Chiều ngày 16/8/1945, một đơn vị giải phóng quân, cùng với Đại biểu về dự Quốc dân đại hội đều có mặt dưới gốc cây đa cổ thụ, cạnh ngôi nhà Hội đồng cứu quốc xã Tân Trà để tiễn đưa bộ đội lên đường chiến đấu và nghe đọc bản “Quân lệnh số 1” của Ủy ban khởi nghĩa
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với đồng bào Tuyên Quang dưới gốc đa Tân Trào (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam)
Bản quân lệnh có đoạn:
“Hỡi quân dân toàn quốc!
12 giờ trưa ngày 13/8/1945, phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật tan rã trên khắp các mặt trận. Kẻ thù của chúng ta bị ngã gục.
Giờ tổng khởi nghĩa đã đến!
Hỡi các tướng sĩ và đội viên quân giải phóng Việt Nam!
Hỡi nhân dân toàn quốc!
Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo quân giải phóng, xung vào bộ đội, xông ra mặt trận, đánh đuổi quân thù…
Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định về ta!…”
Đoàn quân giải phóng, áo vải chân đất, rầm rập tiến về phía Nam, trước những bàn tay vẫy chào chúc mừng thắng lợi.
Tại Tân Trào, Bác ra mắt các đại biểu đồng bào Trung – Nam – Bắc. Quốc dân đại hội lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng toàn quốc, chuẩn bị khi cần có thể trở thành Chính phủ Lâm thời.
Vậy là chỉ ngay ngày hôm sau 17/8, Giải phóng quân từ Tân Trào đã tiến về Thái Nguyên, đô thị đầu tiên nằm trên đường tiến quân về Hà Nội. Thái Nguyên là một vị trí có ý nghĩa chiến lược, nằm ở phía nam Việt Bắc, giữa triền núi Tam Đảo – Đình Cả – Yên Thế, một bàn đạp để tiến về đồng bằng Bắc Bộ. Cũng ngày hôm ấy, các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân về Thái Nguyên bàn với đồng chí Võ Nguyên Giáp: Phải về ngay Hà Nội để cùng với các đồng chí ở Hà Nội chuẩn bị đón Chính phủ Lâm thời.
Đêm ấy, từ ngoại ô Thành phố Thái Nguyên ra đi, qua các cánh đồng bát ngát hướng về Hà Nội, trời sáng, nhìn lại núi rừng Việt Bắc hùng vĩ, đã khuất sau màn sương, nơi ấy, đồng bào các dân tộc đã che chở đùm bọc cho chúng tôi còn hơn cả tình nghĩa ruột rà. Suốt dọc các làng mạc, phố xá ven đường đi đâu đâu cũng rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Lá cờ đỏ chói như ngọn lửa niềm tin của những người chiến sĩ cách mạng, báo tin cách mạng thành công.
Cầu sông Cái đây rồi, nước sông Hồng lên rất to, nhân dân vừa thoát ách đau thương của gần một trăm năm bị đô hộ. Tất cả nô nức đón chào ngày giải phóng, vui sướng trào lên trong người chúng tôi, mừng muốn ứa nước mắt.
Về tới Hà Nội, trong mấy ngày đầu, chúng tôi ở lại một căn nhà phố Hàng Đào. Lúc này chúng tôi nhận được tin Bác từ Tân Trào đã về đến Phú Gia, cách Hà Nội trên 30km. Đồng chí Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh được cử đi đón Bác. Xe nhanh chóng ra khỏi thành phố, rặng ổi ven đê quen thuộc. Những làng mạc quanh Hồ Tây đều phấp phới cờ đỏ. Cả thủ đô Hà Nội như náo nức chờ đón Bác về. Xe chúng tôi đến Phú Gia thì được tin Bác đã về làng Gạ. Chúng tôi tới làng Gạ, thấy Bác ở một ngôi nhà gạch cũ nhưng sạc sẽ. Chúng tôi bước vào, nhìn thấy ngay, Bác đang ngồi nói chuyện với cụ chủ nhà; khiến tôi nghĩ tới: mới hôm nào ở Việt Bắc, Bác còn là một ông Ké Nùng. Bữa nay, Bác đã trở thành một ông cụ nông dân miền xuôi, rất thoải mái, tự nhiên trong bộ quần áo nâu, với vầng trán rộng, bộ râu đen và đôi mắt ngời sáng, luôn luôn tỏa ra một sức mạnh tinh thần đến kì lạ. Cụ chủ nhà thấy chúng tôi tới, giữ ý, mời thế nào cũng không ngồi lại. Cụ nói vài câu chào hỏi, rồi lánh đi chỗ khác. Bác tươi cười nhìn chúng tôi nói:
– Trông các chú bữa nay ra đang người tỉnh thành rồi!
Chúng tôi sôi nổi báo cáo với Bác về tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh. Bác ngồi lắng nghe, vẻ mặt điềm đạm. Tính Bác như vậy, khi vui khi buồn đều rất bình thản.
Chúng tôi thưa với Bác: ý Thường vụ muốn tổ chức sớm lễ ra mắt Chính phủ Lâm thời và theo quyết định của Hội nghị Toàn quốc họp ở Tân Trào. Ủy ban dân tộc giải phóng bầu Bác làm Chủ tịch, sẽ trở thành Chính phủ Lâm thời.
Với nét mặt vui vui, Bác nói như hỏi lại chúng tôi: – Bác làm Chủ tịch à?
Thực ra, đây là một thời kỳ rất vẻ vang, nhưng cũng cực kì hiểm nghèo của dân tộc ta. Bác đã nhận ra sứ mệnh khó khăn: lái con thuyền Cách mạng Việt Nam vừa mới hình thành, phải vượt qua những ghềnh thác nguy hiểm. Bác đã đón nhận nhiệm vụ đó trước lịch sử. Bác nói với chúng tôi:
Lê-nin đã dạy: “Giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền lại càng khó hơn!”. Bác giải thích thêm: Tại Hội nghị Potxđam vào cuối tháng Bảy: Đồng Minh đã quyết định chia Đông Dương thành hai khu vực để tiến vào tước vũ khí quân đội Nhật, khi Nhật đầu hàng. Việc giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào, do quân Anh phụ trách. Từ vĩ tuyến 16 trở ra do quân đội Tưởng Giới Thạch chịu trách nhiệm. Đương nhiên, công việc hệ trọng đó, dân ta không được hỏi ý kiến. Đây quả nhiên là một khó khăn, một thách thức lớn đối với chúng ta. Bác còn nói: – Bọn Tưởng chưa tới, đã thấy xuất hiện một số võ quan Pháp tại Hà Nội, khi còn ở chiến khu, chúng ta đã nghe tin: Đờ Gôn đưa ra một bản tuyên bố về quy chế mới cho chế độ chính trị của Pháp tại Đông Dương. Theo bản tuyên bố này, Đông Dương sẽ trở thành một liên bang gồm 5 nước khác nhau (ngoài Lào và Campuchia), chúng chia Việt Nam làm 3 nước: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Các nước này sẽ được hưởng một chế độ gọi là: “Chế độ tự trị bên trong”. Đứng đầu liên bang là một quan toàn quyền đại diện cho nước Pháp. Qua đó, chính sách thực dân của đế quốc Pháp đối với ta vẫn không thay đổi. Chính phủ Pháp đã ra lệnh cho đạo quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, phải lên đường gấp sang Đông Dương. Lơ-cơ-Léc, một viên tướng có tên tuổi được chỉ định làm tổng chỉ huy. Đác-Giăng-Li-ơ – thủy sư đô đốc, một thân cận của Đờ Gôn được cử làm Cao ủy. Những chiếc tàu chiến còn lại của Pháp sau đại chiến thứ hai, lại hướng mũi về Đông Dương.
Bác kết luận: Từ đầu bên kia trái đất, những nòng súng đã chĩa về phía cách mạng, chúng ta phải làm thế nào đó để quân Tưởng vào nước ta càng chậm càng tốt và Bác đồng ý đề xuất của Thường vụ là: phải làm lễ ra mắt Chính phủ Lâm thời và tổ chức lễ mít tinh mừng độc lập và đọc bản – “Tuyên ngôn độc lập” trước nhân dân ta và thế giới, càng sớm càng tốt.
Bác dừng lại một giây lát, rồi Bác nói tiếp:
“Bác vừa nhận được tin: Sau khi Nhật đầu hàng, Hà Ứng Khâm – tham mưu trưởng quân đội Quốc dân Đảng Trung Hoa, một tên chống cộng khét tiếng. Hắn thúc Lư Hán điều quân vào miền Bắc Việt Nam cho thật nhanh, với kế hoạch: “Hoa quân nhập Việt”. Bọn chúng lại sắp sẵn những con bài, gồm những tên tay sai người Việt ở Trung Hoa như: Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam… Chúng thuộc hai tổ chức: Việt Nam cách mạng đồng minh hội và Việt Nam Quốc dân Đảng. Chúng sống từ lâu ở nước ngoài, không có liên hệ gì với trong nước. Chúng tự nhận là người Việt Nam yêu nước theo chủ nghĩa quốc gia, nhưng thực ra là một bọn phản động mưu toan dựa vào mũi súng của bọn Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch để kiếm sống. Bác còn biết: Chúng đi vào Việt Nam bằng hai con đường nên bọn này cũng chia làm hai bộ phận đi theo.
Phía Vân Nam, quân đoàn 93 thuộc đệ nhất phương diện quân của Lư Hán sẽ đi dọc sông Hồng đến Hà Nội. Phía Quảng Tây, quân đoàn 62 thuộc lực lượng trung ương Quốc dân Đảng do tướng Tiêu Văn chỉ huy đi từ Cao Bằng, Lạng Sơn xuống Hà Nội: Hai quân đoàn khác – quân đoàn 52 và 60 sẽ chia nhau vào Hải Phòng, Vinh và Đà Nẵng. Tổng số quân vào khoảng 18 vạn tên…”
Trên đây là những việc phải đòi hỏi sự kiên nhẫn, sự khôn khéo, bền bỉ và lâu dài, Bác nêu ra để các đồng chí trong Thường vụ suy nghĩ và trao đổi với Bác. Nhưng trước mắt phải làm ngay 6 điểm mà Bác đã nêu ra trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, trong đó, việc đẩy mạng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ hàng đầu, tiếp sau đó chúng ta phải chuẩn bị tốt cho lễ ra mắt Chính phủ Lâm thời và mít tinh chào mừng độc lập và đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” để danh chính ngôn thuận trong cả nước và thế giới việc ra đời của nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa” của chúng ta.
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập
Sau khi ở làng Gạ, chúng tôi đón Bác về phố Hàng Ngang. Anh chị chủ nhà đã dành cho chúng tôi tầng gác 2. Bác được mời lên tầng 3 làm việc cho tĩnh, nhưng Bác không thích ở một mình mà thích ở cùng với chúng tôi. Tầng gác này vốn là phòng ăn và tiếp khách nên không có bàn viết. Bác ngồi viết ở một chiếc bàn ăn rộng thênh thang, chiếc máy chữ của Bác được đặt trên cái bàn vuông nhỏ, mặt bọc nỉ xanh, kê ở gác buồng. Hết giờ làm việc, mỗi người kiếm một chỗ nghỉ luôn tại đó. Người nằm, người ngủ trên những chiếc ghế ghép lại. Bác nằm nghỉ trên một chiếc ghế xếp bằng vải, trước kia vẫn dựng ở gác buồng.
Ở đây, Bác chủ tọa phiên họp đầu tiên của Thường vụ, ngày 28/8 danh sách Chính phủ Lâm thời được công bố trên các báo chí Hà Nội. Thành phần của Chính phủ đã nói lên chủ trương đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân của Mặt trận Việt Minh trong công cuộc xây dựng đất nước.
Trong căn phòng nhỏ thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm, nằm giữa một trong 36 phố phường Hà Nội. Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu, lần nào cụ cũng nói – không có gì cần phải giúp. Họ không biết là mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử.
Một buổi sáng, Bác và anh Nhân (tức Trường Chinh) gọi anh em chúng tôi tới. Bác bảo: Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, Bác mang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người.
Giờ phút này, Người đang thay mặt cho cả dân tộc, hái quả của 80 năm đấu tranh. Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người.
Theo sovhttdl.thaibinh.gov.vn