Ngày Xuân viếng Đền liệt sỹ Trường Sơn – phà Long Đại

Đăng lúc: 04-02-2020 1:22 Chiều - Đã xem: 147 lượt xem In bài viết

             Kí

          Một ngày xuân đẹp trời. Đi trong dòng người, hội viên Hội truyền thống Trường Sơn (Hội TTTS) huyện Quảng Ninh quân phục đang thơm mùi vải mới, hàng lối chỉnh tề, trên ngực lấp lánh huy hiệu “Hội TTTS” đã tề tựu về Đền liệt sĩ Trường Sơn – phà Long Đại, tổ chức dâng hương, dâng hoa các anh hùng liệt sĩ. Dẫn đoàn là ông Chủ tịch Hội TTTS huyện. Tay nâng vòng hoa đỏ, nổi bật hàng chữ màu vàng: “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”.

Đền được thiết kế theo kiểu truyền thống kết hợp với hiện đại khá bề thế

Dâng nén hương trên bàn thờ Tổ quốc, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn; lắng nghe tiếng chuông thĩnh lên như đâu đây hồn thiêng các anh hội tụ về cùng chúng tôi đón xuân. Tất cả mọi người có mặt đều trang nghiêm mặc niệm trước Đền. Nhạc “Hồn tử sĩ” cất lên, hòa tiếng thông reo trong gió xuân chầm chậm làm cho lòng người lắng đi trong giây phút thiêng liêng xúc động.

Sau lễ mặc niệm, mọi người tản ra thưởng thức công trình Đền. Đền được xây trên khu đồi cao. Đền chính thờ tự linh hồn các liệt sĩ, tháp báo ân và tháp chuông. Cảnh quan chung quanh là hệ thống bậc tam cấp, cây cảnh, vườn hoa được thiết kế hài hòa với thiên nhiên.

Cầu đường sắt, cầu đường bộ, sông Long Đại – Đền Thờ – Núi Thần Đinh nay

Đứng trên lan can của Đền nhìn về, phía phải là dãy núi Thần Đinh ngồi che chở, phía trước là dòng sông Long Đại uốn lượn như dáng “rồng lớn” đang trôi êm hiền hòa.. Tự đáy lòng mình, tôi bỗng thốt lên câu thơ: “Viếng Đền liệt sĩ Trường Sơn/ Bên dòng Long Đại mây vờn sông xanh. Một thời đánh Mỹ liệt oanh/ Chiến công hiển hách kết thành đài hoa”. Ngắm nhìn đất trời, một bức tranh hữu tình non xanh nước biếc, như dải lụa làng quê thanh khiết cho hồn người lâng lâng. Nhìn xuống phía chân Đền, chiếc cầu đường sắt Thống Nhất bắc qua sông Long Đại với chiều dài 178m (dài nhất Đông Nam Á những năm 70 của thế kỷ XX). Cầu Long Đại Đông Trường Sơn chạy song hành như cần cẩu khổng lồ vươn dài, nối đôi bờ Nam – Bắc, một công trình hiện đại, mơ ước từ bao đời. Những người trải qua một thời đạn bom nơi đây và đồng bào huyện Quảng Ninh không khỏi bồi hồi nhớ lại những năm tháng chống Mỹ, cứu nước đã hằn sâu dấu tích. 

Từ năm 1965-1972, bến phà Long Đại được xem là tọa độ máu nơi tuyến đầu của đường Trường Sơn huyền thoại

Trong những năm chiến tranh, phà Long Đại là “túi đựng bom” của không quân Mỹ, rồi pháo hạm đội 7 ngày đêm dội vào nhằm ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam; hàng ngàn dân thường, cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến của tuyến đường “Đông Trường Sơn” đã tham gia chiến đấu và anh dũng hi sinh để đảm bảo cho mạch máu giao thông được thông suốt, vận chuyển lương thực, súng đạn…góp phần quyết định cho công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Năm 1965, Phà Long Đại trên quốc lộ 15A, thuộc địa bàn huyện Quảng Ninh giao cho Tỉnh đội Quảng Bình để phục vụ giao thông vận tải thời chiến. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Yêu cầu chi viện chiến trường ngày càng cao. Phà Long Đại được giao cho Đoàn 500 Tổng cục Hậu cần tiền phương. Trong đó, đơn vị C16 công binh là đơn vị bám trụ ngày đêm, bảo đảm thông xe, thông bến kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Với khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến! Tất cả vì miền Nam ruột thịt!” và “Mỗi chuyến phà thông là một chiến công góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!” nhiều đơn vị với nhiều thứ quân của binh chủng hợp thành ở trọng điểm phà Long Đại đã quả cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu để thông phà, thông tuyến cả dưới sông và trên bộ. Trong suốt thời kỳ chiến tranh đơn vị C16, bằng phà và cầu phao thông xe thông bến, đã lập nhiều chiến công xuất sắc.

Bến phà và cầu Long Đại xưa. Góc phải trên là núi Thần Đinh sừng sững

 Hai bờ Long Đại có hệ thống trận địa phòng không tầm cao, tầm trung, tầm thấp như lưới lửa bủa vây bọn “thần sấm con ma”. Bộ đội chủ lực và dân quân du kích trực chiến ngày đêm đánh trả máy bay địch, bảo vệ bến phà. Trung đội nữ 12ly7 trực chiến của xã Xuân Ninh đã lập công bắn rơi máy bay Mỹ ở bờ Nam, được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người.

Tại đây, hàng chục cán bộ chiến sĩ C16 bị thương; dũng cảm hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ; có những lúc phải đau lòng tổ chức lễ truy điệu sống cho đồng đội trước lúc vào trận. Ngày 16 – 6 – 1972, tại bến phà Long Đại, 15 TNXP quê Nghệ An đang làm lễ chào cờ trước lúc ra trận địa để thông đường cho xe qua thì trúng bom của máy bay Mỹ, đã hy sinh. Tại bến phà 2- Long Đại, đã ghi dấu sự hy sinh oanh liệt của 16 liệt sĩ C130 Thanh niên xung phong quê ở huyện Kiến Xương – Thái Bình. Các anh chị tuổi đời mới mười bảy, đôi mươi rời quê hương xung phong vào mở đường 18.

Sau hai đợt ném bom của đế quốc Mỹ, đơn vị C130 đã hy sinh 16 người

Vinh dự, tự hào ngày 18 tháng 6 năm 1969, C16 công binh phà Long Đại được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Để ghi nhớ chiến công của đồng bào, chiến sĩ; những người đã anh dũng hy sinh tại nơi này Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng cho cán bộ và nhân xã Hiền Ninh là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đất nước thống nhất, lịch sử đã sang trang. Nhưng công lao của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh tại bến phà Long Đại không thể nào quên! Năm 1986, phà Long Đại đã được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận là di tích cấp quốc gia. Song, chiến công được các đơn vị lập nên và sự hy sinh của hàng trăm chiến sĩ và nhân dân tại trọng điểm này xứng đáng được tạc “tượng đài chiến thắng”! Nơi ấy cần được lập Đền thờ để hương khói cho các liệt sĩ đã ngã xuống.

          Với tấm lòng tri ân “Nghĩa tình Trường Sơn”, Báo Sài Gòn Giải phóng và các nhà tài trợ đã ủng hộ quỹ 10 tỷ đồng. Tỉnh đoàn Quảng Bình được giao làm chủ dự án xây dựng công trình với gần 20 hạng mục trên diện tích 12ha tại bến phà Long Đại. Đền thờ các liệt sĩ Trường Sơn được quy hoạch trong một khung cảnh sơn thủy hữu tình nhắc nhở cho các thế hệ sau hãy luôn luôn giữ gìn “giang sơn gấm vóc của Tổ quốc!

Giờ đây công trình tri ân các Anh hùng liệt sĩ trên đường Trường Sơn Đông còn là “địa chỉ đỏ” trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn để du khách thăm viếng, dâng hương. Người ra Bắc vào Nam, người du cảnh núi Thần Đinh, khi đi trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, qua đây đều dừng chân, về với Đền thờ để thắp nén nhang tri ân cho đồng đội.

 “Nghiêng mình thắp một nén nhang/Gió xuân dìu dặt reo hàng thông xanh. Hồn bao liệt sĩ vô danh/Về đây hội ngộ yên lành ngàn thu. Các anh chưa trọn ước mơ/Tuổi xuân trẻ mãi hồn thơ rạng ngời

Khi mùa xuân về, trời đất giao hòa. Mọi tầng lớp, thành phần xã hội không kể tuổi tác, về đây để dâng hương tưởng nhớ đến các chiến sĩ đã anh dũng hi sinh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. 

Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ, các hội viên Trường Sơn huyện Quảng Ninh- Quảng Bình nguyện hứa: Quyết tâm thực hiện tốt phong trào thi đua: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh; đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ; đồng thời qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ảnh: Internet

Nguyễn Đại Duẫn

    Hội viên Hội VHNT Trường Sơn – Việt Nam