Tiếp nhận tin báo tội phạm từ công dân: Không thể tiếp nhận rồi để đó!

Đăng lúc: 18-04-2020 5:41 Chiều - Đã xem: 71 lượt xem In bài viết

Nhận định rằng nhân dân chính là “tai, mắt” trong phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim – Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – cho rằng việc tiếp nhận và giải quyết thông tin tố giác của người dân phải được xem xét, điều tra một cách kỹ lưỡng. Bởi đó cũng là tư liệu quan trọng để điều tra đấu tranh chống tội phạm, giải quyết ngay được thắc mắc của người dân. “Không thể có chuyện tiếp nhận rồi để đó”.

ĐBQH Vũ Trọng Kim. Nguồn: Quốc hội

Đánh giá không đúng tin báo, có thể bỏ lọt tội phạm

Công an tỉnh Thái Bình vừa khởi tố bị can đối với vợ chồng Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương (40 tuổi, vợ của Đường “Nhuệ), cùng 4 đồng phạm khác để điều tra về tội Cố ý gây thương tích. Sau khi vụ án được khởi tố, hàng loạt các hành vi trong quá khứ của vợ chồng Đường “Nhuệ” được xới lại. Dư luận cho rằng, vợ chồng Đường “Nhuệ” còn liên quan đến việc đòi nợ thuê, siết nợ, đấu thầu sai quy định, thu tiền bảo kê hỏa táng…

Trong vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra 6 năm trước tại trụ sở Công an phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình), liên quan đến việc Đường “Nhuệ” hành hung nhưng công an thành phố Thái Bình lại đình chỉ vụ án. Sau đó nạn nhân tiếp tục đi tố cáo nhưng không tiến triển gì. Hay vụ việc con nuôi của Đường “Nhuệ” là Tiến “trắng” hành hung anh Nguyễn Văn Hùng có cả clip ghi lại sự việc nhưng cũng chưa được xử lý dứt điểm… Nhiều người đặt ra câu hỏi về việc tiếp nhận thông tin và giải quyết về việc tố giác tội phạm của cơ quan công an cơ sở.

Liên quan tới việc này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – nhìn nhận, để cho băng nhóm này có các hoạt động cho vay nặng lãi, bảo kê, thậm chí đánh người ngay tại trụ sở công an, thuộc về trách nhiệm của cơ quan công an trong công tác phòng, chống tội phạm. Đáng nói, theo phản ánh của nhiều người dân và báo chí thì rất nhiều người đã tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm vợ chồng Đường “Nhuệ”, nhưng cơ quan chức năng lại “ngó lơ”, “bỏ qua”, vì cho rằng không đủ chứng cứ để xử lý. Việc này cần được kiểm tra, thanh tra lại để xem quy trình tiếp nhận và xử lý các thông tin này đã đúng với quy định của pháp luật hay chưa. Việc tiếp nhận phản ánh, giải quyết tố cáo đã đúng và đầy đủ chưa.

“Tại địa phương này, ổ nhóm tội phạm Đường “Nhuệ” đã tồn tại từ nhiều năm, ngang nhiên, lộng hành mà không hề bị xử lý dù nhiều đơn thư đã gửi tới cơ quan chức năng. Vậy liệu có dấu hiệu bảo kê hay chống lưng cho sai phạm ở đây hay không? Việc này cần được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, sớm trả lời những thắc mắc của nhân dân, của dư luận” – ông Hòa nói.

Nhân dân chính là “tai, mắt” trong đấu tranh chống tội phạm

Cùng quan điểm, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) – cũng cho hay, dư luận quan tâm tới việc nhà này đã tung hoành ở thành phố Thái Bình không phải chỉ mới một tháng, chỉ mới một năm mà đã nhiều năm rồi. Tung hoành như vậy đến nỗi nhiều người dân phải sợ băng nhóm này. Vậy tại sao lại có thể có chuyện vợ chồng Dương, Đường này tung hoành như vậy được.

Ông cũng cho rằng, trong sự việc giải quyết thông tin tố giác tội phạm, giải quyết phản ánh của người dân có trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn. Đồng thời, ông Cương đề nghị các cơ quan Trung ương như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an cần tổ chức kiểm tra, đánh giá vụ việc tại Thái Bình, đồng thời yêu cầu Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của địa phương. “Các cơ quan Trung ương cần vào cuộc để xem có thế lực nào bao che, bảo kê, chống lưng cho băng nhóm này có thể tung hoành nhiều năm như vậy mà không bị xử lý không? Nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm minh” – ông Cương nói.

Ở khía cạnh tiếp nhận tin báo tội phạm, Đại biểu Vũ Trọng Kim – Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – nhìn nhận, việc tiếp nhận thông tin từ người dân các cơ quan chức năng cần phải xử lý thông tin đó. “Không thể có chuyện tiếp nhận rồi để đó. Từ tin tiếp nhận cần thẩm tra thậm chí phải điều tra xem xét vấn đề một cách kỹ lưỡng” – ông Kim nói và cho rằng với những nguồn thông tin chính xác đó là tư liệu để điều tra, đấu tranh với tội phạm, điều tra có câu trả lời rõ ràng cho công dân hoặc nếu là tin giả, tin tố giác sai sự thật thì người tố giác phải chịu trách nhiệm.

VƯƠNG TRẦN
Theo laodong.vn