Tên chị là Lê Thị Đức, sinh năm 1955, quê quán xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 18 tuổi (1973) Lê thị Đức tình nguyện gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) địa phương của tỉnh thuộc Đơn vị 4205. Là một chiến sỹ nữ, trẻ Lê Thị Đức đã cùng đồng đội hăng hái, tích cực lao động công tác trên các cung đường ở các huyện trung du, miền núi trong tỉnh và khu vực sân bay Sao Vàng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ (1976) Lê Thị Đức được xuất ngũ về địa phương sản xuất, tham gia công tác và thành lập gia đình riêng. Chồng của chị cũng là một cựu chiến binh. Rồi lần lượt 4 đứa con ra đời. Trong hoàn cảnh còn nghèo khó nhưng với sức trẻ và tinh thần hăng hái vốn có, cả 2 vợ chồng đều đã cố gắng làm ăn, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bổng dưng năm 2007 chồng chị lâm bệnh qua đời. Chỉ còn một mình với 4 đứa con, cuộc sống đã khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn. Tuy nhiên với những bài học, những lời dạy của Bác Hồ và quá trình rèn luyện tại quân ngũ, chị vẫn đứng vững và tiếp tục vươn lên để vừa làm các nhiệm vụ công tác được giao và cấy trồng mấy sào ruộng, chăm sóc các con ăn học khôn lớn, trưởng thành.
Cũng rất may, gặp khi chương trình hoạt động của Tổ chức tài chính vi mô (MFI) của tỉnh triển khai về địa phương chị chỉ xin vay với mức thấp nhất là 285.000 đồng để nuôi lợn. Từ một con lợn nái, chị đã chăm nuôi tốt nên nó đã sinh sản, phát triển thành đàn lợn khỏe, đẹp. Không dừng lại ở thành công bước đầu, chị mạnh dạn vay vốn của MFI với mức nhiều hơn, cộng với số vốn tích lũy đươc, chị đã có trong tay 200 triệu đồng và quyết định thành lập trang trại, phát triển nghề trồng nấm. Chị bỏ tiền xây dựng 450m2 nhà xưởng để trồng nấm và tiếp tục chăn nuôi gà, lợn. Sản phẩm nấm của chị gồm có nấm mục nhĩ, nấm sò, nấm linh chi, được khách hàng ưa chuộng và tìm tới đặt hàng ngày càng nhiều. Phấn khởi trước đà phát triển, chị lại tiếp tục vay 50 triệu đồng mua 550m2 đất để xây dựng thêm cơ sở và mở rộng sản xuất. Ngoài công sức của gia đình chị còn phải thuê 5 lao động thường xuyên và từ 10 đến 15 lao động lúc mùa vụ với mức lương từ 3 triệu rưỡi đến 4 triệu rưỡi/ tháng.
Khi được hỏi về mức thu nhập hàng năm, chị chỉ cười và nói được từ 100 đến 150 triệu đồng, nhưng theo bà con ở cùng làng thì cho rằng phải hơn thế.
Ngoài thành tích về làm kinh tế nói trên, Lê thị Đức còn là một cán bộ nhiệt tình, năng động có nhiều đóng góp với địa phương. Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sỹ TNXP về với xóm làng, bất chấp những khó khăn về đời sống, về hoàn cảnh gia đình, chị đã tham gia nhiều mặt công tác một cách bền bỉ, liên tục. Từ ủy viên Chấp hành hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân rồi Hội Chũ thập đỏ, Hội Cựu TNXP và cả Trưởng thôn, có khi kiêm nhiệm đến vài ba chức. Đến nay chị vẫn làm ở Hội Cựu TNXP và là thành viên của câu lạc bộ Liên thế hệ. Nhiều việc như thế nhưng việc nào chị cũng hoàn thành và hoàn thành xuất sắc, lại còn được công nhận là người có thành tích tốt trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được cán bộ, nhân dân địa phương yêu mến.
Với những thành tích tiến bộ nói trên chị Lê thị Đức đã được Ủy ban nhân dân, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu TNXP, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân các cấp tỉnh Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa tặng bằng khen, giấy khen.
Văn Như Tước