LỊCH SỬ, Ý NGHĨA VÀ SỨC LAN TỎA BỐN CÂU THƠ BÁC HỒ TẶNG TNXP Ở CẦU NÀ CÙ, TỈNH BẮC KẠN

Đăng lúc: 27-01-2021 2:08 Chiều - Đã xem: 341 lượt xem In bài viết

          Đầu năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta chuyển sang giai đoạn mới – thế và lực đã mạnh hơn – Trung ương Đảng, Bác Hồ kính yêu chủ trương đẩy mạnh hơn nữa cuộc kháng chiến, gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất cho các chiến trường nhằm giành thắng lợi to lớn. Để chuẩn bị cho chiến dịch Biên giới giành thắng lợi, cần phải huy động một lực lượng lớn để sửa chữa đường, mở các tuyến giao thông, vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men, quân trang, quân dụng. Bác Hồ đã chỉ thị phải gấp rút huy động một lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, có tinh thần hăng hái và dũng cảm để thành lập các Đội Thanh niên xung phong (TNXP).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đội TNXP 18 Minh Khai trước khi lên đường làm nhiệm vụ (ảnh tư liệu)

Thực hiện chỉ thị của Bác, Đảng Đoàn Thanh vận Trung ương đã họp mở rộng và giao cho Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc tổ chức thành lập Đội TNXP. Theo đó, ngày 15/7/1950, tại núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên được thành lập với 225 đội viên, do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn làm đội trưởng. Ngay sau khi được thành lập, lực lượng TNXP đã góp phần cùng bộ đội tiêu diệt cứ điểm Đông Khê, mở màn cho chiến dịch Biên giới; tiếp đến là các trận Nậm Hang, Cốc Xá,… và hoàn thành thắng lợi chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950, mở đầu trang sử vẻ vang của TNXP Việt Nam.

          Ngày 28 tháng 3 năm 1951[i], trên đường đi kiểm tra công tác bảo đảm giao thông phục vụ chiến dịch ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đến thăm Liên phân đội TNXP 312 đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Khi Bác đến, cả đơn vị sung sướng reo lên: “Bác Hồ! Bác Hồ! Bác Hồ đến thăm!”. Đầu tiên Bác tươi cười, ân cần hỏi thăm tình hình đơn vị, đời sống, việc làm, hỏi “Đào núi có khó không?”, nói chuyện thân mật, căn dặn và tặng TNXP bốn câu thơ:

“Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền,

 Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên”.

Theo lời dặn của Bác, đồng chí Dương Thiết Sơn, Bí thư tỉnh ủy Bắc Kạn, là người đưa Bác đến thăm TNXP đã chuyển bốn câu thơ của Bác cho Ban Thường vụ Trung ương Đoàn để làm phương châm hành động cho đoàn viên, thanh niên[ii].

Bốn câu thơ của Bác là lời giáo huấn, sự ghi nhận, gửi gắm niềm tin và tình cảm sâu sắc của Đảng, của Bác dành cho TNXP Việt Nam và thế hệ trẻ cả nước trước vận mệnh thiêng liêng của Tổ quốc; là tư tưởng chỉ đạo hành động, nhằm rèn luyện ý chí, tinh thần, nghị lực cho TNXP và các thế hệ thanh niên Việt Nam. Ngay sau đó thơ của Bác đã thấm nhuần với hàng vạn TNXP thời kỳ kháng chiến chống Pháp để kề vai sát cánh cùng các lực lượng vũ trang có mặt, bền chí trên các tuyến đường chiến lược, ở các trọng điểm ác liệt của chiến tranh, giáp mặt với quân thù, với tinh thần quên mình phục vụ, không ngại hy sinh gian khổ, trường kỳ phục vụ công cuộc kháng chiến.

Sức sống bốn câu thơ của Bác đã thấm ngay vào ý thức, tinh thần gần 50.000 TNXP chống Pháp để dũng cảm mở đường, phá bom mìn, đào hầm, chuyển lương, tải đạn, phục vụ kháng chiến ở những chiến trường, chiến dịch như: Biên giới, Trung Du, Đông Bắc, Thượng Lào, An toàn khu (ATK), Pha Đin, Ngã ba Cò Nòi… điển hình là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Tiếp nối tinh thần đó, 48.000 TNXP lại hăng hái làm nhiệm vụ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thời kỳ 1954- 1964. Đó là mở đường chiến lược Lai Châu- Ma Lù Thàng; khôi phục đường sắt Hà Nội- Mục Nam Quan; mở đường “Hạnh phúc” Hà Giang; xây dựng các khu công nghiệp Hà Nội, Việt Trì, Hải Phòng…

Đoàn viên, thanh niên xung phong hăng hái tham gia khôi phục đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan (Lạng Sơn), năm 1957 (ảnh tư liệu)

Thời kỳ chống Mỹ, cứu nước gần 300.000 TNXP hai miền Bắc – Nam tiếp nối ý chí, tinh thần thơ của Bác đã dũng cảm mở đường, phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu trên các chiến trường, các địa bàn trọng điểm. Ở miền Bắc, với tinh thần “Ba sẵn sàng”, TNXP đã kiên trì bám trụ bảo đảm giao thông thông suốt từ biên giới phía Bắc vào đến chiến trường miền Nam, điển hình là các trọng điểm ga Lưu Xá (Thái Nguyên), Ga Gôi (Nam Định), Núi Nấp (Thanh Hóa), Truông Bồn (Nghệ An), Đồng Lộc (Hà Tĩnh),… Đặc biệt, trên tuyến đường Trường Sơn, với ý chí “Đào núi và lấp biển”, 46.000 TNXP đã “Xẻ dọc Trương Sơn đi cứu nước”, vượt qua mưa bom, bão đạn góp phần làm nên lịch sử “Đường Trường Sơn kỳ tích, kỳ quan” góp phần to lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà nhà thơ Tố Hữu đã viết “ Trường Sơn xẻ dọc, dọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng”.

Ảnh chụp Tiểu đội 4, Đại đội TNXP 552 TNXP. Trong đó có 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc (hàng trước từ phải sang: 1- Hồ Thị Cúc, 2- Trần Thị Rạng, 3-Vũ Thị Hợi, 7- Trần Thị Hương, 9- Nguyễn Thị Xuân; hàng sau: 5- Võ Thị Tần, 11- Hà Thị Xanh). Ảnh: Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam

Ở miền Nam, với phong trào “Năm xung phong”, TNXP giải phóng miền Nam đã mang tinh thần thơ Bác “Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang” phục vụ 16 chiến dịch lớn với 641 trận đánh, trong đó trực tiếp đánh địch trên 40 trận; điển hình là “Tiểu đoàn Bà Thao” – nữ TNXP khu V – với tinh thần “Quyết chí ắt làm nên” đã “Chân đồng vai sắt” vận chuyển vũ khí, đạn dược, hậu cần vượt hàng trăm cây số đèo núi ra chiến trường, có chiến sỹ nữ đã vác nòng pháo nặng gần 100kg trên đường ra trận; TNXP Đường 1C Nam bộ đã thể hiện kiên cường tinh thần “Quyết chí ắt làm nên”, chỉ trên 100 TNXP đã ngoan cường chiến đấu ròng rã hàng tháng với cả tiểu đoàn bộ binh địch có máy bay, xe tăng yểm trợ để bảo vệ Đường 1C thông suốt vận chuyển vũ khí, hậu cần cho chiến trường các tỉnh cực Nam.

        Hưởng ứng Phong trào “5 xung phong” do Đại hội Đoàn TNNDCM Việt Nam lần thứ I họp từ ngày 17-26/3/1965 đề ra, đông đảo ĐVTN gia nhập các Đội TNXP. trước giờ lên đường, tất cả cùng giơ tay hô vang lời thề “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ảnh: Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam

Thơ của Bác không những chỉ thấm nhuần với TNXP mà còn là kim chỉ Nam, là tư tưởng chỉ đạo hành động, rèn luyện ý chí, nghị lực cho các thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thanh niên đã có bài hát Thanh Niên Làm Theo Lời Bác – Đoàn ca – dẫn bốn câu thơ của Bác để khích lệ thanh niên.

Nội hàm bốn câu thơ của Bác có giá trị cả về lý luận và thực tiễn rất cao, lan tỏa vào tinh thần, ý thức của tất cả người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong một số sự kiện, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dẫn bốn câu thơ của Bác để chỉ đạo, điều hành, động viên cán bộ, nhân dân trong công việc. Ngày 10 tháng 01 năm 2021, tại lễ phát động khởi công công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng[iii], Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã dẫn nguyên bốn câu thơ của Bác để nêu rõ tinh thần chỉ đạo, thực hiện quyết tâm, khắc phục khó khăn để sớm hoàn thành công trình quan trọng này của đất nước.

Bốn câu thơ của Bác tặng TNXP đến nay đã 70 năm, nhưng vẫn mới, thể hiện đầy đủ cả về lý luận và thực tiễn, có tính khái quát và khoa học cao các thời kỳ lịch sử, là phương châm, ý chí hành động không chỉ cho TNXP và thế hệ trẻ mà có sức sống trường tồn, lan tỏa cho cả toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và vệ Tổ quốc Việt Nam./.

            Nguyễn Cao Vãng

 


[i] Theo Quyết định số 460-QĐ/BT ngày 18/3/1996 của Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích lịch sử Nà Tu- nơi Bác Hồ tặng thăm, tặng 4 câu thơ đơn vị TNXP 312.

[ii] Theo sách Truyền thống TNXP tỉnh Bắc Kạn (1950 – 2020)

[iii] Dự án có tổng công suất đặt 480 MW, bao gồm hai tổ máy, mỗi tổ công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hằng năm khoảng 488,3 triệu kW giờ/năm.