Ngược rừng đi tìm câu giặm

Đăng lúc: 07-12-2020 3:40 Chiều - Đã xem: 62 lượt xem In bài viết

 

Nhớ Tết năm nào đánh giặc ở Tây Nguyên

Đêm binh trạm đón giao thừa, em hát

Lửa củi bập bùng, nhìn không rõ mặt

Lính gõ xoong nồi điểm nhịp hát theo em.

 

Sắc áo xanh sau ngọn lửa bồng bềnh

Em duyên dáng hát “Bài ca hy vọng”

Rồi tha thiết “Qua sông” rồi mượt mà câu “Giặm[i]

Anh nhận ra giọng Hà Tĩnh quê mình.

 

Văn nghệ vừa xong, anh tới làm quen

Biết em – cô giao liên binh trạm

Gặng hỏi tên, em cười – Cứ gọi em là Gái

Em hẹn – Hết giặc rồi cùng về với Nghi Xuân.

 

Mờ sáng hôm sau đơn vị hành quân

Súng đạn trên vai anh lên đường ra trận

Không kịp chia tay em hát “Bài ca hy vọng”

Câu “Giặm” cứ ngân hoài, anh bỗng thấy bâng khuâng…

 

Hết chiến tranh, về sống với ruộng đồng

Có người mẹ nghèo ngồi chờ em bên cửa

Có người lính xưa, từng đêm ngược rừng tìm ánh lửa

Tìm câu Giặm giữa rừng em gái hát ngày xưa

Kỷ niệm Trường Sơn mãi mãi chẳng phai mờ…

Nguyễn Tường Thuật (Cựu chiến binh)

Xã Thụy Văn – huyện Thái Thụy – tỉnh Thái Bình


[i] Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc miền Trung Việt Nam.Dân ca ví giặm (cũng viết là dặm) tại Nghệ Tĩnh là một di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ngày 27/11/2014 tại Paris (Pháp). Loại hình nghệ thuật này phổ biến trong đời sống của các cộng đồng xứ Nghệ, được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải, trồng lúa… Lời ca của dân ca ví, giặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người