Từ nhiều năm nay, hằng năm, cứ đến Ngày sinh của Bác Hồ 19/5, các cán bộ, chiến sĩ từng phục vụ Bác Hồ đều về họp mặt bên nhà sàn của Bác để ôn lại những kỷ niệm không bao giờ quên. Tám cán bộ, chiến sĩ đầu tiên được Bác Hồ đặt tên Trường-Kỳ-Kháng-Chiến-Nhất-Định-Thắng-Lợi nay chỉ còn ông Tạ Quang Chiến, đã 83 tuổi. Tám cán bộ, chiến sĩ sau này được Bác đặt tên trên chiến khu Việt Bắc Trung-Dũng-Đồng-Tâm-Kiên-Quyết-Cần-Kiệm, nay chỉ còn ông Lê Nhạ, đã 88 tuổi, còn lại mười bốn người đã theo Bác đi xa.
1. Tôi biết ông từ lâu, nhưng lần đầu tiên được gặp và làm việc với ông khi ông đã nghỉ hưu, cách đây cũng gần bảy năm. Khi ấy, Văn phòng Chính phủ biên soạn cuốn sách truyền thống “Văn phòng Chính phủ 56 năm xây dựng và phát triển” để phục vụ cho việc tổ chức lần đầu tiên lễ kỷ niệm Ngày truyền thống của Văn phòng Chính phủ (28/8/1945 – 28/8/2001) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Với tư cách là Trưởng ban Biên tập của cuốn sách, tôi được giao nhiệm vụ gặp và mời ông viết bài cho cuốn sách truyền thống này.
Ông đã có bài viết “Địa danh lịch sử của Chính phủ kháng chiến” in trong cuốn sách và đã kể cho tôi nghe chuyện Bác Hồ đặt tên Trường-Kỳ-Kháng-Chiến-Nhất-Định-Thắng-Lợi cho tám cán bộ, chiến sĩ phục vụ Bác trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, trong đó có ông.
Ông là Nguyễn Hữu Văn, tức Tạ Quang Chiến, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Xã hội của Quốc hội khóa VII.
Một ngày đầu tháng 5/2008, được tin ông mệt phải vào Bệnh viện Hữu Nghị điều trị, tôi vào thăm, cũng là dịp để được hỏi thêm ông về những kỷ niệm đối với Bác Hồ, nhất là chuyện những người được Bác Hồ đặt tên năm xưa cuộc sống của họ sau này ra sao, ai còn ai mất?
Đã bước vào tuổi 83, lại đang bị bệnh, khó thở, nhưng trông ông vẫn khá khỏe mạnh và còn rất minh mẫn. Ông lại kể cho tôi nghe từng trường hợp Bác Hồ đặt tên cho cán bộ, chiến sĩ mà ông biết trong những ngày được phục vụ Bác.
2. Sau khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Một số cán bộ phục vụ Bác từ những ngày đầu Chính phủ thành lập, nay cùng Bác trở lại chiến khu. Bộ phận đi cùng Bác rất gọn, chỉ có tám người, làm đủ mọi việc, từ công tác văn phòng, thư ký đến bảo vệ, liên lạc, hậu cần… phục vụ Bác.
Sau hai tháng rời Hà Nội, Bác dừng chân tại một số địa điểm thuộc các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây (nay là Hà Tây) và Phú Thọ, cùng Thường vụ Trung ương Đảng và Chính phủ trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến vừa mới bùng nổ.
Đầu tháng 3/1947, Bác tới xã Cổ Tiết, nằm bên sông Hồng, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Sáng 6/3/1947, Bác gọi anh em đến hội ý. Tám anh em phục vụ quây quần bên Bác.
Sau khi căn dặn anh em phải tuyệt đối giữ bí mật trong mọi công việc, Bác nói, giọng trầm ấm: “Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta mới bắt đầu và còn lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định sẽ thắng lợi. Từ hôm nay trở đi, để tỏ lòng quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và cũng là để giữ bí mật, Bác đặt tên cho các chú là Trường-Kỳ-Kháng-Chiến-Nhất-Định-Thắng-Lợi”.
Rồi Bác chỉ vào từng người đang quây quần bên Bác, đặt tên. Tất cả tám cán bộ, chiến sĩ phục vụ Bác, không ai bảo ai, đều sung sướng nhận tên Bác đặt cho mình.
Bác nói tiếp: “Nhiệm vụ của Bác hiện nay là cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo kháng chiến đến thắng lợi. Đó vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa là nhiệm vụ lâu dài. Bác đặt tên cho các chú như vậy để hàng ngày khi nhìn thấy các chú hoặc gọi tên các chú, các chú trở thành khẩu hiệu sống bên cạnh Bác, nhắc nhở Bác hoàn thành nhiệm vụ”.
Người thứ nhất được Bác đặt tên Trường (Võ Trường), tên thật là Võ Chương, quê ở TP Huế, trước Cách mạng Tháng 8/1945 dạy học tại Thanh Hóa sau đó chuyển ra Hà Nội. Sau Cách mạng ông tham gia thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu rồi được điều động về bảo vệ Bác
Khi lên tới chiến khu Việt Bắc, ông chuyển sang làm công tác tuyên huấn, bị bệnh nặng, mất năm 1949. Sau này còn có hai người được mang tên Trường, trong đó có ông Phạm Văn Nền, lái xe của Bác Hồ, mất năm 1996.
Người thứ hai tên Kỳ (Vũ Kỳ), tên thật là Vũ Long Chuẩn, tức Nguyễn Cần, quê ở Hà Đông, tham gia Cách mạng từ năm 1941, bị địch bắt giam ở nhà tù Hoả Lò, Hà Nội; năm 1945 vượt ngục, tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 tại Hà Nội.
Ông làm Thư ký giúp việc Bác Hồ từ 8/1945 đến năm 1949 và từ năm 1957 đến khi Bác mất. Trước khi nghỉ hưu, ông là Đại biểu Quốc hội khóa VIII, Giám đốc Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông mất năm 2005.
Người thứ ba tên Kháng (Hoàng Hữu Kháng), quê ở Thái Bình, tên thật là Nguyễn Văn Cao, tức Lý.
Ông hoạt động Cách mạng trước năm 1945, từng bị địch bắt giam tại nhà tù Sơn La từ năm 1941, sau đó chuyển về nhà tù Chợ Chu, Thái Nguyên. Ông vượt ngục và tham gia xây dựng căn cứ địa ở chiến khu Việt Bắc, làm Hiệu phó Trường quân chính kháng Nhật.
Ông rất giỏi võ, từng là võ sư, nên được giao làm Đội trưởng Đội bảo vệ Bác. Sau này, ông là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ, Bộ Công an. Ông mất năm 1994.
Người thứ tư tên Chiến (Tạ Quang Chiến), tên thật là Nguyễn Hữu Văn, tham gia cách mạng năm 1943, sau Cách mạng Tháng 8/1945 được phục vụ Bác Hồ, đến năm 1957 chuyển công tác khác.
Ông từng là Bí thư Trung ương Đoàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Xã hội của Quốc hội khóa VII, hiện ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Người thứ năm tên Nhất (Hồ Văn Nhất), dân tộc Tày, quê ở tỉnh Cao Bằng, tên thật là Hoàng Văn Phúc, bí danh Văn Lâm, là tự vệ của căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng, được bảo vệ Bác từ tháng 5/1945, khi Bác về Tân Trào, Tuyên Quang.
Sau khi ông Võ Trường chuyển sang làm công tác khác, ông Hồ Văn Nhất được gọi là Hồ Văn Trường. Như vậy ông vừa có tên là Nhất vừa có tên là Trường. Sau này ông là cán bộ Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, mất năm 1994.
Người thay ông Hồ Văn Nhất là ông Long Văn Nhất, bí danh là Tiên Phong, nguyên là cận vệ của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được điều sang phục vụ Bác Hồ. Ông mất năm 1967.
Người thứ sáu tên Định (Võ Viết Định), tên thật là Chu Phương Vương, tức Ngọc Hà, là chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, quê ở xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, được bảo vệ Bác từ tháng 8/1945, tới tháng 5/1952 chuyển công tác về địa phương.
Sau này, có thời gian ông là Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Công ty Xây lắp cơ khí thuộc Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên. Ông cũng đã mất.
Người thứ bảy được mang tên Thắng đầu tiên là ông Nguyễn Quang Chí, tức Nguyễn Văn Huy. Bảy tháng sau ngày được Bác Hồ đặt tên, ông chuyển công tác khác, nên ông Triệu Văn Cắt, tức Triệu Tiến Thọ, người dân tộc Mán, quê ở tỉnh Thái Nguyên được đặt tên thay, là Triệu Hồng Thắng.
Sau năm 1954, ông được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc. Ông mất năm 1975.
Người thứ tám được Bác Hồ đặt tên Lợi (Trần Lợi), tên thật là Trần Đình, dân tộc Nùng, quê ở tỉnh Cao Bằng, nguyên là chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, bảo vệ Bác từ năm 1945 đến năm 1950 thì chuyển về địa phương. Ông đã mất trong kháng chiến chống Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí bảo vệ và giúp việc tại chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp
3. Trong những năm ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ còn đặt tên Trung-Dũng-Đồng-Tâm-Kiên-Quyết-Cần-Kiệm cho tám cán bộ, chiến sĩ khác phục vụ Người.
Ông Nguyễn Quốc Trung, tên thật là Nguyễn Văn Mộc; ông Nguyễn Văn Dũng, tên thật là Nguyễn Văn Dong, quê ở tỉnh Hưng Yên, cả hai đều là cán bộ Đội công tác của Trung ương xây dựng căn cứ địa Việt Bắc được điều động sang bảo vệ Bác. Sau này, khi ông Đồng nấu ăn cho Bác mất, ông Nguyễn Quốc Trung được cử thay.
Ông Nguyễn Văn Đồng, tên thật là Hoàng Văn Tý, tức Lộc, là Việt kiều được gặp Bác Hồ ở Thái Lan khi Người hoạt động tại đây, sau đó từ Thái Lan về Trung Quốc rồi về nước, là người nấu ăn phục vụ Bác từ những ngày Bác Hồ ở Cao Bằng.
Ông mất tại Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên trong kháng chiến chống Pháp sau một cơn sốt rét ác tính.
Ông Lê Văn Tâm, tên thật là Lê Văn Chánh, quê ở Sài Gòn, là bác sĩ quân y từng hoạt động trên chiến trường Lào trước khi được cử về làm bác sĩ riêng chăm sóc sức khỏe Bác Hồ. Sau này, ông là Thầy thuốc nhân dân, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị. Ông mất năm 1989.
Ông Nguyễn Kiên tên thật là Nguyễn Văn Nga; ông Nguyễn Văn Quyết, tên thật là Nguyễn Văn Phúc, là hai chiến sĩ vệ quốc đoàn cùng được điều động một đợt về bảo vệ Bấc Hồ từ năm 1947 đến năm 1951. Sau này hai ông chuyển công tác về Bộ Nội vụ (Bộ Công an hiện nay), nay đều đã mất.
Ông Lê Văn Cần, tức Lê Văn Nhương, quê ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và ông Lê Kiệm, tức Lê Nhạ, quê ở Hà Tĩnh, đều là người giỏi nghề mộc, trong kháng chiến chống Pháp được điều động về làm nhiệm vụ xây dựng nhà ở cho Bác Hồ.
Sau này, ông Cần là cần vụ của Bác, nay đã mất; còn ông Kiệm nay đã 88 tuổi, hiện sống ở quê nhà Hà Tĩnh.
Ngoài những cán bộ, chiến sĩ được Bác Hồ đặt tên nói trên, ông Tạ Quang Chiến cho biết, còn một số trường hợp đặc biệt Bác Hồ đã đặt tên. Tất cả các trường hợp Bác Hồ đặt tên đều mang ý nghĩa sâu sắc.
Trong số bốn vị trí thức Việt kiều có tên tuổi ở Pháp theo Bác về nước sau chuyến Bác sang thăm Pháp năm 1946, Bác chỉ đặt tên cho kỹ sư Lâm Quang Lễ là Trần Đại Nghĩa, vì kỹ sư là người chế tạo nhiều loại vũ khí nổi tiếng cho quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp, làm việc “đại nghĩa” đối với Tổ quốc.
Một trường hợp khác Bác đặt tên là khi được tin bác sĩ Tôn Thất Tùng, một trí thức lớn từ bỏ giàu sang phú quý ở Hà Nội để lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến, có con trai đầu, Bác đặt tên cho cháu là Bách – Tôn Thất Bách, hàm ý trân trọng tài năng và phẩm chất của những người trí thức yêu nước như bác sĩ Tôn Thất Tùng, những cây Tùng, cây Bách trên đời.
4. Từ nhiều năm nay, hằng năm, cứ đến Ngày sinh của Bác Hồ 19/5, các cán bộ, chiến sĩ từng phục vụ Bác Hồ đều về họp mặt bên nhà sàn của Bác để ôn lại những kỷ niệm không bao giờ quên.
Tám cán bộ, chiến sĩ đầu tiên được Bác Hồ đặt tên Trường-Kỳ-Kháng-Chiến-Nhất-Định-Thắng-Lợi nay chỉ còn ông Tạ Quang Chiến, đã 83 tuổi. Tám cán bộ, chiến sĩ sau này được Bác đặt tên trên chiến khu Việt Bắc Trung-Dũng-Đồng-Tâm-Kiên-Quyết-Cần-Kiệm, nay chỉ còn ông Lê Nhạ, đã 88 tuổi, còn lại mười bốn người đã theo Bác đi xa.
Năm 1947, khi được Bác Hồ đặt tên thì ông Hồ Văn Nhất là người nhiều tuổi nhất, nếu còn năm nay đã 100 tuổi. Ông Tạ Quang Chiến là người trẻ nhất, lúc đó mới 22 tuổi, thì nay đã quá tuổi “xưa nay hiếm” mười ba năm! Ông vẫn minh mẫn, vẫn nhớ như in từng kỷ niệm về Bác và cho biết từ sau năm 1953 Bác Hồ không còn đặt tên cho một người nào nữa.
Kể với tôi về chuyện Bác Hồ đặt tên cho một số cán bộ, chiến sĩ trước đây, ông không giấu được bức xúc khi biết có một số người tự nhận được Bác Hồ đặt tên nhưng trong thực tế không có chuyện đó.
Những lần đọc báo, nghe đài, xem tivi thấy người này, người khác nói được Bác Hồ đặt tên là ông gọi điện thoại thẳng đến toà báo hoặc “nhà đài” để nói rằng điều ấy không đúng.
Bởi ông là người được phục vụ Bác nhiều năm, là cận vệ theo Bác từng ngày trong kháng chiến chống Pháp, “biết mặt, biết tên” từng người được Bác Hồ đặt tên
Theo cand.com.vn