Gặp mặt đại biểu cựu thanh niên xung phong từng tham gia mở “Con đường Hạnh Phúc” tỉnh Hà Giang

Đăng lúc: 24-09-2019 10:10 Sáng - Đã xem: 87 lượt xem In bài viết

          Tối 18/9/2019 tại TP. Hà Giang, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang đã tổ chức buổi Gặp mặt đại biểu cựu TNXP nhân dịp 60 năm Ngày khởi công “Con đường Hạnh Phúc” tỉnh Hà Giang (10/9/1959-10/9/2019).

          Tham dự cuộc Gặp mặt có các đồng chí: Nguyễn Cao Vãng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP Việt Nam; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh.

Đặc biệt là sự có mặt của đại diện lãnh đạo Hội Cựu TNXP và 230 cựu TNXP từng trực tiếp tham gia mở “Con đường Hạnh Phúc” thuộc 8 tỉnh: Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định.

Các đại biểu tại buổi Gặp mặt

Trong không khí ấm áp của buổi Gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại quá trình làm nên “Con đường Hạnh Phúc” lịch sử dài 184 km chạy dọc Quốc lộ 4C, bắt đầu từ Km số 0 TP. Hà Giang đi qua 4 huyện vùng cao núi đá Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Đó là một công trình mở đường kỳ vĩ nhất của lớp TNXP thế hệ Hồ Chí Minh “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”, với ý chí quyết tâm, nghị lực kiên cường, không ngại hy sinh, gian khổ, khó khăn với tinh thần “Đâu cần thanh niên có/Đâu khó có thanh niên.” Trong gần 6 năm ròng rã, gần 1.200 TNXP của 8 tỉnh cùng 1.000 dân công là con em các dân tộc trong tỉnh bằng bàn tay, trí sáng tạo cùng những dụng cụ thô sơ là búa, choòng đục, cuốc, xẻng, thuốc nổ và sức mình để phá đá mở con đường lịch sử của thế kỷ XX. Khi lên thăm Hà Giang năm 1963, Bác Hồ kính yêu nói đó là “Con đường Hạnh Phúc”. TNXP đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu nước uống, thiếu thực phẩm, những TNXP, nhất là Đội thanh niên “Dũng cảm” đã treo mình trên vách đá cheo leo, có độ cao 1.500m so với mực nước biển ở đỉnh đèo Mã Pì Lèng, phía dưới là vực sâu thăm thẳm của con sông Nho Quế để cậy từng viên đá làm đường. Trong quá trình mở đường, 14 TNXP đã hy sinh, mãi mãi nằm lại với “Con đường Hạnh Phúc”, nay đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP thuộc thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh. Ngày 10/3/1965, con đường hoàn thành và chính thức khai thông trong niềm vui khôn xiết của những con người trực tiếp làm nên và hơn 8 vạn đồng bào 4 huyện vùng cao cực Bắc của Tổ quốc, “nhằm giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi[i]”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP Việt Nam Nguyễn Cao Vãng, phát biểu tại buổi Gặp mặt.

Phát biểu tại buổi Gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP Việt Nam Nguyễn Cao Vãng xúc động nói: Con đường được mở thật sự đem lại hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc vùng cao và nhân dân cả nước đi lại thuận tiện. Lực lượng TNXP đã tham gia đóng góp hàng triệu ngày công, đào, đắp 2.899.638m3 đất, đá để mở Con đường, để đến hôm nay, 4 huyện vùng cao của tỉnh đã và đang đổi mới từng ngày. Chính vì vậy, vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn thành “Con đường Hạnh Phúc” (20/3/1965-20/3/2015), Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho lực lượng TNXP mở “Con đường Hạnh Phúc” mang phiên hiệu H100. Đồng chí đã cảm ơn lãnh đạo tỉnh Hà Giang luôn luôn quan tâm, ghi nhận sự đóng góp, hy sinh của lực lượng TNXP 8 tỉnh trực tiếp tham gia mở Con đường này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý ghi nhận, biểu dương
những công lao to lớn của cựu TNXP mở Con đường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý cũng nhấn mạnh trong bài phát biểu: Con đường Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc hoàn thành là một chiến công hiển hách, một biểu tượng đẹp, một sản phẩm vô giá của lực lượng TNXP. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn tự hào, đánh giá cao sự cống hiến xuất sắc của TNXP cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và tỉnh nhà nói riêng. Ghi nhận những công lao to lớn đó, tỉnh đã xây dựng Tượng đài TNXP tại xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc để tưởng nhớ những Liệt sĩ đã hy sinh trong những năm tháng mở “Con đường Hạnh Phúc”. Đồng chí đã gửi lời chúc các cựu TNXP sống vui, sống khỏe, sống có ích, mãi mãi là tấm gương sáng, niềm tự hào của thế hệ trẻ Việt Nam.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng trao Quyết định xếp hạng Di tích cấp Quốc gia 
“Di tích lịch sử địa điểm khởi công mở đường Hạnh phúc Hà Giang – Đồng Văn”.

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đã trao Quyết định xếp hạng Di tích cấp Quốc gia “Di tích lịch sử địa điểm khởi công mở đường Hạnh phúc Hà Giang – Đồng Văn” phường Quang Trung, TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Đồng thời, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tặng quà cho các cựu TNXP 8 tỉnh, biểu dương những công lao to lớn của các cựu TNXP trong quá trình mở “Con đường Hạnh Phúc”.

Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho các cựu TNXP 8 tỉnh tham gia mở “Con đường Hạnh Phúc”.

Trước đó, trong hai ngày 17,18/9/2019, được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Hội Cựu TNXP tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn đã tổ chức cho đoàn đại biểu cựu TNXP 8 tỉnh về thăm lại “Con đường Hạnh Phúc” trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng; dâng hương, hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP (ở thị trấn Yên Minh); dự Lễ khánh thành nhà Bảo tàng “Con đường Hạnh Phúc” (huyện Mèo Vạc); dự Lễ chào cờ tại Di tích lịch sử quốc gia Cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn). Đây là một hoạt động ký ức lịch sử đối với lực lượng TNXP.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Làm lễ chào cờ tại Di tích lịch sử quốc gia Cột cờ Lũng Cú

Làm lễ dâng hương, hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP (tại thị trấn Yên Minh)

Cùng nhau ôn lại những kỷ niệm ở “Con đường Hạnh Phúc” trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng

Tham dự Lễ khánh thành nhà Bảo tàng “Con đường Hạnh Phúc” tại huyện Mèo Vạc.

Phạm Mỹ Hạnh


[i] Trich lời khắc trên bia dựng ở đỉnh đèo Mã Phì Lèng