Liên phân đội 312 xứng đáng là đơn vị TNXP được đón nhận thơ Bác Hồ

Đăng lúc: 03-04-2021 8:00 Chiều - Đã xem: 238 lượt xem In bài viết

Bước sang năm 1951, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta chuyển sang giai đoạn mới, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, là một trong những hậu phương lớn của tiền tuyến, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh phong trào vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong đó, tại Vĩnh Phúc đã xuất hiện phong trào thanh niên tình nguyên gia nhập TNXP diễn ra sôi nổi trên khắp địa bàn tỉnh. Đơn vị 312 là đơn vị TNXP đầu tiên của tỉnh được thành lập với hơn 200 thanh niên ở các xã Văn Quán, Đồng Thịnh, Đình Chu, Tứ Yên, Đồng Ích… của huyện Lập Thạch và một số xã trong vùng địch tạm chiếm Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương. Những thanh niên này đã làm đơn tình nguyện đi TNXP, hành trang mang theo là lòng yêu nước nồng nàn và ý chí căm thù giặc sâu sắc.

Liên phân đội 312 TNXP T.Ư chống Pháp quê Vĩnh Phúc (ảnh tư liệu)

Tập trung tại trại chuối Sơn Kịch (nay là xã Quang Sơn huyện Lập Thạch), đội ngũ chỉnh tề hành quân đi bộ vượt đèo lội suối trong đêm tối xa hàng trăm cây số, Đơn vị 312 nhận nhiệm vụ bảo vệ và làm cây cầu trọng điểm luôn bị máy bay địch bắn phá ác liệt thuộc địa phận Nà Tu, Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn (nay gọi là Nà Cù), nằm trên Quốc lộ 3, cách thị xã Bắc Kạn 8 km.

Chiều ngày 28/3/1951, Đơn vị 312 được cấp trên phổ biến tối sẽ có phái đoàn Chính phủ đến thăm. Mọi người trong đơn vị rất hồi hộp vì chưa được gặp lãnh đạo Chính phủ bao giờ và cũng chưa ai nghĩ TNXP 312 lại được Chính phủ đến động viên. Sau bữa cơm chiều, trừ những đồng chí đi công tác xa, còn lại đơn vị gần 150 người được lệnh tập trung ngồi vòng quanh bên đống lửa trại. Khoảng 8 giờ tối thì có tiếng còi ô tô từ xa vọng tới, ánh đèn ngày càng gần. Rồi có đoàn người xuất hiện, trong đó có một cụ già dáng đi nhanh nhẹn, khỏe mạnh mặc bộ quần áo ka ki, cuốn khăn quanh cổ, tay cầm chiếc mũ cát. Không khí náo động, không ai bảo ai, mọi người đứng cả dậy, reo to “Bác Hồ, Bác Hồ”. Bác giơ tay chào và ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Rồi Bác hỏi đồng chí Ngô Kế là Liên phân đội trưởng đơn vị 312 “Chú Kế, đây là thanh niên xung phong tỉnh nào”. Đồng chí Kế nói “Dạ thưa Bác, chúng cháu là TNXP Vĩnh Phúc”.

Bác thăm hỏi sức khỏe mọi người. Rồi, Bác hỏi “Có ai nhớ nhà không? Đời sống, sinh hoạt, học tập của thanh niên xung phong ra sao?”. Bác hỏi tiếp: “Các cháu từ Vĩnh Phúc lên đây mất mấy ngày?”. Mọi người nói: Thưa Bác, chúng cháu đi mất 6 ngày ạ!. Bác cười vui “Các cháu đi chậm quá”. Còn Bác, đêm có khi Bác đi được 40 km. Bác căn dặn đã là TNXP thì bất kỳ việc gì trên giao dù dễ hay khó, to hay nhỏ, ở lĩnh vực nào đều phải xung phong. Trong lúc nói chuyện, Bác hỏi: “Các cháu có thấy người ta đào núi không?. Thưa Bác có ạ, TNXP chúng cháu đang đào được núi ạ?”. “Có thấy ai lấp được biển không?”. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, vì chưa bao giờ được ra biển. Bác kể chuyện nhân dân Hải Phòng lấp biển để lấy đất trồng trọt…

Cuối cùng Bác nói: “Bây giờ Bác tặng các cháu 4 câu thơ

Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền,

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên”.

Bác đọc đi, đọc lại 2 lần cho mọi người nhớ. Sau đó, Bác bắt nhịp cho mọi người cùng hát bài “Kết đoàn”.

Từ đó, hàng ngày trước khi lên đường làm nhiệm vụ, các đơn vị đều đội ngũ chỉnh tề, đứng dưới cờ Tổ quốc đọc 4 câu thơ của Bác dạy. Đó là niềm vinh dự và tự hào của TNXP Vĩnh Phúc.

Ngoài nhiệm vụ làm cầu Nà Cù, Đơn vị 312 còn đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác như: Đục đá, phá mìn, làm hang chứa vũ khí, cáng thương binh về hậu cứ, vận chuyển vũ khí… trải qua những năm tháng vô cùng khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật. Đó là bệnh sốt rét, ốm đau triền miên, mỗi tháng mỗi người được cấp 12 kg gạo hẩm, mốc; thức ăn hàng ngày là măng rừng, rau tàu bay, rau rớn. Thức ăn phải chia vào ống tre nứa chẻ đôi, cơm chia vào rá tự đan vì không có bát đĩa. Ở trong rừng sâu, chân núi, bờ suối, nằm trên những chiếc giường ghép bằng cành cây, phên nứa, đệm cỏ tranh, chăn màn quần áo không đủ… Bên cạnh đó là sự đánh phá ác liệt của máy bay địch, gây ra nhiều khó khăn và thương vong cho đơn vị. Nhiều TNXP đã hy sinh nơi rừng thiêng nước độc hoặc mang những căn bệnh sau khi trở về địa phương như các đồng chí Vũ Văn Thán, Nguyễn Văn Đang ở xã Văn Quán, huyện Lập Thạch…

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh giải thể Đoàn “XP”, chuyển sang làm nhiệm vụ khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. TNXP Đơn vị 312 tiếp tục tham gia xây dựng nhiều công trình lớn của đất nước: Khu gang thép Thái Nguyên, khu công nghiệp Việt Trì, nhà máy chè Phú Thọ, đường sắt Hà Nội-Lào Cai…

Với tinh thần và quyết tâm của tuổi trẻ, của những con người khi ra đi đã mang nặng lời thề với quê hương: Không hoàn thành nhiệm vụ không trở về” là nguồn sức mạnh, cổ vũ, động viên các TNXP Vĩnh Phúc vượt lên trên mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Trong gian khổ, hy sinh đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng như Vũ Viết Thân, người ở xã Phương Khoan huyện Sông Lô dũng cảm lao theo dòng nước lũ, bám giữ cây cầu Na Cù, thường xuyên vác 70 kg đạn, được bầu là chiến sỹ thi đua số 1 của Đội TNXP Công tác Trung ương, được đi dự và tuyên dương tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1952, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Cùng với đó là nhiều thanh niên xung phong khác bầu là chiến sĩ thi đua các cấp, được tặng thưởng Huân, Huy chương.

Trong chiến tranh là vậy, trở về cuộc sống đời thường với ý chí, nghị lực được tôi luyện, các TNXP Đơn vị 312 tiếp tục hăng hái học tập, nghiên cứu tích lũy kiến thức phục vụ tại nhiều cơ quan, các ngành ở Trung ương và địa phương. Nhiều TNXP Đơn vị 312 đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt: Lê Xuân Quát, xã Cao Đại, Vĩnh Tường là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Cục đường sắt; Trần Thị Quê, Chủ tịch huyện Lập Thạch… Nhiều chiến sỹ TNXP khác là sỹ quan quân đội, công an, cán bộ chủ chốt các địa phương. Trong đó tiêu biểu là TNXP Nguyễn Nho ở xã Đồng Thịnh, Sông Lô đã nuôi dạy con cháu đỗ đạt cao, con trai đầu là Trung tướng GS-TS Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân.

Ông Nguyễn Nho (cầm micro) tại lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ tặng thơ TNXP ngày 25/3/2021 tại tại Khu di tích lịch sử TNXP Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn

Ảnh Đồng Sỹ Tiến 

Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, nhưng TNXP Đơn vị 312 vẫn luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, là những tấm gương điển hình cho các thế hệ thanh niên Vĩnh Phúc phấn đấu, học tập noi theo.

Theo lời kể của đ/c Đặng Hữu Bao – TNXP đơn vị 312, và sách “Lịch sử truyền thống Thanh niên xung phong Vĩnh Phúc (1950-2015

Minh Ngọc – VP Tỉnh hội VP