Huyết áp kẹt là gì?

Đăng lúc: 25-11-2017 3:33 Chiều - Đã xem: 312 lượt xem In bài viết

Huyết áp kẹt hay huyết áp kẹp là một trạng thái bệnh lý với các biến chứng nguy hiểm không hề thua kém người bị tăng huyết áp. Có lẽ với nhiều người khái niệm này còn xa lạ và không được quan tâm đúng mức. Cùng tìm hiểu huyết áp kẹt là gì, nguy hiểm như thế nào và cách phòng ngừa ra sao trong bài viết dưới đây.

Huyết áp kẹt là gì?

Huyết áp kẹt là trường hợp bệnh về huyết áp không phổ biến nên đôi khi bị nhầm lẫn với bệnh huyết áp thấp, bởi vì huyết áp kẹp cũng thường có những triệu chứng gần giống với huyết áp thấp. Và cũng có người gọi huyết áp kẹp là huyết áp kẹt hay huyết áp bị kẹt.

Huyết áp kẹp là sự khác biệt giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. So với huyết áp chuẩn là 120/80 mmHg, nếu khi lấy huyết áp tâm thu trừ huyết áp tâm trương mà ≥ 40 mmHg là huyết áp bình thường, khi ≤ 25 mmHg thì được gọi là huyết áp kẹp.

Ví dụ:

Huyết áp bình thường: Nếu huyết áp tâm thu là 110 thì huyết áp tâm trương vào khoảng 65 – 75 mmHg.

Huyết áp kẹt: Nếu huyết áp tâm thu 110 và huyết áp tâm trương lại ở mức 85 – 90 mmHg.

Huyết áp kẹp có các triệu chứng gần giống với bệnh huyết áp thấp tuy nhiên khi mắc bệnh, cơ thể sẽ rất mệt mỏi, hoạt động của tim gặp nhiều trở ngại dễ dẫn đến suy tim. Một vài biểu hiện như đau đầu, rối loạn đồng hồ sinh học (ban đêm ngủ không sâu), đầy bụng, ợ hơi, hay chóng mặt, hoa mắt, xây xẩm, nói hụt hơi, lạnh người…

Huyết áp kẹp có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị kịp thời, huyết áp kẹp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và gây ra những biến chứng nguy hiểm:

Hiệu quả bơm máu kém đi và làm cho tuần hoàn bị giảm hoặc ứ trệ, giảm cung lượng tim dẫn đến suy tim hoặc sốc.

Huyết áp kẹp gây lực cản ngoại vi lớn, phì đại thất trái dẫn đến suy tim.

Cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân gây ra huyết áp kẹp

Huyết áp kẹp xảy ra khi huyết áp tâm thu giảm, huyết áp tâm trương tăng. Thường các bệnh lý sau là nguyên nhân dẫn đến huyết áp kẹp:

Mất máu nội mạch: có thể do chấn thương hoặc dịch thoát khỏi nội mạch trong bệnh sốt xuất huyết Dengue hoặc suy tim, sốc.

Vấn đề về van tim:

– Hẹp van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ: khi van động mạch chủ hẹp, lượng máu được tống ra khỏi thất trái trong thì tâm thu giảm gây giảm huyết áp tâm thu dẫn đến huyết áp kẹp.

– Hẹp van 2 lá: khi van 2 lá hẹp máu sẽ bị ứ lại tâm nhĩ trái trong thì tâm trương làm tăng huyết áp tâm trương.

Hoặc bị chèn ép tim (tràn máu và dịch màng ngoài tim) hay cổ trướng cũng gây huyết áp kẹp.

Ý nghĩa huyết áp kẹp

Theo định nghĩa về huyết áp, thì huyết áp tâm thu là áp lực lớn nhất trong thì tâm thu, trong khi huyết áp tâm trương là áp lực nhỏ nhất trong động mạch thì tâm trương. Huyết áp kẹp xảy ra khi lượng cung tim giảm và kháng lực hệ thống tăng.

Trong thực hành, điều này có nghĩa là bất kỳ một tình trạng nào làm giảm cung lượng tim (huyết áp tâm thu) với kháng lực động mạch được giữ nguyên sẽ gây ra huyết áp kẹp. Cụ thể trong 2 trường hợp sau:

Trong suy tim, thể tích nhả bóp thấp dẫn đến tăng phản xạ giao cảm và tăng kháng lực mạch để duy trì huyết áp và giúp máu tĩnh mạch về tim. Vì vậy, huyết áp tâm thu giảm thấp (do giảm cung lượng tim) và huyết áp tâm trương được duy trì (do tăng kháng lực mạch máu) gây ra huyết áp kẹp.

Trong sốc giảm thể tích giai đoạn đầu, nồng độ catecholamine cao do cơ thể cố nâng sức cản ngoại biên để duy trì máu tĩnh mạch về tim. Tăng kháng lực ngoại biên làm tăng huyết áp tâm trương, kết quả là làm cho huyết áp bị kẹt.

Cách phòng ngừa huyết áp kẹt (huyết áp kẹp)

Người bệnh thường xuyên theo dõi huyết áp bằng các loại máy đo huyết áp, tránh để tâm lý quá lo lắng. Khi bị huyết áp kẹt nên có không gian nghỉ ngơi thoáng mát, tránh ồn ào. Đồng thời, nên sử dụng thuốc điều hòa huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ, không sử dụng tùy ý.

Để kết hợp với thuốc điều trị được hiệu quả hơn thì cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt hàng ngày khoa học hơn:

  • Sắp xếp công việc để có nhiều thời gian nghỉ ngơi hợp lý hơn, tránh làm quá sức và quá khuya.
  • Hạn chế những căng thẳng, stress trong công việc và cuộc sống.
  • Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng, bổ sung những thực phẩm có tác dụng ổn định huyết áp.
  • Luyện tập đều đặn hàng ngày bằng những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga…

Theo khicongydaotoronto.com