KIỆN TOÀN SỚM LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC ĐỂ TRÁNH KHOẢNG TRỐNG QUYỀN LỰC

Đăng lúc: 10-03-2021 2:09 Chiều - Đã xem: 118 lượt xem In bài viết

“Trao đổi với Zing về chủ trương sớm kiện toàn lãnh đạo Nhà nước ở kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, ông Vũ Trọng Kim nhiều lần nhấn mạnh đây là việc làm phù hợp và cần thiết.

Chủ trương này được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao sau khi bàn thảo tại Hội nghị lần thứ 2 vừa kết thúc. Trung ương cũng đồng thời bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội với số phiếu tập trung cao.

“Kiện toàn bây giờ là phù hợp”

– Quan sát từ Đại hội Đảng XIII và qua hai hội nghị Trung ương của khóa XIII có thể thấy những nhân sự cấp cao được giới thiệu và bầu đều có số phiếu tập trung cao. Theo ông, kết quả này cho thấy điều gì?

– Công tác nhân sự nhiệm kỳ này được chuẩn bị, triển khai rất bài bản, chặt chẽ, dựa theo những nguyên tắc, cơ sở được Trung ương đề ra. Trong đó, phương hướng công tác nhân sự nêu rõ tiêu chí, tiêu chuẩn để lựa chọn nhân sự vào từng vị trí.

Ngoài quy trình làm nhân sự đầy đủ các bước và chặt chẽ, việc này còn thể hiện tính dân chủ cao.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim khẳng định việc kiện toàn sớm các chức danh lãnh đạo Nhà nước là phù hợp và cần thiết. Ảnh: N. Thắng.

Đặc biệt, công tác nhân sự lần này nhận được sự ủng hộ của dư luận, nhân dân nên kể cả bầu ở Đại hội hay đưa ra các hội nghị Trung ương, các nhân sự cho vị trí lãnh đạo cụ thể đều có số phiếu tập trung cao.

– Theo thông lệ trước đây, việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước thường được thực hiện vào tháng 7 – tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên của khóa mới. Từ khóa XII, việc này được triển khai sớm từ tháng 3. Kiện toàn sớm như vậy có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

– Cũng có nhiều ý kiến thắc mắc “tại sao không chờ đến tháng 7 để kiện toàn lãnh đạo Nhà nước mà phải làm ngay” song, tôi cho rằng xét về thời gian kiện toàn, bây giờ làm là phù hợp nhất và chúng ta có cơ sở cho khẳng định này.

Trước hết, về thẩm quyền, Quốc hội khóa nào cũng có quyền lực trong việc bầu hay phê chuẩn nhân sự lãnh đạo Nhà nước. Vì thế, Quốc hội hiện tại đủ quyền hạn làm nhiệm vụ này, không nhất thiết chờ khóa mới.

Thứ hai, Hiến pháp quy định Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Khi Đại hội xong, nhân sự lãnh đạo của Đảng có sự thay đổi nên phải cử cán bộ đảm nhiệm các vị trí trong hệ thống chính trị để đảm bảo sự lãnh đạo liên thông, liên tục.

Do có sự thay đổi các cá nhân phụ trách nên cần sớm kiện toàn để đảm bảo thực quyền của Đảng đối với Nhà nước.

Thứ ba, chúng ta có 3 nhánh quyền lực là lập pháp, hành pháp, tư pháp. Sau khi thay đổi bộ máy của Đảng thì người đứng đầu nhánh quyền lực nào cũng phải được phân công nhiệm vụ mới. Khi Đảng đã bầu ra người thuộc cơ quan lãnh đạo thì họ phải được trao quyền mới cầm quyền được.

Việc này cần sớm tiến hành để đảm bảo sự liên tục trong thực hiện quyền lực và kiểm soát quyền lực. Kiện toàn sớm các chức danh giúp sự lãnh đạo không bị gián đoạn, không bỏ trống quyền lực.

Thực tế có trường hợp trong cơ chế lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước chưa thực sự ăn khớp. Kiện toàn sớm là làm cho bộ máy ăn khớp và đồng bộ hơn, đưa bộ máy trở về vận hành đúng chức năng, nhiệm vụ theo chu kỳ mới.

Được bầu trong tháng 3 nhưng chưa chắc “chắc ghế”

– Một số ý kiến băn khoăn về tính cần thiết của quy trình với nhân sự lãnh đạo Nhà nước lặp lại ở kỳ họp Quốc hội đầu tiên của khóa mới (giữa năm 2021). Ông nghĩ sao?

– Có những vị trí yêu cầu người được bầu phải là đại biểu Quốc hội, ví dụ lãnh đạo Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội. Vì vậy, một số chức danh dự kiến trong tháng 7 sẽ được bầu lại. Nếu ai không được cử tri, nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội thì đồng nghĩa với việc họ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ vị trí lãnh đạo.

Hội nghị Trung ương 2 đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội với số phiếu tập trung cao. Ảnh: Đoàn Bắc.

Bởi vậy, từ nay đến khi có Quốc hội mới được xác định là giai đoạn chuyển tiếp, quá độ. Các vị trí chủ chốt phải đảm bảo sự tín nhiệm của nhân dân khi bầu cử khóa mới. Như vậy có nghĩa một số chức danh lãnh đạo được bầu lần này nhưng chưa chắc anh đã “chắc ghế”, tới đây nếu không được bầu làm đại biểu Quốc hội thì anh không thể giữ vị trí lãnh đạo nữa.

Nhưng phải tái khẳng định chúng ta cần kiện toàn sớm vào cuối tháng 3 vì không thể bỏ trống sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và cả xã hội.

Thực tế hiện nay một số vị trí lãnh đạo cấp cao không tái cử, không tham gia các cuộc họp của Trung ương, Bộ Chính trị nên rất khó nắm bắt đường lối, chủ trương, nghị quyết để thực hiện vai trò lãnh đạo. Vì thế, phải phân công nhân sự vào từng vị trí và không được bỏ trống quyền lực, bởi khi ấy quyền lực sẽ không được thực thi hiệu quả.

Thời kỳ quá độ và chuyển tiếp không thể kéo dài vì Đảng phải đảm bảo thực quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Áp lực sẽ làm bật phẩm chất của lãnh đạo khóa mới

– Tại Quốc hội khóa XIV, 4 chức danh khi nhậm chức phải tuyên thệ trước Quốc hội là Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án TAND Tối cao. Theo ông, việc tuyên thệ có ý nghĩa như thế nào?

– Tuyên thệ trước Quốc hội là việc hết sức cần thiết. Lời tuyên thệ là cam kết, là lời hứa trước cử tri và cả dân tộc.

Về cá nhân, lời tuyên thệ giúp họ phấn đấu quên mình, đặt lợi ích đất nước lên trên hết, giữ gìn phẩm chất, đạo đức trong suốt quá trình đảm nhiệm chức vụ. Với việc tuyên thệ “dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc” giống như cam kết, bảo đảm sứ mệnh chính trị của người lãnh đạo sẽ được thực hiện trọn vẹn.

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, kiện toàn sớm các chức danh giúp sự lãnh đạo không bị gián đoạn, không bỏ trống quyền lực. Ảnh: Đoàn Bắc.

– Là đại biểu, ông kỳ vọng gì vào đội ngũ lãnh đạo mới sẽ được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội ở kỳ họp tới đây?

– Nhiệm kỳ Quốc hội kéo dài 5 năm và không có quan niệm kỳ họp đầu hay cuối, các kỳ họp đều có giá trị như nhau.

Kỳ họp cuối tháng 3 này rất quan trọng vì Quốc hội sẽ xem xét bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước. Cũng vì vậy, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội là rất lớn, không thể để xảy ra tình trạng “chợ chiều”.

Là một đại biểu, tôi kỳ vọng rất lớn vào mục tiêu của Đại hội Đảng và khát vọng của nhân dân, là đến 2045, nước ta phải trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đó là khát khao cháy bỏng từ thời Bác Hồ đặt nền móng đến nay. Sứ mệnh này được đặt lên vai của những lãnh đạo khóa mới. Họ phải bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ với tinh thần đổi mới, sáng tạo để thực hiện khát vọng.

Chưa bao giờ chúng ta có những tiền đề và cơ hội như hiện nay nên những lãnh đạo mới của đất nước không thể để bỏ lỡ cơ hội này. Trách nhiệm và áp lực vì thế dồn lên vai họ nhiều hơn, không được bỏ lỡ cơ hội, phải nắm bắt và phát huy thế mạnh của đất nước, vươn tới mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta thành nước phát triển.

Quốc hội vừa đặt niềm tin nhưng cũng vừa giao trách nhiệm cho những lãnh đạo khóa mới. Nhưng áp lực, nhiệm vụ nặng nề đó sẽ làm bật lên tư cách, phẩm chất đạo đức của người lãnh đạo trong giai đoạn mới và điều này chắc chắn sẽ được ghi nhận.

– Xin cảm ơn ông!

Hoài Thu thực hiện (theo zingnews.vn)