Cần tiếp tục phản biện luật Thanh niên (sửa đổi)

Đăng lúc: 13-11-2019 8:44 Chiều - Đã xem: 138 lượt xem In bài viết
Đa số các đại biểu tham dự hội nghị đều có những góp ý thẳng thắn đối với dự thảo luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 6 chương, 58 điều, trên cơ sở tham khảo luật Thanh niên một số nước trên thế giới và trong khu vực, thực trạng và những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên…
Tham dự hội nghị với tư cách là người đại diện, sâu sát với các hoạt động của thanh niên, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, chia sẻ tiếp cận ở mục tiêu sửa đổi luật Thanh niên lần này, ngoài những nội dung đã đề cập như cụ thể hóa Hiến pháp 2013, các nghị quyết, chủ trương của Đảng về công tác thanh niên thì cần phải tập trung 3 mục tiêu cơ bản.
“Thứ nhất, phải mang đến chính sách và điều kiện thụ hưởng tốt hơn cho thanh niên, thứ hai là giúp cho công tác quản lý nhà nước về thanh niên có hiệu lực và hiệu quả hơn, và cuối cùng là giúp cho việc tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng, phát huy thanh niên, để tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển, bảo vệ đất nước theo chủ trương của Đảng”, anh Tuấn nhấn mạnh.
Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Y Dược TP.HCM xây dựng nhà tình nghĩa ở Tây Ninh
Ảnh: Nữ Vương

Chính phủ quản lý thống nhất về công tác thanh niên

Dự thảo luật Thanh niên (sửa đổi) đã “nhấn chìm” vai trò Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN, suy giảm vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức của thanh niên như Hội LHTN VN, Hội Sinh viên VN


Ông VŨ TRỌNG KIM Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN

Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận và tranh luận bởi việc thống nhất công tác quản lý nhà nước về thanh niên sẽ giúp các hoạt động thanh niên được tập hợp, thống nhất và hiệu quả.
“Trong dự thảo luật cho đến thời điểm hiện tại vẫn giao cho Bộ Nội vụ quản lý, nhưng phía T.Ư Đoàn vẫn đề xuất hướng Chính phủ quản lý thống nhất về công tác thanh niên và giao cho Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN là cơ quan tư vấn giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý thống nhất nhà nước về công tác thanh niên”, anh Tuấn nói.
Theo đó, ủy ban này đã có sẵn, hoàn toàn không phát sinh tổ chức bộ máy biên chế, sử dụng chính bộ máy đã được giao cho T.Ư Đoàn để hoạt động, đồng thời có sự phối hợp liên ngành giữa các bộ liên quan đến thanh niên như: Công an, Quốc phòng, LĐ-TB-XH, GD-ĐT, VH-TT-DL… Như vậy sẽ giải quyết được 3 câu chuyện, thứ nhất là đảm bảo được Chính phủ quản lý thống nhất nhà nước về thanh niên, thứ hai là có đầu mối giúp việc cho Chính phủ về thanh niên, thứ ba là tạo cơ chế phối hợp liên ngành giữa các bộ với nhau.

Luật hóa các tổ chức thanh niên

Theo các đại biểu, việc sửa luật phải làm sao ưu việt hơn cho thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Như vậy làm thế nào để có thể tập hợp một lực lượng hùng hậu những thanh niên tiên tiến, thanh niên tài năng và cả những thanh niên yếu thế… Muốn như vậy phải luật hóa các tổ chức thanh niên do Đảng thành lập, để đưa vào trong luật, giao nhiệm vụ để họ làm tốt luật, tập hợp đoàn kết phát huy bồi dưỡng thanh niên”, anh Tuấn nhận định.
Trao đổi tại hội nghị, các đại biểu cũng có nhiều gợi mở, đề xuất những chính sách hỗ trợ thanh niên, đặc biệt nhiều ý kiến nêu rõ luật Thanh niên phải đề cập đến những đối tượng thanh niên đặc thù, phải đưa ra được những chính sách mới mang tính đột phá so với các luật chuyên ngành đã được quy định, như: luật giáo dục, y tế, hôn nhân gia đình…
GS-TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: Hiện luật Thanh niên 2015 vẫn chưa thể chế hóa được các quyền, nghĩa vụ mang tính đặc thù cho một đối tượng đặc thù là thanh niên, hay nói cách khác là đúng cho mọi công dân. Chính sách cần có tác dụng điều chỉnh cụ thể trong thực tế.
Còn ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, nhận xét: “Bản dự thảo lần này chưa có chương nói về quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên. Chương nói về trách nhiệm nhà nước còn bao gồm nhiều chủ thể, chưa đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể tham gia vào quá trình thực thi pháp luật, khi luật này có hiệu lực pháp luật”.
Ông Kim nhận định: “Dự thảo luật Thanh niên (sửa đổi) đã “nhấn chìm” vai trò Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN, suy giảm vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức của thanh niên như Hội LHTN VN, Hội Sinh viên VN”.
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, đối với dự thảo luật Thanh niên lần này, cốt yếu phải quan tâm đến chính sách vượt trội cho các đối tượng thanh niên, phải làm rõ vai trò quản lý nhà nước về thanh niên với tư cách Chính phủ là cơ quan quản lý thống nhất, tiếp đó là phải luật hóa được các tổ chức thanh niên để có quyền và nghĩa vụ nhất định.
Anh Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết Ban Bí thư T.Ư Đoàn sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo này, vì vậy cần sự phản biện xã hội ở các cấp T.Ư và địa phương để làm rõ hơn các vấn đề đặt ra.
An Dy
Theo thanhnien.vn