Một hoạt động về nguồn có nhiều ý nghĩa của cựu TNXP Đồng Nai

Đăng lúc: 10-12-2020 3:46 Chiều - Đã xem: 68 lượt xem In bài viết

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Lực lượng TNXP (15/7/1950 – 15/7/2020), Tỉnh hội Đồng Nai đã tổ chức Đoàn Cựu TNXP tiêu biểu các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, các Chủ tịch Hội Cựu TNXP của tất cả 11 huyện, thành phố tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh một số tỉnh phía Bắc từ 23/11-28/11/2020: Hà Nội – Bắc Kạn – Cao Bằng – Thái Nguyên – Ninh Bình. Đoàn do Chủ tịch Tỉnh hội Lý Minh Tiến dẫn đầu, gồm có 65 cựu TNXP tiêu biểu, tuổi đời từ U70-U90, sức khỏe tốt. Cùng đi với Đoàn có đại diện Sở Nội vụ, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Tỉnh đoàn Đồng Nai.

Đoàn đã vào viếng thăm Lăng Bác (ảnh trên), thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch,

Đến Thái Nguyên, Đoàn đã dâng hương, hoa tại Khu di tích lịch sử thanh niên Việt Nam Núi Hồng[i] , Khu di tích Lịch sử Quốc gia TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái anh hùng[ii] (ảnh dưới) . Đoàn đã đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó-Cao Bằng, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào-Tuyên Quang[iii] ….

Khi qua Hà Nội, Đoàn đã tới thăm cơ quan TW Hội. Chủ tịch Vũ Trọng Kim cùng các cán bộ cơ quan TW Hội đã nồng nhiệt đón tiếp đoàn(ảnh dưới). Đồng chí Vũ Trọng Kim đã phát biểu chào mừng, thăm hỏi, giải đáp ý kiến của một số thành viên trong đoàn, tặng sách, quà cho Đoàn.

Đồng chí Lý Minh Tiến (ảnh dưới) đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh hội báo cáo tóm tắt kết quả  công tác Hội và các hoạt động chăm lo đời sống cho anh em cựu TNXP, cảm ơn lãnh đạo TW đã luôn theo dõi, quan tâm sâu sát phong trào của Hội Cựu TNXP Đồng Nai, cảm ơn sự đón tiếp thân tình của cơ quan TW Hội.

Qua chuyến đi, cán bộ hội viên Hội Cựu TNXP tỉnh Đồng Nai đã có dịp ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của quân và dân ta, sự mất mát, gian khổ, hy sinh của Lực lượng TNXP trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại TW Hội

Tâm lý chung của cựu TNXP hiện nay là mong muốn được quan tâm, chăm sóc hơn nữa về tinh thần, vật chất. Họ có một thời chịu đựng nhiều hy sinh gian khổ, vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu cho các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lãnh đạo Đảng, chính quyền tạo điều kiện để Tỉnh hội tổ chức những chuyến đi về nguồn như vậy là một cách tri ân rất thiết thực các cựu TNXP có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, trong đó có không ít người lần đầu ra các tỉnh phía Bắc thăm Thủ đô, thăm Lăng Bác…

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích 915

Đây cũng là một hoạt động “Uống nước nhớ nguồn” nhằm giáo dục thế hệ trẻ tinh thần xung phong tình nguyện trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát huy truyền thống yêu nước anh hùng cách mạng của các thế hệ cha anh; khuyến khích cựu TNXP cần phát huy phẩm chất TNXP – phầm chất Bộ đội Cụ Hồ – đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thi đua giúp nhau phát triển kinh tế để thoát nghèo vì nghĩa tình đồng đội.

Chuyến đi đã thành công tốt đẹp, để lại những dấu ấn không thể nào quên cho các cựu TNXP đã ở tuổi xế chiều.

Kim Thoa

(Hội Cựu TNXP tỉnh Đồng Nai)


[i] Công trình gồm các hạng mục tượng đài chính TNXP cao 12m, sân hành lễ, nhà trưng bày truyền thống và cụm tượng các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của thanh niên Việt Nam như Lý Tự Trọng, Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Kơ Pa Klơn, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân…

[ii] Đúng vào đêm Nô-en (Noel) năm 1972, tại khu vực ga Lưu Xá, trên địa bàn xã Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, bom đạn của Đế quốc Mỹ đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, trong đó có 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Các chị, các anh đã anh dũng hy sinh nhưng hình ảnh và chiến công vẫn trường tồn, vang vọng mãi trong lòng mỗi người, nhất là người dân “Đất Thép”. Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội 915. Tổ quốc đã ghi công các liệt sĩ TNXP. Nhân dân địa phương đã xây dựng Nhà Tưởng niệm, lập bia để lưu danh truyền thống. Di tích địa điểm hy sinh của các liệt sĩ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia, hằng năm đón tiếp hàng vạn lượt du khách thập phương hành hương, viếng lễ, tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

[iii] Khu di tích lịch sử Tân Trào – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nằm trên địa bàn các xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa, Phú Thịnh (huyện Yên Sơn). Đây cũng là địa bàn giáp gianh giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.