Không chỉ đến khi lên công tác ở Trung ương mà ngay từ thời còn ở địa phương, chúng tôi đã rất ngưỡng mộ tấm lòng quan tâm chăm lo chính sách và đời sống cho người có công của đồng chí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, tỉnh có nhiều liệt sĩ[i] và Bà mẹ Việt Nam anh hùng[ii] nhất cả nước. Trong đó có nhiều liệt sĩ, thương binh thuộc Tổng đội TNXP Khu 5 cả thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ chúng tôi. Đặc biệt đến khi trở thành Thủ tướng Chính phủ, bận rất nhiều việc nhưng vẫn luôn quan tâm đến người có công với cách mạng và TNXP. Tấm lòng của Thủ tướng dành cho Hội Cựu TNXP cũng không thể nào kể xiết, tôi chỉ xin nêu một vài sự kiện trong hàng chục sự kiện in đậm vào lòng mà suốt đời chúng tôi không bao giờ quên.
Vào giữa năm 2016, trước khi bàn giao chức danh Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam cho đồng chí Vũ Trọng Kim, tôi rất băn khoăn với việc chưa hoàn thành, tôi chưa hoàn thành. Đó là việc 5 đồng đội TNXP Khu 5 chúng tôi tập kết ra Bắc và đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ khẩn trương khôi phục tuyến đường sắt Chi Lăng – Đồng Đăng năm 1954 – 1956, đến nay chưa được công nhận liệt sĩ và phần mộ của các anh cũng chưa được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ, nên hài cốt các anh có nguy cơ không lưu giữ được. Mặc dù, biết tôi sắp bàn giao nhiệm vụ cho đồng chí Chủ tịch mới, và biết trường hợp này đã nhiều lần Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo là chưa đủ cơ sở để công nhận liệt sĩ, nhưng khi nghe tôi báo cáo thực trạng đau lòng và bức xúc nêu trên, thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp chúng tôi ngày 22/8/2016 tại Phủ Thủ tướng (ảnh trên). Tại cuộc gặp có lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ dự để Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo giải quyết: “Giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trực tiếp thẩm định hồ sơ, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 9 năm 2016, bảo đảm chính sách cho anh em thực hiện nhiệm vụ[iii].” Đến ngày 27/7/2020 các TNXP này đã được công nhận liệt sỹ.
Sự kiện thứ hai, cũng vào cuối năm 2016, khi biết tôi được Hiệp hội Dược liệu Việt Nam mời làm Cố vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi điện động viên, với tấm lòng của người đứng đầu Chính phủ đang rất quan tâm đến việc chăm lo sức khỏe cho các bậc người có công. Thủ tướng động viên các thầy thuốc, lương y nỗ lực phát triển các sản phẩm dược liệu, tập trung phục vụ nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật, góp phần làm cho lớp người cao tuổi, nhất là lớp người có công, có cuộc sống khỏe, sống vui, sống hạnh phúc. Tôi càng bất ngờ và phấn khởi khi Thủ tướng nghe tôi báo cáo: Chủ tịch Hiệp hội Dược liệu Việt Nam hiện nay là Dược sĩ Tạ Ngọc Dũng và lãnh đạo Hiệp hội có nguyện vọng tha thiết được Thủ tướng cho gặp để xin ý kiến chỉ đạo. Thế là, Thủ tướng sắp xếp dành hai tiếng đồng hồ gặp lãnh đạo Hiệp hội và còn cho mời Bộ Y tế, Tổng hội Đông y, Văn phòng Chính phủ cùng dự. Tiếp đến, Thủ tướng còn gặp riêng các Cố vấn Hiệp hội: Nguyễn Khánh, Nguyễn Anh Liên, Đỗ Trung Tá đàm đạo chuẩn bị nội dung Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác dược liệu do Thủ tướng chủ trì. Trong buổi gặp, Thủ tướng ân cần lắng nghe tâm nguyện của các lương y, thầy thuốc và động viên, chỉ đạo tâm huyết về chiến lược chấn hưng nền dược liệu nước nhà, tiếp tục phát triển các loại dược liệu quý mà ông cha ta để lại, trở thành “Bảo vật quốc gia” và như là “Thần dược” để chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là cho các bậc cao niên, người có công với nước.
Một sự kiện khác cũng mang đậm tính nhân văm và thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa của người đứng đầu Chính phủ đối với người có công. Vào đầu tháng 7/2018, tôi đang cùng Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP đi dâng Khu di tích lịch sử ngã Ba Cò Nòi – Sơn La, thì nhận được tin Anh hùng LLVTND, Đội trưởng Đội phá bom, Đại đội 293, Đội 34 TNXP Điện Biên Phủ Trịnh Văn Huyền- người được Bác Hồ viết thư khen – đang hấp hối tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô. Trên đường về tôi vội đến Văn phòng Chính phủ để báo cáo tin này cho Thủ tướng, nhưng Thủ tướng đang công tác ở Tây Nguyên. Tôi liền lấy bút viết mấy dòng nhờ Văn phòng điện chuyển đến Thủ tướng. Rồi chỉ sau ba giờ đồng hồ, vào lúc 18h, tôi nghe máy điện thoại reo, tôi mở máy thì nghe tiếng Thủ tướng: “Chào anh Liên. Tôi đã nhận được thư anh. Thế cụ Huyền có lúc nào tỉnh lại không anh? Nhờ anh chuyển lời thăm hỏi ân cần và cầu chúc cụ vượt qua cơn biến tuổi già, sống thêm với con cháu. Trường hợp cụ không qua khỏi, nhờ anh tin tôi biết để tôi xin gửi vòng hoa kính viếng cụ”. Sáng ngày hôm sau, tôi và anh Nguyễn Cao Vãng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội đến bệnh viện chuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng, thì thấy gương mặt cụ Huyền đang từ màu xanh nhợt chuyển sang màu hồng. Rồi từ hôm đó, như được liều thuốc tiên giúp cụ Huyền gượng dậy, sống thêm hơn một năm với gia đình, con cháu.
Trong tấm lòng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với người có công, đã giành một phần rất sâu đậm đối với cựu TNXP. Phần kết bài phát biểu quan trọng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV với nhan đề: “Chúng ta có trách nhiệm làm cho Việt Nam trở nên hùng cường, biến những ước mơ, khát vọng thành hiện thực“, Thủ tướng đã nhắc đến một sự kiện lịch sử Bác Hồ tặng thơ cho TNXP: Đúng 70 năm trước, Bác Hồ kính yêu của chúng ta trên đường đi công tác, tại rừng Nà Tu (Bắc Kạn) đã tặng TNXP bốn câu thơ để nhắn nhủ về tầm quan trọng của việc bồi dưỡng chí khí cách mạng:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
Trong bối cảnh mới ngày nay, trước muôn vàn khó khăn thách thức và vận hội mới, tôi xin mượn bốn câu thơ của Bác để bày tỏ sự quyết tâm của tất cả chúng ta:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Thịnh vượng và phát triển
Quyết chí ắt làm nên”.
Nguyễn Anh Liên
[i] 65.000 liệt sĩ (ngoài ra tỉnh Quảng Nam còn có hơn 30.000 thương binh)
[ii] 11.658 mẹ Việt Nam anh hùng
[iii] Trích Thông báo số 276/TB-VPCP ngày 06 tháng 9 năm 2016: Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc iại buổi làm việc với Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.