần 5.000 người, phục vụ các sư đoàn bộ đội chủ lực và hậu cần cho Miền Đông Nam Bộ, đồng thời thành lập đơn vị TNXP tập trung với gần 5.000 người, phục vụ bộ đội ở Khu, tỉnh; nhiều nơi phát triển TNXP huyện, xã thành “TNXP cơ sở”. Dần dần lực lượng hùng hậu lên đến 4,5 vạn nam, nữ, cán bộ, đội viên tham gia phục vụ các chiến trường. TNXP đã kề vai sát cánh cùng bộ đội trên các địa bàn trọng điểm ác liệt như: Miền Đông Nam Bộ, Miền Tây Nam Bộ, , Tây Ninh, Đường 1C; chiến dịch Phước Long, Sông Bé, Núi Thành[vi], chiến dịch Quảng Đà, Liên Khu V. Riêng tuyến đường 1C suốt trong 9 năm, Liên đội I đã gan dạ, dũng cảm chiến đấu vượt qua bom đạn dể vận chuyển 10.000 tấn quân trang, vũ khí; tiếp nhận về Đất Mũi 1 vạn quân; phối hợp với quân chủ lực bắn rơi 100 máy bay, diệt 50 xe tăng địch, diệt hàng ngàn tên Mỹ, lính Việt Nam Cộng hòa; giữ vững huyết mạch từ Quân khu 9 về Trung ương Cục Miền Nam.

Trong những năm chống Mỹ, theo số liệu thống kê đã được tổng kết, TNXP trong cả nước đã mở được 102 con đường chiến lược với tổng chiều dài là 4.130 km, vận chuyển 10 vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm; chốt giữ 3.000 trọng điểm giao thông quan trọng thường xuyên bị đánh phá ác liệt; san lấp 100.000 hố bom; đào 1.135 km hầm hào; xây dựng 8 bệnh viện dã chiến và 272 kho tàng; phá dỡ, thu gom 100.000 quả bom các loại; trực tiếp bắn rơi 15 máy bay Mỹ, bắt sống 13 phi công và gần 1.000 tên địch (trong đó có 286 lính Mỹ), phá huỷ 20 xe tăng và xe bọc thép, phục vụ bộ đội gần 1.000 trận đánh, trực tiếp chiến đấu 40 trận; bổ xung 16.000 người cho quân đội; cáng tải 2.077 thương binh, tử sỹ; đưa 18.000 lượt bộ đội qua sông; 15.000 người được kết nạp vào Đảng, 52 người là Dũng sỹ diệt Mỹ, 1.432 người là Dũng sỹ Quyết thắng. Để có được những chiến công đó, TNXP đã có 6.051 người hy sinh, 42.455 người bị thương, 18.000 người và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Điển hình là sự hy sinh của 60 cán bộ chiến sỹ Đại đội 915 thuộc Đội 91 Bắc Thái tại Ga Lưu Xá (Thái Nguyên); cán bộ chiến sỹ Đại đội 895, N89 Thái Bình cứu đoàn tàu quân sự tại Ga Gôi năm 1966 đã có 23 người hy sinh và 256 người bị phơi nhiễm chất độc hoá học; 13 chiến sỹ Đại đội 873, N87 hy sinh tại núi Hấp Thanh Hoá; cả Tiểu đội 2, C892, N89 Thái Bình hy sinh trên Đường 15 thuộc xã Hoá Hợp, Minh Hóa, Quảng bình; 10 chiến sỹ tiểu đội nữ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, 68 chiến sỹ C5 hy sinh tại Đường 20 – Quyết Thắng, cán bộ chiến sỹ Đại đội 317, N65 bám trụ hy sinh tại Truông Bồn Nghệ An …

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của lực lượng TNXP trong 2 cuộc kháng chiến, Đảng và Nhà nước ta đã tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng TNXP Việt Nam. Có 41 tập thể, 43 cá nhân được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động. Trong số đó có nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế đã 5 lần được gặp Bác; 28.000 cán bộ, chiến sỹ được tặng Huân, Huy chương Kháng chiến, Huân, Huy chương giải phóng và các Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động.

Thời kỳ hoà bình, TNXP cũng tham gia xây dựng nhiều công trình chiến lược như: Công trình đường 12B Hoà Bình, đường Hạnh phúc Hà Giang – Mèo Vạc, đường Ma Lù Thàng (Lai Châu), các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, hàng ngàn công trình và nhiều nông, lâm trường. Các cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam và Biên gới phía Bắc, TNXP cũng là lực lượng xung kích phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và khắc phục hậu quả chiến tranh.

Đồng chí Vũ Trọng Kim và đồng chí Nguyễn Đắc Quỳnh dâng hương ở
Di tích Quốc gia Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52)

Kính thưa các đồng chí đại biểu, thưa các đồng chí!

Sau khi thống nhất đất nước, năm 2004 thuận theo nguyện vọng của các cựu TNXP, Đảng và Nhà nước ta đã cho phép thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam.

Hội đại diện cho quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các cựu TNXP Việt Nam; là nhân chứng lịch sử giúp Đảng và Nhà nước giải quyết chế độ chính sách cho các cựu TNXP; Hội xây dựng phong trào “Nghĩa tình đồng đội” giúp các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ cô đơn không nơi nương tựa; nghiên cứu, sưu tầm, hội thảo, hệ thống lại lịch sử và truyền thống Lực lượng TNXP, xây dựng và tôn tạo các di tích lịch sử về TNXP, phối hợp với Đoàn Thanh niên giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Từ khi ra đời năm 2004 tới nay Hội đã được thành lập ở 60 tỉnh, thành phố, 612 quận, huyện, 7.121 xã phường, thị trấn, với 403.775 hội viên/ gần 600.000 cựu TNXP trong cả nước.

Đảng và Nhà nước đã thống nhất lấy ngày 15/7 hàng năm là Ngày truyền thống của Lực lượng TNXP Việt Nam.

Từ ngày thành lập, Hội đã phối hợp cùng với các Bộ, Ban ngành tham mưu cho Chính phủ giải quyết chế độ cho các cựu TNXP trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Kết quả là đã có 5.653 người được công nhận là liệt sỹ, 36.800 được công nhận là thương binh, 7.300 người được hưởng trợ cấp hàng tháng, 196.000 người được hưởng trợ cấp một lần, 5.200 người được hưởng chế độ chất độc da cam/dioxin và 1.420 con em được hưởng chế độ trợ cấp nhiễm chất độc hoá học; 187.000 người được hưởng BHYT, 22.700 người được hưởng chế độ mai táng phí khi qua đời.

Hiện nay Hội đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan nhà nước giải quyết các hồ sơ tồn đọng. Hội đã đẩy mạnh phong trào “Nghĩa tình đồng đội”, giúp nhau làm kinh tế, xoá đói, giảm nghèo bền vững. Trong nhiệm kỳ vừa qua, TW Hội đã huy động được 418 tỷ 254 triệu đồng hỗ trợ cho cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó: Hỗ trợ xây dựng 1.138 nhà tình nghĩa với 64 tỷ 731 triệu đồng, tặng 3.091 sổ tiết kiệm với số tiền là 10 tỷ 256 triệu đồng.

Đến nay chúng ta đã phát hiện 60 di tích lịch sử TNXP, trong đó có 39 di tích đã được xây dựng, có 9 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia như Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, Lưu Xá Thái Nguyên, nghĩa trang Đồi 82 Tân Biên Tây Ninh…, có 16 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Khắc bia vinh danh 4.000 liệt sỹ các tỉnh miền Bắc, chuẩn bị bia ghi danh: 300 liệt sỹ TNXP chống Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại di tích Ngã ba Cò Nòi tỉnh Sơn La; 2.630 liệt sỹ TNXP hy sinh ở Nam Bộ tại Đồi 82 Tân Biên, Tây Ninh.

Trung ương Hội đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tập sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh về trường học lớn TNXP”, Nhà Xuất bản Thanh Niên xuất bản bộ sách gồm 3 tập về TNXP Việt Nam anh hùng, cùng hàng vạn cuốn sách về lịch sử TNXP của các địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Chúng ta tiếp tục phối hợp các ngành, tham mưu cho Đảng và Nhà nước giải quyết hồ sơ tồn đọng, giải quyết chính sách, chế dộ cho cựu TNXP. Tính đến nay theo báo cáo của các địa phương vẫn còn 383 TNXP hy sinh chưa được công nhận liệt sỹ, 6.543 TNXP bị thương, 10.701 TNXP và 409 con đẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin chưa được giải quyết chế độ; 50.085 TNXP chưa được hưởng trợ cấp một lần ;1.131 TNXP chưa được trợ cấp hàng tháng, 33.480 TNXP chưa được cấp BHYT và 4.612 cựu TNXP từ trần mà gia đình chưa được hưởng chế độ mai táng phí;133 đơn vị, 68.314 cựu TNXP tập trung chưa được xác nhận phiên hiệu; 20.599 TNXP cơ sở ở Miền Nam chưa xác nhận được phiên hiệu nên chưa được kết nạp hội viên. Trung ương Hội đang tiếp tục đề nghị với Đảng và Nhà nước, phối hợp với các bộ ngành hữu quan để giải quyết tặng thưởng “Huy chương TNXP vẻ vang” cho các Cựu TNXP hoàn thành nhiệm vụ.

Từ điễn đàn này tôi kêu gọi các cấp bộ Hội, cán bộ, hội viên và tất cả các đồng chí cựu TNXP hãy hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ IV Hội Cựu TNXP Việt Nam vào giữa tháng 12 năm 2019.

Kính thưa các đồng chí!

Kỷ niệm 69 năm, ngày truyền thống TNXP Việt Nam năm nay diễn ra trên núi rừng Tây Bắc, là một sự tri ân sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sỹ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cũng là kỷ niệm 65 năm giải phóng Điện Biên Phủ, một thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Tôi tin rằng với ý nghĩa ấy, chúng ta sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, xây dựng Hội phát triển tiến bộ không ngừng.

Xin cảm ơn các đồng chí!

 


[i] Thời kỳ năm 1955 đến năm 1976: Sau khi giành được quyền kiểm soát miền Bắc, trong phiên họp vào tháng 9 năm 1955, Bộ Chính trị chủ trương đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và tên gọi này được chính thức thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Tại miền Nam, một tổ chức bộ phận của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam hoạt động với tên gọi Đoàn Thanh niên Cách mạng miền Nam, là một tổ chức thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.  Tại miền Bắc, tháng 2 năm 1970, Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh để kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua đời trước đó 5 tháng. Cùng thời gian này, Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam cũng đổi tên thành Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh.

[ii] Ba Sẵn sàng (Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì mà Tổ Quốc cần) là phong trào thi đua do Ban chấp hành Thành đoàn Hà Nội phát động trong những năm 60 của thế kỉ 20 nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước của học sinh sinh viên Hà Nội. Phong trào nhanh chóng lan rộng ra khắp miền bắc Việt Nam và trở thành phong trào thi đua yêu nước của thế hệ trẻ thời bấy giờ.

[iii]     Năm xung phong là: 1. Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch; 2. Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh;       3. Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến; Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính;  5. Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.

[iv] Staley-Taylor là tên một kế hoạch thực thi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam. Kế hoạch này được công bố tháng 5 năm 1961, mang tên hai người soạn thảo là nhà kinh tế học Eugene Staley của Viện nghiên cứu Standford – đại học Stanford và Đại tướng Maxwell D. Taylor, chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam. Theo tiến độ, kế hoạch được triển khai trong 4 năm (1961-1965). Nội dung của nó là “bình định Miền Nam Việt Nam” trong vòng 18 tháng, từ đó đảm bảo cho quân đội Việt Nam Cộng hòa thế chủ động trên chiến trường Miền Nam. Nó đã bị phá sản từ năm 1963 với các sự kiện trận Ấp Bắc, Đảo chính chính phủ Ngô Đình Diệm, các “ấp chiến lược” không thực hiện được theo như kế hoạch ban đầu. Mặc dù không tuyên bố, kế hoạch chính thức chấm dứt khi các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng tháng 3 năm 1965 [1] để trực tiếp tham chiến tại Miền Nam Việt Nam.

[v] Chiến tranh cục bộ là một chiến lược chiến tranh do Hoa Kỳ tiến hành trong giai đoạn 1965–1967 trong Chiến tranh Việt Nam. Nội dung cơ bản của chiến lược là dùng ưu thế hỏa lực, công nghệ và quân số của lính viễn chinh Mỹ để đè bẹp Quân Giải phóng miền Nam, đồng thời dùng không quân đánh phá miền Bắc nhằm bảo vệ chế độ Việt Nam Cộng hòa, thiết lập ảnh hưởng lâu dài của Mỹ lên miền Nam Việt Nam.

[vi] Thuộc tỉnh Quảng Nam