Ca khúc về Bác Hồ làm rung động hàng triệu con tim

Đăng lúc: 12-05-2020 10:37 Sáng - Đã xem: 119 lượt xem In bài viết

Để tỏ lòng ngưỡng mộ, kính trọng, biết ơn đối với Bác Hồ kính yêu, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, các thế hệ nhạc sĩ trong và nước ngoài đã sáng tác hàng trăm ca khúc ca ngợi công lao to lớn, phẩm chất, đạo đức sáng ngời của Người. Mỗi tác phẩm có sức hấp dẫn, lôi cuốn ở các cung bậc khác nhau. Có tác tác phẩm khi nghe làm cho lòng ta hừng hực khí thế bởi giai điệu hào hùng, có tác phẩm tạo nên cảm xúc yêu thương, xao xuyến bởi giai điệu đằm thắm, thiết tha, có tác phẩm khi nghe ta lại xúc động đến tuôn trào nước mắt…

Cố nhạc sĩ Thuận Yến[i]  đang giữ kỷ lục “có nhiều sáng tác hay về Bác Hồ nhất”, với 26 ca khúc. Các ca khúc ấy ghi lại những kỷ niệm quý báu của nhạc sĩ về Bác Hồ kính yêu, đã chạm vào trái tim khiến bao thế hệ, tầng lớp người Việt Nam hết sức xúc động, như các ca khúc: Miền Trung nhớ Bác, Vừng trăng Ba Đình, Bác Hồ một tình yêu bao la… Trong số những ca khúc ấy thì ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” được giới văn nghệ sĩ và người nghe đánh giá cao, mỗi khi bài hát được cất lên lòng ta rạo rực dấy lên nỗi niềm thương yêu và kính trọng Bác Hồ hơn bao giờ hết.

Theo lời kể của cố nhạc sĩ Thuận Yến ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” được viết vào năm 1979 bằng tất cả tình cảm sâu lắng nhất, lòng ngưỡng mộ, biết ơn và kính yêu đối với vị cha già kính yêu của dân tộc, Người đã dành cả cuộc đời phấn đấu vì độc lập – tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.. Đó là khi ông cảm hứng nhớ về những lần được gặp Bác. Ca khúc đậm chất thơ ngọt ngào, chứa đựng nhiều hình ảnh sinh động được nhạc sĩ khắc họa một cách tinh tế từ đời thực của Bác. Lời ca hòa trong giai điệu nhạc nồng ấm, dịu dàng khi được cất lên như là tiếng lòng thiết tha, thống thiết yêu thương của lớp lớp đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Ca khúc đã đi vào lòng người, được nhiều nghệ thể hiện thành công, đặc biệt là Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa[ii], mỗi lần nghe ca khúc ấy là một lần để lại trong chúng ta những giá trị tinh thần lắng đọng, lưu giữ trong trái tim ta hình ảnh tuyệt đẹp về Bác Hồ không thể phai mờ.

Có lẽ là người may mắn được gặp Bác nhiều lần và đã được hát cho Bác nghe nên nhạc sĩ Thuận Yến mới có thể sáng tác được một ca khúc thành công đến như vậy.

Từ đầu ca khúc tác giả đã viết ngay lời khẳng định tình yêu “thiết tha” của Bác Hồ không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta mà cả chung nhân loại, đó chính là tình yêu bao la của một bậc vĩ nhân, một bậc thánh hiền. Bác thương hết mọi con người bị nô lệ, bị áp bức trên toàn thế giới. Trước cảnh lầm than của dân tộc, ngày 5-6-1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết định rời bến Nhà Rồng[iii] ra đi tìm đường cứu nước. Với hai bàn tay của mình Người đã lao động kiếm sống bằng đủ mọi nghề. Người đã trải qua hành trình đến nhiều nước “… hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ[iv]… Ở đâu, Người cũng chứng kiến cảnh nô lệ bị đầy đọa, áp bức và càng xót thương hơn cho thân phận của họ, cảm thông bằng “tình yêu thiết tha nhất”. Lời ca của Nhạc sĩ Thuận Yến lắng sâu và thấm đẫm lòng người:

Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất

trong lòng dân và trong trái tim nhân loại.

Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân,

cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam. ”.

Một vị lãnh tụ kính yêu, Người đến với hết thảy với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đồng bào mình một cách gần gũi, ấm áp bằng những cử chỉ nhẹ nhàng cụ thể, với câu từ bình dị, điệp từ “Bác” thương, yêu, … được nhạc sĩ Thuận Yến sử dụng tinh tế cho người nghe cảm giác như người cha, người mẹ đang hàng ngày hết lòng cần mẫn, chăm lo cho những người thân trong gia đình; bình dị và sáng trong càng nâng lên tầm vĩ đại của Bác Hồ:

Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa,

Bác yêu đàn cháu nhỏ trung thu gửi cho quà.

Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng,

Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương.

Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn yêu thương.

Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn yêu thương. ”.

Rối đến phần điệp khúc Nhạc sĩ Thuận Yến chủ ý khéo léo chuyển hóa từ tình yêu của Bác sang tình yêu của nhân dân đối với Người; bằng những ngôn ngữ giàu hình ảnh với các cung bậc cảm xúc rung ngân, chạm đến tâm khảm, trái tim mọi công chúng và lòng người dân đất Việt; tình cảm rất chân thành, chính là “tình yêu thiết tha nhất” của nhân dân đáp ơn đối với Bác không bao giờ mờ phai:

Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất

trong lòng dân và trong trái tim nhân loại.

Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư

mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam. ”.

Bác Hồ mãi mãi là tấm gương đạo đức, trí tuệ sáng ngời và phong cách Hồ Chí Minh khiến ai trong chúng ta cũng có chung một cảm nhận: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn[v]”. Tất cả những gí trị đạo đức cách mạng, trí tuệ sáng ngời và phong cách ấy của Bác được tác giã thể hiện qua 6 câu thơ:

“Bác đem ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh,

Bác đem mùa xuân về mang hoa đẹp cho người.

Bác như bài dân ca ru em bé vào đời,

Bác như vì sao sáng, sáng giữa trời bao la,

Như cánh chim không mỏi bay khắp miền quê hương,

Xin khắc sâu ơn Người trong tấm lòng Việt Nam”

Cố nhạc sỹ Thuận Yến. Ảnh: doisongphapluat.com

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật và 51 năm thực hiện Di chúc của Bác, đất nước thân yêu của Bác hôm nay đang được các thế hệ cháu con chung tay vung đắp vươn lên phát triển về mọi mặt; thi đua lao động, học tập phấn đấu đưa nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Người hằng mong muốn. Giữa mùa hè, mùa tiếng ve ngân, hoa phượng đỏ ta hân hoan vui mừng đón sinh nhật Bác lần thứ 130 trong không khí đất nước thanh bình. Ta tự hào đi lên, vững vàng tiến theo cờ Đảng quang vinh, theo con đường Bác Hồ kính yêu và nhân dân đã chọn. Lòng chúng ta càng bồi hồi, xao xuyến mỗi sáng tháng 5 nghe những âm thanh lắng sâu, dâng lên niềm thương nhớ, biết ơn Bác đến vô cùng: “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất… Bác như ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh, … Bác đem mùa xuân về đơm hoa đẹp cho đời,… Xin khắc sâu ơn Người trong tâm hồn Việt Nam”.

Ơi Bác Hồ kính yêu! Tất cả những giá trị vật chất, tinh thần hôm nay con có được là nhờ vào sự hi sinh, sự cống hiến cả cuộc đời vĩ đại của Người. Con xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc là lòng kính trọng thiêng liêng đối với Người.

Tháng 5/2020

Đại tá Nguyễn Bá Thuyết

Phường 7, Tp Tuy Hòa, Phú Yên

 


[i] Tên thật là Đoàn Hữu Công (15 tháng 8 năm 1932 tại Quảng Nam – 24 tháng 5 năm 2014 tại Hà Nội). Ông nổi tiếng với những ca khúc kháng chiến thời kỳ Cách mạng, và sau này là những đóng góp cho dòng nhạc trữ tình và nền nhạc nhẹ hiện đại.

[ii] Thanh Hoa, tên thật Nguyễn Thị Thanh (12 tháng 10 năm 1950) là một nữ ca sĩ Việt Nam. Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2001. Hiện nay bà là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Hoa Concert.

[iii] Bến Nhà Rồng, tên chính thức là Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, là tên gọi thông dụng để chỉ cụm di tích kiến trúc – bảo tàng nằm bên sông Sài Gòn, thuộc quận 4 (Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây từng là trụ sở của hãng vận tải Messageries maritimes tại Sài Gòn từ năm 1864 đến năm 1955. Tuy nhiên, địa danh này được biết đến nhiều do tại đây có cụm di tích kiến trúc đánh dấu sự kiện ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này được biết với tên gọi Hồ Chí Minh) đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville làm phụ bếp để có điều kiện sang châu Âu, mở đầu hành trình cách mạng của mình.

[iv] 2 câu này trích trong “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên

[v] Trích trong bài thơ “Bác ơi” của Tố Hữu