Một cán bộ hội vượt khó  làm kinh tế giỏi

Đăng lúc: 18-09-2019 2:04 Chiều - Đã xem: 121 lượt xem In bài viết

 

Anh là Phùng Văn Nhơn, sinh năm 1953 Chi hội trưởng Hội Cựu TNXP, hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn (TTTS)  thôn Vĩnh Tuy 1, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ năm 1972 vào Chiến trường Quảng Trị thuộc đơn vị TNXP tham gia mở Đường 9. Cuối năm 1973 bị thương do sức ép của bom vùi lấp và các vết thương ở phần mềm, không đảm bảo sức khỏe phục vụ chiến trường, anh được xuất ngũ. Trở về địa phương anh lập gia đình và chạy vật tư cho hợp tác xã (HTX). Khi HTX giải thể, anh về tham gia cùng vợ làm đồng. Vợ anh cũng là TNXP, đau ốm thường xuyên vì bị nhiễm chất độc da cam. Sinh nhiều lần nhưng do nhiễm chất độc từ mẹ nên bị sa sẩy. Anh lại phải lặn lội thuốc thang chăm sóc cho vợ. Rồi chị cũng  sinh cho anh được 3 đứa con, đứa con gái đầu thần kinh không được ổn định. Cuộc sống đã cơ cực lại càng cơ cực hơn.

 Năm 1994, anh tham gia vào đội vườn ươm của huyện, cung cấp cây giống cho các hộ gia đình. Được các anh trong Ban dự án 340 giới thiệu mô hình, cung cấp con giống, giúp đỡ về kĩ thuật nên anh mạnh dạn vừa làm vườn ươm vừa nhận đất  phát rẫy trồng rừng. Một mình anh nuôi vợ ốm, chăm con nhỏ lại tích cực trồng rừng nên thật lam lũ. Cái ăn, cái mặc luôn thiếu thốn nhưng anh không nản. Bằng ý chí của một cựu TNXP anh đã chịu khó vượt qua khó khăn vươn lên làm ăn, đảm bảo cuộc sống, nuôi con ăn học. Với 4 ha rừng bạch đàn, mỗi vụ anh thu nhập khoảng 35 – 40 triệu đồng/ha. Lấy ngắn nuôi dài khi bạch đàn đang nhỏ anh trồng xen sắn để lấy củ chăn nuôi. Cuộc sống cũng khá lên làm anh cũng vui thêm. Nhưng rồi niềm vui chưa được bao lâu, năm 2007 vợ anh bệnh nặng qua đời khi vừa mới làm xong chế độ chất độc da cam. Anh lại phải một mình chống chèo lo toan cuộc sống nuôi con ăn học. Ngoài trồng rừng, anh còn trồng sắn, thả gà, đào hồ nuôi cá. Anh tâm sự: “May sao ông trời thương tình nên chưa phải “ốm” ngày nào, nhờ có sức khỏe, mình mới có thể làm được nhiều như thế. Hơn nữa, anh em đồng đội luôn gần gủi động viên mới vượt qua được những mất mát về tinh thần, những cơ cực trong cuộc sống”.

Hiện tại, anh canh tác trên 4ha rừng bạch đàn, 1ha sắn, 1500 mhồ nuôi cá, nuôi thả trên 1500 gà thịt. Hằng năm thu nhập khoảng gần 200 triệu đồng. đảm bảo cho cuộc sống hiện tại. Anh sửa lại nhà, mua sắm các tiện nghi phục vụ sinh hoạt và nuôi con ăn học. Các con của anh chăm ngoan học giỏi. Đứa con gái đầu tuy bị bệnh thần kinh nhưng cũng đã xây dựng gia đình, cậu con thứ nay làm Giám đốc của một công ty xây dựng, đứa trai út là giảng viên trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng).

 Từ khi cuộc sống đã khấm khá, anh tham gia  công tác xã hội ở địa phương, vào sinh hoạt Hội Cựu TNXP, Hội TTTS. Anh tham gia tích cực các hoạt động phong trào của Hội. Là một Chi hội trưởng Hội Cựu TNXP, anh thường xuyên động viên hội viên tham gia tốt các phong trào ở địa phương. Anh chú trọng phong trào Văn hóa – văn nghệ cho hội viên động viên đời sống tinh thần cho họ. Anh cùng BCH Hội thành lập đội văn nghệ tham gia biểu diễn vào các dịp lễ tết; thành lập đội bóng chuyền hơi thi đấu trong xã;  tổ chức cho hội viên vệ sinh thôn xóm, giữ gìn an ninh trật tự. Anh thường xuyên cùng BCH Chi hội thăm hỏi hội viên có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm nên được anh em hội viên cảm phục, địa phương tin tưởng.  Ngoài ra, anh luôn giúp đỡ hội viên về con giống, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Với tấm lòng hảo tâm, hằng năm anh đóng góp từ thiện 7 lượt, giúp đỡ cho 3 hội viên nghèo  trị giá trên 1 triệu đồng/người. Các con anh cũng đóng góp trên 10 triệu đồng làm khuyến học. Với lối xóm, anh chan hòa cởi mở nên được mọi người yêu mến. Với những đóng góp trên anh được Hội Cựu TNXP Việt Nam tặng Huy hiệu “Cựu thanh niên xung phong làm theo lời Bác” và nhiều giấy khen khác.

Anh  Phùng Văn Nhơn, thật sự là một cán bộ Hội Cựu TNXP, hội viên Hội TTTS  gương mẫu vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, là tấm gương “ Tuổi trẻ  xông pha, tuổi già cống hiến” để mọị người học tập và làm theo.

Nguyễn Đại Duẫn