Tỉnh hội Bình Phước tổ chức về nguồn và tặng quà cho nữ cựu TNXP cô đơn, có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp 20/10

Đăng lúc: 18-10-2019 8:22 Chiều - Đã xem: 110 lượt xem In bài viết

Thiết thực kỷ niệm 89 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2019), quan tâm, chăm lo đến đời sống, tinh thần cho các nữ cán bộ, hội viên cựu TNXP, chào mừng Đại hội Đại biểu Hội Cựu TNXP Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2019-2024, ngày 18/10/2019, Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Phước đã tổ chức chương trình về nguồn, tặng quà cho nữ cựu TNXP cô đơn, nữ cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn tại Khu di tích Tà Thiết[i].

Chương trình được triển khai theo Kế hoạch số 135-KH/TNXP ngày 05/9/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh hội Bình Phước.về việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Tham dự Chương trình có đồng chí Trần Văn Vang, Ủy viên BCH TW Hội Cựu TNXP Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Phước; các Chủ tịch Hội Cựu TNXP 11 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh cùng với 40 nữ cựu TNXP cô đơn, nữ Cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, tham gia tích cực vào các phong trào của Hội và của địa phương.

Theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên, đoàn đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm và được tham quan các điểm di tích lịch sử. Khu căn cứ Tà Thiết có  hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, hội trường, nhà ở và nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ kháng chiến như: Cố Thượng tướng Trần Văn Trà[i],  Tư lệnh Bộ chỉ huy miền; cố Chính ủy Phạm Hùng[ii]; cố Đại tướng Lê Đức Anh[iii], Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy miền; cố nữ tướng Nguyễn Thị Định[iv], Phó Tư lệnh…

Di tích lịch sử Tà Thiết được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015). Nơi đây trở thành một địa chỉ đỏ, là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ, đồng thời là địa chỉ quan trọng thu hút khách du lịch đến với Bình Phước.

Tại Chương trình này, đồng chí Trần Văn đã ôn lại lịch sử 89 năm ngày Phụ nữ Việt Nam, cùng nhớ lại những hi sinh, những chiến công của nữ TNXP trong thời chiến và ghi nhận những đóng góp, thành quả, công lao của nữ cựu TNXP trong thời bình, đ càng thêm tự hào và phát huy hơn nữa truyền thống TNXP.

Đồng chí Trần Thị Lan – Hội viên Hội Cựu TNXP huyện Phú Riềng năm nay đã 72 tuổi tham gia chương trình – rưng rưng chia sẻ: “Hôm nay tôi rất vui mừng được về thăm Khu di tích lịch sử Tà Thiết của tỉnh nhà. Đây là chương trình rất có ý nghĩa. Mặc dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn tích cực tham gia và tôi sẽ cố gắng tham gia các chương trình khác do Tỉnh hội tổ chức. Tôi cũng mong muốn có nhiều chương trình ý nghĩa như thế này cho các cựu TNXP chúng tôi tham gia”.

Nhân dịp này, Tỉnh hội Bình Phước đã trao tặng 40 phần quà, mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng cho các nữ cựu TNXP tham gia chương trình. Đây là một món quà nho nhỏ gửi tới các nữ cựu TNXP nhân ngày Phụ nữ Việt Nam năm 2019. Cũng trong buổi gặp mặt này, Tỉnh hội cũng đã gửi tới các cựu TNXP khác10 phần quà từ Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam nhân dịp 27/7, mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng.

   Phạm Hạnh


[i] Căn cứ Tà Thiết là di tích lịch sử quốc gia thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, có diện tích 3.500ha. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, căn cứ Bộ Chỉ huy Miền đóng tại Tà Thiết, là căn cứ cuối cùng được thành lập ở chiến trường miền Nam. Đây là trung tâm đầu não được mệnh danh là “khu rừng Chính phủ”, là nơi ở và làm việc của cơ quan B2. Căn cứ được xây dựng quy mô lớn, hệ thống hầm, hào, trạm xưởng, trường lớp được xây dựng chắc chắn, bảo đảm tốt cho việc huấn luyện và chiến đấu. Căn cứ là điểm tập kết quân lớn nhất từ miền Bắc vào Nam để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

[ii] Trần Văn Trà (1919 – 1996) tên thật là Nguyễn Chấn, quê xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Từ năm 1963, ông được cử vào Nam làm Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (1963-1967 và 1973-1975), Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (1968-1972), Phó Bí thư Quân ủy Quân giải phóng Miền Nam.

[iii] Phạm Hùng (1912 – 1988), tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, còn được gọi với bí danh là Hai Hùng. Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1967-1975) và là Chính ủy Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông làm Chính ủy Bộ chỉ huy chiến dịch. Ông là thủ tướng (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) thứ hai của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1987 đến năm 1988.

[iv Lê Đức Anh (1920 – 2019). Bí danh Nguyễn Phú Hoà, Sáu Nam. Ông là nguyên Chủ tịch nước thứ tư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 1992 – 1997. Tháng 2 năm 1964, ông được điều vào Nam với bí danh Sáu Nam, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam, từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (1987 – 1991), Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1986 – 1987).

[v] Nguyễn Thị Định (1920 – 1992), còn được gọi là Madame Nguyễn Thị Định, Ba Định (bí danh Bích Vân, Ba Tấn, Ba Nhất và Ba Hận, là nữ Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên. Năm 1965, bà giữ chức Phó Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam; tại đại hội Phụ nữ toàn miền Nam, bà làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam. Năm 1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam.