Tình cảm của Bác Hồ với lực lượng Thanh niên xung phong

Đăng lúc: 29-05-2020 9:31 Sáng - Đã xem: 99 lượt xem In bài viết

Thanh niên xung phong là lực lượng quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và cả quá trình kiến thiết đất nước sau này.

Trong suốt quá trình ra đời và phát triển lớn mạnh, lập nên bao kỳ tích, lực lượng Thanh niên xung phong luôn nhận được sự quan tâm, dìu dắt và động viên khích lệ hết sức quý báu của Bác Hồ.

Kể từ ngày thành lập tổ chức Thanh niên xung phong đầu tiên ngày 15/7/1950 – đến ngày Bác đi xa, Bác đã 21 lần đến thăm, nói chuyện, viết thư khen, viết bài đăng trên Báo Nhân Dân về Thanh niên xung phong.

Tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Bác đã giúp cho các thế hệ cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích và ý chí cách mạng, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang mà Đảng, Bác Hồ giao phó; góp phần xứng đáng vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến.

Tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Bác đã giúp cho các thế hệ cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích và ý chí cách mạng. ảnh: TTXVN.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, luôn quan tâm tới lực lượng thanh niên nói chung và Thanh niên xung phong nói riêng.

Dù bận trăm công ngàn việc, hàng ngày Bác vẫn dành thời gian đọc báo, nghe đài, theo dõi hoạt động của thanh niên; đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Bác thường xuyên gửi thư động viên, khen ngợi và căn dặn thanh niên… Đặc biệt, bài thơ Bác tặng thanh niên: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.

Không chỉ là lời hiệu triệu mà còn là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các thế hệ thanh niên Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam vinh dự tự hào được thành lập theo chủ trương của Bác Hồ.

Với tinh thần đó, tháng 9/1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới Cao – Bắc – Lạng nhằm giải phóng vùng biên giới phía Bắc, mở rộng vùng căn cứ địa Việt Bắc, giành quyền chủ động trên chiến trường chính.

Nhiệm vụ to lớn đó đòi hỏi phải huy động một lực lượng dân công phục vụ và đảm nhận những công việc hết sức to lớn và quan trọng như mở đường, vận chuyển lương thực, vũ khí, phục vụ bộ đội chiến đấu…

Tuy vậy, với những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm lại đòi hỏi phải có lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, có tinh thần dũng cảm, hy sinh, có tổ chức quản lý và lãnh đạo chặt chẽ mới hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ nặng nề.

Ý kiến đề xuất của Bác về việc thành lập một lực lượng như vậy đã được Trung ương Đảng và Chính phủ nhất trí – Vậy là lực lượng Thanh niên xung phong được thành lập từ ngày 15/7/1950.

Khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải thành lập lực lượng Thanh niên xung phong cũng như vai trò, nhiệm vụ mà Thanh niên xung phong phải gánh vác.

Bác Hồ khẳng định: “Ở nước ta từ Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay, thanh niên ta đã tích cực tham gia mọi mặt công tác, từ tăng gia sản xuất ở hậu phương đến xung phong chiến đấu ngoài mặt trận.

Ngoài hai tổ chức chung là Thanh niên cứu quốc và Đoàn Thanh niên Việt Nam, ta còn có các đội Thanh niên xung phong. Các đội đã có thành tích về phục vụ chiến đấu và công tác cầu đường.

Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội Thanh niên xung phong để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này.

Nhiệm vụ của Đội Thanh niên xung phong là xung phong mọi việc, bất kỳ việc khó, dễ và phục vụ đến ngày kháng chiến thành công. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên ta”. (1)

Bác Hồ với nữ Anh hùng Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Kim Huế Ảnh: TTXVN.

Tuy giao cho Đoàn Thanh niên thành lập lực lượng Thanh niên xung phong, nhưng Bác vẫn luôn theo dõi từng hoạt động cụ thể của Đội Thanh niên xung phong đầu tiên, kịp thời động viên, cổ vũ anh chị em trong đội cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chính sự quan tâm lãnh đạo chặt chẽ, sát sao và kịp thời của Bác là nhân tố quyết định giúp Thanh niên xung phong hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đầu năm 1951, trong khi đi kiểm tra công ty cầu đường ở Chiến khu Việt Bắc, Bác đã ghé thăm Liên phân đội 312 Thanh niên xung phong đang làm việc tại khu vực Cầu Nà Cù, Bắc Kạn và trong không khí vui vẻ, ấm cúng.

Trong mỗi thắng lợi của những chiến dịch hay những trận đánh lớn của quân đội ta, đều có sự góp công của Thanh niên xung phong.

Bác cũng rất hài lòng về tinh thần hăng hái xung phong, về những cống hiến, hy sinh của lực lượng Thanh niên xung phong đối với cách mạng.

Bác cũng tìm hiểu, xem xét cụ thể những điều còn hạn chế đối với lực lượng Thanh niên xung phong. (2)

Từ những nhìn nhận kịp thời và đúng đắn đó, Bác đã chỉ thị cần nhanh chóng hoàn chỉnh bộ máy, sắp xếp lại tổ chức, tăng cường quản lý và lãnh đạo để nâng cao sức chiến đấu và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng Thanh niên xung phong, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ kháng chiến.

Sự quan tâm của Bác đối với Thanh niên xung phong có thể nói là rất toàn diện và cụ thể. Không chỉ là sự lãnh đạo về chủ trương mà Bác còn chỉ rõ những vấn đề cụ thể cần thực hiện lúc đó.

Điều kiện vào đội là thanh niên nam từ 18 đến 25 tuổi có đủ sức khỏe, thành phần lý lịch tốt, tự giác, tự nguyện phục vụ kháng chiến và công nhận nội qui của Đội, được tổ chức Đoàn ở cơ sở giới thiệu…

Những “điều kiện” đó cho thấy được lựa chọn vào Đội Thanh niên xung phong là một vinh dự lớn đối với Thanh niên.

Trong bài báo “Đoàn Thanh niên xung phong” đăng báo Nhân Dân 9/6/1954, Bác viết: “Nhờ lựa chọn cẩn thận và Giáo dục chu đáo, lại được Đảng quan tâm cho nên Đoàn Thanh niên xung phong tuy mới xây dựng nhưng đã có những thành tích khá. Đó là vinh dự lớn mà cũng là một trách nhiệm to; anh em phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ hơn nữa”.

Bác Hồ nói chuyện với anh chị em Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ sửa đường phục vụ chiến dịch Biên giới (1950) Ảnh: TTXVN.

Hơn 1 vạn Thanh niên xung phong đã được huy động phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ để bám sát bộ đội tiếp tế súng đạn, cáng tải thương binh, thu dọn chiến trường, mở đường, rà phá bom mìn, đảm bảo giao thông…

Chính vì vậy ngay sau chiến dịch, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi và động viên bộ đội, dân công, Thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang.

Chỉ tính riêng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương đã được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, 60 cán bộ, chiến sĩ Thanh niên xung phong khác được tặng thưởng Huân chương các loại, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Thanh niên xung phong được tặng Bằng khen…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, hy sinh, lực lượng Thanh niên xung phong hơn bao giờ hết, luôn tỏ rõ là một lực lượng xung kích và thể hiện đầy đủ phẩm chất anh hùng của thanh niên Việt Nam.

Cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền Bắc ngày càng ác liệt hơn, lực lượng sẵn có của bộ đội công binh và cán bộ nhân viên ngành Giao thông vận tải không thể đảm đương được yêu cầu khẩn trương, cấp bách của nhiệm vụ chiến đấu.

Do vậy, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Hội đồng Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định thành lập lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tập trung.

Hàng vạn thanh niên, cả nam và nữ đã được tập hợp và xây dựng thành các đơn vị Thanh niên xung phong.

Chỉ tính trong nhiệm kỳ I (từ 1965-1968), đã có hơn 7 vạn Thanh niên xung phong.

Có thể nói trên khắp mọi tuyến đường chiến lược, đường vòng, đường tránh, ở đâu có bom đạn, có đường sá, cầu cống… là ở đó có lực lượng Thanh niên xung phong.

Ngày 12-7-1965, Bác đã trực tiếp nghe Trung ương Đoàn báo cáo tình hình tổ chức và tình hình nam nữ thanh niên tham gia Thanh niên xung phong.

Bác đã hỏi rất kỹ về việc giải quyết chế độ chính sách cho Thanh niên xung phong, đặc biệt là đối với Thanh niên xung phong là nữ.

Bác lo công việc nặng nhọc, vất vả và cuộc sống khó khăn gian khổ nơi bom đạn ác liệt sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và tương lai hạnh phúc của chị em. Sự quan tâm của Bác thật sâu sắc, thật chân tình.

Không những thế, Bác còn thường xuyên gửi thư khen ngợi và động viên Thanh niên xung phong.

Bác cũng nhắc Trung ương Đoàn phải thường xuyên báo cáo với Bác về hoạt động của Thanh niên xung phong, nhất là những thành tích, để Bác khen thưởng.

Ngày 26/9/1966, sau một năm lực lượng Thanh niên xung phong hoạt động, cũng là lúc giặc Mỹ đánh phá ác liệt hơn, Bác đã gửi thư khen ngợi Thanh niên xung phong.

Trong thư Bác viết: “Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu thanh niên gái và trai đang cố gắng vượt mọi khó khăn, gian khó lập nhiều thành tích.

Bác mong các cháu đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm lao động và chiến đấu, giữ gìn sức khỏe, cố gắng học tập, lập nhiều thành tích chống Mỹ, cứu nước để xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng”.(3)

Đặc biệt, ngày 12/1/1967, Đại hội thi đua các đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tập trung đã khai mạc tại Hà Nội, mặc dù máy bay Mỹ tăng cường đánh phá thủ đô Hà Nội, chiến tranh ngày càng ác liệt hơn, nhưng Bác vẫn đến dự với Đại hội.

Đó là một vinh dự lớn, sự cổ vũ đặc biệt đối với lực lượng Thanh niên xung phong. Tại Đại hội, Bác nói: “Bác rất vui lòng với thanh niên Việt Nam Anh hùng”. Tình cảm của Bác dành cho Thanh niên xung phong thật sâu nặng!

Năm 1969, dù bận bao công việc, Bác vẫn dành cho Thanh niên xung phong những tình cảm quí báu.

Khi thấy Đại hội Thanh niên xung phong 333 (phần lớn là nữ), xông pha, suốt nhiều tháng trời ở trọng điểm ác liệt cầu Cấm – Nghệ An, Bác đã gửi thư khen.

Bác viết: “Suốt bốn năm nay, đội Thanh niên xung phong 333 nhận nhiệm vụ làm đường, sửa cầu ở một nơi địch thường đánh phá ác liệt, có nhiều khó khăn gian khổ.

Đội gồm phần lớn các cháu gái, đã dũng cảm chiến đấu, tích cực lao động, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, bảo đảm cầu đường được thông suốt luôn…”.

Thư của Bác, tình cảm và sự quan tâm của Bác đã khiến Thanh niên xung phong trong đội 333 nói riêng và Thanh niên xung phong toàn lực lượng nói chung rất cảm động và càng hăng hái hơn trong thực hiện nhiệm vụ đầy gian khổ, hy sinh.

Thật không ngờ đó lại là bức thư cuối cùng của Bác gửi Thanh niên xung phong trước lúc Người đi xa.

Và trong di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác đã viết rằng: “…Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang và Thanh niên xung phong đều được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm.

Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

Tài liệu tham khảo:

(1). “Đội Thanh niên xung phong” của Bác Hồ  

(2). Lịch sử Đoàn – Đội – Trung ương Đoàn.

(3). Thư của Bác gửi Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước.

Tùng Dương

Theo giaoduc.net.vn